Gieo mầm tri thức ở vùng khó Đăk Pơ Pho

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 8 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Lê Thị Ngọc Linh (SN 1994, Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám, xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) luôn cần mẫn, tận tụy gieo mầm tri thức, trao yêu thương cho học trò vùng khó.

1logo.jpg

Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô giáo trẻ là học trò của mình nắm vững kiến thức, tiến bộ từng ngày.

Gieo mầm yêu thương

Băng qua cung đường quanh co, gập ghềnh, tôi đến điểm trường làng Trong để gặp cô giáo Lê Thị Ngọc Linh-người đang từng ngày gieo mầm tri thức cho các em học sinh dân tộc Bahnar. Trong phòng học rộng chừng 30 m2, 22 học sinh (trong đó có 13 em lớp 1, 9 em lớp 2) ngồi quay lưng vào nhau đang chăm chỉ học bài. Sau khi giảng bài cho các em lớp 1 ở đầu phòng học bên này, cô Linh đi sang phía bên kia để dạy cho học trò lớp 2. “Là lớp ghép nên các em khác nhau về độ tuổi và nhận thức. Mỗi ngày lên lớp, tôi chuẩn bị đầy đủ 2 giáo án, rồi bố trí thời gian giảng bài cho phù hợp để giúp các em học sinh nắm vững kiến thức, từ đó mà thêm yêu trường mến lớp, học tập chuyên cần. Trải qua thời gian, việc dạy học ở điểm trường với đặc thù lớp ghép cũng đi vào nền nếp nên những khó khăn, trở ngại dần được tháo gỡ”-cô Linh tâm sự.

hoc-sinh-o-diem-truong-lang-trong-truong-tieu-hoc-va-thcs-le-van-tam-cham-chi-hoc-tap-nho-su-chi-bao-an-can-cua-co-giao-le-thi-ngoc-linh.jpg
Cô Lê Thị Ngọc Linh trong một tiết dạy các em học sinh lớp 1 tại điểm trường làng Trong (Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám). Ảnh: P.L

Tranh thủ giờ ra chơi, cô Linh kể cho tôi nghe về những năm tháng gắn bó với sự nghiệp “trồng người” của mình. Cô Linh tốt nghiệp ngành Giáo dục tiểu học (Trường Đại học Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) năm 2016. Sau khi ra trường, cô xin dạy hợp đồng ở Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (nay là Trường Tiểu học và THCS An Trung, huyện Kông Chro). Sau đó, cô thi tuyển viên chức và được phân công về công tác tại Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám từ năm 2017 đến nay.

Dạy học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc khó khăn nhất đối với giáo viên có lẽ là công tác vận động học sinh đến lớp và duy trì sĩ số chuyên cần. Ngày nào cũng vậy, cô Linh thường có mặt ở điểm trường làng Trong từ lúc 6 giờ 15 phút để dọn vệ sinh lớp và đón học sinh. Khi gần đến giờ vào lớp mà thấy sĩ số còn thiếu, cô Linh liền đến tận gia đình tìm hiểu tình hình rồi chở học sinh đến trường thay phụ huynh.

Khi cô Linh nhận công tác tại Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám, cả gia đình chuyển vào cư trú tại thôn 2 (xã Đăk Pơ Pho). Nhờ đó, cô Linh hiểu rõ phong tục tập quán của địa phương và ngày càng thân thiết với bà con dân làng; giúp cô có nhiều thuận lợi trong việc vận động học sinh đi học. Khoảng 2-3 tuần, cô Linh lại đi đến từng gia đình học sinh để tìm hiểu, động viên phụ huynh cho con em đi học chuyên cần.

co-le-thi-ngoc-linh-bia-phai-den-nha-de-van-dong-phu-huynh-cho-con-em-den-truong.jpg
Cô Lê Thị Ngọc Linh (bìa phải) đến nhà để vận động phụ huynh cho con em đến trường. Ảnh: P.L

Thầy Nguyễn Khắc Cảnh-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám: Những năm học qua, cô Lê Thị Ngọc Linh đều xung phong đảm nhận nhiệm vụ công tác tại các điểm trường làng và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc cô được tuyên dương và nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của cá nhân cô mà còn với cả tập thể sư phạm nhà trường. Tin tưởng rằng, cô Linh tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ gieo mầm tri thức cho các thế hệ học trò ở vùng khó.

Khắc phục sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang-thiết bị dạy học, cô Linh tận dụng những chiếc chai nhựa, bìa giấy carton, hòn cuội trang trí màu sắc bắt mắt để làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác dạy và học. Cô còn khéo léo lồng ghép những câu chuyện, hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày của các em vào bài giảng để gợi mở, liên hệ thực tế, giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn. Em Đinh Thị Thang (lớp 2 ghép) bày tỏ: “Cô Linh rất hiền. Cô chỉ dạy chúng em rất nhiều điều hay. Giờ ra chơi, em và các bạn được cô Linh hỏi han, trò chuyện, chải đầu, buộc tóc gọn gàng”.

Không chỉ gắn bó với lớp, với trò, mỗi khi làng có việc, cô Linh cũng nhiệt tình tham gia, phụ giúp nên được người dân ủng hộ, tin tưởng. Chị Đinh Thị Ngit cho hay: “Cô Linh tốt bụng lắm, ân cần, nhẹ nhàng chỉ bảo con mình học tập. Cô giáo thương học trò, nhiệt tình chỉ dạy nên mình vận động bà con trong làng cho con em đi học đúng giờ, chuyên cần, tiếp thu kiến thức để sau này lớn lên có cuộc sống tốt hơn”.

Không để học sinh nghỉ học

Đăk Pơ Pho là xã vùng III của huyện Kông Chro. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, sự học của con em vì vậy cũng ít được quan tâm. Việc duy trì sĩ số và đảm bảo tỷ lệ chuyên cần của học sinh gặp nhiều trở ngại. Không chùn bước trước khó khăn, cô Linh đã mày mò tìm hiểu và áp dụng nhiều giải pháp để giúp học sinh bám lớp, yên tâm học chữ.

Lớp học cả ngày vào thứ ba và thứ năm hàng tuần. Có những em học buổi sáng còn buổi chiều lại nghỉ khiến tỷ lệ chuyên cần không đảm bảo. Nguyên nhân là bố mẹ đi làm rẫy từ sáng sớm đến chiều muộn mới về, các em đói bụng nên không muốn đi học. Thương học trò, cô Linh vận động các tấm lòng hảo tâm ủng hộ từng thùng mì tôm để giúp đỡ học sinh nghèo. Có khi cô Linh nấu mì tôm cho các em ăn tại điểm trường, có khi các em mang mì tôm về nhà nấu ăn. Những gói mì tôm đơn sơ nhưng ấm lòng, đặc biệt là tấm lòng của cô giáo đã níu chân học trò đến lớp.

co-le-thi-ngoc-linh-tang-mi-tom-cho-hoc-sinh-o-diem-truong-lang-trong.jpg
Cô Lê Thị Ngọc Linh tặng mì tôm cho học sinh ở điểm trường làng Trong. Ảnh: P.L

Không những vậy, trong góc lớp hầu như lúc nào cũng có mấy hộp sữa, ít bánh kẹo cùng vở trắng, đồ dùng học tập. Mỗi buổi học, học sinh nào nghiêm túc học tập, tích cực phát biểu xây dựng bài thì sẽ được cô Linh khuyến khích động viên, có khi là cuốn vở, cây bút chì hoặc đôi ba chiếc kẹo, hộp sữa. Món quà tuy nhỏ nhưng đem đến niềm vui vô bờ cho các em học sinh. Vì thế, tinh thần học tập, phát biểu xây dựng bài của các em ngày một tiến bộ, lớp học càng thêm sôi nổi. Em Đinh Ngim (lớp 1 ghép) tâm sự: “Cô Linh thương chúng em lắm. Cô cho em đồ ăn ngon và áo ấm. Em chăm chỉ học tập để còn nhận được phần thưởng của cô”.

Trước khi đến dạy ở điểm trường làng Trong, cô Linh từng công tác ở các điểm trường làng: Dyrao, Kúc Gmối, Kúc Rờng (xã Đăk Pơ Pho). Ở điểm trường nào, cô Linh cũng dành trọn tình thương cho học trò. Năm học 2022-2023 và 2023-2024, cô Linh được phân công dạy học ở điểm trường làng Dyrao. 1 tuần có 3 buổi học cả ngày, sợ học trò nghỉ học, cô Linh tổ chức bữa ăn bán trú. Ban đầu, cô tự bỏ tiền túi để lo bữa ăn cho học sinh. “Tiếng lành đồn xa”, việc làm ý nghĩa của cô Linh truyền đến tai các nhà hảo tâm. Họ liền ủng hộ hơn 1,5 triệu đồng/tháng để cô Linh duy trì bữa cơm trưa cho học trò. Cô Linh dậy sớm, ra chợ mua và sơ chế món ăn từ tối hôm trước để 4 giờ sáng hôm sau trở dậy nấu nướng cho kịp giờ đến lớp. Suốt 2 năm học, hành trang của cô Linh không chỉ là những trang giáo án mà còn là hộp đựng chén bát, đồ ăn cho học sinh. Nhờ đó, tỷ lệ chuyên cần của lớp được duy trì và nâng cao. “Học trò đang tuổi phát triển, dù là suất ăn miễn phí nhưng tôi cố gắng đảm bảo chất dinh dưỡng để các con ăn ngon miệng, có sức học tập. Nhìn thấy bữa cơm trưa có cá, thịt, canh, học sinh vui, dùng bữa ngon lành, mình xúc động lắm”-cô Linh chia sẻ.

Nhắc đến cô Linh, ông Lê Văn Quang-Phó Trưởng thôn Dyrao-bày tỏ sự cảm kích: “Cô Linh được bà con và học sinh ở điểm trường làng Dyrao quý mến. Học sinh no cái bụng, nhận những phần quà ý nghĩa. Hiện nay, cô Linh đã chuyển sang giảng dạy ở điểm trường làng Trong, nhưng mỗi khi làng có việc, tôi vẫn liên hệ mời cô về dự chung vui”.

co-giao-le-thi-ngoc-linh-luon-tam-huyet-trong-cong-tac-giang-day-de-hoc-sinh-biet-chu-doc-thong-viet-thao.jpg
Cô giáo Lê Thị Ngọc Linh luôn tâm huyết trong công tác giảng dạy để học sinh biết chữ, đọc thông viết thạo. Ảnh: P.L

Nhờ sự tận tâm với học trò, cô Linh thường xuyên được các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ. Những phần quà liên tiếp đến với cô Linh như: quần áo cũ, sách giáo khoa, ba lô, sách vở, dụng cụ học tập, sữa và nhu yếu phẩm. Với quần áo, cô phân loại, giặt sạch sẽ rồi đem tặng cho các em học sinh trong xã. Cô Linh còn kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm cho học sinh mồ côi, ốm đau và có hoàn cảnh khó khăn.

Dù gặp nhiều khó khăn trên hành trình gieo chữ, nhưng nhìn lại chặng đường gần 8 năm đồng hành cùng học sinh, cô Linh cho rằng: “Bà con dân làng thiếu thốn cả cái ăn, cái mặc nhưng lại rất thân thiện, gần gũi. Thỉnh thoảng vẫn có học sinh nghỉ học, nhưng được bà con tin tưởng, việc vận động học sinh đến lớp với tôi đã dễ dàng hơn trước. Tôi vui vì nhìn thấy sự chăm chỉ của học sinh và được phụ huynh tin cậy”.

Ngày 14 và 15-11 vừa qua, tại Hà Nội, cô Linh là 1 trong 60 giáo viên tiêu biểu của toàn quốc được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Tại chương trình, cô Linh được nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo; biểu trưng của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Trong khuôn khổ chương trình, cô Linh cùng các nhà giáo tiêu biểu được gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham quan Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Cô Linh chia sẻ niềm vui: “Tham gia chương trình, tôi được gặp gỡ các thầy-cô giáo ở khắp mọi miền Tổ quốc. Tất cả đều tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, không ngại khó ngại khổ để mang con chữ đến với học sinh. Thương học trò, tôi tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, tích cực kết nối nhà hảo tâm để mang đến những phần quà ý nghĩa cho các em”.

2logo-7722-2933-9071-1045-4546-1474-6395.jpg

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.