Ayun Pa: Nan giải bài toán bảo hiểm y tế toàn dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tính đến đầu tháng 9-2022, thị xã Ayun Pa có 25.159 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm 60,55% tổng dân số, xếp thứ 16/16 huyện, thị xã trong tỉnh Gia Lai. Vấn đề xã hội hóa, tiến tới bao phủ BHYT toàn dân đang là bài toán nan giải, đòi hỏi sự vào cuộc của các ban ngành, chính quyền địa phương.

Bài toán nan giải

Là địa phương có tỷ lệ người dân tham gia BHYT cao nhất trong 4 xã trên địa bàn thị xã Ayun Pa nhưng đến thời điểm hiện tại, Ia Sao mới có 1.824 người tham gia BHYT, chiếm 40,5% dân số. Theo bà Nguyễn Thị Tánh-Phó Chủ tịch UBND xã, trước đây, Ia Sao là xã vùng II, người dân được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí. Nhưng sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, xã thuộc khu vực I, chỉ có hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân làm nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình là được hỗ trợ. Đây là nguyên nhân chính kéo tỷ lệ tham gia BHYT của xã xuống thấp. Bên cạnh đó, xã Ia Sao có 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Những năm gần đây, thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất, giá nông sản thì bấp bênh dẫn đến thu nhập thấp, không ổn định, nhiều gia đình đông con nên việc trích kinh phí mua BHYT cho tất cả thành viên gặp  khó khăn.

Chị Nay H'Sina (buôn Hoang 1, xã Ia Sao) chia sẻ: Gia đình chị có 3 người. Nếu mua BHYT cho cả nhà sẽ hết khoảng 1,8 triệu đồng/năm. Đây là số tiền khá lớn. Do mang thai tháng thứ 7 nên gia đình quyết định mua BHYT cho chị trước. “Mặc dù cũng muốn mua BHYT cho cả nhà nhưng vì điều kiện gia đình còn khó khăn nên chỉ có thể mua BHYT cho tôi trước để được hỗ trợ kinh phí khi nằm viện mổ đẻ. Khi con lớn, tôi sẽ dành dụm tiền mua BHYT cho cả nhà”-chị H'Sina bộc bạch.

 Anh Nguyễn Chí Hữu (bìa phải, Đại lý BHYT xã Ia Sao) tuyên truyền cho người dân về quyền lợi khi tham gia BHYT. Ảnh: Vũ Chi
Anh Nguyễn Chí Hữu (bìa phải, Đại lý BHYT xã Ia Sao) tuyên truyền cho người dân về quyền lợi khi tham gia BHYT. Ảnh: Vũ Chi


Tương tự, Ia Rtô là xã có tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp nhất trong 4 xã với trên 30%. Chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Long cho hay: Do trước đây được Nhà nước cấp miễn phí BHYT nên nhiều người có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Mặc dù đã được giải thích rõ ràng về chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc huy động xã hội hóa BHYT toàn dân nhưng bà con vẫn mong được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT.

Một trong những đối tượng liên quan trực tiếp đến tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại thị xã Ayun Pa là học sinh. Điển hình như Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Ia Rtô) mới đạt 83,26%; Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Ia Sao) 83,41%; Trường Tiểu học Kim Đồng (phường Sông Bờ) 73,2%; Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Rbol) 70,5%.

Triển khai các biện pháp cấp bách

Nhằm nâng cao tỷ lệ người tham gia BHYT, công tác truyền thông luôn giữ vai trò quan trọng. Theo anh Nguyễn Chí Hữu (Đại lý BHYT xã Ia Sao) nêu ý kiến: Các ngành, các cấp cần tuyên truyền để người dân hiểu về tính ưu việt của BHYT. Nếu tính tổng số tiền mua BHYT cho gia đình 4 người sẽ thấy lớn. Nhưng nếu chia nhỏ, mỗi gia đình chỉ cần tiết kiệm 6.000 đồng/ngày. Khi chưa có đủ kinh phí thì có thể tham gia BHYT theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng… để đảm bảo quyền lợi.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Hợp-Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thị xã Ayun Pa-thông tin: Nhằm từng bước thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân mà trước mắt là đạt chỉ tiêu 74% do BHXH tỉnh giao, thời gian tới, chúng tôi chú trọng truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình; truyền thông về quyền lợi của người dân khi khám-chữa bệnh bằng BHYT. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, đem lại sự hài lòng của người bệnh khi khám-chữa bệnh bằng BHYT; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia BHYT, coi đây là tiêu chí đánh giá xếp loại thi đua hàng năm của các đơn vị trường học.

 

 NGUYÊN HƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-10, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Gia Lai, Hội CTĐ huyện Chư Sê phối hợp với Hội CTĐ cụm thi đua số 1 (trực thuộc Hội CTĐ TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình công tác xã hội nhân đạo, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng và tặng quà cho học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Chư Sê.

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.