Nghĩa tình thầy thuốc quân hàm xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có dịp gặp lại bệnh nhân cũ, những thầy thuốc mang quân hàm xanh công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai luôn thấy ấm lòng trước tình cảm mà bà con dân làng dành cho.

1logo.jpg

Với các anh, đây chính là động lực để tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho bộ đội và người dân nơi phên giậu của Tổ quốc.

Nhiều năm qua, lực lượng Quân y Biên phòng thực hiện song song nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, khám bệnh miễn phí cho người dân khu vực biên giới và người dân nước bạn Campuchia.

Trong 2 năm (2023-2024), Quân y Biên phòng đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 5.500 lượt cán bộ, chiến sĩ và người dân khu vực biên giới, riêng số tiền thuốc và quà tặng người dân khoảng 600 triệu đồng.

Tận tâm với người bệnh

Cuộc chuyện trò giữa chúng tôi với Trung tá Trần Anh Tuấn-Nhân viên Quân y Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) càng rôm rả hơn khi tập trung vào chủ đề chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và bà con khu vực biên giới.

Ấn tượng nhất là câu chuyện chữa bệnh sốt rét cho đồng đội cách đây 22 năm của y sĩ Trần Anh Tuấn khi công tác tại Đồn Biên phòng Ia Chía. Thời kỳ này, Đồn vừa mới thành lập, trụ sở đóng giữa mênh mông cây rừng nên việc cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm sốt rét là thường tình. Có trường hợp bệnh nặng, muốn chuyển viện cũng không dễ do địa hình cách trở. Không ít lần chuyển viện cho đồng đội nhưng bất thành.

“Bộ đội khiêng người bệnh ra đến mép sông, dự định đưa qua sông bằng cách căng dây làm ròng rọc nhưng bất thành trước nước lũ, đành khiêng trở lại đơn vị để tiếp tục điều trị.

Trở lại lán, tôi áp dụng các bài thuốc được học trước đó để chữa trị cho đồng đội. Bên cạnh thuốc Tây, tôi còn sử dụng thảo dược trong vườn thuốc Nam cho người bệnh uống để tăng sức đề kháng.

Nhiều đêm, tôi thức trắng theo dõi diễn tiến bệnh, còn ban ngày thì triển khai công tác dự phòng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan diện rộng. Đối với trường hợp chưa hết bệnh, khi nước sông rút, tôi cho chuyển về Bệnh xá Biên phòng tỉnh để tiếp tục chữa trị”-Trung tá Tuấn nhớ lại.

y-si-tuan-cung-bo-doi-cham-soc-vuon-thuoc-nam-o-don-bp-ia-o.jpg
Y sĩ Trần Anh Tuấn (bìa phải, nhân viên Quân y Đồn Biên phòng Ia O) cùng bộ đội chăm sóc vườn thuốc Nam của đơn vị. Ảnh: H.S

Nghe tôi hỏi về chuyện nhận thực phẩm, vật tư y tế tiếp tế cho đơn vị, anh Tuấn im lặng một đỗi rồi kể tiếp: “Mấy anh em đi bộ tầm 3-4 tiếng đồng hồ mới đến bờ sông. Chưa kịp nghỉ cho lại sức, chúng tôi phải ném dây qua bên kia sông nhờ người buộc đồ đạc vào rồi kéo sang. Phải làm cho xong việc để về đơn vị khi trời còn sớm.

Gùi đống đồ trên lưng và băng đường rừng, về đến nơi, áo quần thấm đẫm mồ hôi. Cũng có đôi lần, tôi ngồi trong cái sọt chở hàng hóa tiếp phẩm cho bộ đội của người dân về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đề nghị cấp thuốc, hóa chất phòng dịch cho đơn vị”.

Đi đôi với chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, Trung tá Tuấn còn tham gia khám bệnh ban đầu cho người dân trên địa bàn đơn vị đứng chân. Đêm hôm khuya khoắt, nghe báo có người dân đau ốm là anh vội xuống làng ngay.

“Tôi thường xuống làng khám, cấp thuốc cho người dân và hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh. Cũng có trường hợp, tôi hướng dẫn bà con cách điều trị bằng thuốc Nam để sau tự làm. Ví như dùng lá cây đại tướng quân đập dập đắp vào chỗ đau do bong gân, nhức xương khớp.

Vậy nên, bộ đội Biên phòng được bà con trân quý. Lâu lâu lại có người mang mớ rau, con gà đến cho. Vẫn biết cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều lúc từ chối quà mãi không được, anh em phải bảo nhau nhận để bà con vui lòng. Có người còn bảo nếu bộ đội Tuấn không nhận, dân làng mình không dám nhờ khám bệnh nữa đâu, ngại lắm”-Trung tá Tuấn tâm sự.

Đến bây giờ, Trung tá Lâm Mạnh Tuyển-Nhân viên Quân y Đồn Biên phòng Ia Chía vẫn luôn nhớ kỷ niệm về chuyến xe chuyển viện trong mưa. Ấy là năm 2012, khi Thiếu tá Lâm Quang Vỹ bất ngờ phát bệnh.

Qua thăm khám, biết đồng đội bị ứ thận, y sĩ Lâm Mạnh Tuyển đề xuất Chỉ huy Đồn cho điều xe U oát chở về Bệnh viện Quân y 211 cấp cứu. Đang giữa mùa mưa, đường nhão nhoẹt bùn đất, chiếc xe U oát chở anh Vỹ mắc lầy liên tục. Y sĩ Tuyển vừa phụ đẩy xe mệt bở hơi tai vừa phải quan sát đồng đội để kịp thời cho uống thuốc giúp giảm cơn đau.

Trung tá Tuyển nhắc nhớ: “Trời đã khuya lại kèm mưa to, gió lạnh buốt, trong khi xe liên tục mắc lầy. Quần áo chúng tôi lấm lem, sũng nước. Cũng may là có 1 người dân lái xe công nông ra kéo giúp nhưng cũng phải mất 2-3 tiếng đồng hồ mới qua được con đường đất dài chừng 20 km.

Tôi nhớ mãi hình ảnh xe công nông kéo lê chiếc xe U oát chở đồng chí Vỹ chuyển viện chạy trên đường do 4 bánh xe không xoay được, dính chặt đất đỏ. Mừng nhất là kéo ra đến đường nhựa thì anh Vỹ hết đau. Từ đó đến nay, có dịp gặp nhau, 2 anh em vẫn thường nhắc về chuyến chuyển viện đầy “bão táp” này”.

Vun đắp tình quân dân

Phủi xong bụi đỏ bám trên bộ quân phục, Trung tá Lâm Mạnh Tuyển rảo bước đến mấy gia đình ở làng Beng (xã Ia Chía). Thấy bóng dáng quen thuộc của người thầy thuốc quân hàm xanh trước nhà, bà Puih Yơng vội chạy ra và bảo: “Lúc sáng, mình có nói với BĐBP ở chốt địa bàn là mấy hôm nay đau nhức khắp người và bị đau bụng. Giờ có quân y tới khám bệnh và cho thuốc uống, mình mừng lắm.

Quân y BĐBP tỉnh biết gia đình mình thuộc diện hộ nghèo, neo đơn nên thường xuyên đến khám, cấp thuốc và hướng dẫn cách phòng bệnh. Mình không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn thôi”.

Đối với ông Ksor Bơng và nhiều hộ dân làng Bi thì Quân y Đồn Biên phòng Ia O là người được bà con tin tưởng, nghĩ đến trước tiên mỗi khi trái gió trở trời.

Đồn đóng cạnh làng, có người ốm đau, bà con thường gọi lực lượng Quân y xuống thăm khám. Dân làng cũng thường qua hỏi cách phòng ngừa dịch bệnh trong giai đoạn chuyển mùa.

Ông Bơng kể: “Cách đây mấy chục năm, trong đêm có người bị bệnh nặng. Nghe tin, tôi dẫn đường cho bộ đội Tuấn đến khám. Trời mưa, đường trơn, chúng tôi bị trượt ngã dúi dụi mấy lần. Đáng tiếc là tới nơi thì người bệnh không qua khỏi. Y sĩ Tuấn thấy áy náy lắm”.

thieu-ta-tuyen-huong-dan-ba-yong-su-dung-thuoc-nho-mat.jpg
Trung tá Lâm Mạnh Tuyển-Nhân viên Quân y Đồn Biên phòng Ia Chía hướng dẫn bà Puih Yơng (làng Beng, xã Ia Chía) sử dụng thuốc nhỏ mắt. Ảnh: H.S

Trò chuyện với P.V, ông Ksor Tuâng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia O-cho hay: Những năm qua, Đồn Biên phòng Ia O luôn phối hợp cùng ngành Y tế địa phương trong công tác đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Quân y của Đồn cũng triển khai hoạt động khám bệnh miễn phí cho người dân.

Theo Đại tá Rơ Mah Tuân-Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh: Những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân y BĐBP tỉnh đã tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và người dân ở khu vực biên giới, phát huy tốt vai trò người thầy thuốc quân hàm xanh.

Đi đôi với công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, lực lượng Quân y Biên phòng tỉnh còn thường xuyên tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con trên địa bàn biên giới.

Ngoài ra, các đồn cũng khám bệnh ban đầu cho người dân Campuchia trong một số chương trình giao lưu giữa lực lượng Biên phòng 2 nước hoặc trường hợp người dân nước bạn bị đau ốm bất ngờ khi qua Gia Lai thăm người thân.

“Cùng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nâng cao sức khỏe cho bộ đội, lực lượng Quân y Biên phòng tỉnh còn thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người dân khu vực biên giới.

Thời gian đến, chúng tôi chú trọng công tác tạo nguồn cán bộ và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, nhân viên Quân y được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”-Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nhấn mạnh.

2logo-7722-2933-9071-1045-4546-1474-6395-7637-6043-3883.jpg

Có thể bạn quan tâm

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.

Thanh âm báu vật nghìn năm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.