Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ 1: Trở về từ vực tối

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với chiêu trò hứa hẹn sẽ đổi đời khi vượt biên sang Thái Lan, tổ chức phản động FULRO lưu vong đã đánh vào niềm tin mù quáng của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai, biến họ thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.

1logo.jpg

Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã nỗ lực ngăn chặn nhằm giúp bà con không mắc mưu bọn phản động, đưa những người lầm đường, lạc lối trở về trong vòng tay bao dung của buôn làng.

Nghe theo Siu Thoan (còn gọi là Ma Lư, quê ở huyện Phú Thiện, đối tượng FULRO lưu vong ở Thái Lan) dụ dỗ trên mạng xã hội, một số người dân chẳng hề hay biết mình đang rơi vào bẫy lừa. Chỉ đến khi bị đói rét trên đất Thái, họ mới tường tận bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Siu Thoan và tay chân của hắn.

Mắc mưu bọn phản động

Ngày 28-7-2024, vừa đặt chân đến xã Đất Bằng (huyện Krông Pa), đi trên con ngõ nhỏ dẫn vào nhà ở buôn Ia Rnho, Nay Tri đã bật khóc nức nở. Đôi chân khuỵu xuống, tay cào đám đất, người đàn ông 46 tuổi này dường như không thể tin được mình đã bình an trở về sau hành trình hơn 1.200 km đường chim bay sang đất Thái Lan.

Sấp ngửa chạy vào cổng, Nay Tri cất tiếng gọi vợ và các con. Im ắng quá! Nay Tri chợt lo. Chỉ đến khi thấy chị Kpă H’Yun lật đật chạy từ nhà sàn xuống, Tri mới thở phào nhẹ nhõm, đón lấy cái ôm, giọt nước mắt và những lời trách móc của vợ…

Hồi Tri còn ở Thái Lan, quá đau buồn vì chồng bỏ nhà đi, chị H’Yun đã 2 lần uống thuốc cỏ tự tử, may mà được bà con cứu kịp, nhưng cơ thể không bình phục hoàn toàn, còn di chứng để lại.

ky-1-nay-tri-bia-phai-lam-ke-lai-voi-co-quan-cong-an-ve-chuyen-vuot-bien.jpg
Nay Tri (bìa phải) kể với các cán bộ Công an về chuyến vượt biên hãi hùng sang Thái Lan. Ảnh: Nông Hòa

8 tháng trước đó, trong khi lướt mạng xã hội Facebook, Tri vô tình thấy Siu Thoan bên Thái Lan đăng clip, phát trực tiếp hàng chục video. Nào là dẫn bạn đi uống cà phê, đi chơi, nào là giới thiệu khu trọ cao tầng cho người nhập cư ở Thái Lan, xem chừng sung sướng lắm. Tò mò, Tri liên lạc với Thoan.

Chớp thời cơ, Thoan liền vẽ ngay ra một viễn cảnh “vô cùng tươi sáng” ở Thái Lan, nào là không cần làm gì, cả ngày chỉ đi chơi, chờ Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) phỏng vấn để sang Mỹ, Canada định cư.

Lần đầu nghe Thoan rỉ tai, Tri chưa để ý cho lắm. Nhưng nhiều lần, Tri không để tâm mà nghĩ sao được. Nằm gác tay ngắm bầu trời qua khung cửa nhỏ, Tri đã mơ mộng một ngày mình được mặc những bộ quần áo sang trọng, chạy xe ô tô khắp phố phường rực sáng ánh đèn, rồi gửi tiền về cho vợ con xây cái nhà to, đẹp nhất làng. Vậy là Tri dần xuôi theo những gì Thoan nói.

Gặp chúng tôi, Nay Tri kể: “Ngày 27-12-2023, tôi không nói gì với vợ con, ôm 45 triệu đồng đi theo con đường mà Siu Thoan hướng dẫn. Người dẫn đường đưa tôi đi lần lượt qua 2 đường biên giới Việt Nam-Campuchia-Thái Lan, tổng cộng mất 4 ngày, qua 5 chuyến xe. Có khi tôi phải núp vào chuồng bò của một người dân Campuchia gần biên giới cả đêm, đến khi gần sáng mới đi tiếp.

Tôi gặp Siu Thoan ở huyện Bang Yai (tỉnh Nonthaburi, Thái Lan), đưa cho hắn toàn bộ 45 triệu đồng, trong đó 30 triệu đồng chi phí sang Thái, còn 15 triệu đồng hắn nói giúp tôi đổi sang đồng bath”.

“Thiên đường” hay địa ngục?

Ở huyện Bang Yai nơi Thoan đưa Tri đến, người ta xây hàng loạt dãy nhà trọ, trung bình mỗi dãy cao 3 tầng với khoảng 50 phòng cho thuê, mỗi phòng tầm 20 m2. Thoan bảo Tri thuê 1 phòng trọ giá 1,5 triệu đồng/tháng rồi đưa đi sắm sửa các vật dụng cần thiết, ra vẻ rất thân ái và tử tế. Tri hớn hở khi Thoan đổi được cho mình 12 ngàn bath mà không hề biết mình vừa bị Thoan ăn bớt gần 5 triệu đồng.

Rất nhanh, Thoan hiện nguyên hình là một tên lọc lừa bỉ ổi. Chẳng là, sau mấy hôm ăn không ngồi rồi, tiền gần cạn, Tri hỏi Thoan khi nào được sang Mỹ. Thoan bảo Tri phải nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam, phải biến mình thành nạn nhân rồi đăng lên mạng xã hội thì mới dễ được đi định cư ở nước thứ 3. Rất may, Tri vẫn còn tỉnh táo để nhận ra vu khống cũng là một tội ác nên nhất quyết không làm theo.

Thấy không lôi kéo được Tri, Thoan và đồng bọn tìm cách lảng dần rồi lặn mất tăm mất dạng.

Nay Tri nói: “Thoan bắt tôi phải nói xấu Đảng, Nhà nước để đăng lên kênh YouTube của hắn, nhưng tôi không muốn nói. Gia đình tôi là gia đình cách mạng mà. Tôi qua đây chỉ vì tưởng có việc làm lương cao thôi chứ đâu phải qua làm phản động về chính trị. Vậy là, Thoan liền trở mặt. Hắn nói với tôi: Giờ không có việc làm, khi nào có việc làm thì kêu. Tôi cứ nằm dài trong phòng trọ, tiền ngày càng cạn. Không có việc làm thì chắc tôi chết đói mất”.

can-bo-cong-an-den-gap-go-nay-tri-sau-khi-tri-hoi-huong-anh-nong-hoa.jpg
Cán bộ Công an đến gặp gỡ Nay Tri sau khi Tri hồi hương. Ảnh: Nông Hòa

Cuối cùng, Tri đành đi làm công chui, nhiều lần bị Cảnh sát Thái Lan tóm hụt. Hết tiền, nợ tiền trọ 2 tháng, Tri gọi về nhờ vợ báo Công an hướng dẫn cho Tri về; gọi cho con gái đang làm công nhân ở Đồng Nai gửi 3 triệu đồng để làm lộ phí.

Mặc dù biết cuộc trốn chạy đơn độc này vô cùng nguy hiểm nhưng Tri vẫn quyết tâm trở về quê hương. May thay, dọc đường đi, Tri gặp được một phụ nữ người Kinh tốt bụng ở Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) cho thêm tiền và được cán bộ Công an huyện Krông Pa động viên, chỉ bảo tận tình cho đến khi về đến nhà an toàn.

Giờ thì Nay Tri đã biết rằng cuộc sống tha phương cầu thực chẳng dễ dàng gì. Tri nhớ, trong khu trọ ở Thái Lan, hàng xóm của Tri là 3 anh em ruột nhà Rmah gồm: Tuin, Bi, Klêu (làng Dư Keo, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh).

Thanh niên trai tráng nhưng chẳng mấy khi có việc làm, 3 anh em chỉ biết mua rượu uống để giải sầu. Ở khu trọ còn có 2 gia đình ở xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Cũng bị những tên như Siu Thoan lôi kéo, họ dắt díu nhau trốn sang Thái Lan, đã được UNHCR phỏng vấn nhưng không được đi nước thứ 3. Chồng đi làm bữa được bữa mất, vợ ở nhà trông các con, tiền thì đã vào túi những kẻ lừa đảo, họ thực sự rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Điều mà Nay Tri thấm thía và vô cùng căm phẫn, đó là có những loại người sẵn sàng chà đạp lên 2 tiếng “đồng bào” thiêng liêng chỉ vì lợi ích ti tiện, đáng khinh. Nghĩ đến những ngày tháng tuyệt vọng nơi xứ người, nước mắt cứ thế tuôn rơi trên hai gò má khắc khổ của người đàn ông trung niên này.

“Những ngày bên Thái Lan, mình nghĩ tới gia đình rồi tự hỏi: Sao mình lại tìm chết ở đây? Đó không phải nơi của mình, có chết mình cũng phải chết ở quê. Mình phải về”-Tri buồn rầu nhắc nhớ.

Nay Tri chỉ là một trong những nạn nhân bị Siu Thoan và đồng bọn ở Thái Lan lừa phỉnh. Rơ Lan Quang (29 tuổi, trú tại làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) cũng vừa trở về sau những ngày lang bạt tha hương.

Quang kể: “Siu Thoan nói là vào đó làm 1 ngày 600-700 bath, thực tế qua đó không có việc làm gì cả. Cảnh sát Thái Lan gặp là bắt và phạt 50 triệu đồng. Thực sự là không có cái gì lợi cho mình cả”. Sau chuyến đi, gia đình Quang đổ nợ. Còn với Nay Tri, gánh nặng của hành trình cay đắng ấy cũng không hề nhỏ, kể cả về vật chất lẫn tinh thần.

2logo-7722-2933-9071-1045-4546-1474-6395-7637.jpg

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.