(GLO)- Một khi đã ốm đau, bệnh nặng thì có tiền núi cũng lở, nhất là người nghèo lại càng khó khăn thêm. Những lúc ấy mới hiểu giá trị của tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) to lớn đến nhường nào. Chính những lợi ích thiết thực, nhân văn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội mà chính sách BHYT mang lại đã nâng tầm nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chăm sóc sức khỏe cho chính mình.
Góp phần đẩy lùi hủ tục
Gia Lai có dân số trên 1,4 triệu người bao gồm 34 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm 52% dân số, còn lại chủ yếu là các dân tộc Jrai (33,5%), Bahnar (13,7%), Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Thái, Mường... Với đặc thù dân số như trên, chính quyền địa phương luôn có sự quan tâm, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Ngành Bảo hiểm Xã hội hàng năm chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kịp thời việc cấp phát thẻ BHYT đến đúng đối tượng theo quy định, đồng thời tổ chức tuyên truyền đến người dân sử dụng thẻ BHYT trong việc khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, góp phần đẩy lùi hủ tục.
Cán bộ Trạm Y tế xã hướng dẫn cách uống thuốc cho người dân. Ảnh: V.N |
Từ việc chỉ tin vào thầy cúng mỗi khi đau ốm, được cấp thẻ BHYT và khám-chữa bệnh kịp thời, bà H’Met (71 tuổi, ở buôn Tham, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa) đã nhận ra giá trị cao của tấm thẻ BHYT. Suốt một thời gian dài, bà H’Met cứ phải sống chung với những căn bệnh âm ỉ mà không biết làm sao. Chỉ đến khi đi khám bác sĩ, bà mới biết mình bị viêm xoang khá nặng và viêm dạ dày. Tấm thẻ BHYT giờ đây đối với bà H’Met như một phép màu. Ngày đầu tiên được cầm tấm thẻ trên tay, bà lạ lẫm lắm vì không biết cái mảnh giấy ấy có tác dụng gì để cho bà khỏi bệnh. Nhưng rồi bà H’Met cũng thử cầm tấm thẻ BHYT đến Trạm Y tế xã để khám-chữa bệnh. Các bác sĩ sau khi khám bệnh tận tình đã kê đơn cho bà rồi cấp phát thuốc mà không thu tiền. Bà như không tin vào mắt mình. Bỗng dưng trong người bà thấy khỏe hẳn và bà quên đi nỗi đau bệnh tật đeo đẳng. “Tấm thẻ này hay quá, được các bác sĩ khám và cho thuốc mà không phải mất tiền. Mình sẽ về nói lại với dân làng, để ai cũng dùng thẻ này, mọi người trong làng sẽ mạnh khỏe cả”-bà H’Met hồ hởi.
Mấy năm trời nằm ốm liệt giường vì căn bệnh thiếu máu và thoái hóa cột sống, ông Siu Dung (74 tuổi, ở buôn Tham, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa) nay sức khỏe cũng dần dần được cải thiện. Được cấp thẻ BHYT và cán bộ đến tận nhà vận động ông đến cơ sở y tế khám bệnh thì ông mới cảm thấy như mình sống lại. Ông Siu Dung chia sẻ: “Giờ mình cũng dần khỏe lại và đã có thể giúp con cháu chăn con gà, con heo. Mình mừng lắm cứ như có phép lạ xảy ra”.
Năm 2015, cơ quan Bảo hiểm Xã hội Gia Lai đã thực hiện thanh toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT cho gần 1,16 triệu lượt người với chi phí trên 359 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có trên 740 ngàn lượt người đi khám-chữa bệnh BHYT với chi phí thanh toán trên 243 tỷ đồng. |
Thẻ BHYT-vật bất ly thân
Mấy hôm nay chuyển trời, những căn bệnh tuổi già lại có dịp tái phát khiến già làng Kpuih Dông (làng Pnuk, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) đau nhức khắp mình. Lần tìm tấm thẻ BHYT được cất kỹ trong tủ, già cẩn thận bọc thêm mấy lớp ni lông để tấm thẻ khỏi bị ướt vì trời đang mưa. “Tấm thẻ này quý lắm, nhất là những khi chẳng may ốm đau bệnh tật. Mình già rồi nhiều bệnh nên tấm thẻ BHYT này giúp đỡ được mình cũng như người dân trong làng. Vì vậy mình luôn cất giữ cẩn thận…”.
Cũng giống như già Kpuih Dông, cả nhà già làng Rơ Châm Krôl (làng Kênh Chóp, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) cũng giữ gìn tấm thẻ BHYT cẩn thận để mỗi khi đau ốm có cái mà mang đi. “Không chỉ vậy, mình thường xuyên tuyên truyền bà con về việc giữ gìn thẻ BHYT, vì có thẻ mới có thuốc. Mất thẻ là mất quyền lợi…”-già làng Rơ Châm Krôl cho biết.
Nhiều người dân dù điều kiện kinh tế khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trong diện không được cấp thẻ BHYT đã ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc tham gia BHYT hộ gia đình. Ông Rơ Châm Kuech (SN 1953, ở làng Krai, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) chia sẻ: “Mình được cấp thẻ BHYT do là cựu chiến binh, còn gia đình mình không được cấp. Nhận thấy BHYT rất quan trọng trong việc giảm chi phí khi đi khám-chữa bệnh nên mình mua BHYT cho các thành viên trong gia đình để an tâm khi chẳng may ốm đau”.
Kinh tế khó khăn và phải đi làm thuê kiếm sống nhưng bà Nguyễn Thị Khương (trọ ở đường Trần Quý Cáp, TP. Pleiku) vẫn đều đặn hàng năm dành tiền mua thẻ BHYT cho gia đình vì giá trị mà tấm thẻ này mang lại cho bản thân bà nói riêng và gia đình nói chung là rất lớn. Vốn tuổi cao lại nhiều bệnh tật như cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, đau khớp… nên hàng tháng bà đều đi khám bệnh lấy thuốc tại các cơ sở y tế với số tiền mua thuốc lên đến hàng triệu đồng mỗi tháng khi chưa có thẻ BHYT. Sau khi có thẻ BHYT, chi phí khám-chữa bệnh được quỹ BHYT đồng chi trả đã giảm đi rất nhiều. Bây giờ, tấm thẻ BHYT đối với bà Khương là vật bất ly thân. Bà chia sẻ: “Chỉ bỏ ra hơn 650.000 đồng mua thẻ BHYT mỗi năm nhưng tính ra tôi được lợi đủ đường trong việc khám-chữa bệnh. Nếu không nhờ có thẻ BHYT thì với số tiền ít ỏi từ việc làm thuê, làm mướn hàng tháng chắc tôi không thể kham nổi chi phí khám-chữa bệnh, rồi lại trở thành gánh nặng cho con cái. Cũng nhờ có thẻ BHYT mà tôi an tâm trong việc điều trị bệnh, giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình”.
Như Nguyện-Văn Ngọc