Các mô hình, dự án khuyến nông: Đòn bẩy để tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình, dự án khuyến nông góp phần chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, các mô hình, dự án đã trở thành đòn bẩy để tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đa dạng mô hình, dự án
Theo ông Hoàng Thi Thơ-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Giai đoạn 2020-2022, từ các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, Trung tâm đã triển khai các dự án khuyến nông như: sản xuất giống gia cầm tại huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku; nuôi cá lồng bè trên sông, hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Ia Grai, Chư Păh và Đak Đoa; sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá mì do vi rút gây hại tại huyện Ia Pa, Krông Pa và Phú Thiện; trồng cây ăn quả xen trong vườn cà phê tại huyện Chư Prông, Ia Grai và Chư Păh.
Xây dựng và phát triển mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững tại huyện Đak Đoa; trồng mía giống mới, áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh, liên kết với nhà máy tiêu thụ nguyên liệu tại huyện Kbang; liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp tại huyện Chư Prông; trồng rừng thâm canh bời lời đỏ năng suất cao; quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chanh dây gắn với tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi heo bản địa sinh sản, thương phẩm an toàn sinh học dưới hệ thống điện mặt trời tại huyện Ia Grai; sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại huyện Chư Prông… Tổng kinh phí thực hiện các dự án là hơn 10,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng. Các mô hình, dự án khuyến nông đã giúp bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, chương trình khuyến nông địa phương triển khai thực hiện các mô hình như: sản xuất lúa chất lượng cao; sản xuất giống mì sạch bệnh; trồng bắp sinh khối; trồng rau đạt chứng nhận VietGAP; trồng cây ăn quả; cánh đồng lúa một giống; hỗ trợ bò cái lai nhằm cải tạo đàn bò địa phương; nuôi heo đen bản địa; nuôi dê và hươu sao; trồng các loại cây dược liệu có thế mạnh là bạc hà, sâm đương quy… với tổng kinh phí khoảng 19,52 tỷ đồng.
Anh Đinh Jiao (làng Jun, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) cho biết: “Vụ mùa 2022, gia đình tôi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ giống lúa BĐR79. Với 2 sào lúa nước, tôi thu hoạch được hơn 1,2 tấn, cao gấp đôi so với giống lúa trước đây. Giống lúa mới này cây mọc khỏe, ít sâu bệnh, chất lượng gạo tốt”.
Mô hình trồng bắp sinh khối ở huyện Ia Pa cho thu nhập cao. Ảnh: Lê Nam
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình cánh đồng lúa một giống. Ảnh: Lê Nam
Còn ông Siu Lẽo-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Broch (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) thì cho hay: “Vụ mùa 2022, gia đình tôi được huyện hỗ trợ giống lúa ĐT100. Trước kia, cũng diện tích này chỉ thu hoạch được khoảng 1,6 tấn lúa nhưng trồng giống mới thì thu được hơn 2,5 tấn lúa. Ngoài ra, giống ĐT100 cho gạo mềm, cơm ăn rất ngon, thơm.
Bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ-thông tin: 3 năm qua, Trung tâm đã triển khai một số mô hình khuyến nông như: hỗ trợ giống lúa mới An Sinh 1399, BĐR57, BĐR79 từ nguồn vốn thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển giống heo đen tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình này đã giúp cho người dân có thêm bộ giống cây trồng, vật nuôi mới; đồng thời, thay đổi phương thức canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất, nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án khác cũng được triển khai trên địa bàn tỉnh như: Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), kinh phí thực hiện hơn 795 triệu đồng; Dự án ong mật đã cấp phát 5.400 cầu ong giống, kinh phí hỗ trợ 390,1 triệu đồng; Chương trình hỗ trợ chăn nuôi nông hộ cấp phát Nitơ lỏng và 4.350 liều tinh đông lạnh bò; Dự án tưới tiết kiệm nước do tổ chức iDE tài trợ với kinh phí 1,1 tỷ đồng…
Kết nối, nâng cao hiệu quả khuyến nông
Ngày 11-11 vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo “Kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông” trên địa bàn tỉnh. Tại hội thảo, đại diện các viện nghiên cứu, doanh nghiệp đã giới thiệu các loại giống mới, sản phẩm, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững. Đồng thời, giới thiệu công nghệ phun thuốc bằng máy bay không người lái, ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm vào sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp cũng sẵn sàng phối hợp với địa phương để liên kết với người dân triển khai các mô hình khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Ông Cao Văn Quang-Giám đốc Công ty cổ phần Tiến nông Gia Lai-chia sẻ: Phân bón giúp bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt mà đất không đáp ứng đủ cho nhu cầu của cây trồng. Việc sử dụng phân bón đúng và đủ sẽ giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt hơn, cho hiệu quả kinh tế cao hơn thông qua việc gia tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Trong khi đó, các địa phương cũng mong muốn doanh nghiệp đảm bảo chất lượng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp và tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đồng thời, các doanh nghiệp cần trực tiếp tham gia cùng địa phương thực hiện, nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả. Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho hay: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là về đầu ra sản phẩm. Do đó, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp có tâm, có tầm tham gia cùng với người dân và địa phương triển khai các mô hình khuyến nông. Ngoài ra, cần xã hội hóa hoạt động khuyến nông góp phần vừa đào tạo nguồn nhân lực, vừa tiếp cận, giới thiệu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn cái mới để đưa vào thực tiễn sản xuất.
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình cánh đồng lúa một giống. Ảnh: Lê Nam
Mô hình trồng bắp sinh khối ở huyện Ia Pa cho thu nhập cao. Ảnh: Lê Nam
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có cho biết: Hoạt động khuyến nông đóng góp không nhỏ vào tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thông qua các mô hình khuyến nông đã giúp nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp cho ngành duy trì tốc độ tăng trưởng và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Ngoài ra, công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ góp phần ngăn chặn vật tư nông nghiệp giả, nhái, kém chất lượng đưa vào sản xuất. Ngành Nông nghiệp đã chứng nhận được các cây đầu dòng để tạo ra giống cây trồng tốt cho người dân sản xuất.
“Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản xuất các sản phẩm chủ lực có chất lượng cao, hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp kinh tế đa giá trị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường, sản xuất giảm chi phí, thích ứng với biến đổi khí hậu”-ông Có thông tin thêm.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.