Ma trận lừa đảo: Sập bẫy cọc tiền resort

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù công an, cơ quan chức năng thời gian qua liên tục đưa ra cảnh báo về các mánh khóe lừa đảo, nhưng với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, mỗi ngày nạn nhân vẫn bị sập bẫy.

Điển hình, thời gian vừa qua, xuất hiện tình trạng nhiều du khách bị lừa đảo khi đặt phòng resort tại TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), TP.Vũng Tàu... thông qua trang Facebook giả mạo các cơ sở lưu trú, sau khi khách thanh toán tiền cọc mới biết bị sập bẫy.

Hàng loạt fanpage giả, mạo danh S.C Resort Mui Ne đang tồn tại trên Facebook
Hàng loạt fanpage giả, mạo danh S.C Resort Mui Ne đang tồn tại trên Facebook

Giăng bẫy trên mạng

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, các đối tượng sử dụng chiêu trò hết sức tinh vi, để nạn nhân sập bẫy, chúng lập các trang Facebook giả mạo mang tên resort như: S.C Resort Mui Ne, Le.V Resort, H.N Resort, C.T Mui Ne Resort, Cen. Resort, Du.P. Resort Mũi Né, Pre.P. Hotel Vũng Tàu…

Đối tượng lựa chọn các resort được khách hàng quan tâm, yêu thích để tạo sự tin tưởng, thậm chí bỏ tiền chạy quảng cáo trên Facebook để "tìm kiếm con mồi", mỗi trang có hàng chục nghìn người theo dõi.

Nội dung tin nhắn giao dịch giữa chị L.T.Tr và đối tượng lừa đảo
Nội dung tin nhắn giao dịch giữa chị L.T.Tr và đối tượng lừa đảo

Nhằm tạo lòng tin cho khách hàng, chúng sử dụng giao diện, hình ảnh, thông tin đăng tải giống hệt trang resort thật, thậm chí chỉnh sửa giấy phép kinh doanh của resort để tên trên giấy phép kinh doanh trùng với tên tài khoản nhận tiền lừa đảo của người đặt phòng.

Lần theo một trang giả mạo của resort ở Phan Thiết có tên "Le.V Resort", PV ghi nhận sau khi giới thiệu các phòng đẹp tại resort, đồng ý giá thuê phòng với giá khá rẻ (rẻ hơn 30 - 40% giá phòng đặt thông qua resort), khách hàng sẽ bị dẫn dụ chuyển khoản với nội dung chuyển khoản có nhiều số, chữ, ký tự phức tạp.

Đối tượng liên tục hối thúc chị L.T.Tr chuyển lại tiền cọc để được nhận tiền hoàn về
Đối tượng liên tục hối thúc chị L.T.Tr chuyển lại tiền cọc để được nhận tiền hoàn về

Chỉ cần khách chuyển sai dù 1 ký tự thì đối tượng nói rằng đặt cọc không thành công và buộc khách tiếp tục chuyển khoản đúng nội dung ký tự đối tượng đưa ra, sau đó khách mới được nhận tiền hoàn về từ 5 - 7 phút. Tuy nhiên, nhiều khách chuyển khoản liên tục để đặt cọc nhưng không chỉ không đặt được phòng mà còn không nhận được tiền hoàn về, bị chặn liên lạc, thậm chí bị chửi nếu khách phát hiện trang lừa đảo.

Điển hình, chị N.T.Ng (ở TP.HCM) đặt phòng trên fanpage một resort ở Mũi Né để đi du lịch với gia đình, đối tượng đề nghị chị Ng. chuyển khoản 1 triệu đồng để đặt cọc với nội dung chuyển rất nhiều dãy số phức tạp. Sau đó, chị Ng. vừa chuyển khoản 1 triệu đồng thì fanpage giả mạo resort nói rằng chuyển khoản sai ký tự, đề nghị chị phải chuyển tiếp tiền cọc để được nhận tiền hoàn. Thay vì chỉ cần đặt cọc thuê resort số tiền 1 triệu đồng thì người này phải mất đến 8 triệu đồng mới biết rằng mình bị lừa.

Tương tự, chị L.B.N (ở TP.HCM) đặt phòng trên fanpage "Le.V Mui Ne Resort" cho 2 ngày 2 đêm vào ngày 9 - 11.11 với giá 5,2 triệu đồng. Để tạo niềm tin cho chị L.B.N, đối tượng nhắn qua fanpage sẽ giảm giá 20% cho chị còn hơn 4,1 triệu đồng 2 đêm và đề nghị chị N. phải đặt cọc 30% là 1,248 triệu đồng với nội dung chuyển khoản rất phức tạp là "TT XE BK 4142O24H".

Chị L.B.N mất tiền cọc vì thủ đoạn lừa đảo quá tinh vi
Chị L.B.N mất tiền cọc vì thủ đoạn lừa đảo quá tinh vi

Hay chị L.T.Tr (ở TP.HCM) chuyển tiền 1,3 triệu đồng để đặt phòng thông qua fanpage "Le.V Mui Ne Resort", tuy nhiên sau khi chuyển tiền cọc thì đối tượng nói rằng đặt phòng không thành công vì chị Tr. ghi sai nội dung chuyển khoản "TT BK 4l4W8GHP2O24" trên phiếu đặt phòng, khi chị Tr. ghi thêm tên của mình cùng nội dung chuyển khoản phía resort yêu cầu nhưng cũng không được chấp nhận và đề nghị chị Tr. tiếp tục đặt cọc để nhận tiền hoàn về...

Resort lên tiếng thì bị đe dọa

Anh N.Đ (một quản lý của resort ở TP.Phan Thiết) bức xúc về việc khách hàng của mình rất nhiều người bị lừa, mất tiền, khách hàng gọi đến resort hỏi thông tin đặt phòng hoặc có mặt tại resort mới biết bị lừa. Các đối tượng còn cố tình dùng hình ảnh, clip của một resort ở tỉnh thành khác có bãi biển đẹp hơn để giới thiệu cho khách, nhằm thu hút khách sớm đặt cọc. Chúng còn trả tiền quảng cáo, tạo nhiều tài khoản Facebook ảo vào tương tác liên tục trong fanpage resort giả mạo để tăng thu hút, khiến nạn nhân rất tin tưởng đó là fanpage thật của resort.

Anh Ph. mất 12 triệu đồng vì đặt qua fanpage giả The Cl. resort Mui Ne
Anh Ph. mất 12 triệu đồng vì đặt qua fanpage giả The Cl. resort Mui Ne

"Các khách bị lừa chia sẻ ban đầu họ nghi ngờ, nhưng kiểm tra fanpage thì thấy bài đăng nhiều like, nhiều tương tác của khách khen về dịch vụ, chất lượng resort khiến họ tin tưởng. Nhưng đa số khách chỉ nghi ngờ sau khi chuyển khoản cọc, tiếp tục đề nghị chuyển tiền tiếp vì nói sai cú pháp, nội dung rất vô lý", anh Đ. nói.

Anh Đ. cho biết việc đối tượng tạo fanpage rất dễ dàng, sau đó mua like. Doanh nghiệp rất bức xúc khi bị lấy hình ảnh của resort gắn vào trang giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Qua trao đổi với các khách hàng, dường như họ rất ngại làm đơn đến công an vì nghĩ số tiền bị chiếm đoạt ít. Nhưng mỗi ngày có hàng chục người bị lừa trên mỗi trang giả mạo như vậy thì số tiền cộng lại rất lớn.

Anh Đ. chia sẻ, đến bạn làm nghề marketing đặt phòng resort lâu năm cũng từng đặt phòng cho khách qua fanpage giả mạo, bị lừa chiếm đoạt 27 triệu đồng. Để nhận diện các fanpage của các resort thật, giả, anh Đ. lưu ý khách hàng nên xem ở phần giới thiệu của trang, thường trang giả chỉ vừa mới lập vài tháng, thường xuyên đổi tên và vị trí truy cập không chỉ ở VN mà có trang còn ở Campuchia, Philippines.

"Thời gian qua, các resort chính chủ thường xuyên đăng tin cảnh báo lừa đảo trên trang nhưng mỗi ngày vẫn rất nhiều người bị lừa, mất tiền. Các đối tượng không chỉ giả danh resort lừa tiền khách hàng, mà khi chủ resort bị mạo danh lên tiếng thì bị chúng đe dọa", quản lý resort D. lo lắng.

Giả cả tài khoản ngân hàng

Cụ thể, anh Đ.Q.Ph (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng bị lừa 12 triệu đồng khi đặt phòng qua Facebook tên: "The Cl. resort Mui Ne", với 9.300 lượt thích. Sau khi đặt phòng 2 đêm cho gia đình nghỉ dưỡng, đến ngày lưu trú, cả gia đình anh Ph. từ TP.HCM đến The Cl. resort Mui Ne (P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết) mới biết bị lừa đảo.

Trường hợp anh Ph., chủ resort này khẳng định anh Ph. đặt cọc trang Facebook giả và resort cũng nhận được thông tin hơn 80 khách hàng bị lừa bằng thủ đoạn tương tự như anh Ph.

Đại diện resort cho biết rất bức xúc khi bị lấy hình ảnh gắn vào trang giả mạo để lừa đảo khách hàng, doanh nghiệp này làm việc với Công an tỉnh Bình Thuận và cung cấp danh sách cho công an để điều tra.

Tên số tài khoản nhận chuyển tiền của trang giả mạo này cũng mang tên "The Cl. resort Mui Ne” nên anh Ph. tin tưởng
Tên số tài khoản nhận chuyển tiền của trang giả mạo này cũng mang tên "The Cl. resort Mui Ne” nên anh Ph. tin tưởng

"Chính vì tên tài khoản giống y chang tên resort nên tôi mới hoàn toàn tin tưởng, chuyển tiền. Tôi không hiểu sao đối tượng có thể mở tài khoản ngân hàng đứng tên resort vậy được. Tôi đã nộp đơn đến Công an Bình Thuận để điều tra làm rõ, để người khác không bị sập bẫy của các đối tượng nữa", anh Ph. bức xúc.

Về vấn đề này, thiếu tá Võ Ngọc Toản (giảng viên Trường ĐH An ninh) phân tích để nhận diện và giải quyết vấn nạn lừa đảo trực tuyến đã và đang là việc hết sức nan giải đối với cơ quan chức năng thời gian qua, khi mà các đối tượng lừa đảo liên tiếp "update" chiêu trò mới, tinh vi, khó nhận diện. Trong khi đó, tâm lý của người bị lừa đảo qua mạng bao giờ cũng tiếc và tiếp tục chuyển vì tin theo lời đối tượng sẽ được hoàn lại số tiền cũ, nạn nhân cũng mong lấy về số tiền đã bị lừa. Nhưng càng chuyển thì nạn nhân chẳng những không lấy lại được tiền nguy cơ cao lại bị vướng vào cạm bẫy lừa đảo đang tiếp tục được các đối tượng giăng ra.

Theo thiếu tá Võ Ngọc Toản, khi đã bị lừa đảo, người dân cần thực sự bình tĩnh, việc nghĩ đến đầu tiên không phải là tìm cách lấy lại tiền mà phải tìm cách thoát ra nhanh nhất có thể vòng vây lừa đảo, và tìm cách gửi thông điệp cảnh báo đến cơ quan chức năng để ngăn không cho các đối tượng tiếp tục thực hiện với các nạn nhân tiếp theo... (còn tiếp)

Theo Ngọc Lê (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.