Bà Rô H'Mrẽ: Chi hội trưởng phụ nữ “2 giỏi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ được biết đến với vai trò “đầu tàu” trong công tác Hội phụ nữ, bà Rô H'Mrẽ (thôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) còn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, là tấm gương cho chị em noi theo.

15 năm trên cương vị Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Sô Ma Hang B, bà H'Mrẽ luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của Chi hội. Với bà, nâng cao chất lượng công tác Hội đồng nghĩa với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.

Vì vậy, bà tích cực tuyên truyền, vận động chị em tham gia các mô hình, câu lạc bộ (CLB) giúp nhau thoát nghèo. Tiêu biểu có mô hình “Nuôi bò rẽ sinh sản”. Mô hình được triển khai theo hình thức các chị có kinh tế khá giả cho hội viên nghèo nhận nuôi bò rẽ. Khi bò sinh sản, con bê đầu tiên thuộc về người nhận nuôi, con bê thứ 2 thuộc về người cho mượn. Cứ như vậy cho đến khi hội viên nhận nuôi vươn lên thoát nghèo thì trả lại bò mẹ cho chủ.

Để làm gương cho hội viên học tập làm theo, năm 2015, bà H'Mrẽ quyết định cho chị Rô H’Gái mượn 1 con bò sinh sản. Sau 5 năm nhận nuôi rẽ, chị H'Gái đã sở hữu 3 con bò, vươn lên thoát nghèo.

Chị H’Gái bộc bạch: “Từ con bò chị H'Mrẽ cho mượn, hiện tại, đàn bò của gia đình đã tăng lên 6 con. Không chỉ cho mượn bò, chị H'Mrẽ còn hướng dẫn cách chăm sóc. Năm 2020, gia đình thoát nghèo nên trả lại bò mẹ cho chị H'Mrẽ”.

Bà Rô H’Mrẽ (bìa phải) phát triển mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Ảnh: N.H

Bà Rô H’Mrẽ (bìa phải) phát triển mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Ảnh: N.H

Từ năm 2020 đến nay, bà H’Mrẽ đã vận động 4 chị cho mượn bò sinh sản. Theo đó, chị Ksor HNhoh giúp chị Rô H’Leng; chị Ksor H’Tek giúp chị Rô H’Mai; chị Ksor H’Ngoan giúp chị Rô H’Pup; chị Ksor H’Mơr giúp chị Ksor H’Loanh. Điều đáng mừng là 4 con bò cho mượn đều đã sinh sản, các chị được mượn bò cũng nhờ vậy mà vươn lên thoát nghèo.

“Mô hình nuôi bò rẽ phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Năm 2023, Chi hội giúp 10 hội viên thoát nghèo”-bà H’Mrẽ tâm sự.

Nhằm giúp hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bà H’Mrẽ hướng dẫn chị em trong thôn chi tiêu tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2020, bà thành lập mô hình “Nuôi heo đất” với 20 chị tham gia. Mỗi thành viên đóng góp 600 ngàn đồng/năm để nuôi heo đất. Số tiền tiết kiệm được sẽ luân phiên cho các thành viên vay trong thời gian 1 năm, không tính lãi. Sau 3 năm thành lập, số hội viên tham gia mô hình tăng lên 48 người, tiết kiệm được là 60 triệu đồng, cho 4 chị vay đầu tư phát triển sản xuất.

Không chỉ giúp chị em hội viên phát triển kinh tế, với vai trò Chi hội trưởng, bà H’Mrẽ còn quan tâm đến đời sống tinh thần của chị em. Năm 2023, CLB Dân vũ được thành lập gồm 12 thành viên. Từ khi thành lập, CLB tham gia biểu diễn thường xuyên trong các hội diễn văn nghệ ở địa phương.

Hiện CLB đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn do huyện tổ chức. Các mô hình, CLB hoạt động hiệu quả góp phần thu hút hội viên vào Hội. Hiện tỷ lệ thu hút hội viên của Chi hội đạt trên 90%.

Không chỉ “giỏi việc nước”, bà H’Mrẽ còn “đảm việc nhà”. Bản thân bà nhận thấy nếu việc xã hội tích cực, đạt hiệu quả cao nhưng gia đình không chấp hành, gương mẫu thì mình sẽ không có uy tín trước hội viên.

Vì vậy, trong tất cả các phong trào, hoạt động, bà đều tiên phong gương mẫu. Bà là một trong những hộ tiên phong di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa gầm nhà sàn. Gia đình thực hiện rồi, bà tích cực vận động hội viên thực hiện theo. 100% gia đình trong thôn hiện đã di dời chuồng trại ra xa nhà ở. Năm 2021, thôn Sô Ma Hang B đạt chuẩn nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số.

Là điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, bà Rô H'Mrẽ (bìa phải) đang dựng căn nhà sàn mới ước tổng kinh phí khoảng 600 triệu đồng. Ảnh: Vũ Chi

Là điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, bà Rô H'Mrẽ (bìa phải) đang dựng căn nhà sàn mới ước tổng kinh phí khoảng 600 triệu đồng. Ảnh: Vũ Chi

Bà H’Mrẽ cũng là hội viên sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Hiện gia đình bà có 2 ha lúa nước, 3 ha mì, 6 con dê, 3 con bò, 50 con gà, vịt. Bà chia sẻ: “Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm, gia đình thu nhập trên 150 triệu đồng. Đàn bò của gia đình lúc cao điểm lên tới 30 con. 2 năm nay, gia đình bán bớt để mua thêm vật liệu dựng căn nhà mới với kinh phí khoảng 600 triệu đồng”.

Trao đổi với P.V, bà Ksor H’Djim-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Peng-khẳng định: Những năm qua, Chi hội Phụ nữ thôn Sô Ma Hang B luôn được đánh giá là một trong những đơn vị điển hình. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của bà Rô H’Mrẽ. Năm 2023, bà H’Mrẽ vinh dự được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào phụ nữ và công tác Hội.

Có thể bạn quan tâm

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

(GLO)- Ngày 15-1, đoàn công tác của tỉnh do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà các gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, người có công tiêu biểu tại các huyện: Krông Pa, Chư Sê, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa.

Lập xuân 2025 là ngày nào?

Lập xuân 2025 là ngày nào?

Lập xuân là tiết khí đầu tiên trong năm, ngày Lập xuân ở khía cạnh nào đó có thể coi là thời điểm bắt đầu năm mới, vậy Lập xuân 2025 là ngày nào?