Sống ở TP.HCM: Xóm đường tàu 'thiếu tiếng còi là mất ngủ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa nhịp sống hối hả của TP.HCM, xóm đường tàu như một thế giới khác thu nhỏ, nơi cuộc sống diễn ra thật chậm rãi, giản dị, đầy hoài niệm.

Những mái nhà san sát, hàng xóm tình thương mến thương, san sẻ với nhau từng bữa cơm là những điều có “thừa” ở xóm đường tàu. Xóm đường tàu chạy dọc và giao với nhiều con đường ở Q.Phú Nhuận như Trần Khắc Chân, Nguyễn Trọng Tuyển, Nguyễn Kiệm…

Những tháng cuối năm, TP.HCM được ưu ái cho một tiết trời se lạnh, quang đãng. Nhịp sống ở xóm đường tàu vì lẽ đó mà càng yên ả, nhẹ nhàng, khiến cho ai đến đây cũng phải ồ lên xuýt xoa.

Bình yên hiếm có

Ở TP.HCM, tuyến đường sắt có chiều dài khoảng 20 km. Người dân quen gọi khu dân cư xung quanh đó là xóm đường tàu vì ở đây, các ngôi nhà nhỏ nằm san sát ngay bên đường tàu chạy. Đường hai bên chỉ rộng chừng 2 m, đủ cho 2 xe ra vào cùng lúc.

Ghé xóm đường tàu vào một sớm đẹp trời, tôi gặp bà Hoàng (53 tuổi, ở Q.Phú Nhuận) đang ngồi bên chiếc máy may, cặm cụi may áo cho khách. Bà Hoàng sống ở xóm đường tàu đã lâu, ngay cả bà cũng không nhớ chính xác mình ở đây từ năm nào.

Theo người dân ở xóm đường tàu, mỗi ngày có ít nhất 3 đến 4 chuyến tàu đi qua
Theo người dân ở xóm đường tàu, mỗi ngày có ít nhất 3 đến 4 chuyến tàu đi qua

Bà nói xóm này tuy nhỏ nhưng cần gì cũng có. Từ quán ăn, quán cà phê đến tiệm đồ thủ công hay gội đầu làm đẹp… Chỉ có điều tất cả các hàng quán đều làm việc theo nguyên tắc “nhận khách vừa đủ”. Bởi lẽ đường ở xóm khá nhỏ, nếu nhận nhiều thì không có chỗ để xe, gây cản trở giao thông.

“Nơi đây tuy không giàu có gì nhưng ấm áp lắm. Hàng xóm như người trong nhà. Có chuyện gì cũng giúp đỡ nhau, không ai để ai phải chịu khổ một mình. Có nhiều nhà đã gắn bó ba, bốn thế hệ với xóm nên tình cảm chòm xóm bền chặt vô cùng”, người phụ nữ nói.

Một bên tàu chạy vội vã, một bên cuộc sống vẫn diễn ra chậm rãi, bình dị
Một bên tàu chạy vội vã, một bên cuộc sống vẫn diễn ra chậm rãi, bình dị

Theo lời kể của bà, xóm đường tàu trước đây có diện tích rộng rãi hơn. Nhưng sau này khi mở rộng đường ray để đảm bảo an toàn, mỗi nhà hiến một ít đất nên nhà có phần thu nhỏ hơn. Tuy sống gần đường ray nhưng rất an toàn, hàng rào được xây chắc chắn, trồng cây xanh để thêm phần mát mẻ, trong lành.

Chỉ tay về phía mấy chậu hoa mười giờ trên hàng rào, bà Hoàng tự hào nói đó là đều do người dân trong xóm tự trồng. Ai đi ngang cũng tấm tắc khen, nhất là giữa trưa khi hoa nở, nhiều bạn trẻ hay đứng lại chụp hình làm kỷ niệm.

Bà Hoàng gắn bó với xóm đường tàu từ thuở còn nhỏ
Bà Hoàng gắn bó với xóm đường tàu từ thuở còn nhỏ

Ông Năm (48 tuổi), làm nghề sửa xe gần đường ray, cũng bày tỏ: “Tôi làm việc ở đây lâu rồi, khách đến sửa xe cũng là người trong xóm, thân nhau như anh em. Sáng sớm uống cà phê cùng nhau, tối đến lại kéo ghế ngồi tâm sự. Nếu mà chuyển đi nơi khác, chắc không dễ gì tìm được cái tình nghĩa như vậy.”

Thanh âm không thể thiếu ở xóm đường tàu

Ở xóm nhỏ ven đường tàu hỏa, những đoàn tàu cứ thế chạy qua ngày đêm. Đối với những người dân ở xóm tàu, tiếng còi tàu không chỉ là thanh âm quen thuộc, nó là nhịp sống, trở thành một phần không thể thiếu trong lòng mỗi người.

Nép mình bên đường ray cũ kỹ là quán cà phê “5 Mộc” của vợ chồng ông Đức (61 tuổi, ở Q.Phú Nhuận). Không gian nhỏ nhắn, bình yên này là điểm dừng chân quen thuộc cho những ai yêu thích ngắm tàu từ khoảng cách gần nhất.

Ông Đức tâm sự với chúng tôi rằng, tiếng còi tàu ẩn chứa rất nhiều cảm xúc. Có lúc rộn rã, có lúc lại xa xăm, tiếng còi tàu khiến lòng người bỗng chùng lại, như hồi tưởng về những ký ức của những chuyến đi xa, những lời chia tay vội vàng hay những lần đoàn tụ đong đầy cảm xúc.

Ông Đức rất thích trò chuyện với người trẻ, kể cho họ nghe về xóm đường tàu
Ông Đức rất thích trò chuyện với người trẻ, kể cho họ nghe về xóm đường tàu

Không gian nhỏ được hai vợ chồng ông Đức vô cùng chăm chút, từ những bức tranh treo tường đến những hàng cây trồng hai bên hàng rào của đường ray. Ông cười kể, những bức tranh treo tường là do ông tự tay làm, khách nào đến cũng muốn chụp hình kỷ niệm. Hai vợ chồng ông còn vun trồng rất nhiều cây xanh ở hàng rào phân cách để tạo nên một không gian nhỏ vô cùng yên bình.

Quán cà phê không lớn, chỉ là vài chiếc bàn ghế gỗ nhỏ nhắn xếp cạnh nhau. Quán cũng chỉ bán cà phê và vài loại nước ngọt cơ bản. Ông Đức kể rằng, vợ chồng ông mở quán không phải vì mưu sinh mà chỉ mong muốn có một không gian yên bình để những ai yêu thích ngắm tàu có thể đến, chiêm ngưỡng từng đoàn tàu chạy qua và đón chờ đoàn tàu tiếp theo… Ông nói, khi lắng nghe tiếng tàu, cũng là lúc các vị khách lắng nghe câu chuyện của xóm nhỏ này.

Người dân xóm đường tàu trồng nhiều cây xanh cho không gian thêm xanh mát
Người dân xóm đường tàu trồng nhiều cây xanh cho không gian thêm xanh mát

Vừa ngắm nhìn đoàn tàu chạy qua trong chốc lát, ông Đức vừa kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu gia đình ông đến xóm tàu sinh sống. Cái âm thanh rền vang của tàu hỏa nửa đêm thường làm cả gia đình ông mất ngủ.

“Tiếng tàu cứ ầm ầm, vang dội vào tai, nhiều đêm đang ngủ phải giật mình tỉnh giấc. Nhưng dần dà, những âm thanh ấy lại thân thuộc làm sao, giờ mà không nghe thấy tiếng tàu, chắc tôi không ngủ được”, ông Đức cười nói.

Ông Đức tâm sự rằng, người con gái của ông dù đã xa quê hương để sang nước ngoài lập nghiệp nhưng vẫn luôn nhớ tiếng còi thuở thơ ấu: “Mỗi lần gọi về nhà, con bé đều nói với tôi rằng rất nhớ tiếng còi xe lửa. Từ khi xa nhà, tiếng còi xe lửa ấy vẫn luôn nằm trong lòng, như một thứ gì đó không thể quên”.

Tiếng còi tàu đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống của người dân nơi đây
Tiếng còi tàu đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống của người dân nơi đây

Sống ở TP.HCM lâu năm, niềm vui của của hai vợ chồng ông là được cùng những vị khách đến quán ngắm nhìn những đoàn tàu chạy qua vào mỗi sáng. Đặc biệt, quán ông Đức còn có những vị khách rất nhỏ tuổi. Những đứa trẻ vô cùng thích thú khi được ba mẹ đưa đến quán, chúng ríu rít nhìn những toa tàu nối đuôi nhau lao qua trong tích tắc, rồi lại ngồi chờ chuyến tàu kế tiếp trong sự háo hức.

Mỗi chiều cuối năm là lúc quán “5 Mộc” trở nên nhộn nhịp nhất. Có rất nhiều vị khách đến quán để ngắm nhìn những chuyến tàu cuối cùng của năm. Họ cùng mỉm cười, đưa tay vẫy tay chào tạm biệt những hành khách xa xứ trở về quê ăn tết sau một năm dài… Những chuyến tàu vụt qua trong tích tắc, để lại biết bao nhớ thương…

Theo Thái Thanh - Hoài Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.

Khi người già đi học công nghệ

Khi người già đi học công nghệ

Đều đặn mỗi tháng một lần, nhiều cụ ông, cụ bà từ 60 đến 90 tuổi lại mang tập bút đến lớp học về sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội nhằm bắt kịp được với thời đại 4.0 cũng như biết cách phòng tránh lừa đảo qua mạng.

Bừng thức gốm cổ M'nông

Bừng thức gốm cổ M'nông

Có thời điểm nghề làm gốm cổ của người M’nông R’lăm ở Đắk Lắk đứng trước nguy cơ lụi tàn, nhưng nơi ấy vẫn còn một vài nghệ nhân cố sức giữ nghề để giữ lấy nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Nhà máy chuyên sản xuất súng bộ binh

Nhà máy chuyên sản xuất súng bộ binh

Để tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất súng tại nhà máy quốc phòng Z111 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) PV Thanh Niên phải được sự cho phép của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và tác nghiệp với sự hướng dẫn sát sao của các trợ lý an ninh tuyên huấn chính trị kỹ thuật...

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.