Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Xã Đak Pling cần chủ động, quyết tâm trong công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 8-3, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với hệ thống chính trị xã Đak Pling (huyện Kông Chro) về tình hình thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến.

Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và một số sở, ngành; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Kông Chro.

Nỗ lực vượt khó

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy xã Đinh Y Vét cho hay: Đak Pling là xã đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện 47 km. Xã được thành lập năm 2004 trên cơ sở chia tách từ xã Đak Song. Đến cuối năm 2022, xã có 530 hộ với 2.251 khẩu, trong đó, dân tộc Bahnar chiếm gần 97%.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Sau Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020-2025), Đảng ủy xã đã chỉ đạo xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch làm việc và quy chế làm việc sửa đổi, bổ sung để đảm bảo với nhiệm vụ thực tế; rà soát quy hoạch cán bộ xã giai đoạn 2020-2025 và 2021-2026 theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Huyện ủy; kiện toàn hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, làng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Theo đó, xã chú trọng phát triển nông nghiệp. Diện tích các loại cây trồng hàng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đến nay, toàn xã gieo trồng được 183,3 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023 (đạt 92,11% Nghị quyết). Qua rà soát, xã đạt được 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và có 1 làng đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Đảng ủy xã đã chỉ đạo xây dựng mô hình nông hội với 22 hộ dân tham gia. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được chú trọng đúng mức. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xã đã trồng được trên 150 ha keo và bạch đàn; hàng năm tiếp nhận và cấp 5.500 cây bạch đàn cho các hộ dân để trồng phân tán tại 3 làng.

Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2021-2022 được phân bổ cho xã hơn 9,6 tỷ đồng. Hàng năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn xã luôn đạt và vượt so với chỉ tiêu cấp trên giao. Trong đó, năm 2022, tổng thu ngân sách của xã đạt gần 3,8 tỷ đồng (đạt 103% Nghị quyết).

Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt trên 95%. Công tác phòng-chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân được duy trì ổn định. Hoạt động thông tin, tuyên truyền được triển khai tích cực, sâu rộng. Công tác an sinh xã hội được quan tâm; thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Song song với đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cũng được xã chú trọng. “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ đã kết nạp được 17 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 125 đồng chí. Hiện 7/7 chi bộ đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2022-2025, trong đó, Chi bộ làng Tpưng thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra, giám sát, dân vận… được chỉ đạo sát sao. Xã tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã với người dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân xã đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2023-2028”-Bí thư Đảng ủy xã thông tin.

Gỡ “nút thắt” cho xã nghèo

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo xã Đak Pling còn nêu lên một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn khá cao. Hiện xã còn 331 hộ nghèo (chiếm 62,45%), 50 hộ cận nghèo (chiếm 9,43%); thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 28 triệu đồng/năm. Việc thực hiện các mô hình kinh tế có hiệu quả để nhân rộng còn hạn chế; công trình thủy lợi tại làng Brang và làng Mèo bị hư hỏng chưa có kinh phí sửa chữa; công tác xây dựng nông thôn mới chưa có sự bứt phá; nguồn nước sạch nông thôn còn thiếu…

Ngoài ra, Bí thư Đảng ủy xã cũng đề xuất lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp trục đường từ xã đến trung tâm huyện để người dân thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, xem xét đề nghị Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro thực hiện việc giao khoán rừng để các hộ dân chăm sóc, bảo vệ và được hưởng lợi.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên tặng quà cho hộ nghèo xã Đak Pling. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên tặng quà cho hộ nghèo xã Đak Pling. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch UBND xã Đinh Lành đề cập thêm: Giai đoạn 2017-2021, Nhà nước hỗ trợ người dân trồng rừng ở mức 7,5 triệu đồng/ha, song hiện nay chỉ còn 2,5 triệu đồng/ha nên nhiều hộ thiếu mặn mà. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng nông sản khá bấp bênh, thương lái thu mua thấp hơn các xã lân cận do phải vận chuyển xa khiến đời sống bà con đã khó càng thêm khó. Vì vậy, xã mong muốn các sở, ngành của tỉnh, huyện quan tâm hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xem xét hỗ trợ giống để trồng cây ăn quả. “Trên địa bàn xã có làng Tpưng với 120 hộ dân đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Rất mong lãnh đạo tỉnh, huyện xem xét bố trí nguồn vốn sớm di dời làng đến nơi an toàn để bà con yên tâm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình”-ông Lành đề nghị.

Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Phan Văn Trung và Chủ tịch UBND huyện Võ Nguyên Nam cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc chung của huyện liên quan đến việc bổ sung biên chế cho ngành lâm nghiệp để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; ách tắc trong triển khai các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; phê duyệt giá đất làm cơ sở bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án; chuyển đổi diện tích đất trống thuộc quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa để bố trí cho huyện làm bãi chôn lấp rác.

Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã giải trình, thông tin làm rõ những kiến nghị của địa phương. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có cho rằng: “Với đặc điểm đất rừng nhiều, đất sản xuất nông nghiệp ít, xã Đak Pling trước hết cần làm tốt công tác phát triển rừng gắn với giao khoán quản lý, bảo vệ rừng để người dân được hưởng lợi. Bên cạnh đó, tập trung phát triển cây lúa nước ở những vùng có đủ điều kiện; phát triển cây mì, bắp và một số loại cây ăn quả có múi, na dai… để tăng thêm nguồn thu; tăng cường áp dụng biện pháp xen canh giữa cây ngắn ngày và dài ngày; đồng thời, tập trung phát triển chăn nuôi dưới tán rừng để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân”.

Chủ tịch UBND xã Đak Pling Đinh Lành báo cáo các mặt công tác của xã tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch UBND xã Đak Pling Đinh Lành báo cáo các mặt công tác của xã tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Liên quan đến tuyến đường giao thông liên xã, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Lê Văn Hạnh cho hay: Tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tuyến nối Gia Lai-Phú Yên được hoạch định là tuyến quốc lộ 19E có chiều dài 135 km; đoạn qua Gia Lai dài 74,2 km nối từ thị xã An Khê dọc theo tỉnh lộ 667 nối Kông Chro đến Đồng Xuân (Phú Yên). Tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã được đầu tư giai đoạn 2012-2015 đã xuống cấp nhiều đoạn. Thẩm quyền quản lý tuyến đường này thuộc UBND huyện. Vì vậy, hàng năm, địa phương cần chủ động cân đối ngân sách để quản lý, bảo trì, sửa chữa một cách hợp lý.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã Đak Pling sau hơn 18 năm xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, với đặc thù của một xã vùng III cách xa trung tâm huyện, đối mặt với nhiều khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền xã đoàn kết, chủ động, quyết tâm trong xây dựng kế hoạch để giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Trong đó, chú trọng định canh định cư cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, giữ “sạch” địa bàn và an ninh chính trị, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu xã Đak Pling đẩy mạnh phát triển diện tích rừng trồng gắn với giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ để bà con được hưởng lợi dưới tán rừng, nâng cao quyết tâm giữ rừng; tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để ổn định cuộc sống hàng ngày. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của xã phải từng bước giúp người dân xây dựng mô hình liên kết trong trồng trọt, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm; phát huy hiệu quả nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, nhất là đẩy mạnh xây dựng làng nông thôn mới và thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, tiếp tục quan tâm nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy lùi vấn nạn tự tử, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của xã và huyện, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh, kể cả cơ chế, chính sách đặc thù để khẩn trương giúp địa phương sớm tháo gỡ “nút thắt” và bứt phá vươn lên.

Dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã trao tặng phần quà cho hệ thống chính trị xã Đak Pling và 20 suất quà cho các hộ nghèo trong xã.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.