Mù u ra phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Rong ruổi qua các đường thành phố, nhất là những khu đô thị mới, nếu quan sát sẽ nhận ra những hàng cây xanh bản địa gắn bó với quê hương.

Nào là lộc vừng với dáng cây đẹp, hoa nhỏ li ti, mọc thành từng chùm treo rủ xuống như dải lụa đỏ; mang đến vẻ đẹp lãng mạn cho không gian sống. Nhưng ấn tượng hơn khi cả tuyến phố với hàng dài cây mù u ở phố đi bộ Bạch Đằng thì đó mới là điều lạ, mới mẻ và rất riêng của thành phố bên sông Hàn.

images1751930-3-mu-u-1-5929.jpg
Hàng mù u được trồng dọc theo tuyến phố đi bộ Bạch Đằng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

1. Từ lâu và mãi tận đến bây chừ, ở Đà Nẵng, việc lựa chọn cây xanh để trồng đường phố là đề tài luôn nóng ở diễn đàn các kỳ họp HĐND thành phố. Điều khá thú vị một số giống cây bản địa đã được đưa vào danh mục cây xanh khuyến khích trồng. Tại Quyết định số 3852/QĐ-UBND ngày 14-6-2014 của UBND thành phố quy định khuyến khích trồng cây xanh trong đô thị với các loại cây bản địa như lộc vừng, mù u, ngọc lan ... Tuy nhiên, sức sống của những loài cây bản địa được trồng quy cũ, có hệ thống phải kể đến hàng cây mù u dọc tuyến đường Bạch Đằng nối dài (đoạn từ Công viên APEC đến cầu Trần Thị Lý). Đã hai năm qua, cứ mỗi độ vào hè, hàng mù u trổ bông một màu trắng tinh khiết, giản dị. Hoa mù u không kiêu sa, quý phái như hoa hồng, hoa lan... nhưng đủ để làm ngất ngây lòng người.

Đôi bờ sông Hàn và Cẩm Lệ nay đã khác xưa, nhưng hàng mù u bây chừ cũng là cái gạch nối giữa xưa cùng nay, giữa mới và cũ. Quê tôi ở ngay ngã ba sông Cẩm Lệ - sông Yên- sông Túy Loan, bên ni là làng Cẩm Bình, bên tê là Cẩm Nê. Bên trồng thuốc lá làm nên sản vật thuốc lá Cẩm Lệ trứ danh một thời, bên dệt chiếu cũng nổi tiếng không kém (chiếu Cẩm Nê). Nước sông quê ngày nớ nhấp nhô từng con sóng nhỏ. Ngoài sân, đàn bướm vẫn hồn nhiên bay lượn bên hàng dâm bụt đỏ trước nhà.

Nhớ ngày bọn con nít chúng tôi hay ngồi dưới những tán lá mù u để thả hồn theo những cơn gió nồm thổi lên từ bến sông để tránh nắng mùa hè cho mãi tận chiều tắt nắng. Làng bên bãi sông nên có nhiều mương nước và cũng có nhiều loài cây tự nhiên mọc hoang như thị, trâm, bứa, mù u...

Loại cây nào cũng hữu ích đến lạ. Nếu trái thị, hạt trâm, quả bứa đem lại cho bọn trẻ cái ăn vặt, thì cây mù u cung cấp vật dụng làm trò chơi. Hồi nớ, hiếm có ve bi (bi chai -bi thủy tinh) nên bọn trẻ dùng sọ trái mù u để chơi trò bắn bi. Bắn chán thì làm “đạn mù u” để bắn ná thun. Trong thế giới tự nhiên thuở ấy, chẳng ai hỏi hay biết cây mù u từ đâu mà có. Tuy nhiên, khắp làng hễ có bờ mương, hàng rào vườn nhà đều có mọc cây mù u. Cây mù u cho hoa, cho trái cũng thật “lạ” hơn những giống cây khác. Trong một chùm bông mù u, bên cạnh những bông còn e ấp thì có những bông cũng đang “ôm” trái nhỏ, mỗi trái tròn bằng đầu ngón tay út mũm mĩm, xinh xắn. Trái mù u già có màu xanh nhạt, rất tròn. Đến cuối thu, khi chín, chúng chuyển sang màu vàng hoặc nâu sậm...

Bọn trẻ gặp trái mù u rụng là hí hửng lượm không sót một trái, bọn nó khoái chí lắm vì phen này sẽ có một túi quần “đạn mù u” để tha hồ bắn ná thun... Trái mù u không chỉ để con trẻ làm trò chơi mà cũng hữu ích với người lớn. Trái mù u lượm về, phơi khô, đập sọ lấy lõi cơm rồi cắt lát; dùng cọng nan tre vót tròn xâu lại thành chuỗi. Đây là loại đèn thắp sáng cho những tháng ngày vào đông có mưa dầm, gió bấc.

Xưa chưa có đèn điện thì thắp sáng là đèn dầu. Thời bao cấp dầu lửa thắp sáng cũng mua theo tem phiếu; không tem phiếu thì cũng lội bộ hàng chục cây số đường bờ ruộng để đến cửa hàng chất đốt của hợp tác xã dưới cầu Đỏ để mua. Vào mưa bão, nhà ai hết dầu lửa thì lôi xâu trái mù u ra đốt, thay đèn dầu lửa để thắp sáng ăn bữa cơm tối. Gia đình nào khấm khá thì đổ dầu phụng ra dĩa sứ, thả thêm vào sợi tim bện bông gòn khèo từ ruột gối để làm tim đèn. Thắp đèn dầu phụng vài hôm chớ cũng phải tiết kiệm, dành dụm để chiên xào thức ăn nên nhà ai cũng quay sang đốt đèn mù u.

Quê tôi duy trì dùng đèn mù u, đèn dầu lửa đều đặn cho đến khi có điện về làng. Tôi học lên đại học ở thành phố, đèn cao áp chiếu sáng khắp nơi, xanh xanh đỏ đỏ lấp lánh, nhưng ký ức về thời gian khó tôi vẫn không bao giờ quên được. Có những đêm, tôi chiêm bao thấy mình đi nhặt trái mù u...

Những cây mù u cổ thụ được khai thác cưa thân lấy gỗ. Mấy chú thợ mộc ở xóm Ghe làng dưới hay lội vô làng tôi tìm mua, xẻ ra thành những tấm ván to, rồi bán cho ghe rỗi (ghe buôn chuyến An Hải - Túy Loan - An Trạch) chở về vùng An Hải (Sơn Trà) bán lại cho các xưởng đóng ghe. Mấy người trong làng nói gỗ mù u tốt không thua gì gỗ kiền kiền, ngâm nước mấy cũng không hư.

images1751931-3-mu-u-2-7757.jpg
Mù u nở hoa bắt đầu từ tháng 5 hằng năm.

2. Chiều cuối tuần hôm rồi, sau khi dự tiệc ở khu nhà hàng tiệc cưới đường 2 Tháng 9, nhóm bạn thời cùng học Trường THPT Hòa Vang chúng tôi nay đứa ở Hòa Phước, người ở tận Điện Hòa (thị xã Điện Bàn - Quảng Nam) rủ nhau dạo phố. Khi thả bộ ở phố đi bộ Bạch Đằng, đứa mô cũng ồ lên vui mừng như hồi nhỏ, rồi thốt lên “Ui cây mù u nè, chừ ở quê vẫn hiếm thấy lắm”. Một hàng mù u dài hơn cây số dọc theo phố đi bộ Bạch Đằng đã được trồng nơi đây.

Hàng cây mù u theo tuyến phố đi bộ Bạch Đằng là hiện thực hóa theo đề án phát triển cây xanh đường phố bằng chủng loại cây đặc hữu bản địa. Qua quan sát hàng cây mù u hiện nay đã sinh trưởng khá tốt, tán rộng, lá dày cho bóng mát, chống chịu gió bão. Dưới ánh đèn màu, hàng mù u càng thêm vững chãi song hành theo bao bước chân du khách đến vãn cảnh, dạo phố đêm. Hàng cây mù u bỗng dưng trở thành thứ “gia vị” cho những cuộc rong chơi; điểm đến cho những hẹn hò đôi lứa.

Hằng đêm, khi phố đi bộ lên đèn, đường Bạch Đằng nối dài trở nên rực rỡ với những ánh đèn neon đầy màu sắc, giai điệu âm nhạc rộn ràng, không khí nhộn nhịp đặc trưng lễ hội sôi động. Ở đây, cũng có bố trí các trạm phát wifi miễn phí, rồi cùng với hàng cây mù u, ghế đá; những quầy hàng ăn vặt… để cho bao trải nghiệm đến với người dân thành phố và du khách luôn được trọn vẹn nhất. Du khách check-in đường Bạch Đằng có thể thoải mái ngắm nhìn thành phố về đêm, dòng sông Hàn thơ mộng, những cây cầu huyền ảo lung linh, cùng với đó là trải nghiệm ẩm thực các chương trình nghệ thuật giải trí đặc sắc. Khi thành phố lên đèn cũng là lúc phố đi bộ Bạch Đằng nổi bật với con đường sáng rực lung linh.

Cách đây 5 tháng, khi khai trương phố đi bộ Bạch Đằng, lãnh đạo UBND quận Hải Châu có ví von: sông Hàn đoạn qua khu vực trung tâm được xem như “phòng khách” của thành phố Đà Nẵng. Cùng với thành phố, thời gian qua quận Hải Châu đã đầu tư nhiều nguồn lực cải tạo cảnh quan cho khu vực sông Hàn. Sông Hàn không chỉ đẹp về cảnh quan mà cần phải sôi động, giàu sức sống với nhiều hoạt động hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đêm.

Quả thực trong “phòng khách” ấy có hàng cây với tên gọi quê kiểng là “mù u” nhưng mang trong mình dấu ấn đặc sắc loài cây cối bản địa; mang theo trầm tích hoài niệm của nhiều người Đà Nẵng hôm nay. Trong đó có thế hệ yêu thích nhạc sĩ Trần Tiến qua bài hát “Sao em nỡ vội lấy chồng” với các ca từ:

…Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn…

Để biết vì sao “bướm vàng đậu trái mù u” thì cứ sau tháng 5 hằng năm, hàng mù u đường Bạch Đằng sẽ trổ bông. Cây mù u trổ bông trắng cả cây, bông múp tròn trông thật dễ thương. Chắc do bông có mùi hương thoang thoảng nên ong, bướm dập dìu… và cũng có lẽ, bướm vàng thích đậu nhánh mù u vì mê cả trời hoa trắng mênh mang ấy.

Đi cùng sự phát triển của thành phố, có nhiều và rất nhiều người đến sinh sống và làm việc ở phố thị nhưng cũng bước ra từ phía cổng làng. Chắc hẳn, dù ở nơi phố xá vẫn hồi nhớ một thuở, đem cánh bướm sặc sỡ sắc màu, ép chung với hoa; nhìn những chùm bông trắng muốt, những cánh bướm dẫu đã khô trên tập vở mà lòng luôn cảm thấy bình yên.

Hôm nay, ngắm nhìn hàng cây mù u ven sông Hàn, ven tuyến đường Bạch Đằng chắc ai đó cũng có neo đậu câu chuyện tình người, tình quê trong không gian phố thị.

Phố đi bộ Bạch Đằng (quận Hải Châu) theo vệt tuyến đường Bạch Đằng nối dài giao cắt từ đường Bình Minh 4 đến đường Bình Minh 9, chiều dài 650m. Tuyến đường có lộ giới 36m, gồm lòng đường rộng 15m, vỉa hè phía tây rộng 9m, vỉa hè phía đông rộng 12m, diện tích khoảng 2,2ha. Theo thiết kế phố đi bộ có diện tích 9.750m2; khu chợ đêm (trên vỉa hè phía bờ sông Hàn) bố trí các gian hàng di động với 5 mặt hàng chính, gồm: đồ lưu niệm, mỹ nghệ thời trang tổng hợp; ẩm thực; dịch vụ và biểu diễn văn hóa nghệ thuật.

Theo TRIỆU TÙNG (Báo Đà Nẵng)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.