Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 10-10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI đã tổ chức Hội nghị lần thứ 13 (mở rộng) để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 9 tháng, đề ra nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023 và giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại

Theo báo cáo tại hội nghị, 9 tháng qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, một số chỉ tiêu của tỉnh vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái như: diện tích gieo trồng tăng 11,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,27%; kim ngạch xuất khẩu tăng 4,59%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4,5%. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp tiếp tục được quan tâm lãnh đạo thực hiện. Hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa, thể thao tiếp tục có những khởi sắc; giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân được chú trọng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế như: tốc độ tăng trưởng GRDP của Gia Lai thấp nhất khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 51 toàn quốc, dự báo khó đạt mục tiêu tăng trưởng của nhiệm kỳ; thu ngân sách đạt 3.899,4 tỷ đồng (đạt 66% Nghị quyết, giảm 8,2%). Đáng chú ý là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hiện nằm trong nhóm thấp nhất cả nước, đứng thứ 60/63 tỉnh, thành phố. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp gồm: Đak Pơ (16,8%), Chư Pưh (19,4%), Mang Yang (20,6%), Chư Prông (22,9%), Phú Thiện (24%)… dẫn đến khả năng không sử dụng hết vốn và các công trình trọng điểm phải trả vốn về Trung ương là rất lớn. Mặt khác, một số dự án đầu tư chậm triển khai, vướng mắc trong công tác quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng; các nguyên liệu đầu vào (đất đắp) phục vụ thi công bị ách tắc khiến một số dự án chậm tiến độ.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Ngoài ra, các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 đều giảm sút. Trong đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) giảm 19 bậc so với năm 2021, đứng thứ 4 trong khu vực Tây Nguyên và thứ 45 toàn quốc. Các chỉ số khác cũng xếp cuối bảng trong khu vực và thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Cụ thể, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) giảm 16 bậc so với năm 2021; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giảm 5 bậc; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index) giảm 13 bậc.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra. Công tác giảm nghèo và xây dựng làng, xã nông thôn mới (NTM) chưa bền vững. Tội phạm trật tự xã hội gia tăng, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Công tác phát triển đảng viên ở một số tổ chức cơ sở Đảng còn gặp nhiều khó khăn.

Nêu một số khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trong 9 tháng năm 2023, đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku-cho biết: Thu ngân sách của thành phố đến nay chỉ được 840 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch tỉnh giao. Một trong những nguyên nhân là do không thu được tiền sử dụng đất các dự án của tỉnh. “Tiền sử dụng đất các dự án của tỉnh năm 2021 là 500 tỷ đồng, năm 2022 là 474 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thu được, gây ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách”-Bí thư Thành ủy Pleiku nêu thực trạng.

Liên quan đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, Bí thư Thành ủy Pleiku lý giải: Một số dự án bị vướng cơ chế giá đất, giá bồi thường và cơ chế vận hành; khi triển khai được thì lại gặp khó về đất đắp dẫn đến nghịch lý “chỗ chi được thì không có tiền, chỗ có tiền thì không chi được”.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T

Một nội dung khác cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại hội nghị là việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Lãnh đạo các địa phương như: thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Kbang đều cho rằng chương trình xây dựng NTM đưa ra những tiêu chí quá cao.

Bí thư Huyện ủy Kbang Nguyễn Hữu Tuyến thông tin: Toàn huyện hiện có 7 xã, 6 làng đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Nhưng so với Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh ban hành, nhiều làng, xã không còn duy trì được 19 tiêu chí, các xã đang xây dựng NTM cũng khó đạt chuẩn theo yêu cầu. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tiêu chí hộ nghèo. “Về mặt trách nhiệm, chúng tôi sẽ đôn đốc, nhắc nhở các cấp, ngành, tuy nhiên rất khó. Đây là trăn trở lớn của địa phương”-Bí thư Huyện ủy Kbang chia sẻ.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu còn tập trung thảo luận những vấn đề xung quanh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo đảm an ninh chính trị; trồng rừng; khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia…

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Trước những ý kiến nêu ra tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, đơn vị đã giải đáp, thảo luận xung quanh các giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Về tiến độ lập quy hoạch tỉnh còn chậm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: Tuy quy hoạch nhận được 100% phiếu tán thành từ Hội đồng thẩm định nhưng do có nhiều nội dung cần giải trình, làm rõ, bổ sung nên việc rà soát, cập nhật mất thêm nhiều thời gian. Dự kiến cuối tháng 10 này, quy hoạch sẽ được giải trình lại với Hội đồng thẩm định trước khi thống nhất và đề nghị HĐND tỉnh thông qua.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các sở, ngành, UBND các địa phương khẩn trương rà soát các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2023, nhất là các chỉ tiêu đạt thấp trong 9 tháng để có giải pháp phù hợp nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tập trung chỉ đạo tháo gỡ, đẩy nhanh việc xác định giá đất cụ thể để có cơ sở phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công. Cùng với đó, chỉ đạo các chủ đầu tư và nhà thầu cam kết về tiến độ thi công; đảm bảo hoàn thành thi công và giải ngân đối với nhóm dự án thuộc các chương trình ổn định dân di cư tự do, dự án có vốn tiến hành trong năm 2022-2023.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung cũng giải đáp những ý kiến liên quan đến thẩm quyền giải quyết của đơn vị. Theo đó, về phương pháp thẩm định giá đất, UBND tỉnh đã ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xác định giá bồi thường đối với các công trình vốn ngân sách trung ương. Đối với các công trình vốn ngân sách địa phương, Sở vẫn đang tiếp nhận hồ sơ để tổng hợp, trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh và UBND tỉnh phê duyệt. Việc thu hồi, giải phóng mặt bằng trên tuyến quốc lộ 19, đường hành lang kinh tế phía Đông… đều đang được tập trung tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ.

Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã nêu những nguyên nhân chủ quan và khách quan của những tồn tại, đồng thời đề xuất một số giải pháp như: rà soát tất cả các dự án đầu tư công, đánh giá những dự án nào mang tính khả thi thì ưu tiên triển khai trước, số còn lại sẽ từng bước tháo gỡ; tăng cường thu hút đầu tư… Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của người đứng đầu theo chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hạn chế.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung rà soát, tiếp tục có biện pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2023 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy; tổ chức ngay các hội nghị chuyên đề thảo luận, có biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhất là khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương nghiên cứu, sớm đề xuất phương án đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Pleiku-Quy Nhơn.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Đ.T

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Đ.T

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, xử lý trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra mất vốn, thu hồi vốn về Trung ương. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện thu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2023, nhất là thu tiền sử dụng đất.

Một số công tác khác cũng được Bí thư Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo như: thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; đẩy mạnh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch đảm bảo hiệu quả, bền vững; chỉ đạo tổ chức tốt Festival Văn hóa cồng chiêng và Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai năm 2023; chủ động chuẩn bị các điều kiện tổ chức các hoạt động dịp Tết Nguyên đán 2024. Chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2023, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chỉ đạo thực hiện tốt các quy định về nêu gương, nhất là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt.

“Thời gian từ nay đến cuối năm 2023 không còn nhiều, trong khi khó khăn, thách thức và khối lượng công việc cần phải hoàn thành ở phía trước là rất lớn. Tôi mong các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội theo chức trách, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, thực hiện nêu gương, đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy và trong tập thể cơ quan, đơn vị, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đã đề ra”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

(GLO)- Khuya 9/12, người phát ngôn lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (Myanmar) Khaing Thukha, tuyên bố tổ chức này đã chiếm được căn cứ quân sự lớn ở thị trấn Maungdaw (bang Rakhine), theo trang tin Mint. Chuẩn tướng quân đội Thurein Tun, chỉ huy căn cứ đã bị bắt khi đang tìm cách chạy thoát.