(GLO)- Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Vì vậy, việc hỗ trợ HTX kết nối giao thương, bán hàng đa kênh được kỳ vọng sẽ tháo gỡ “điểm nghẽn” này.
Ông Trịnh Quang Hải-Giám đốc HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho biết: “Hiện nay, HTX đã có các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh và chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với HTX là thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, mua sắm máy móc, thiết bị chế biến sâu. Hiện các sản phẩm của HTX đều là làm thủ công nên không đáp ứng những đơn hàng lớn để đủ điều kiện chào hàng ở những chuỗi phân phối lớn”. Theo ông Hải, ngoài kênh tiêu thụ truyền thống ở các cửa hàng, HTX đang hướng đến tiêu thụ qua các kênh online. Song, để phát triển các kênh bán hàng này, HTX còn phải học hỏi nhiều, đặc biệt cần thêm sự hỗ trợ từ ngành chức năng. Bên cạnh đó, HTX mong muốn được tiếp tục hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP được vào các hệ thống siêu thị trên cả nước.
|
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp-thương mại và dịch vụ Tơ Tung (huyện Kbang) tìm hiểu cách thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Vũ Thảo |
Nắm bắt cơ hội và nhu cầu thị trường, nhiều HTX đã chủ động đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử uy tín nhằm đẩy mạnh tiêu thụ. Tuy nhiên, các HTX vẫn đang gặp một số khó khăn do trình độ công nghệ còn hạn chế cũng như thiếu các giải pháp tiếp cận khách hàng tiềm năng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương-Giám đốc HTX Nông nghiệp-thương mại và dịch vụ Tơ Tung (huyện Kbang) chia sẻ: “Hợp tác xã hiện có nhiều sản phẩm như: đậu đỗ các loại, trà bí đao sấy khô, tinh dầu sả, măng le rừng sấy khô… Trong đó, sản phẩm tinh dầu sả và măng le rừng sấy khô đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhờ có chứng nhận OCOP, người tiêu dùng tin tưởng nên giá trị sản phẩm được nâng lên, sức tiêu thụ cũng tăng hơn trước khoảng 20%. Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ công nghệ nên HTX mới chỉ phát triển bán hàng trên Facebook, Zalo, còn sàn thương mại điện tử thì chỉ mới bắt đầu tiếp cận”.
Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ An Bình Phát (huyện Mang Yang) hiện đã phát triển thị trường ra khắp cả nước nhờ chọn giải pháp đa kênh là phát triển mạng lưới đại lý, cộng tác viên bán hàng và tham gia các sàn thương mại điện tử. Ông Lê Xuân Nhàn-Giám đốc HTX-cho hay: Hợp tác xã sản xuất gần 10 mặt hàng như: nước lau sàn, nước tắm thảo dược, tinh dầu sachi, tinh dầu sả, tinh dầu màng tang, cao bồ kết… Thời gian gần đây, HTX đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới gần 100 cộng tác viên bán hàng và đại lý. Nhờ đó, sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. “Bên cạnh giải pháp này, HTX còn đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn như: Lazada, Shopee... Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu nên hiệu quả chưa cao”-ông Nhàn nói.
|
Nhiều chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức giúp HTX mở rộng kết nối giao thương, phát triển thị trường. Ảnh: Vũ Thảo |
Ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-đánh giá: “Hiện nay, các sàn thương mại điện tử lớn đang tạo ra rất nhiều gian hàng để các HTX có thể đưa sản phẩm lên sàn. Về phía địa phương cũng đã tận dụng lợi thế về cơ sở hạ tầng thương mại điện tử ở các sàn Voso, Postmart, từng bước giúp HTX, nông dân tiếp cận dễ dàng hơn”. Cũng theo ông Hùng, các HTX cần tập trung kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, chủ động tìm đầu ra ổn định nhằm giúp thành viên, nông dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, các HTX cần tận dụng cơ hội phát triển từ các giải pháp bán hàng đa kênh, trong đó chú trọng các nền tảng số để quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Shopee, Postmart, Lazada, Alibaba và các nền tảng mạng xã hội.
|
Khách hàng tham quan, tìm hiểu sản phẩm của Hợp tác xã Nông-lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện (xã Đê Ar, huyện Mang Yang). Ảnh: Hà Duy |
Tại hội nghị kết nối giao thương các HTX năm 2022 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức tại TP. Pleiku mới đây, nhiều đại biểu cũng đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ các HTX bán hàng đa kênh. Ông Nguyễn Lâm Thanh-đại diện TikTok Việt Nam-chia sẻ: Hiện nay, TikTok đang mang đến trải nghiệm mới cho người dùng, vừa có cơ hội giải trí, vừa mua sắm hàng hóa. Vừa qua, TikTok đã hỗ trợ đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai lên TikTok Shop để tiêu thụ trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua việc kết nối với hệ thống KOL (những người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng). Những sản phẩm được đưa lên TikTok Shop đều là có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng người tiêu dùng vẫn chưa biết đến nhiều. TikTok tại Việt Nam mới triển khai thương mại điện tử từ tháng 4-2022 nhưng đã phát triển vượt bậc với số lượng chốt đơn hàng thành công trong ngày đạt rất cao. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội để HTX tiếp cận và bứt phá.
VŨ THẢO