Dự thảo Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo vừa được Chính phủ trình Quốc hội đề xuất quy định xe ôtô không được dừng quá 5 phút.
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được Bộ Công an hoàn tất. Theo đó, những quy định về dừng, đỗ xe tại dự thảo Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo vừa được Chính phủ trình Quốc hội không có nhiều điểm khác biệt so với Luật Giao thông đường bộ 2008. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý tại dự thảo này là việc Bộ Công an đề xuất quy định xe ôtô không được dừng quá 5 phút.
Bộ Công an đề xuất không dừng xe quá 5 phút |
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 18 về dừng đỗ xe có quy định dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện xuống để mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe. Khoản 2 Điều này cũng quy định đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải dừng xe.
Tại Khoản 3 quy định người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết khi vào vị trí dừng, đỗ xe. Khi đỗ xe chỉ được rời khỏi xe khi đã kéo phanh tay hoặc thực hiện các biện pháp an toàn.
Trường hợp phương tiện gặp sự cố kỹ thuật hoặc buộc phải đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm phía sau xe và có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp. Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh và đánh lái về phía lề đường.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe bên trái đường 1 chiều; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi có tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; trên vạch kẻ đường, phần đường dành cho người đi bộ qua đường...
Đánh giá về đề xuất này, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng đây cũng là một đề xuất phù hợp. Mục đích quy định về thời gian như vậy là để tránh các hiện tượng kẹt xe trong TP.
Tuy nhiên, để đi vào thực tế các chuyên gia giao thông cũng cho rằng việc quản lý theo phương thức này phải sử dụng công nghệ, thông tin, camera giám sát để tránh gây tranh cãi. Bởi tính thời gian theo cảm tính sẽ rất khó căn cứ khiến tài xế không phục...
Theo NGUYỄN HƯỞNG (NLĐO)