Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

1logo.jpg

Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, Thiếu tướng Rah Lan Lâm khẳng định: Những ai có nhu cầu trở về Việt Nam thì Đảng, Nhà nước và quê hương sẵn sàng đón nhận.

Những người nhập cư trái phép ở Bang Yai

Theo đoàn công tác, chúng tôi có mặt tại một khu trọ ở huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi. Tại khu vực này có hơn 100 người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cư trú, chủ yếu là người Jrai, Bahnar, Ê Đê… Phần lớn họ được đưa đến Thái Lan qua đường bất hợp pháp với chi phí 7-9 triệu đồng/người.

Ở Nonthaburi có khoảng 8 địa điểm tập trung gần 1.000 người dân tộc thiểu số Tây Nguyên cư trú bất hợp pháp. Theo hướng dẫn của các đối tượng phản động, trong hành lý của những người dân tộc thiểu số vượt biên hầu hết đều có sẵn giấy mời của cơ quan Công an hoặc giấy xác nhận mãn hạn tù, mục đích để nộp cho UNHCR khi được phỏng vấn; muốn được đưa đi định cư ở nước thứ 3 thì phải nêu lý do “bị Đảng Cộng sản Việt Nam, chính quyền trong nước đàn áp, đe dọa” hoặc “Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.

Thế nhưng, những điều bịa đặt đó không dễ gì thuyết phục được UNHCR. Và thực tế, con số được đi định cư ở Mỹ hoặc Canada theo diện tị nạn là vô cùng ít ỏi. Có những người chấp nhận cuộc sống khốn khổ, chờ đợi hàng chục năm trời để được đi nước thứ 3, dù chưa từng thấy một tia hy vọng.

Trong chuyến đi Thái Lan, Thiếu tướng Rah Lan Lâm đã đến thăm 2 địa điểm ở Bang Yai tập trung đông người dân tộc thiểu số ở Gia Lai cư trú. Tại đây, Thiếu tướng Rah Lan Lâm động viên họ trở về quê hương.

Gặp một phụ nữ ở khu trọ tại Bang Yai, Thiếu tướng Rah Lan Lâm hỏi: “Chị nộp hồ sơ cho UNHCR mấy năm rồi?”. “Lâu lắc rồi, gần 10 năm rồi”. “Sao chị không về?”. “Tôi sợ bị Công an bắt, với lại người ta nói là Việt Nam vi phạm nhân quyền”. “Hôm nay, tôi đại diện cho người dân tộc Jrai ở Gia Lai trực tiếp đến đây thăm đồng bào mình bên này để xem bà con mình sang đây thì chính quyền đối xử thế nào, có khó khăn vướng mắc gì, đau ốm có được chữa bệnh hay không và bà con mình chấp hành pháp luật của nước sở tại thế nào. Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ai nói Việt Nam không có nhân quyền là không đúng. Bà con có nguyện vọng quay về, tôi trực tiếp bảo lãnh”.

ky-2-cong-an-tuyen-truyen-nhan-dan.jpg
Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Qua lời kể của những người dân tộc thiểu số ở Thái Lan, kể từ đầu năm 2018 đến nay, Chính phủ Thái Lan siết chặt quản lý người nhập cư trái phép. Cơ quan chức năng ở đây cũng đưa ra biện pháp xử phạt rất nặng đối với người dân Thái Lan sử dụng lao động bất hợp pháp. Điều đó càng làm cho cơ hội tìm kiếm việc làm với những người Việt trở nên mong manh.

Công việc của họ không ổn định, chủ yếu là lao động chân tay như: quét rác, nhặt ve chai, phụ hồ... với tiền công rẻ mạt, khoảng 200-300 bath (tương đương 140-210 ngàn đồng)/ngày. Trong khi đó, tiền thuê trọ mỗi tháng trung bình đã mất 1,5-2 triệu đồng.

Không việc làm, không được chăm sóc y tế, điều kiện sống không đảm bảo nên những lúc đau ốm, ranh giới giữa sự sống và cái chết với họ rất mong manh, đặc biệt là người cao tuổi.

Khó khăn chồng chất khó khăn, Thái Lan không tham gia Công ước Quốc tế về người tị nạn nên không tổ chức nào có thể bảo lãnh, can thiệp trong trường hợp những người này bị bắt giữ. Đối phó với các đợt kiểm tra, truy quét của Cảnh sát Thái Lan, họ phải dùng đủ mọi cách để tránh bị phát hiện. Thậm chí, để giấu những đứa trẻ an toàn, họ lén lút gửi con mình vào trường học ban đêm.

Anh Rah Lan Sen (quê ở xã Ia Rong, huyện Chư Pưh), một người Jrai đang cư trú bất hợp pháp tại huyện Bang Yai kể: “Tôi không biết phải gửi con ở đâu nên xin với nhà trường ở gần nơi tôi ở trông con giúp tôi vào ban đêm. Tôi và một số người nhập cư trái phép khác đưa con đến trường lúc 3-4 giờ sáng”.

Kể về việc trốn tránh Cảnh sát Thái Lan, chị Rmah H’Hin (quê ở huyện Phú Thiện) nói: “Mấy ông Cảnh sát Thái Lan đến quay phim rồi chụp hình từng phòng. Vợ chồng tôi và con ở trong phòng trọ, nhưng con tôi khóc quá, sợ không an toàn nên chồng tôi bảo 2 mẹ con ra ngoài trốn cho an toàn, còn chồng thì ở trong nhà khóa cửa lại”.

Những kẻ cò mồi, tay sai FULRO

Ở Thái Lan còn có những kẻ bán rẻ lương tâm, làm tay sai cho FULRO lưu vong ở Mỹ, Canada rồi tiếp tục lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin vượt biên sang Thái Lan như Siu Thoan-kẻ cò mồi chuyên đóng vai lương thiện như chúng tôi đã nhắc đến.

Thoan vượt biên sang Thái Lan vào năm 2018. Để có tiền nuôi sống bản thân, y bất chấp thủ đoạn, từ vu khống, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam đăng lên mạng xã hội để kiếm mấy đồng bạc lẻ từ Mỹ cho đến lôi kéo, lừa đảo bà con vượt biên để bớt xén, ăn tiền chênh lệch. Những kẻ như Siu Thoan không hiếm ở Thái Lan.

Đầu tháng 4-2024, ở làng Bê Tel (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh), chúng tôi gặp anh Rơ Châm Ty-người đã may mắn được trở về quê hương vào cuối tháng 3 vừa qua. Qua anh Ty, chúng tôi biết thêm một tên FULRO tương tự như Siu Thoan là Rơ Mah Thuyn, quê ở xã Hbông, huyện Chư Sê, hiện đang sống lưu vong ở Thái Lan.

Khác với Siu Thoan luôn tỏ ra là người tình cảm để kiếm chác thêm, Rơ Mah Thuyn chặn ngay liên lạc với nạn nhân khi họ vừa đặt chân lên đất Thái. Anh Rơ Châm Ty kể: “Thuyn nói là qua Thái Lan làm mỗi ngày được 1 đến 2 triệu đồng. Nhưng tôi qua đó thì nó bỏ rơi, không có nhà ở, không có việc làm”.

Những tên FULRO hiện đang sống trên đất Thái Lan như Siu Thoan, Rơ Mah Thuyn... lập thành một ổ nhóm, cấu kết với nhau chống phá vào trong nước dưới sự hậu thuẫn của FULRO lưu vong ở Mỹ, Canada. Trong đó, phá hoại nhiều nhất có thể kể đến Y Quynh Bdap. Hắn là một trong những đối tượng cầm đầu cái gọi là “Người Thượng vì công lý”, tổ chức mà vào ngày 6-3-2024, Bộ Công an công bố là tổ chức khủng bố vì có liên quan vụ việc xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

ky-2-trang-fb-ro-mah-thuyn.jpg
Trang Facebook Rơ Mah Thuyn. Ảnh: T.T

Liên quan đến chuyến công tác Thái Lan của Thiếu tướng Rah Lan Lâm và Bộ Công an, Siu Thoan, Rơ Mah Thuyn, Y Quynh Bdap ra sức rêu rao với cộng đồng người dân tộc thiểu số đang ở Thái Lan rằng “đoàn công tác sang cưỡng chế bà con về nước để bỏ tù”.

Trắng trợn hơn, bọn chúng còn tạo ra 2 tài khoản Facebook giả mạo Thiếu tướng Rah Lan Lâm, kết bạn với nhiều người, đăng nhiều nội dung sai lệch, tiêu cực, phản động và chia rẽ nhằm hạ uy tín của Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, “gậy ông đập lưng ông”, video clip do chúng đăng trên mạng xã hội không những không lừa được ai mà chính vì nghe được những câu nói chân phương của Giám đốc Công an tỉnh, một số người dân ở Gia Lai hiện mắc kẹt tại Thái Lan đã được “cởi trói” về tư tưởng. Họ dũng cảm tìm đường trở về quê hương. Trường hợp của anh Rơ Châm Ty là một ví dụ.

Anh Ty kể: “Tháng 3, xem trên Facebook, thấy bác Giám đốc qua đó động viên, kêu gọi bà con anh em người Việt Nam chúng ta quay về quê hương, ai muốn về bác cho số điện thoại. Lúc đó, em rất mừng. Sau ngày đó, em gọi điện cho vợ sắp xếp tiền bạc về luôn”.

Buôn làng rộng lòng bao dung

Từ cuối tháng 3-2024 đến nay, sau chuyến công tác của Thiếu tướng Rah Lan Lâm, hàng trăm người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vượt biên sang Thái Lan đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan để được hỗ trợ hồi hương.

Thông tin mà họ cung cấp giúp cơ quan an ninh xác định rõ động cơ, quá trình xuất cảnh và những gì họ trải qua trên hành trình tìm đến nước thứ 3, đưa ra những đối sách để đấu tranh với những tên FULRO lưu vong, những kẻ lừa đảo ở Thái Lan như Siu Thoan, Rơ Mah Thuyn; phá rã các đường dây đưa người vượt biên.

Để ngăn chặn hành vi vượt biên, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức phát động quần chúng, chỉ rõ phương thức, thủ đoạn lừa phỉnh của số đối tượng phản động, thức tỉnh đồng bào. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bóc gỡ đường dây đưa người dân tộc thiểu số vượt biên.

Từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 4 vụ, 16 bị can về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép.

Như vậy là đã rõ, tin vào FULRO lưu vong vượt biên tức là đặt số phận của mình vào một canh bạc đầy rẫy bất trắc, rủi ro. Người dân cần tỉnh táo nhận diện thủ đoạn hoạt động của chúng và cảnh giác với những lời mật ngọt. Bởi các đối tượng cò mồi, những kẻ lừa đảo, buôn người… vẫn đang chực chờ ở bên kia biên giới.

Hiểu rõ điều đó, nhiều người lầm lỡ vượt biên nay trở về ra sức cùng lực lượng Công an thuyết phục bà con không mắc mưu bọn phản động FULRO. Nhiều người đã vượt qua mặc cảm, chăm chỉ lao động, chịu khó học hỏi để thành công. Họ là minh chứng rõ nét cho thấy không cần phải đi đâu xa để kiếm tìm cuộc sống sung sướng mà vẫn có thể sống vui vẻ, hạnh phúc ngay trên mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, trong vòng tay yêu thương của gia đình, bà con buôn làng.

2logo-7722-2933-9071-1045-4546-1474-6395-7637-6043.jpg

Có thể bạn quan tâm

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.

Cánh sóng giữa đèo mây núi gió

Cánh sóng giữa đèo mây núi gió

Bằng ý chí và trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ ở Trạm ACOS số 3, Cụm 1, Trung tâm 95, Cục Tác chiến điện tử hằng ngày vượt qua mọi khó khăn, vất vả, vững vàng giữa đèo mây núi gió hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.