Bát nháo 'cò' vùng biên - Kỳ 3: Cần giải pháp đồng bộ, phối hợp hai bên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước tình trạng 'cò' đưa người trái phép qua Campuchia tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh tội phạm, lãnh đạo, chỉ huy công an, biên phòng đã trao đổi với PV Thanh Niên về những giải pháp đồng bộ cho vấn đề này.

Chỉ huy Đồn biên phòng (ĐBP) Mỹ Quý Tây cho biết, cửa khẩu Mỹ Quý Tây là cửa khẩu quốc gia (đóng trên địa bàn xã Mỹ Quý Tây, H.Đức Huệ, Long An), thông thương với cửa khẩu Sam Rông (tỉnh Svay Riêng, Campuchia). Tại cửa khẩu có Trạm kiểm soát thuộc ĐBP Mỹ Quý Tây kiểm soát việc qua lại khu vực biên giới của người dân 2 nước.

Bên kia biên giới nhìn từ ấp Tà Beng (H.Bến Cầu, Tây Ninh)
Bên kia biên giới nhìn từ ấp Tà Beng (H.Bến Cầu, Tây Ninh)

Theo đó, người dân qua lại cửa khẩu bắt buộc phải có 1 trong 3 loại giấy tờ tùy thân, gồm: hộ chiếu; giấy thông hành (do cơ quan chức năng giữa tỉnh Long An và Svay Riêng ký kết, cấp) và CCCD (đối với người dân thường trú tại các xã có tiếp giáp biên giới khu vực cửa khẩu).

Chỉ huy ĐBP Mỹ Quý Tây cho hay, trung bình mỗi ngày có khoảng 600 lượt người qua lại biên giới với mục đích du lịch, thăm người thân, đi làm ăn… "Người dân phải xuất trình một trong các giấy tờ nêu trên để cán bộ biên phòng tại trạm kiểm soát ghi chép vào sổ trực ban hằng ngày hoặc đóng dấu xuất cảnh, nhập cảnh vào hộ chiếu. Tất cả các quy trình, thủ tục này, người dân không phải đóng bất cứ lệ phí nào", lãnh đạo ĐBP Mỹ Quý Tây khẳng định.

Các sòng bạc và trụ sở công ty bán hàng online xây sát đường biên, nhìn từ ấp Tà Beng (H.Bến Cầu, Tây Ninh). Khu vực đồng ruộng thuộc địa phận VN
Các sòng bạc và trụ sở công ty bán hàng online xây sát đường biên, nhìn từ ấp Tà Beng (H.Bến Cầu, Tây Ninh). Khu vực đồng ruộng thuộc địa phận VN

Thế khó ở vùng biên

Về tình trạng nhóm người chạy xe ôm thỏa thuận và thu tiền để chở người không phải là cư dân địa phương qua biên giới, Chỉ huy ĐBP Mỹ Quý Tây cho biết: "Tại khu vực cửa khẩu có khoảng 200 người chạy xe ôm. Đội xe ôm này tự phát, tự quản. Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền họ phải chấp hành quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và an ninh biên giới".

Xe ôm trên đường vào cửa khẩu Mỹ Quý Tây (H.Đức Huệ, Long An)
Xe ôm trên đường vào cửa khẩu Mỹ Quý Tây (H.Đức Huệ, Long An)

Còn vấn đề xe ôm thỏa thuận giá cả với người đi qua biên giới khi không có giấy tờ hợp pháp, thì vị chỉ huy ĐBP nói rằng khu vực biên giới giữa 2 nước vào mùa khô, ở hai bên đều là đồng ruộng và đường biên giới chỉ cách nhau khoảng vài chục mét, nên có tình trạng người dân lợi dụng thời điểm này để qua lại, mặc dù lực lượng biên phòng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát.

Bãi giữ xe gần cửa khẩu Mỹ Quý Tây (H.Đức Huệ, Long An)
Bãi giữ xe gần cửa khẩu Mỹ Quý Tây (H.Đức Huệ, Long An)

Ngoài ra, vị lãnh đạo này cho hay, tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài có khoảng 60 hộ dân sinh sống ở ấp Tà Beng (xã Lợi Thuận, H.Bến Cầu). "Do là cư dân biên giới nên người dân qua lại làm ăn thường xuyên. Có trường hợp sáng qua Campuchia chăn thả trâu bò, tối về ấp Tà Beng ngủ. Do đây là khu vực đồng ruộng nên người dân chỉ bước khoảng chục bước là qua biên giới", lãnh đạo Phòng phòng chống ma túy và tội phạm nói.

Ngay cả tuyến đường mòn mà những người chạy xe ôm chở PV Thanh Niên sang Campuchia cũng được lãnh đạo ĐBP cửa khẩu Mộc Bài giải thích: "Đây là đường tuần tra biên giới, người dân địa phương được phép đi ra vào con đường này nên không thể cấm. Riêng con đường mòn sát khu vực dân cư ở ấp Tà Beng từ trước nay là đồng ruộng, khi mùa khô đến người dân trong ấp thường đi qua để làm ruộng nên thành lối mòn, nhưng vào mùa mưa thì không thể qua lại được".

Mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại biên giới khu vực cửa khẩu Mỹ Quý Tây (H.Đức Huệ, Long An)
Mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại biên giới khu vực cửa khẩu Mỹ Quý Tây (H.Đức Huệ, Long An)

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên, ấp Tà Beng ở sát đường biên giới như vậy, liệu có thể dẫn đến tình trạng móc nối đưa người qua Campuchia, lãnh đạo Bộ chỉ huy BĐBP Tây Ninh cho biết: "Hiện chúng tôi đã có kế hoạch chuyển hóa địa bàn này".

Di dời dân ra xa đường biên giới?

Theo chỉ huy ĐBP Mỹ Quý Tây, bên kia biên giới là tỉnh Svay Riêng hiện có 6 sòng bạc đang hoạt động, bao gồm đánh bài, đá gà, tài xỉu…; chủ yếu phục vụ khách từ VN sang và khách Trung Quốc ở Campuchia. Chủ các sòng bài cũng là người VN hoặc người Trung Quốc. Ngoài ra, khu vực này còn một khu resort hoạt động dạng như đặc khu, bình thường rất khó tiếp cận, kể cả với cảnh sát Campuchia.

Xe ôm chở người từ bãi xe ra cửa khẩu Mỹ Quý Tây (H.Đức Huệ, Long An)
Xe ôm chở người từ bãi xe ra cửa khẩu Mỹ Quý Tây (H.Đức Huệ, Long An)

Còn tại khu vực đối diện cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu Bavet thuộc TX.Bavet (tỉnh Svay Riêng, Campuchia), theo lãnh đạo Phòng phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Tây Ninh, trước đây ở khu vực này có khá nhiều sòng bạc hoạt động cả ngày lẫn đêm. Hiện nhiều sòng bạc đã đóng cửa, chuyển thành trụ sở của các công ty game, đánh bài online, bán hàng qua mạng và nhiều người dân VN qua các công ty này mong muốn tìm được "việc nhẹ lương cao"...

Về vấn đề này, đại tá Lê Văn Vỹ, Chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh, cho biết để ngăn chặn tình trạng "cò" đưa người vượt biên trái phép qua Campuchia, đơn vị đã tăng cường phối hợp với lực lượng công an địa phương tổ chức tuần tra biên giới, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn trong mùa khô, đồng thời phối hợp lực lượng biên phòng của Campuchia kiên quyết ngăn chặn mọi trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép.

Đường tuần tra biên giới qua ấp Tà Beng (H.Bến Cầu, Tây Ninh), đến khu nhà cao tầng thuộc địa phận Campuchia
Đường tuần tra biên giới qua ấp Tà Beng (H.Bến Cầu, Tây Ninh), đến khu nhà cao tầng thuộc địa phận Campuchia

Đối với 60 hộ dân ở ấp Tà Beng, đại tá Vỹ cho hay sẽ cùng với công an địa phương cố gắng, nỗ lực chuyển hóa trong sạch địa bàn này và kiến nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh có lộ trình di dời dân ra xa đường biên giới. Tuy nhiên, việc di dời cần phải có lộ trình để đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.

Trong khi đó, thượng tá Phạm Thành Trung, Đồn trưởng ĐBP cửa khẩu Mỹ Quý Tây, cho rằng đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở đối với đội xe ôm tự quản tại xã Mỹ Quý Tây trong công tác phòng chống nạn buôn người, vượt biên trái phép. Bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt của lực lượng BĐBP thì rất cần sự phối hợp lực lượng công an, người dân và lực lượng chức năng của Campuchia.

Bãi giữ xe gần cửa khẩu Mỹ Quý Tây là của ai ?

Trả lời PV Thanh Niên về bãi giữ xe gần cửa khẩu Mỹ Quý Tây có thu tiền giữ xe và thu tiền những người đi sang Campuchia, Chỉ huy ĐBP Mỹ Quý Tây khẳng định bãi giữ xe này không liên quan lực lượng biên phòng mà do một công ty tư nhân được cấp phép hoạt động. Hoạt động của bãi xe bao gồm giữ xe, ăn uống, cây xăng… theo quy định của pháp luật. "Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với địa phương kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở những người hoạt động trong bãi giữ xe phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật", chỉ huy ĐBP nói.

Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên về những người thu tiền giữ xe, thu tiền của người đi qua biên giới, thượng tá Lê Bảo Hùng, Trưởng công an H.Đức Huệ, cho biết sẽ cho tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ. Cũng theo thượng tá Hùng, thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền các kiến thức về an ninh trật tự đối với đội xe ôm tự quản hoạt động ở khu vực cửa khẩu Mỹ Quý Tây. "Ngoài ra, Công an H.Đức Huệ cũng nhiều lần phối hợp ĐBP cửa khẩu Mỹ Quý Tây tuần tra phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới và đã phát hiện, bắt giữ nhiều loại tội phạm", thượng tá Hùng nói.

Theo Đỗ Trường - Thanh Quân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.