Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - Bài 1: 'Quý tộc' đổ bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu mùa hè Đà Nẵng hút đa dạng thị trường, phân khúc khách du lịch thì trong những tháng cuối năm, thành phố lại được những đoàn khách lớn, chi tiền bạo tay chọn là điểm đến. Đây là dòng khách cực kỳ tiềm năng mà Đà Nẵng cũng như các doanh nghiệp du lịch định hướng tập trung khai thác.

Khách ngàn đô

Mấy năm trở lại đây, Đà Nẵng được các gôn thủ từ khắp nơi chú ý, nhất là khi thành phố liên tục tổ chức các giải gôn với sự tham gia của các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới. Thành phố có 3 sân gôn đẳng cấp quốc tế tại huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn với địa thế độc đáo kề núi sát biển, gần các khu du lịch.

Những tháng cuối năm là thời điểm khách chơi gôn đến đông đúc Ảnh: T.H
Những tháng cuối năm là thời điểm khách chơi gôn đến đông đúc Ảnh: T.H

Cùng đoàn hơn 20 đại diện các công ty lữ hành gôn từ các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Thái Lan, Singapore… đến khảo sát, trải nghiệm dịch vụ gôn tại thành phố, ông Wang Tien Bao, Giám đốc Tiếp thị Thể thao và Du lịch cao cấp, Công ty Lion Travel đánh giá các sân gôn của Đà Nẵng có vị trí rất thuận lợi, gần sân bay và các khu vui chơi, thuận tiện trong việc di chuyển. “Hạ tầng sân gôn có chất lượng cao và bảo trì tốt, chi phí hợp lý, hạ tầng khách sạn cũng rất tuyệt vời. Tôi hy vọng các sân gôn có thêm nhiều suất chơi vào các khung giờ khác nhau để khách được trải nghiệm”, ông nói. Cả đoàn cũng đã tham quan các điểm đến nổi bật, khách sạn cao trong thành phố.

Ông Vũ Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam kể, có lần ông cùng một số khách đến trải nghiệm sân gôn ở quận Ngũ Hành Sơn, nhưng khi tới đã có mấy xe 45 chỗ đậu, không còn sân nữa. Nhiều thời điểm các sân ở Đà Nẵng đều “cháy” chỗ không thể nhận thêm khách. Ông nói thêm, mùa này là cao điểm của khách chơi môn thể thao quý tộc vì họ thích khí hậu ở Việt Nam, ngoài ra có thể kết hợp trong các chuyến thương thảo làm ăn cuối năm. Đặc biệt, nếu tới Đà Nẵng, các thượng khách này cũng có thể thuận tiện di chuyển để trải nghiệm thêm các sân ở miền Trung tại Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế.

Thời gian gần đây, tổng số vòng của 3 sân ở Đà Nẵng tăng trưởng ấn tượng, trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 131.000 vòng, tăng hơn 8.000 vòng so với cùng kỳ năm ngoái. Không giấu được niềm vui trước sự sự bật tăng này, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng nói rằng thành phố chú trọng phát triển tiềm năng du lịch gôn, nỗ lực xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những điểm đến du lịch gôn hàng đầu của châu Á và thế giới. Từ đó thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, theo đúng định hướng phát triển du lịch của thành phố.

Đà Nẵng đang vào mùa đón lượng khách lớn tổ chức hội nghị, hội thảo cuối năm
Đà Nẵng đang vào mùa đón lượng khách lớn tổ chức hội nghị, hội thảo cuối năm

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận đây là dòng khách chi tiêu rất “bạo tay”, họ chọn ở trong những khách sạn, resort đẳng cấp với giá trên dưới chục triệu mỗi đêm, sử dụng dịch vụ đắt đỏ. Nguồn khách thượng lưu này đóng góp rất lớn cho du lịch Đà Nẵng.

Đám cưới bạc tỷ

Đưa tôi xem bức ảnh 5 chuyên cơ đắt đỏ bậc nhất thế giới làm “sáng trưng” cả khoảng sân bay Đà Nẵng, anh Nguyễn Thành Chung (35 tuổi, quận Cẩm Lệ) phấn khởi khoe đây là khoảnh khắc anh chụp được từ tầng thượng nhà dân khi nghe tin máy bay hạng sang chở tỷ phú đổ bộ. “Tôi cũng rất mừng vì thành phố ngày càng được những yếu nhân, tỷ phú, người nổi tiếng tới thăm. Điều đó khẳng định Đà Nẵng có sức hút cực kỳ lớn, môi trường du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp, rất đáng để tự hào”, anh trải lòng. 5 chuyên cơ mà anh Chung chụp được đến vào giữa tháng 10 chở theo các tỷ phú từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự hội nghị khách hàng thường niên của một nhà sản xuất chuyên cơ. Trong những ngày lưu lại, các tỷ phú đã dành thời gian để tham quan một số địa điểm du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng.

Đó là một trong hàng loạt chuyến du lịch công vụ (MICE) trong những tháng cuối năm mà thành phố đón tiếp, dù mỗi cuộc một quy mô khác nhau. Đại diện Công ty CP Vietnam Travalmart cho hay từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau, đơn vị sẽ đón khoảng 10 đoàn khách MICE tới tổ chức các cuộc họp hành, sự kiện cuối năm. Những đoàn này chọn ở trong các khách sạn từ 4 sao trở lên, lưu trú dài ngày. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tư vấn và chào đón gần 200 đoàn khách MICE với hơn 61.000 lượt khách, riêng khách quốc tế chiếm hơn một nửa. Thành phố cũng tung ra nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn như tặng quà lưu niệm, hỗ trợ truyền thông, tư vấn tổ chức, hỗ trợ đoàn tiền trạm… để thu hút nguồn khách này.

Đà Nẵng ngày càng được các cặp đôi lựa chọn là nơi tổ chức đám cưới
Đà Nẵng ngày càng được các cặp đôi lựa chọn là nơi tổ chức đám cưới

Đưa hơn 500 nhân viên đến Đà Nẵng tổ chức hội thảo vào cuối tháng 11, sử dụng toàn bộ dịch vụ tổ chức sự kiện, tham quan trải nghiệm trong 4 ngày, ông Đào Văn Tám, Chủ tịch Tập đoàn Detech Motor bày tỏ rất ưng ý. Từ khi xuống sân bay, đoàn đã được thành phố đón tiếp, biểu diễn văn nghệ, tặng quà rất chu đáo. “Tôi đã đi rất nhiều nước nhưng chưa có nơi nào đón tiếp nồng nhiệt như ở Đà Nẵng. Đây là nơi tổ chức hội thảo rất chuyên nghiệp, trình độ quốc tế và thật sự rất hài lòng”, ông nói.

Cùng với du lịch MICE là du lịch cưới, ngày trọng đại được các cặp đôi tổ chức tại các khách sạn sang trọng ven biển ngày một nhiều. Đại diện khách sạn Furama cho hay từ tháng 9 đến cuối năm, khách sạn tổ chức hơn 10 đám cưới, trên 2.000 khách, phần lớn cô dâu chú rể nước ngoài. Mấy năm trở lại đây, Đà Nẵng lọt vào mắt xanh của giới tỷ phú Ấn Độ. Những đám cưới xa hoa liên tục được giới nhà giàu từ thị trường tỷ dân “chốt”. Vì đặc trưng văn hóa nhiều phần lễ, chuộng ca hát nhảy múa, tiệc tùng nên các tỷ phú Ấn Độ thường bao nguyên resort cả tuần, sẵn sàng rút hầu bao chi hàng tỷ đồng để “bung xõa” trong ngày vui của mình. Những tháng cuối năm cho đến khoảng tháng 3 năm sau là thời điểm tỷ phú hay chọn để tổ chức cưới nhiều nhất do thời tiết mát mẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, sở dĩ Đà Nẵng hấp dẫn các cặp đôi cô dâu chú rể vì cơ sở vật chất đảm bảo, cảnh quan đa dạng, đặc biệt có bãi biển đẹp, sân bay ngay trung tâm rất thuận lợi cho di chuyển. Hơn nữa, đội ngũ nhân lực cũng đã được đào tạo, nâng cao chất lượng phục vụ. “Thành phố đã lựa chọn thông điệp “Đà Nẵng - Nơi khởi nguồn hạnh phúc” hàm chứa vẻ đẹp của thành phố bình yên cũng như tình cảm của người dân và du khách đối với điểm đến này”, bà An nói.

Đà Nẵng tung ra các gói ưu đãi để hút khách du lịch cưới theo từng quy mô 50, 100, 200, 300... khách. Các cặp đôi sẽ được chào đón tại sân bay, tặng vé tham quan, trải nghiệm vòng quanh thành phố bằng xích lô, bay flycam trong tiệc cưới…

Theo Thanh Hiền (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.