'Thế giới' trầm, kỳ: Từ 'đại ca' thành chuyên gia tạo trầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ người cõng trầm thuê trở thành dân buôn trầm, rồi sa vào vòng lao lý. Ra tù, ông mày mò tự nghiên cứu và thành danh trong lẫn ngoài nước với kỹ thuật tạo trầm trên cây dó, được Bộ Công an vinh danh và nhận bằng khen cấp tỉnh.

Chúng tôi về H.Tiên Phước (Quảng Nam) tìm gặp những người có danh phận trong giới trầm hương thì nhiều người đều giới thiệu một "đại ca" ở xã Tiên Cảnh (H.Tiên Phước). Anh Nguyễn Đình Trực ở H.Tiên Phước chia sẻ: "Viết về trầm hương thì phải lên xã Tiên Cảnh gặp "đại ca" Hoàng Văn Trưởng. Ông này có cuộc đời kỳ lạ lắm".

"ĐẠI CA" CÕNG TRẦM VÀ GÓC TỐI CUỘC ĐỜI

Ngồi đối diện ông Trưởng (58 tuổi), ít ai nghĩ người đàn ông này từng là "đại ca" cõng trầm thuê. Chỉ khi nghe ông Trưởng kể lại quãng đời cõng trầm thuê mới biết ông từng là tay có "máu mặt" trong giới phu trầm. Nhiều phu trầm ở Tiên Phước, Nông Sơn (Quảng Nam) cho biết khi còn khai thác trầm trong những khu rừng nguyên sinh, để vận chuyển hàng vượt qua núi cao, rừng thẳm, lọt qua được "ải" của đồng bào dân tộc thiểu số và các chốt kiểm lâm, thuế vụ, biên phòng, công an thì phải nhờ đến những người như ông Trưởng.

Ông Hoàng Văn Trưởng (bìa phải) được Bộ Công an vinh danh trong chương trình "Ánh sáng và niềm tin hòa nhập cuộc sống" năm 2023
Ông Hoàng Văn Trưởng (bìa phải) được Bộ Công an vinh danh trong chương trình "Ánh sáng và niềm tin hòa nhập cuộc sống" năm 2023

"Tôi cõng trầm thuê từ năm 1987. Suốt quãng thời gian đó, gần như chuyến nào cũng trót lọt", ông Trưởng nhớ lại. Một số người địu trầm ở Tiên Phước cho hay "đại ca" Trưởng thuộc đường rừng như lòng bàn tay, và có "chiêu" đặc biệt để đưa được trầm từ rừng về tới TX.Tam Kỳ (nay là TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), rồi bán cho đầu nậu.

"Dân địu trầm gian khổ lắm. Nhưng khai thác được rồi dễ chi đem trầm về nhà. Lớp thì người đồng bào phát hiện tịch thu. Lớp thì sợ lực lượng chức năng bắt. Bán trầm ngay trong rừng thì giá rất rẻ, rứa nên phải nhờ mấy người có "máu mặt" cõng trầm về tận nơi cho các đầu nậu", ông Võ Linh, phu trầm khét tiếng ở Quảng Nam, nói về giới cõng trầm thuê như ông Trưởng.

Kiếm được một số vốn nhờ cõng trầm thuê và đặc biệt là hiểu biết cách phân loại trầm, ông Trưởng chuyển sang buôn trầm. Đến khi trầm thiên nhiên cạn kiệt, phu trầm bỏ nghề, ông chuyển sang khai thác vàng. Đó là bước ngoặt đẩy ông vào vòng lao lý. Ông Trưởng trải lòng: "Thiên hạ nói "ăn của rừng rưng rưng nước mắt" là có thiệt. Hết trầm trong rừng, dân địu trầm lại nghèo, dân buôn trầm cũng khốn đốn theo. Tui bỏ nghề buôn trầm đi khai thác vàng kiếm sống. Vì dùng trái phép hóa chất xyanua để thu hồi vàng nên tui bị xử án tù".

Lãnh án 24 tháng tù giam nhưng nhờ cải tạo tốt, ông Trưởng được ra tù trước hạn 6 tháng. Trở về nhà với 2 bàn tay trắng và mặc cảm thân phận tù tội, ban đầu ông chỉ muốn giam mình trong nhà. Nhiều đêm mất ngủ, người đàn ông này tìm những mảnh trầm vụn đốt lên để suy ngẫm. Chính lúc đó, hương trầm đã mê hoặc ông một cách lạ lùng. "Mùi hương của trầm tỏa ra trong đêm thanh tịnh thôi thúc tôi phải sống tích cực và làm gì đó vì nó, vì cuộc đời", ông Trưởng bộc bạch.

Ông Trưởng hào hứng “tua” lại quãng đời cõng trầm thuê và đi buôn trầm
Ông Trưởng hào hứng “tua” lại quãng đời cõng trầm thuê và đi buôn trầm

THÀNH QUẢ TỪ TRONG ĐAU THƯƠNG

Dân gian có câu "Trong đau thương dó biến thành trầm". Theo đó, những cây dó chỉ cho trầm khi bị tác động bởi ngoại cảnh, gây nên những vết thương tích. Bị thương tích, dó mới tiết ra chất nhựa để chữa lành. Thứ nhựa đó chính là trầm. Nghiệm lại cuộc đời của ông Trưởng mới thấy có gì đó tương đồng.

Thời "đại ca" Trưởng mãn hạn tù, quê ông còn nhiều dó tự nhiên mọc trong khu dân cư và đã có nhiều người trồng dó, nhưng hầu như toàn bộ đều chưa có trầm. Ông Trưởng quyết tâm tìm cách tạo trầm cho dó. "Tui nhờ mùi hương trầm trong lúc đốt lên trong căn phòng giữa đêm để suy ngẫm và có chi đó giống thiền định để tìm lối thoát cho chính mình, đồng thời nghĩ cách tạo trầm trên dó", ông Trưởng tâm sự.

“Đại ca” cõng trầm thuê trầm ngâm khi kể lại chuyện tù tội
“Đại ca” cõng trầm thuê trầm ngâm khi kể lại chuyện tù tội

Bằng kinh nghiệm những năm theo phu trầm vào rừng, ông Trưởng nhận thấy những cây dó tự nhiên cho trầm đều có lỗ do sâu đục và trong lỗ sâu đục có kiến ở. "Tôi nghĩ kiến vào ở trong những lỗ do sâu đục trên thân cây dó, rồi chúng thải phân và nước tiểu có chất a xít. Chất ni là một thứ men xúc tác tạo ra trầm. Từ đó, tui mày mò nghiên cứu để tạo ra chất tương tự như chất thải của kiến để cấy vào dó", ông Trưởng lý giải.

Tuy nhiên, phải sau nhiều lần thất bại hoặc thành công chưa đáng kể, đến năm 1996, ông Trưởng mới hoàn thiện chế phẩm dùng để cấy vào dó tạo trầm. Lúc này, nhiều chủ vườn dó bầu Tiên Phước nhờ bác nông dân này đến tạo trầm cho vườn của họ. Tiếng lành đồn xa, ông Trưởng được mời đi Bình Phước, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa áp dụng kỹ thuật tạo trầm. Ở các tỉnh xa, ông hợp đồng cấy chế phẩm tạo trầm cho chủ vườn dó và ăn chia 50%.

Tiếng tăm tạo trầm trên dó của ông Trưởng còn vượt ra khỏi biên giới VN. Năm 2014, một tập đoàn kinh doanh trầm hương từ Côn Minh (Trung Quốc) mời ông sang Lào để tạo trầm trên 56.000 cây dó bầu mà họ hợp tác với một người Lào trồng. "Lần đầu tiên tui cấy chất tạo trầm lên 100 cây dó cho tập đoàn này. 6 tháng sau, chết hết 70 cây, tui mới sảng hồn. Nhưng họ nói đây là thử nghiệm nên cứ làm tiếp. Nghe họ nói rứa tui nhẹ cả người", ông Trưởng thật thà chia sẻ.

Những cây dó như thế này được ông Hoàng Văn Trưởng cấy chế phẩm của mình để tạo trầm
Những cây dó như thế này được ông Hoàng Văn Trưởng cấy chế phẩm của mình để tạo trầm
Trầm hương luôn mê hoặc người đàn ông 58 tuổi này
Trầm hương luôn mê hoặc người đàn ông 58 tuổi này

Trở về VN với tâm trạng trĩu nặng lo âu vì không hiểu sao cấy chế phẩm tạo trầm như ở trong nước mà dó tại Lào lại chết hàng loạt. Suy nghĩ nhiều ngày, rồi ông Trưởng hiểu ra khí hậu ở Lào khá giống miền Nam VN, chỉ có hai mùa mưa nắng. Vì thế, ông điều chế lại chất tạo trầm, đồng thời áp dụng kỹ thuật phù hợp hơn khi khoan để cấy cho cây dó ở Lào. Lần này thì ông thành công hơn cả mong đợi: "Sau khi cấy lần 2 được hơn 6 tháng, thấy dó không chết cây mô là mừng rồi. Cưa thử mấy cây thấy trầm bắt đầu ăn vô giác dó thì tui mừng run luôn. Lúc nớ tui nhảy cà tưng còn mấy ông Trung Quốc gọi tui là chuyên gia tạo trầm", ông Trưởng tâm tình.

Để áp dụng kỹ thuật tạo trầm cho vườn dó hàng chục ngàn cây tại Lào, ông Trưởng đưa 50 công nhân người Việt qua làm, giúp họ có đồng lương ổn định. Tại quê nhà, ông Trưởng trong vai trò là Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước cũng cố gắng khôi phục làng nghề trầm hương bằng nhiều cách khác nhau.

Công ty gia đình của ông còn đầu tư sản xuất nhiều sản phẩm từ trầm hương, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu. "Đại ca" cõng trầm thuê năm xưa, từng "trải nghiệm cơm tù", năm 2018 được UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi", năm 2023 được Bộ Công an vinh danh trong chương trình "Ánh sáng và niềm tin hòa nhập cuộc sống". Ông bạn đồng nghiệp của tôi ở Tiên Phước tỏ ra rất ngưỡng mộ ông Trưởng khi ví von: "Đại ca Trưởng là một tấm gương thơm như trầm hương xứ Tiên này".

Người thành công nhờ trầm hương thì ai cũng giữ bí mật làm ăn, giữ bửu bối. Còn tui có kinh nghiệm gì để phát triển ngành trầm hương thì chia sẻ cho mọi người. Đó cũng là cách tui làm lại cuộc đời, tạ ơn trời đất đã cho VN sản phẩm trầm hương được xếp vào hàng tốt nhất thế giới.

Ông Hoàng Văn Trưởng

Có thể bạn quan tâm

Người Ba Na và ước mơ sung túc

Người Ba Na và ước mơ sung túc

Dưới tiết trời se lạnh, gió đẩy từng hơi rừng mát lạnh, người dân làng Kon Ktonh tập trung lại dưới mái nhà Rông để mừng Tết ăn thịt dúi. Lâu lắm rồi, bà con mới có dịp tụ họp đông đủ, chúc nhau sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống may mắn, hạnh phúc.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi (thứ 2 từ phải sang)-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Điệp 1 (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) trao đổi với người dân về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.M

Những đảng viên “miệng nói, tay làm”

(GLO)- Dù đảm nhận vị trí công việc khác nhau song điểm chung ở những đảng viên tiêu biểu chính là sự tận tụy, hết lòng với công việc được giao. “Miệng nói, tay làm”, họ trực tiếp vun bồi niềm tin của người dân với Đảng, chung sức xây dựng địa phương ngày một phát triển.

Thác ghềnh muôn nỗi sơn khê

Thác ghềnh muôn nỗi sơn khê

Từ bé tôi đã thuộc lòng câu ru của mẹ rằng: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non/ Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Nghe chả hiểu gì nhưng tôi vẫn chìm trong giấc ngủ với những giọt nước mắt ngày ấy.

An lành 'Trường Sa trên biển Bắc'

An lành 'Trường Sa trên biển Bắc'

Từ cảng Ghềnh Võ, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) chúng tôi phóng cano cưỡi sóng gần 1 tiếng đồng hồ để ra đảo Trần – hòn đảo nằm phía Đông Bắc của quần đảo Cô Tô, nơi được ví như Trường Sa của vùng biển Đông Bắc. 6 năm mới quay trở lại, hòn đảo tiền tiêu vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Xuân thêm vẹn tròn

Xuân thêm vẹn tròn

Khi sắc xuân sắp chạm ngõ mọi hiên nhà, bước chân mưu sinh của những người lao động dường như càng thêm hối hả, vội vã trên khắp phố phường. Bởi để đón mùa Tết đầm ấm hơn, họ phải vun vén, dành dụm trong ngoài để có thể đong đầy lu gạo, chắt tràn lọ mắm, thêm củ dưa hành…

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Ở nước ta, không ít làng quê nuôi rắn hay chế biến thịt rắn. Nhưng với sự tích gắn với con rắn và cách chế biến các món ăn từ loài rắn thì làng Lệ Mật có nét độc đáo riêng không lẫn với bất kỳ đâu.

Bồi hồi mâm cỗ Tết xưa

Bồi hồi mâm cỗ Tết xưa

Món ăn trên mâm cỗ Tết bao giờ cũng hết sức cầu kỳ, tinh tế và chứa nhiều nội hàm sâu sắc. Nhưng cái ngon thật sự của cỗ Tết nằm ở hương vị của ký ức. Nếu chỉ cảm nhận bằng vị giác thôi thì chưa đủ…

Cho đi là còn mãi

“Cho đi là còn mãi”

(GLO)- Dù bận rộn với công việc kinh doanh song ông Nguyễn Tương Minh-Tổng Giám đốc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH một thành viên, Trưởng đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian kết nối những tấm lòng nhân ái để trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai.

Xuân về trên vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei

Xuân về trên vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei

(GLO)- Phát huy truyền thống anh hùng, lớp lớp cháu con của vùng căn cứ cách mạng Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tiếp tục đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng quê hương. Vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei một thời gian khó nay đã chuyển mình khởi sắc.