Biết ơn nguồn cội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việt Nam có nhiều dân tộc, dòng họ nhưng đều cùng một “bọc trăm trứng” mà ra, cùng là “con Lạc cháu Hồng”, giàu truyền thống văn hóa tốt đẹp và bề dày lịch sử. Điều đó tạo nên trong mỗi con người Việt Nam niềm tự tôn dân tộc, tình cảm gắn bó với quê hương, xứ sở.

Ra đời rồi truyền lại hàng ngàn đời dưới hình thức dễ nhớ, dễ thuộc, câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba” thú vị ở chỗ chứa đựng thông tin hết sức cụ thể, đầy đủ, thể hiện một cách tự nhiên trách nhiệm và sự biết ơn nguồn cội con người Việt Nam trước một ngày trọng đại: ngày Giỗ Vua Hùng.

1. Vua Hùng hay còn gọi là Hùng Vương là tên hiệu các vị thủ lĩnh tối cao Nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt (18 vị). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thời đại Hùng Vương tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN-2792 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN).

Giỗ Tổ hàng năm diễn ra tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Đây là lễ hội giàu ý nghĩa, vừa độc đáo vừa phổ quát. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2001, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành Quốc giỗ của nước Việt Nam. Và từ năm 2007, ngày mùng 10-3 âm lịch hàng năm là ngày nghỉ lễ của người dân trên cả nước.

Việt Nam có nhiều dân tộc, dòng họ nhưng đều cùng một “bọc trăm trứng” mà ra, cùng là “con Lạc cháu Hồng”, giàu truyền thống văn hóa tốt đẹp và bề dày lịch sử. Điều đó tạo nên trong mỗi con người Việt Nam niềm tự tôn dân tộc, tình cảm gắn bó với quê hương, xứ sở, dù đi đâu, ở đâu, làm gì vẫn nhớ về nguồn gốc, về đất nước mình, nhắc nhở, kết nối, đoàn kết, thương yêu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Chính lòng thương người, truyền thống nhân ái, đoàn kết dân tộc là tài sản tinh thần quý giá. Nó có thể biến thành sức mạnh vật chất hùng hậu không ngờ, không gì có thể sánh nổi và đánh đổi được.

2.jpg
Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng năm 2024 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Huy Thành

Nhiều thời điểm có tính bước ngoặt trong lịch sử dân tộc đã chứng minh điều đó. 3 lần chống quân Nguyên-Mông vang dội, sức mạnh là từ niềm tin cuộc chiến đấu chính nghĩa chống xâm lược nhất định sẽ thắng; thể hiện quyết tâm, ý chí, sự đồng lòng của toàn dân tộc để làm nên sức mạnh vượt qua tất cả chướng ngại. Bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi là những áng văn có sức mạnh “muôn người khôn địch” là vậy.

2. Cội nguồn là nơi khởi đầu, là quê hương, gia đình, đất nước với tất cả tình yêu và sự kính trọng trong mỗi người. Biết ơn cội nguồn cũng tự nhiên cảm thấy tự hào, thường trực ý thức tôn vinh các anh hùng dân tộc, người có công, ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của cha mẹ: “Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn”. Không có gì trên đời này tự nhiên mà có. Như mỗi người phải mang một họ (tông), phải có nguồn gốc tổ tiên, ông bà. Như sông phải có nguồn, là nơi bắt đầu, hình thành từ những mạch nước nhỏ, con suối nhỏ.

Hiểu được gốc gác, ngọn nguồn như thế cũng có nghĩa mỗi người đã được truyền cho mình tình cảm sâu đậm với tổ tiên, ông bà. Cao hơn là tình yêu quê hương, đất nước. Thân xác, trí tuệ, tâm hồn ta không tự nhiên mà có. Ta được sống trong trời đất này không tự nhiên mà có. Không ai có thể lựa chọn nguồn gốc, xuất phát điểm của mình mà phải thường trực lòng biết ơn vì mình được sinh ra và được sống trong cuộc đời này. Lòng biết ơn còn là liều thuốc tinh thần có tác dụng xoa dịu thất bại, hồi phục niềm tin và nghị lực, giúp con người vượt qua tai ương, nghịch cảnh, nhất là trong thời buổi cạnh tranh nhiều áp lực như hiện nay.

Và, để xứng đáng với truyền thống, tiếng thơm gia đình, dòng họ, mỗi người, nhất là người trẻ phải có trách nhiệm gì? Đây là sự dẫn dắt tự nhiên. Chắc chắn, trước khi làm rạng danh gia đình, dòng họ, mỗi người phải có ý thức gìn giữ, bảo vệ truyền thống tốt đẹp vốn có, không được làm điều gì hoen ố, ảnh hưởng. Thứ đến là tìm cách phát huy truyền thống một cách xứng đáng, để làm rạng rỡ danh thơm tiếng tốt gia đình, dòng họ trong công tác, lao động, học tập.

3. Có một thực tế là hiện nay, vào ngày Giỗ Tổ, người người được nghỉ, người trẻ có dịp vui chơi, thư giãn. Điều đó rất tốt nhưng nhu cầu thấy được giá trị nằm lòng của những sự kiện như thế này tưởng cũng nên lưu tâm, tránh mơ hồ, thiếu kiến thức và hiểu biết. Không ít học sinh, người trẻ bây giờ chẳng biết được mấy truyện cổ, ca dao, dân ca, hò vè. Cắt nghĩa, lý giải vẻ đẹp tình cảm trong “cây đàn muôn điệu” ca dao hay “kho tàng trí tuệ” trong tục ngữ lại càng vất vả. Đề nghị kể một câu chuyện nào đấy liên quan đến Vua Hùng chẳng hạn cũng đã có thể lúng túng. Kể cho đầy đủ, lớp lang đã khó, chưa nói kể với tất cả sự thích thú, mê say.

1-6779.jpg
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương trong Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà

Lý giải như thế nào về thực tế trên? Phải chăng vì cuộc sống luôn vận động, biến đổi “bây giờ đâu phải ngày xưa”? Phải chăng vì “liều lượng”, “mức độ” kiến thức trong chương trình giáo dục các cấp chưa “xi nhê” các em? Phải chăng hoạt động truyền thụ chưa thấm đối tượng? Phải chăng gia đình chú ý chưa đầy đủ vấn đề này? Phải chăng phim ảnh, tranh sách, triển lãm, hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật chuyên đề chưa đa dạng, phong phú, thuyết phục, lôi cuốn?

Có thể còn nhiều lý do khác nữa nhưng với người viết, thực tế trên là sự hẫng hụt, là khoảng trống rất đáng lo. Ngày xưa, có những cụ không biết chữ nhưng thuộc lòng, giảng giải ý nghĩa Truyện Kiều, Lục Vân Tiên sâu xa, “thâm hậu” vô cùng. Mà có hiểu, có thấm thì mới có khả năng vận dụng vào thực tế cuộc sống chính mình, gia đình mình, dòng họ mình, thêm rộng ra nữa.

Phải biến tình yêu nguồn cội, tổ tiên thành những hành động cụ thể, thiết thân trong mỗi người, nhất là lớp trẻ. Đó cũng là mục tiêu làm cho cả cộng đồng nắm bắt đầy đủ ý nghĩa ngày Giỗ Tổ, nảy sinh tình cảm biết ơn tốt đẹp, vọng tưởng về nguồn cội, ra sức phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ trong xây dựng cuộc sống, sự nghiệp riêng và đóng góp cho phát triển đất nước, tránh đi sự đòi hỏi, trách cứ vô lối khi chẳng may sa sẩy, thất bại trên đường đời.

Trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nếu phát huy tinh thần Việt Nam, con người Việt Nam với các phẩm chất, đức tính tốt đẹp như: giàu khát vọng, đoàn kết, siêng năng, thông minh, sáng tạo, thân thiện… thì đất nước sẽ sớm mang lại thành tựu lớn lao, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Tôi vui chơi giữa đời biết đâu nguồn cội/Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời” là khi ông ý thức đầy đủ và sâu sắc kiếp người trong cõi đời này. Như mọi sự vật, hiện tượng, nhạc sĩ ý thức con người nhỏ bé rồi sẽ trở về với cội nguồn bao la rộng lớn đất trời tự nhiên. Biết nguồn cội để rồi quay về là quy luật. Và con người cảm thấy cuộc đời mình ý nghĩa và hạnh phúc hay không cũng chính là khi biết được nguồn cội của mình.

Có thể bạn quan tâm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thăm, tặng quà lưu học sinh Lào nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thăm, tặng quà lưu học sinh Lào nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay

(GLO)- Nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay (Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), chiều 3-4, đoàn công tác do Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà 9 lưu học sinh tỉnh Champasak đang được đào tạo tại tỉnh Gia Lai.