Đại Lải, mãi tuôn trào sức trẻ - bài 1: Bồi hồi ngày hội ngộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một hồ nước mênh mông với những con đập vững chãi như bức tường thành, bao quanh là rừng cây bát ngát. Từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) 65 năm trước, Đại Lải không chỉ là một công trình đại thủy nông mà còn trở thành quần thể du lịch sinh thái hấp dẫn...

Người “trẻ” nhất ở tuổi 83

Khoảng 7h30 sáng 22/10, đoàn báo Tiền Phong có mặt ở Nhà sáng tác Đại Lải nằm bên hồ Đại Lải. Hơn một tuần trước đó, ông Lê Đức Thịnh, Trưởng ban Liên lạc cựu TNXP xây dựng hồ Đại Lải xuống tận trụ sở báo Tiền Phong gửi giấy mời với lời dặn dò “các anh nhất định phải lên tham dự”.

Không khí lao động của TNXP trên công trường hồ Đại Lải.
Không khí lao động của TNXP trên công trường hồ Đại Lải.

Dù còn khá sớm nhưng hội trường Nhà sáng tác Đại Lải đã nhộn nhịp tiếng cười vui. Có khoảng hơn 200 người, là lớp TNXP những năm 1960 xây dựng hồ Đại Lải từ khắp các huyện, xã của tỉnh Vĩnh Phúc đã tề tựu về đây. Những tưởng buổi lễ kỷ niệm diễn ra là các bài diễn văn khô cứng, nhưng quá nửa chương trình là các tiết mục “cây nhà lá vườn”, những bài hát của tuổi trẻ, những làn điệu dân ca của chính những TNXP nay đã 80, 90 tuổi. Sau mỗi bài hát là những tràng pháo tay rào rào, không khí náo nhiệt và ấm cúng.

Ông Lê Đức Thịnh, Trưởng ban Liên lạc đơn vị TNXP xây dựng hồ Đại Lải cho biết, những năm 1960, thiết bị, máy móc vô cùng thô sơ nhưng lực lượng TNXP với vai trò chủ lực, xung kích, là đội quân kĩ thuật. Đại công trường xây dựng hồ thủy lợi Đại Lải lúc đó không lúc nào ngớt tiếng búa, tiếng đục, đầm nền, khoan cát. Hơn 3 năm, nhiều bờ đập vững chắc, kiên cố đã hoàn thành, công trình hồ nước rộng 530ha, dung tích 31 triệu m3 đã hiển hiện.

Đến nay, đã 65 năm đã trôi qua kể từ ngày ông Thịnh và đồng đội bổ những nhát cuốc đầu tiên xuống lòng hồ. Những trai tráng, thiếu nữ 18, đôi mươi thuở ấy giờ đã bước vào cái tuổi thượng thọ, tóc bạc da mồi, lưng còng, mắt kém. “Hơn 1.200 cựu TNXP xây dựng hồ Đại Lải theo thời gian đã mất vì tuổi cao, bệnh tật; người trẻ nhất hiện nay là 83 tuổi. Vì vậy, lễ kỷ niệm lần này được tổ chức ngay tại hồ Đại Lải là dịp hội ngộ quan trọng cuối cùng để các đồng đội ôn lại kỉ niệm, tự hào về công trình mình đã từng góp sức xây dựng thời thanh xuân”, ông Thịnh nói.

Các tiết mục văn nghệ của các cựu TNXP xây dựng hồ Đại Lải.
Các tiết mục văn nghệ của các cựu TNXP xây dựng hồ Đại Lải.

Để có cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa này, từ những năm 2000, ông Thịnh cùng những thành viên khác trong ban liên lạc có nhiệm vụ đi tìm đồng đội, tìm xem ai còn, ai mất. Rồi từ đó, khi biết còn có những TNXP không được giải quyết chính sách, các ông lại phân công nhau đi tìm. Trải qua nhiều năm, những hồ sơ về đơn vị hầu hết đã bị thất lạc, mối xông không có bút tích để báo cáo về Trung ương. Mất gần 10 năm, các ông phải gặp nhiều người nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ đó để xin xác nhận và có những bút tích chi tiết về đơn vị. Và sau đó, khi có đủ nhân chứng vật chứng đơn vị TNXP xây dựng hồ Đại Lải mới được công nhận phiên hiệu. Và hôm nay, đơn vị đã trao huy hiệu “Cựu TNXP làm theo lời Bác” cho các cựu TNXP xây dựng hồ Đại Lải như một phần thưởng cao quý để tri ân.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, công trình hồ Đại Lải được khởi công xây dựng ngày 17/10/1959 với sự tham gia chủ lực của TNXP, cao điểm lên đến hơn 1.200 TNXP trong hơn 3 năm. Công trình đã biến vùng đất khô cằn, sỏi đá, đầm lầy bỏ hoang thành hồ nước phục vụ nước cho sản xuất nông nghiệp thuộc thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) và huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, hồ còn phục vụ nước sinh hoạt dân sinh và các khu công nghiệp lân cận. Ngày nay, hồ Đại Lải trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc, có khu nghỉ dưỡng sang trọng, hàng đầu thế giới.

65 năm mà ngỡ như mới hôm qua

Hồ Đại Lải những ngày thu khá nhộn nhịp khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Lòng hồ sâu với sắc xanh của nước hòa quyện với màu xanh bát ngát của rừng núi, những cơn gió mát rượi từ ba phía mặt hồ thổi tới tạo cho du khách cảm giác thanh thản, dễ chịu. Thấp thoáng trong rừng thông là những khách sạn, nhà hàng, nhà an dưỡng. Khung cảnh hữu tình cũng biến nơi đây thành nơi sáng tác thi ca, hội họa, âm nhạc… của các nghệ sỹ.

Ông Tạ Quang Định (SN1936) ở xã An Hòa huyện Tam Dương là một trong những TNXP có mặt từ ngày đầu xây dựng hồ Đại Lải. Phát biểu, ông làm cả hội trường vỗ tay rào rào khi giới thiệu: “Tôi, Phạm Quang Định, hội viên cựu TNXP xây hồ Đại Lải, năm nay mới… 86 tuổi”. Rồi ông nói: “Hôm nay, hội tụ về đây vui làm sao, mừng làm sao. Chúng tôi gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau ai còn, ai mất. 65 năm qua nhiều đổi thay, hồ Đại Lải giờ đây khang trang bền chắc, cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp”.

Ông Tạ Quang Định SN 1936 chia vui với đồng đội.
Ông Tạ Quang Định SN 1936 chia vui với đồng đội.

Nhớ lại vùng hồ Đại Lải 65 năm trước, ông Định nói rằng, hồ Đại Lải những năm 1959 là vùng vành đai trắng trong kháng chiến chống Pháp. Xã Ngọc Thanh ở phía nam dãy núi Tam Đảo, nơi có hồ Đại Lải là vùng bán sơn địa, mùa mưa nước lũ dồn về ngập úng nhiều ngày. Bên cạnh đó là những suối, lạch ngập bùn, cỏ lau gai góc cùng dòng nước chua phèn nổi váng. Những thửa ruộng quanh vùng bị ảnh hưởng bởi thiên nhiên nên chiêm khô, mùa thối. Làng mạc xác xơ, ruộng đồng hoang hóa, cuộc sống người dân trong vùng vất vả quanh năm mà vẫn thiếu lương thực, nghèo đói nên dân cư thưa thớt.

Để khôi phục năng lực sản xuất nông nghiệp, giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống nhân dân, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quyết định xây dựng công trình đại thủy nông hồ Đại Lải. “Tôi được biết, công trình giải quyết vấn đề chống úng, giữ nước, chống hạn cho hơn 5.000ha lúa của nông dân 3 huyện của Vĩnh Phúc và Hà Nội, biến ruộng từ sản xuất 1 vụ tiến tới sản xuất 2 vụ lúa trong năm. Lúc xây xong hồ, riêng tỉnh Vĩnh Phúc, sản lượng lượng thóc đã đạt 11.000 tấn”, ông Định cho biết.

Được sự đồng thuận của người dân, ngày 17/10/1959, tỉnh Vĩnh Phúc thành lập đơn vị TNXP và huy động có lúc hơn 1.000 thanh niên lao động tập trung, dài hạn tham gia xây dựng công trình. Nhớ lại khí thế của thanh niên lúc đó, bà Nguyễn Thị Kim Thao 83 tuổi, người ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) phấn khởi: “65 năm qua nhưng những kỷ niệm vui buồn chỉ như mới hôm qua thôi. Khi ấy, chúng tôi mới 17, 18 tuổi đã phải xa gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè. Lúc chia tay từ quê hương để đi xa thật là lưu luyến, bịn rịn. Song, vượt lên tất cả là tinh thần hăng hái, nhiệt tình của tuổi trẻ, muốn được góp sức mình đi xây dựng quê hương, đất nước”, bà Thao nói.

(Còn nữa)

Theo Đức Anh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.