'Bảo mẫu' đàn chim trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.

“Bảo mẫu” đàn chim trời

Chiều muộn một ngày cuối tháng 11, tiết trời se se lạnh cũng là lúc chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Mạnh Cường (54 tuổi, trú phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) để tận mắt mục sở thị khu trang trại rộng khoảng 3ha mà gia đình ông dùng để bảo vệ các loài chim trời. Ngay đầu làng, chúng tôi đã thấy đàn chim đang bay lượn phía trên khu trại cùng với tiếng kêu râm ran. Cánh đồng lúa rộng thênh thang trước nhà ông cũng là nơi kiếm ăn hàng ngày của rất nhiều loài chim.

Đàn chim phủ trắng trang trại của ông Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Phạm Trường.
Đàn chim phủ trắng trang trại của ông Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Phạm Trường.

Trang trại tổng hợp của vợ chồng ông Cường, nằm giữa cánh đồng thuộc tổ dân phố 4 (phường Đậu Liêu) với căn nhà cấp bốn nhỏ và hệ thống ao cá, nhà xưởng nuôi hàng nghìn con vịt trời, gà, lợn và cây ăn quả. Bao quanh trang trại có con sông khiến khu vườn như một ốc đảo nhỏ giữa cánh đồng. Bên trong, những rặng tre, chặng phày, tràm... được ông Cường trồng nhiều năm đã xanh ngắt, cao vút, làm nơi cho các loài chim trú ngụ và sinh sản. Chính vì vậy qua mỗi năm, số lượng đàn chim tìm về đây mỗi năm một đông hơn.

Ông Cường kể, khu vực này từng là bãi hoang hóa, chiêm trũng. Năm 2015, sau khi đặt vấn đề với chính quyền thuê đất làm trang trại nuôi vịt trời và các loài gia cầm để phát triển kinh tế, vợ chồng ông đã mất nhiều tháng để cải tạo đất, mua tre và các loài cây về trồng với ý định làm chỗ cho gia cầm trú ẩn khi mưa gió. Sau một năm, cây cối xung quanh khuôn viên phát triển xanh tốt, tỏa bóng mát giữa cánh đồng rộng lớn, thu hút nhiều loài chim như cò, cói, vạc... bay về trú ngụ.

“Ban đầu, chim về chỉ vài trăm con. Tôi cũng nghĩ chúng về trú tạm ít hôm rồi đi nhưng mấy năm trở lại đây, khi chính quyền cấm săn bắt chim trời, số lượng chim về càng nhiều, đến nay có hàng nghìn con, đậu trắng vườn”, ông Cường tâm sự.

Chủ trang trại cho biết đã phải giảm số lượng vịt trời nuôi tại trại rồi dừng nuôi hẳn, nhường vườn cây và không gian cho chim trời trú ngụ. Cũng từ đó, ông Cường trở thành “bảo mẫu” bất đắc dĩ, canh giấc ngủ cho đàn chim.

Mỗi ngày, ông Cường lại thức dậy sớm hơn. Sau khi kiểm tra hệ thống nhà xưởng nuôi gia súc, gia cầm, ông thường ra khu vực đàn chim trú ngụ, luồn qua những tán tre, chằng phày, ven ao cá để kiểm tra chỗ ở của chúng sau một đêm, xem có gì bất thường hay không.

Đàn chim hàng nghìn con bay về trú ngụ, làm tổ tại trang trại.
Đàn chim hàng nghìn con bay về trú ngụ, làm tổ tại trang trại.

Cứ đi khoảng vài mét, người đàn ông đã ngoài 50 lại khom người, nhặt lông chim lên kiểm tra và tìm kiếm xem có con nào bị thương rơi xuống. Dưới tán rừng phủ kín trong khuôn viên trang trại phủ một màu trắng, phân chim loang lổ từ trên lá cho đến các cành, thân cây. Cũng vì thế, những năm trước cây cối quanh đây xanh tốt, song vài năm nay khi chim về ở càng nhiều, phân bám trên cành dẫn đến không quang hợp được, bị chết nhiều.

"Một vài người nói phân chim trong vườn gây ô nhiễm, dễ mang mầm bệnh khiến các loài gia cầm bị chết, nhưng tôi cười bảo đất lành chim mới đậu, chúng đã chọn nơi đây trú ẩn thì mình phải bảo vệ. Dù vất vả, khó khăn, chim là của trời, không mang lại hiệu quả kinh tế gì nhưng vợ chồng tôi lấy đó làm niềm vui mỗi ngày khi được thấy đàn chim bay lượn khỏe khoắn trên bầu trời sau mỗi giờ đi kiếm ăn về", ông Cường nói.

Khó khăn bảo vệ đàn chim

Thấy đàn chim về trang trại ông Cường càng nhiều, các tay thợ săn cũng theo đó mà tìm đến. Lợi dụng những lúc vợ chồng chủ trại đi vắng, họ lại tìm cách săn chim đang trú ở vườn. Nhiều người lúc bị phát hiện săn trộm chim còn hăm dọa song ông vẫn khuyên bảo và kiên trì giấc ngủ cho đàn chim. Chủ vườn còn rào chắn kỹ càng quanh trang trại, mua các tấm lưới dài hàng trăm mét về giăng quanh vườn làm hàng rào bảo vệ khu vực chim trời ở.

“Không chỉ bị săn bắt, những hôm mưa bão về, nhiều chim non trên tổ bị gió đánh quật, rơi xuống. Lo lắng chim non sẽ chết, vợ chồng tôi lại ra vườn rọi đèn khắp nơi xem chim con có bị rơi không. Những lúc ấy cũng thấy vất vả lắm nhưng nghĩ đến những con chim non chết vì lạnh vợ chồng tôi không đành lòng”, ông Cường thủ thỉ.

19h, khi mặt trời đã tắt, đàn chim cũng đã về kín các ngọn cây, kêu ríu rít cũng là lúc ông Cường yên tâm vào nhà tắm giặt, ăn uống. 8 năm qua, mỗi ngày, ông Cường vẫn cứ âm thầm bảo vệ chim mà không quản ngại đến vất vả hay sự khen thưởng nào cho riêng mình.

8 năm qua, ông Cường vẫn miệt mài bảo vệ đàn chim cư trú tại vườn.
8 năm qua, ông Cường vẫn miệt mài bảo vệ đàn chim cư trú tại vườn.

Hoàn cảnh gia đình cũng không mấy khá giả, ngoài thu nhập từ dăm ba sào ruộng ra anh cố gắng bán thêm các sản phẩm từ trang trại để có đủ tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Dù đôi lần cuộc sống khó khăn, lại cần tiền giải quyết công việc, thế nhưng, ông Cường chưa bao giờ có ý định bán lại trang trại này cho ai khác dù đã có nhiều người ngỏ ý mua lại. Ông sợ rằng khi bán đi người ta sẽ chặt hết cây thì chim sẽ không có chỗ để cư trú và bỏ đi.

“Đất lành thì chim mới đậu, nhà mình có duyên thì chim mới đến trú ngụ, làm tổ. Vì thế có vất vả chút nhưng gia đình tôi vẫn có niềm vui là được chăm sóc, bảo vệ chim trời. Nhưng việc bảo vệ sẽ rất khó khăn nên cần sự hỗ trợ của các chính quyền và ý thức bảo vệ đàn chim của nhiều người dân khác”, ông Cường bày tỏ.

Lãnh đạo UBND phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh) cho biết, địa phương luôn phối hợp với lực lượng công an và người dân bảo vệ các đàn chim trời di cư. “Để có một khu vực như trang trại ông Cường, thu hút nhiều loài chim như vậy là rất khó. Phường đã thường xuyên tuyên truyền, trao đổi với gia đình, người dân trong khu vực bảo vệ các đàn chim di cư về trên địa bàn. Ngoài ra, địa phương và lực lượng công an cũng sẽ phối hợp để bảo vệ các đàn chim, tránh bị săn bắt trái phép, nhằm giữ môi trường sống tự nhiên”, vị lãnh đạo địa phương thông tin.

Cận cảnh hàng nghìn con chim bay về trú ngụ, làm tổ tại trang trại ở Hà Tĩnh. Video: Phạm Trường.

Theo Phạm Trường (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi (thứ 2 từ phải sang)-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Điệp 1 (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) trao đổi với người dân về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.M

Những đảng viên “miệng nói, tay làm”

(GLO)- Dù đảm nhận vị trí công việc khác nhau song điểm chung ở những đảng viên tiêu biểu chính là sự tận tụy, hết lòng với công việc được giao. “Miệng nói, tay làm”, họ trực tiếp vun bồi niềm tin của người dân với Đảng, chung sức xây dựng địa phương ngày một phát triển.

Thác ghềnh muôn nỗi sơn khê

Thác ghềnh muôn nỗi sơn khê

Từ bé tôi đã thuộc lòng câu ru của mẹ rằng: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non/ Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Nghe chả hiểu gì nhưng tôi vẫn chìm trong giấc ngủ với những giọt nước mắt ngày ấy.

An lành 'Trường Sa trên biển Bắc'

An lành 'Trường Sa trên biển Bắc'

Từ cảng Ghềnh Võ, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) chúng tôi phóng cano cưỡi sóng gần 1 tiếng đồng hồ để ra đảo Trần – hòn đảo nằm phía Đông Bắc của quần đảo Cô Tô, nơi được ví như Trường Sa của vùng biển Đông Bắc. 6 năm mới quay trở lại, hòn đảo tiền tiêu vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Tết về trên đảo Đá Tây A

Tết về trên đảo Đá Tây A

Với đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, đặc trưng như trên đất liền, cộng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi đã làm nên một cái Tết đầm ấm, sum vầy, ấm áp tình quân dân trên đảo Đá Tây A.

Xuân thêm vẹn tròn

Xuân thêm vẹn tròn

Khi sắc xuân sắp chạm ngõ mọi hiên nhà, bước chân mưu sinh của những người lao động dường như càng thêm hối hả, vội vã trên khắp phố phường. Bởi để đón mùa Tết đầm ấm hơn, họ phải vun vén, dành dụm trong ngoài để có thể đong đầy lu gạo, chắt tràn lọ mắm, thêm củ dưa hành…

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Ở nước ta, không ít làng quê nuôi rắn hay chế biến thịt rắn. Nhưng với sự tích gắn với con rắn và cách chế biến các món ăn từ loài rắn thì làng Lệ Mật có nét độc đáo riêng không lẫn với bất kỳ đâu.

Bồi hồi mâm cỗ Tết xưa

Bồi hồi mâm cỗ Tết xưa

Món ăn trên mâm cỗ Tết bao giờ cũng hết sức cầu kỳ, tinh tế và chứa nhiều nội hàm sâu sắc. Nhưng cái ngon thật sự của cỗ Tết nằm ở hương vị của ký ức. Nếu chỉ cảm nhận bằng vị giác thôi thì chưa đủ…

Cho đi là còn mãi

“Cho đi là còn mãi”

(GLO)- Dù bận rộn với công việc kinh doanh song ông Nguyễn Tương Minh-Tổng Giám đốc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH một thành viên, Trưởng đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian kết nối những tấm lòng nhân ái để trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai.

Xuân về trên vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei

Xuân về trên vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei

(GLO)- Phát huy truyền thống anh hùng, lớp lớp cháu con của vùng căn cứ cách mạng Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tiếp tục đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng quê hương. Vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei một thời gian khó nay đã chuyển mình khởi sắc.