Sống ở TP.HCM: 'Đãi cát tìm vàng' chợ đồ si Hoàng Hoa Thám

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) được mệnh danh là khu chợ đồ si lớn nhất TP.HCM, nơi bày bán hàng nghìn chiếc quần áo, túi xách, giày dép cũ, có nguồn gốc từ nhiều nơi trên thế giới.

Đây cũng là “thánh địa” của những người thích săn đồ độc lạ, có thói quen mua sắm tiết kiệm hay đơn giản là muốn xả stress. Đồ si hay còn gọi là hàng thùng, hàng secondhand, nghĩa là thời trang đã qua sử dụng. Sử dụng đồ si cũng là một trào lưu thời trang nổi bật gần đây, đặc biệt được nhiều người trẻ ưa chuộng.

Vào một sáng thứ bảy đẹp trời, tôi quyết định có một chuyến “solo trip” ở khu chợ Hoàng Hoa Thám. Đây cũng là một thử thách cam go đối với những người không có kinh nghiệm trong việc săn đồ cũ như tôi. Nhưng cứ thử xem, vì biết đâu sau chuyến đi này, tôi sẽ tìm được cho mình vài món đồ độc hay mua được hàng hiệu với giá hời…

Giật như “giật cô hồn”

Chợ Hoàng Hoa Thám khá rộng, hầu như ngóc ngách nào cũng có người bán đồ si. Theo quan sát của tôi, muốn mua đồ si với giá 5.000 hoặc 10.000 đồng thì nên đi sâu vào con hẻm hình chữ L phía cuối chợ. Khu này là đồ si đổ đống, phải chịu khó lựa mới mua được đồ đẹp.

Ai có ít thời gian và kiên nhẫn thì tìm đến những cửa hàng ở con hẻm phía bên trái chợ. Ở đây tập trung những cửa hàng đồ si tuyển, giá nhỉnh hơn nhưng đồ đã được lựa chọn, giặt ủi sạch sẽ. Ngoài ra, chợ còn có bán các loại phụ kiện, trang sức cũ, những gian hàng này thường nằm ở giữa (gần các quán ăn).

Chợ Hoàng Hoa Thám được xem là khu chợ đồ si lớn nhất ở TP.HCM
Chợ Hoàng Hoa Thám được xem là khu chợ đồ si lớn nhất ở TP.HCM

“Khui luôn, khui luôn. Khui liền, khui liền. Túi xách hàng hiếm, lâu lâu mới khui một lần, ghé lựa luôn bà con ơi”. Một người đàn ông đứng tuổi chưa kịp nói dứt câu thì đã có hàng chục người xúm lại giành giật, ai cũng ôm vào mình một mớ túi xách đủ loại.

Nơi tôi đứng là hàng đồ si lớn nhất chợ Hoàng Hoa Thám, chuyên khui các kiện quần áo, túi xách, giày dép ngoại. Thấy tôi ngơ ngác, chị Ngọc Hạnh (23 tuổi, ở H.Củ Chi) vỗ vai cười: “Ở đây là vậy, mỗi lần khui kiện hàng mới, người ta giật như giật cô hồn. Ai cũng sẵn sàng tâm thế giật dù chưa biết có mua hay không. Vì đồ cũ nên cũng hên xui lắm, có cái mới toanh, thậm chí chưa xé mác nhưng cũng có cái chỉ hợp để làm nùi giẻ”.

Chị Hạnh tự xưng mình là người có “thâm niên” săn đồ si ở chợ Hoàng Hoa Thám. Chị bật mí, đi mua đồ si cũng cần “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Có nghĩa là phải chọn ngày giờ chính xác, xác định món đồ muốn mua để đến đúng tiệm.

Khung cảnh tranh giành hỗn loạn khi có một kiện đồ si mới khui
Khung cảnh tranh giành hỗn loạn khi có một kiện đồ si mới khui

“Theo kinh nghiệm và hiểu biết của tôi, đa số các tiệm sẽ khui hàng mới vào ngày thứ tư và thứ bảy. Cũng có một số tiệm sẽ khui vào thứ năm. Mỗi lần khui hàng mới, có nhiều người đến đây từ sáng sớm để canh. Đa số họ là những người mua về bán lại, thường là chủ shop đồ si hay kinh doanh đồ cũ trên mạng. Nếu mình cũng muốn có được đồ đẹp, phải chịu khó đào bới. Có khi tôi ngồi từ sáng đến chiều mới mua được vài món ưng ý”, chị Hạnh nói.

Nghe chị Hạnh kể chuyện, tôi bắt đầu thấy tò mò và lấy hết dũng khí để leo vào núi quần áo ngổn ngang trước mặt. Quần áo trùng trùng điệp điệp với đủ màu sắc, kiểu dáng, kích cỡ. Xung quanh tôi, mọi người ngồi lựa đồ hết mực tự nhiên, nhìn ai cũng rất tập trung, tay thì lựa nhanh thoăn thoắt.

Sau một hồi đào bới, tôi cũng tìm được cho mình một chiếc áo sơ mi hồng, một chiếc áo len cổ lọ và một áo khoác da hợp cho chuyến đi Đà Lạt cuối năm. Tất cả quần áo ở đây, có những thứ có màu sắc, kiểu dáng rất “dị” nhưng lại được dân săn đồ cũ chuyên nghiệp yêu thích.

Đồ si được bán với nhiều mức giá khác nhau
Đồ si được bán với nhiều mức giá khác nhau

Lúc tính tiền, chủ tiệm mới hỏi tôi sao lựa ít thế, đã bỏ công đi thì phải mua đồ đủ mặc cho cả năm mới đã. Chủ tiệm này đã bán đồ si ở chợ Hoàng Hoa Thám gần chục năm, ông khoe toàn bộ quần áo, phụ kiện đang mặc trên người đều là đồ cũ.

“Chục năm nay, tôi gần như chẳng mua đồ mới. Mình bán gì mặc đó, nhiều khi còn xịn và đẹp hơn mua ở cửa hàng. Muốn mua được quần áo đẹp ở đây phải chịu khó lựa, giá thì có vài nghìn, vài chục nghìn. Đặc biệt là dịp gần tết, mua bán không kịp tay”, ông H. vội nói, sau đó mất hút phía sau núi quần áo cũ kia.

“Đãi cát tìm vàng”

Dạo một vòng quanh chợ đồ si Hoàng Hoa Thám, tôi thấy tiệm nào cũng đầy hứa hẹn và gọi mời. Những tiểu thương ở đây đều dễ mến, chiều khách, không ai la rầy, khó chịu nếu tôi lựa hàng mà không mua.

Mà mua đồ si chẳng khác gì “đãi cát tìm vàng”, vì trong vô số món đồ đó, tìm được một món đồ hợp gu không phải dễ. Chuyến đi này, tôi vô tình quen được anh Bá Hưng (25 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) là một chủ shop đồ si online. Mỗi tuần, anh đều dành ra vài ngày để đến chợ lựa đồ, mua về bán lại.

Nhiều người ngồi lựa hàng giờ đồng hồ để mua được những món đồ ưng ý
Nhiều người ngồi lựa hàng giờ đồng hồ để mua được những món đồ ưng ý

Cái cách mà anh Hưng lựa quần áo, tôi nhìn còn thấy mê. Với kinh nghiệm dày dặn, tay anh lựa đồ thuần thục, mắt đảo liên tục để tìm được những món đồ tiềm năng.

Tôi để ý, anh Hưng mua đồ dựa trên 3 yếu tố: kích cỡ, độ mới và chất liệu. Anh cho biết, đồ si thường có nguồn ở nước ngoài nên sẽ kích cỡ sẽ to hơn so với người Việt. Chọn đồ cũ nhưng cũng đừng cũ quá, vì cái nào dính bẩn hay ố vàng thì khó dùng. Cuối cùng là chất liệu, thông thường vải linen, da, cotton, salim, denim hay jeans sẽ được chọn vì bền, tốt.

“Đi mua đồ si đừng chần chừ, ưng bụng cái nào là phải bỏ vào giỏ ngay. Vì đồ đẹp thường nhanh hết hoặc lẫn lộn vào đống quần áo, khó mà kiếm lại. Trước khi mua, mình có thể ướm thử lên người hay đo cổ, nếu có cái rộng quá mà mình thích thì cứ mua về rồi mang ra tiệm sửa. Ai mua nhiều thì nhớ xin chủ tiệm giảm giá, ít nhiều gì cũng tiết kiệm được chút đỉnh”, anh Hưng chia sẻ.

Muốn mua được đồ đẹp, phải hết sức kiên nhẫn
Muốn mua được đồ đẹp, phải hết sức kiên nhẫn

Quả thật, để mua được một món đồ đẹp với giá rẻ đòi hỏi sự quan sát, kinh nghiệm, kỹ năng và lòng kiên nhẫn. Ngoài việc thỏa mãn đam mê mua đồ độc lạ, tạo nên phong cách cá nhân riêng thì đây còn là một hoạt động góp phần bảo vệ môi trường.

Những năm qua, sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp thời trang đã âm thầm tạo nên nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. “Tôi là một người theo chủ nghĩa sống xanh, ngoài việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, ni lông, tôi còn thường xuyên mua đồ cũ để mặc. Đây không chỉ là cách để tôi tiết kiệm một khoản lớn trong việc mua sắm mà còn góp chút sức nhỏ để bảo vệ môi trường. Có nhiều món quần áo còn mới và tốt, tại sao chúng ta lại không nối dài vòng đời của nó?”, chị Mỹ (24 tuổi, ở Q.Tân Bình) bộc bạch.

Nhiều người đến chợ đồ si để săn những món đồ độc lạ
Nhiều người đến chợ đồ si để săn những món đồ độc lạ

Thay vì mua những món đồ bắt trend, giá rẻ nhưng kém chất lượng để rồi chỉ dùng được vài lần, chị Mỹ chọn mua đồ si. Chị nghĩ, thời trang nhanh có thể đáp ứng được nhu cầu của đa số người tiêu dùng hiện nay nhưng đằng sau đó là rất nhiều hệ lụy.

“Kể từ khi xem được những cảnh báo thiên tai, báo động xấu về môi trường, tôi đã tự hứa sẽ không mua sắm quần áo vô tội vạ. Mua đồ si kết hợp với đồ mới, đó cũng là cách tôi tiết kiệm tiền trong thời buổi khó khăn. Đồ si mua về, tôi cũng sẽ ngâm riêng, giặt giũ sạch sẽ rồi mới sử dụng. Đừng ngại khi bạn mặc đồ cũ vì món đồ bạn dùng, chắc gì người khác đã có”, chị Mỹ nói.

Ngành công nghiệp đồ si ở Việt Nam

Hiện nay, xu hướng thời trang bền vững đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm, tiếp cận. Đó cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường quần áo cũ. Ở Việt Nam, ngành công nghiệp đồ si bắt đầu phát triển mạnh vào những năm 1980. Từng có thời gian, đồ si bị hiểu nhầm là những món đồ chỉ dành cho người có thu nhập thấp, đồ bỏ đi. Song những năm gần đây, đồ si đã dần có được vị trí trong thị trường, trở thành một trào lưu thời trang độc đáo, thân thiện với môi trường, được nhiều người yêu thích.

Ở TP.HCM hiện nay, ngoài khu chợ Hoàng Hoa Thám, có rất nhiều cửa hiệu chuyên bán đồ si tuyển. Có những nơi đồ si có giá cao gấp nhiều lần so với đồ mới vì hàng hiếm, chất lượng.

Theo Thái Thanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.