Gặp lại Y Mơi Chinh – người hùng chống Fulro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong căn nhà dài ọp ẹp, ông nằm đó với đôi chân bất động. Cạnh giường, chiếc tivi đời cũ vẫn văng vẳng bản tin thời sự.

Chiếc tivi là cầu nối cho ông nghe thấy tiếng đời ngoài kia ồn ã, để thấy mình không thành phế nhân quạnh quẽ, để thấy buôn làng đẹp lên từng ngày. Ông là người anh hùng, là nỗi ám ảnh của bọn Fulro tàn bạo thuở nào…

1. Từ ngày gặp tai nạn trên đường đi công tác, đến nay ông Y Mơi Chinh (sinh năm 1957) đã nằm liệt giường gần 10 năm. Cú ngã xe làm giập cột sống, biến ông thành phế nhân. Không đi đâu được nên ông thèm người lắm. Hôm chúng tôi ghé thăm, ông đang nằm xem thời sự. Nghe thấy tiếng khách lạ, ông đáp lại vồn vã, giục con cái pha trà mời khách. Gợi lại chuyện xưa, nhắc chuyện nay, giọng người anh hùng của buôn Dliê Ya năm nào vẫn âm vang, sang sảng như gió núi cây rừng…

Xã Dlie Ya thay da đổi thịt, phát triển từng ngày.

Xã Dlie Ya thay da đổi thịt, phát triển từng ngày.

Thời kháng chiến, buôn Dliê Ya, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, Đắk Lắk là căn cứ quan trọng của cách mạng. Rừng rậm thâm u che chở bộ đội. 8 tuổi, cậu bé Y Mơi Chinh đã theo cha mẹ gùi gạo, muối vào rừng cho cán bộ, du kích. Cậu nhớ như in những ngày chạy giặc càn; tiếng súng, tiếng khóc thét của lũ trẻ sau mái tranh bén lửa. Trở về nhìn căn nhà dài đã ra tro, vườn rẫy bị địch giày xéo, Y Mơi nằng nặc xin cha cho cậu đi làm giao liên.

Mới nhận nhiệm vụ vài tháng nhưng cậu nhóc 12 tuổi đã được các chú bộ đội đặt biệt danh là con báo rừng. Như chú báo con sinh ra giữa rừng già, có ngóc ngách nào mà Y Mơi chẳng thuộc. Tài luồn lách đường rừng thoăn thoắt của cậu bé Êđê khiến bọn biệt kích phải chào thua. Từ đưa thư, tài liệu mật, Y Mơi được cấp trên giao vận chuyển đạn dược. Một lần, Y Mơi đang vác trên mình 5kg đạn chạy băng rừng thì tám chiếc trực thăng địch đã quần thảo trên đầu. Đến gần căn cứ, nhìn mãi không thấy ông xã đội phó Ama Uông (người Mnông), cậu đành nấp vào gốc cây.

Chiếc trực thăng đầu tiên của địch đã áp sát căn cứ, thả dây cho lính đổ bộ. Bỗng từ gốc cây gần Y Mơi vang lên loạt đạn nóng rát, 10 tên địch chân mới chạm mặt đất đã bị tiêu diệt. Hóa ra ông Ama Uông đang phục kích. Mặc loạt đạn của địch chống trả dữ dội, Y Mơi ôm túi đạn bò lếch sang chỗ xã đội phó. May nhờ Y Mơi gan dạ tiếp đạn, trận đó căn cứ của ta mới giữ vững. Phía ta tiêu diệt được mười mấy tên địch và bắn cháy một chiếc trực thăng. Sau ngày thống nhất đất nước, Y Mơi vinh dự được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.

2. Tận 15 tuổi, Y Mơi mới được biết con chữ. Cậu bé Êđê sáng dạ nên nhanh chóng đọc thông viết thạo. Niềm háo hức đem con chữ về buôn làng, gieo ánh sáng tri thức cho bà con Tây Nguyên càng thôi thúc cậu bé miệt mài bên trang sách.

Nhưng buôn làng lại đổ máu. Năm 1976, tàn quân Fulro nổi lên lôi kéo, xúi giục đồng bào chống lại chính quyền. Ai không nghe theo lời dụ dỗ của chúng thì nơm nớp lo sợ bị trả thù. Mới học nửa chương trình lớp 5, Y Mơi xin bảo lưu để xung phong vào lực lượng truy quét Fulro. Ông được phân công về xã Ea Drông, huyện Krông Buk. Bấy giờ, địa bàn này là một trong những hang ổ của bọn Fulro với hơn 700 tên. Ông Y Mơi Chinh nhớ lại: “Bọn nó đông và manh động lắm. Chỉ trong vòng 2 năm, chúng tôi đã đụng độ với chúng mười mấy trận; mà trận nào cũng khốc liệt, cũng có anh em hy sinh”.

Là người bản địa, thông thuộc thói quen tập quán của đồng bào, lại nhạy bén, có óc phán đoán, ông trở thành cánh tay đắc lực của lực lượng an ninh trong cuộc chiến chống Fulro. Tờ mờ sáng mùa đông năm 1979, ông cùng ba đồng chí chuẩn bị đồ đạc để đi săn trong rừng. Cả nhóm đi gần đến bìa rừng thì mới 4 giờ sáng, ông phát hiện có hai cô gái Êđê mang gùi đi rẫy, mặt mày lấm la lấm lét. Quan sát hai cô gái một hồi, ông ngoắc đồng chí Trịnh Ngọc Hoa đi cùng, nói nhỏ: “Anh có thấy nghi không? Sao đi rẫy mà hai đứa đi sớm thế. Trong gùi của nó hình như toàn gạo”.

Tổ công tác mời hai cô gái về trụ sở công an xã làm việc. Hóa ra ngoài phần gạo hơn 30 kí ở trên, phía đáy hai chiếc gùi còn có thuốc trị sốt rét và một ít đồ sinh hoạt cá nhân. Y Mơi hỏi: “Hai cô mang gạo và thuốc đi đâu? Sao lại mang nhiều thế này?”. Biết không thể chối cãi, hai cô đành thú thật mình mang lương thực, thuốc men cho bọn Fulro đang đóng quân bên bờ suối gần đó. Chồng các cô là lính trong toán Fulro hơn 100 tên. Sau khi phát hiện ra sào huyệt của bọn chúng, đơn vị ông phải kết hợp cùng lực lượng huyện đội để truy quét. Trận đánh ác liệt tiêu diệt được nhiều tên địch, một số bị bắt sống.

Vụ tai nạn giao thông khiến ông Y Mơi Chinh nằm liệt giường gần 10 năm nay.

Vụ tai nạn giao thông khiến ông Y Mơi Chinh nằm liệt giường gần 10 năm nay.

Những tên chạy thoát điên cuồng phục kích quân ta ngay trên đường về. Chiếc xe chở tù binh và chiến lợi phẩm thu được của bọn Fulro vừa tới thôn 5, xã Ea Drông thì loạt đạn chát chúa nổi lên. Bị tấn công bất ngờ, ba chiến sĩ hy sinh, một chiến sĩ bị thương, trong đó có đồng chí Trịnh Ngọc Hoa. Y Mơi cũng bị mảnh đạn sượt qua vai.

Điều khiến ông đau lòng hơn cả trong cuộc chiến chống Fulro chính là có những người từng là đồng chí, đồng đội. Bị lời xúi giục ngon ngọt, họ biến thành những tên phản bội hoặc gián điệp hai mang. “Một lần, được quần chúng báo tin, tôi cùng một số anh em du kích đi phục căn cứ của bọn Fulro trong rừng. Mới diệt được ba tên thì tôi bị ba du kích đi cùng mình bắn trả. Hóa ra tụi nó là quân phản bội. Thấy tình thế nguy cấp, tụi nó đành lộ mặt, ra sức chống trả bảo vệ đồng bọn. Bắn không trúng tôi, tụi nó nhè ngay tổ ong vò vẽ gần gốc cây tôi núp mà bắn. Lần đó, ba tên phản bội bị bắt. Tôi may mắn thoát chết nhưng bị ong đốt đến nỗi mình mẩy sưng vù, sốt nằm liệt giường cả nửa tháng. Nhưng nốt ong đốt đâu đau bằng con dao vô hình đồng đội đâm sau lưng” - ông nhớ lại.

3. Khi “bóng ma” Fulro tạm lùi xa, Y Mơi Chinh tham gia công tác ở xã. Đầu thập niên 90, khi về làm Phó chủ tịch UBND xã Dlie Ya, ông không ngại vất vả, lội bộ qua con đường rừng gập ghềnh, heo hút để đến từng nhà dân vận động, tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước. Lúc bấy giờ, Dlie Ya vẫn là vùng rừng thiêng nước độc bị bom đạn cày xới, dân cư nơi đây đa số là đồng bào dân tộc Êđê. Họ sống rải rác, nhà nọ cách nhà kia hàng chục cây số. Đời sống bà con khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đều gần như bằng không. Ngay cả trụ sở UBND xã cũng không có nốt.

Lợi dụng điều đó, các phần tử phản động thường xuyên vào buôn, phao tin nói xấu chế độ, kích động, lôi kéo bà con Êđê chống phá chính quyền. “Tôi khuyên đồng bào không nghe, không theo lời dụ dỗ ngon ngọt của bọn phản động. Đồng bào cứ nghe theo, đi theo thì đồng bào khổ. Nhưng mình chỉ nói suông thì dân không nghe đâu, phải cho họ thấy thực tiễn họ mới tin”.

Nói là làm. Y Mơi vận động người dân làm nhà sống gần nhau, dần định cư định canh. Ông học hỏi những đổi mới trong cách trồng trọt, chăn nuôi rồi về chỉ dẫn cho bà con để đạt năng suất cao. Từ chạy ăn hằng bữa, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, chẳng mấy chốc, nhà nào cũng có của ăn của để. Thấy giáo viên miền xuôi phải sống kham khổ chung với người dân, ông phó chủ tịch xã kêu gọi dân làng đốn gỗ làm nhà cho giáo viên. Cái chữ đem ánh sáng tri thức về cho buôn làng, đời sống người dân ấm no với nhiều chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Rời vị trí Bí thư Đảng ủy xã Dlie Ya, ông được bổ nhiệm làm Phó Ban Tuyên giáo rồi quyền Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Krông Năng. Năm 2001, cuộc biểu tình, bạo động của đồng bào dân tộc Êđê nổ ra khiến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh vô cùng phức tạp. Vốn là người thủ lĩnh được dân làng tin tưởng, Y Mơi lại được cấp trên tăng cường điều về xã Dlie Ya để nắm tình hình, chặt đứt chân rết của bọn Fulro đang len lỏi trong thôn buôn, kích động đồng bào. Điều ông đau lòng nhất là Y Tum Mlô - Phó Công an xã hiền lành, mẫu mực mà ông quý mến khi còn làm Bí thư Đảng ủy xã Dlie Ya, lại thành kẻ cầm đầu một nhóm người Êđê biểu tình gây rối tại Buôn Ma Thuột. Phút bốc đồng nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu khiến người cán bộ ưu tú của buôn làng lĩnh án hơn 8 năm tù, bụng Y Mơi đau như cắt. Sau này ra tù, nhờ những lời động viên, khuyến khích của Y Mơi, Y Tum không còn mang nặng mặc cảm khi trở về với buôn làng. Ngược lại, ông là người tích cực giúp Y Mơi tuyên truyền, vận động đồng bào đừng nghe theo lời xúi giục, lôi kéo của các thế lực thù địch.

Bây giờ, vùng đất heo hút năm xưa đã đổi khác rất nhiều. Đường nhựa vào từng thôn, buôn. Trường học xây dựng khang trang, sạch đẹp; ánh sáng của đèn điện đã về với từng nếp nhà dài trù phú. Thấy quê hương đang đổi mới từng ngày, Y Mơi bảo dẫu nằm một chỗ, ông vẫn vui cái bụng khi mình đã góp công sức trong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro, trong công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nông thôn mới.

Theo Mai Quỳnh Nga (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.