Bát nháo 'cò' vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Từ phản ánh của bạn đọc về nhóm người chạy xe ôm, bán hàng rong ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài và Mỹ Quý Tây móc nối, chèo kéo, đưa người qua biên giới Campuchia, nhóm PV Thanh Niên đã tìm hiểu, phối hợp các đơn vị Bộ đội biên phòng (BĐBP) làm rõ, tìm giải pháp ngăn chặn.

QUA LẠI CỬA KHẨU GIÁ 6 TRIỆU ĐỒNG

Trưa 16.11, trong vai người có nhu cầu sang Campuchia đánh bạc, chúng tôi đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (xã Lợi Thuận, H.Bến Cầu, Tây Ninh) để tìm hiểu các thủ tục xuất cảnh sang nước bạn.

Người phụ nữ (đội nón lá) tư vấn cho chúng tôi qua Campuchia không cần hộ chiếu
Người phụ nữ (đội nón lá) tư vấn cho chúng tôi qua Campuchia không cần hộ chiếu

Xe chúng tôi vừa đến cổng cửa khẩu Mộc Bài thì có 3 - 4 người đi xe máy vây quanh chèo kéo: "đi đâu"... Chúng tôi vờ đi thẳng vào trạm gác của BĐBP để hỏi làm thủ tục xuất cảnh, rồi quay ngược trở lại với vẻ thất vọng vì không mang theo hộ chiếu.

Đang lang thang trước khu vực cửa khẩu Mộc Bài, có một người nữ (trạc 45 tuổi) cùng 2 người nam khác tiếp cận nói chuyện, rồi tư vấn cho chúng tôi sang Campuchia đánh bạc mà không cần hộ chiếu.

Xe ôm chở người đi vào cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh
Xe ôm chở người đi vào cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh

Theo lời những người này, nếu không có hộ chiếu thì đi bằng đường tiểu ngạch qua Campuchia, rồi họ ra giá lượt đi và về hết 6 triệu đồng. "Nếu đi thì chúng tôi sẽ gọi xe ôm đến chở, qua biên giới mới lấy tiền. Còn muốn đi rẻ hơn thì xuống cửa khẩu Tho Mo (hay còn gọi cửa khẩu Mỹ Quý Tây, Long An - PV) với giá 600.000 đồng cả đi và về", một người gạ gẫm.

Ở khu vực cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng hơn 1 km, chúng tôi tiếp tục được một người đàn ông ngoài 50 tuổi, hành nghề xe ôm, mời chào đưa qua biên giới bằng đường tiểu ngạch với giá 3 triệu đồng/lượt.

Người đàn ông ở Mộc Bài đồng ý đưa người qua Campuchia với 2,5 triệu đồng/lượt
Người đàn ông ở Mộc Bài đồng ý đưa người qua Campuchia với 2,5 triệu đồng/lượt

Sau khi cò kè xuống còn 2,5 triệu đồng/lượt, người này đồng ý đưa chúng tôi đến quán nước ven đường và gọi bạn đến chở khách qua biên giới. Khoảng 5 phút sau, người đàn ông chạy xe ôm đến điểm hẹn để chở chúng tôi qua Campuchia theo giá thỏa thuận.

ĐƯỜNG MÒN DẪN ĐẾN CAMPUCHIA

Trước khi lên xe, chúng tôi thắc mắc với người chạy xe ôm rằng sau khi sang Campuchia, nếu muốn quay về lại phải làm như thế nào? Người này cho chúng tôi số điện thoại và dặn dò: "Khi nào về thì liên lạc qua Telegram hoặc Zalo là sẽ có người đón về ngay. Phí quay lại VN cũng 3 triệu đồng".

Người chạy xe ôm chở PV Thanh Niên đến con đường mòn để qua biên giới Campuchia
Người chạy xe ôm chở PV Thanh Niên đến con đường mòn để qua biên giới Campuchia

Từ cửa khẩu Mộc Bài, người xe ôm đưa chúng tôi đi theo con đường tuần tra biên giới dài khoảng hơn 3 km thì đến khu vực có nhiều nhà người dân sinh sống. Khi vừa qua khu dân cư, có con đường mòn băng qua đồng ruộng đã khô nước, người chạy xe ôm chỉ cho chúng tôi đi bộ thẳng qua khoảng 200 m là đất của Campuchia và không quên dặn dò: "Qua bên đó sẽ có người đón và thu tiền. Muốn đi đâu, bên đó đều có xe chở đi".

Con đường dẫn đến đường mòn đi qua biên giới Campuchia ở Mộc Bài
Con đường dẫn đến đường mòn đi qua biên giới Campuchia ở Mộc Bài

Lúc này, lấy lý do sau khi qua bên Campuchia lỡ không liên lạc được với người đưa về VN thì biết nhờ ai và đi như vậy là vi phạm pháp luật, nên chúng tôi yêu cầu chở quay lại khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài. Nghe vậy, người chạy xe ôm phản ứng dữ dội, cho rằng chúng tôi là... "lừa đảo". Sau một hồi đôi co, người này cũng đồng ý đưa chúng tôi quay lại cửa khẩu Mộc Bài và lấy 200.000 đồng.

Xe ôm chở người đi vào khu đường mòn ở Mộc Bài
Xe ôm chở người đi vào khu đường mòn ở Mộc Bài

KHÔNG GIẤY TỜ, ĐI-VỀ 600.000 đồng

Theo hướng dẫn của nhóm người chạy xe ôm ở Mộc Bài, ngày 17.11, chúng tôi đến cửa khẩu Mỹ Quý Tây (xã Mỹ Quý Tây, H.Đức Huệ, Long An), chứng kiến cảnh người qua lại cửa khẩu này khá nhộn nhịp.

Bãi giữ xe ở cửa khẩu Mỹ Quý Tây, Long An
Bãi giữ xe ở cửa khẩu Mỹ Quý Tây, Long An

Từ ngoài đường nhựa đi vào cửa khẩu, chúng tôi dừng xe sát trạm biên phòng kiểm soát cửa khẩu thì được 2 người chạy xe ôm đến hỏi "đi đâu". Khi biết chúng tôi có ý định đi qua Campuchia thì 2 người này hướng dẫn ra bãi giữ xe, ở đó sẽ có người chở đi.

Khi ra bãi giữ xe, chúng tôi choáng ngợp vì ở đây có cả trăm ô tô biển số TP.HCM, Bình Dương, Long An… đang đậu, người ra vào nhộn nhịp như đi chợ.

Xe ôm chở người đi về hướng khu vực cửa khẩu Mỹ Quý Tây bằng con đường phía sau bãi giữ xe
Xe ôm chở người đi về hướng khu vực cửa khẩu Mỹ Quý Tây bằng con đường phía sau bãi giữ xe

Lúc này, xuất hiện người nam khoảng 45 tuổi, trên tay cầm xấp tiền, ra thu phí. Khi hỏi thu tiền gì, người này mặt lạnh tanh: "Tiền vào bãi 20.000 đồng. Tiền gửi xe 50.000 đồng". Vì không muốn đôi co với tiền phí thu cao, chúng tôi đưa 70.000 đồng rồi đi ra khu vực ăn uống để tìm hiểu tình trạng xuất cảnh qua cửa khẩu này.

Hai người thu tiền ở cửa sau bãi giữ xe ở khu vực gần cửa khẩu Mỹ Quý Tây
Hai người thu tiền ở cửa sau bãi giữ xe ở khu vực gần cửa khẩu Mỹ Quý Tây

Tại khu vực ăn uống, chúng tôi thấy có hàng trăm người, bao gồm cả nam lẫn nữ, đang nằm võng nghỉ ngơi, mang theo túi xách, va li… bàn tán xôn xao về những chuyện ở Campuchia.

Vừa ra khỏi khu vực ăn uống, có gần chục người xe ôm chờ sẵn và hỏi chúng tôi đi đâu. Không chờ khách trả lời, một người ra giá luôn: "Có hộ chiếu 250.000 đồng; có CCCD 500.000 đồng; còn không có giấy tờ thì đi - về 600.000 đồng". Thấy giá cả thấp hơn nhiều lần so với ở cửa khẩu Mộc Bài, chúng tôi hỏi lại rằng không có CCCD, nhưng có bằng lái xe thì có đi được không. Người chạy xe ôm trả lời chắc nịch: "Được. Cả lượt đi và về là 600.000 đồng".

Xe ôm chở người không có hộ chiếu đi về hướng biên giới gần khu vực cửa khẩu Mỹ Quý Tây
Xe ôm chở người không có hộ chiếu đi về hướng biên giới gần khu vực cửa khẩu Mỹ Quý Tây

Chúng tôi hỏi rõ cách thức đi qua và quay lại như thế nào, người chạy xe ôm cho hay: "Tôi sẽ chở đến cửa khẩu, ông đi bộ qua bên đó (biên giới - PV). Ở bên đó sẽ có người chở ông đi. Lúc về, cứ ra khỏi sòng bạc là có người chở về lại cửa khẩu, rồi ông lại đi bộ về đây". Sau khi thỏa thuận, chúng tôi đồng ý để người này chở đi Campuchia bằng giấy phép lái xe với giá 500.000 đồng/người.

Vừa lên xe, người chạy xe ôm chở chúng tôi phóng ào ào ra cửa sau của bãi giữ xe. Khi gần ra đến đường chính dẫn vào khu vực gần cửa khẩu thì có 2 người đàn ông ngồi chờ sẵn ở ngoài. Người chạy xe ôm nói: "Chung tiền đi". Chúng tôi lấy ra 1 triệu đồng trả cho 2 người này và hỏi lại có phải trả thêm tiền xe ôm không, người chạy xe ôm nói: "Cho bao nhiêu thì cho".

Người chạy xe ôm chỉ đường đi qua biên giới ở khu vực gần cửa khẩu Mỹ Quý Tây
Người chạy xe ôm chỉ đường đi qua biên giới ở khu vực gần cửa khẩu Mỹ Quý Tây

Xe chạy đến gần trạm kiểm soát của biên phòng, người chạy xe ôm dừng phương tiện để chúng tôi đi bộ qua Campuchia. Xuống xe, chúng tôi bày tỏ lo lắng rằng hiện có nhiều đường dây lừa đảo đưa người sang Campuchia và bị giữ lại để đòi tiền chuộc, thì người chạy xe ôm chỉ những người đang đi phía trước và nói: "Họ đi bình thường đó, có sao đâu". Chúng tôi xin số điện thoại để lỡ có rủi ro gì để liên hệ nhờ giải cứu, người chạy xe ôm không cho và khẳng định chắc nịch: "Đã nói đảm bảo uy tín mà, nhiều người đã đi qua đây rồi".

Sau khi ghi nhận tình hình ở khu vực cửa khẩu phía VN, chúng tôi quay trở lại để làm việc với các cơ quan chức năng... (còn tiếp)

Theo Đỗ Trường - Thanh Quân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.