Bia chiến bại của người Pháp ở Đak Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 70 km, bên quốc lộ 19, có một tấm bia gắn liền với chiến thắng Đak Pơ lừng lẫy ngày 24-6-1954. Tấm bia do chính người Pháp dựng vào thời điểm sau đó, thường được người dân gọi là bia chiến bại.

Điều đáng nói, chứng tích lịch sử quý giá này có thể sẽ vĩnh viễn đi vào quên lãng, thậm chí biến mất.

Theo tài liệu, bia chiến bại (người Pháp thường gọi là “bia tưởng niệm tử sĩ Pháp-Việt”) được dựng sau Hiệp định Genève. Dù không chính thức thừa nhận, song văn bia gián tiếp cho biết nhiều binh sĩ Pháp thuộc Binh đoàn cơ động 100 (GM 100) đã chết trong trận phục kích của lực lượng Việt Minh khi đó.

Về phía ta, các tài liệu lịch sử đều thống nhất ghi nhận: Trung đoàn 96-đơn vị chủ lực của Liên khu V-cùng với sự phối hợp của lực lượng địa phương tỉnh Gia Lai (ngày nay) đã lập nên chiến công đặc biệt này.

Bia chiến bại được vây trong lồng sắt đang đứng trước nguy cơ biến mất. Ảnh: Trần Đình Luân

Bia chiến bại được vây trong lồng sắt đang đứng trước nguy cơ biến mất. Ảnh: Trần Đình Luân

Theo đó, trận đánh đã khiến ít nhất 500 binh sĩ quân đội Pháp thiệt mạng, chưa kể khoảng 600 tên bị thương và gần 800 tên bị bắt. Trong số tù binh đó có Đại tá chỉ huy Binh đoàn 100 sừng sỏ. Chưa kể, trong trận chiến Đak Pơ này, quân Pháp còn mất gần 400 phương tiện cơ giới các loại và hàng ngàn thiết bị, quân trang quân dụng khác. Thất bại thảm hại vừa nêu chính là nguyên nhân dẫn đến việc xóa sổ phiên hiệu GM 100 của Pháp.

Về phía ta, gần 150 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, du kích đã anh dũng hy sinh, nhiều người đến nay vẫn còn chưa tìm được hài cốt, nơi an nghỉ. Với trận thắng Đak Pơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen và tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho Trung đoàn 96. Cùng với đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đánh giá cao về chiến thuật phục kích trận này.

Năm 2001, Trung đoàn 96 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng năm, Chiến thắng Đak Pơ trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đak Pơ.

Đúng vào thời điểm kỷ niệm trọng đại này, chúng tôi cũng đồng thời được biết: Tấm bia chiến bại đã chính thức bị loại ra khỏi danh sách các di tích lịch sử của địa phương. Cụ thể, cách nay khoảng 6 năm, theo đề nghị của huyện Đak Pơ, UBND tỉnh đã đồng ý đưa tấm bia này vào Danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023 (Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 6-7-2018 của UBND tỉnh).

Theo kế hoạch, “bia do người Pháp dựng sau khi thất bại tại trận đánh Đak Pơ” dự kiến trở thành di tích cấp tỉnh vào năm 2022, chấm dứt tình trạng không được chăm sóc, bảo quản nhiều chục năm nay. Tuy nhiên, điều đáng mong đợi đó đã không xảy ra. Sau khi không lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh như dự kiến, huyện Đak Pơ đồng thời đưa “bia chiến bại” ra khỏi tầm kiểm soát.

Bia tưởng niệm tử sĩ Pháp-Việt, ảnh tư liệu chụp trước 1975 (Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm)

Bia tưởng niệm tử sĩ Pháp-Việt, ảnh tư liệu chụp trước 1975 (Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm)

Theo Quyết định số 15/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2024-2029 trên địa bàn tỉnh (thay thế Quyết định số 312/QĐ-UBND), huyện Đak Pơ có 7 di tích dự kiến được lập hồ sơ, xếp hạng, gồm: 6 ngôi đình (Chí Công, Chí Thành, An Thuận, Tân Phong, An Hội, An Mỹ) và 1 ngôi miếu (An Phong).

Tên di tích “Bia do người Pháp dựng sau khi thất bại tại trận đánh Đak Pơ” do chính địa phương đề xuất, UBND tỉnh từng đưa vào danh mục kiểm kê đương nhiên không còn. Theo quy định hiện hành, nếu không nằm trong danh mục kiểm kê, mọi di tích sẽ không được lập hồ sơ xếp hạng, không được bảo vệ hay đầu tư tôn tạo.

Nhiều năm trước, khi thấy tấm bia được vây trong một lồng sắt hẹp, chúng tôi đã từng hy vọng một ngày không xa, chứng tích này sẽ trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh.

Chúng tôi cho rằng sẽ tốt hơn nếu hiện vật ấy được giữ lại, được quan tâm để trở thành di tích cấp tỉnh. Bởi chính nó là “nhân chứng sống” của Di tích cấp quốc gia Chiến thắng Đak Pơ, đồng thời là một phần không thể tách rời trong thắng lợi của trận phục kích kinh điển được bộ đội ta thực hiện 70 năm trước. Khoan nói về du lịch hay những gì tương tự, còn gì tốt hơn, nếu để chính những người thua trận tự đứng ra công nhận thất bại của họ?

Quốc lộ 19 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, bao gồm cả sự san ủi khẩn trương của máy móc ngay trên đoạn đường ngang qua “bia chiến bại”. Nên chăng huyện Đak Pơ cần có một giải pháp cấp thời cho hiện vật này trước khi quá muộn.

Có thể bạn quan tâm

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.