Ayun Pa: Khổ vì nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Liên tục cắt nước, nước chảy yếu và thường xuyên bị vẩn đục là nội dung phản ánh của người dân thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) về chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại đây. Mặc dù đơn vị cấp nước đã nỗ lực khắc phục sự cố, song tình hình không mấy cải thiện, đặc biệt khi nhu cầu sử dụng nước sạch mùa nắng nóng tăng cao.

Năm 2003, phân xưởng sản xuất nước sạch được xây dựng tại xã Ia Rbol với mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng, công suất 3.000 m3 nước/ngày đêm, phục vụ 4.500 hộ dân tại thị xã Ayun Pa. Nguồn nước được lấy từ suối Ia Rbol chảy trong núi ra thông qua một đập dâng ngăn suối dẫn nước tự chảy về hệ thống xử lý theo công nghệ hiện đại. Đây là nguồn nước sinh hoạt được đánh giá có chất lượng tốt, đảm bảo sức khỏe của người sử dụng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hộ dân bức xúc khi nước thường xuyên vẩn đục, chảy yếu và tình trạng cắt nước thường xuyên xảy ra.

Bà Phùng Thị Lan (tổ 1, phường Cheo Reo) cho biết: Bình quân mỗi tháng, bà chi trả tiền nước máy khoảng 100 ngàn đồng. Nhà chỉ có 2 vợ chồng nhưng bà lắp đặt 1 bồn chứa nước máy có dung tích 2.500 lít để dự trữ nước và lắng cặn trước khi sử dụng, thường dùng trong sinh hoạt như: tắm rửa, giặt giũ, tưới rau. Từ tháng 5-2023, bà nhận thấy nguồn nước sinh hoạt nhiều lần chuyển màu nâu nhạt, có thời điểm trong ngày nước yếu không thể chảy lên bồn chứa. “Khi phát hiện nước máy chuyển màu, tôi ngưng sử dụng, chuyển sang dùng nước mưa. Gia đình tôi có bể chứa nước mưa nên ít bị ảnh hưởng chứ như nhiều hộ mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào nước máy thì rất bất tiện”-bà Lan chia sẻ.

Nhiều người dân thị xã Ayun Pa phản ánh nguồn nước máy thường xuyên bị vẩn đục, nước chảy yếu và liên tục bị cắt. Ảnh: Vũ Chi

Nhiều người dân thị xã Ayun Pa phản ánh nguồn nước máy thường xuyên bị vẩn đục, nước chảy yếu và liên tục bị cắt. Ảnh: Vũ Chi

Tương tự, khi được hỏi về nguồn nước sinh hoạt tại địa phương thời gian qua, nhiều người dân ở tổ dân phố 1 (phường Hòa Bình) đã không khỏi bức xúc. Ông Đỗ Văn Huy-Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố 1-cho hay: Tổ dân phố 1 hiện có 320 hộ dân. Thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần ý kiến về tình trạng nguồn nước máy nhưng không được trả lời thỏa đáng. Đặc biệt, việc cắt nước nhiều ngày không được thông báo trước khiến bà con rất bức xúc. Đỉnh điểm như tháng 7 vừa qua, có thời điểm nước máy bị cắt 10 ngày liền, nhưng sau 2 ngày mới có thông báo cắt nước để sửa chữa đường ống dẫn nước chính bị bể. Nhiều gia đình phải xin từng thùng nước hay mua nước bình về dùng.

Cũng theo ông Huy, tình trạng nước máy chảy yếu kéo dài triền miên. Buổi sáng, nước chảy nhỏ giọt, khoảng 2-3 giờ chiều nước chảy yếu, phải đến 11 giờ đêm nước mới chảy được lên bồn chứa. Sợ không có nước để dùng, các gia đình phải mở van nước 24/24 giờ nhưng nước chẳng bao nhiêu. Bồn chứa nước thì cáu bẩn rất nhanh. Khoảng nửa tháng súc bồn 1 lần nhưng vẫn bị đóng cặn. Nhiều gia đình sử dụng máy lọc nước cũng ý kiến khoảng 2 tháng phải thay lõi lọc 1 lần gây tốn kém. “Vẫn biết là khu vực tổ dân phố 1 có địa hình cao hơn những nơi khác, lại nằm cuối đường ống dẫn nước nên nước chảy yếu. Tuy nhiên về lâu dài, đơn vị cấp nước cần có hướng đầu tư nâng cấp hệ thống, tăng công suất để phục vụ người dân. Việc cắt nước để sửa chữa đường ống là bất khả kháng nhưng cần thông báo trước cho người dân 2-3 ngày để chủ động trong sinh hoạt”-ông Huy nói.

Trao đổi với P.V, bà Mai Thị Thu-Giám đốc Đơn vị cấp nước Ayun Pa-thông tin: Hiện nay, công suất phân xưởng sản xuất nước sạch của đơn vị đã nâng lên mức 6.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho 9.000 hộ dân trên địa bàn thị xã Ayun Pa. Lượng khách hàng tăng nhanh cùng với nhu cầu sử dụng nước trong mùa nắng nóng cao đã khiến nước chảy yếu vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình hút nước trực tiếp từ đường ống lên tầng 2, tầng 3 sử dụng mà không thông qua bồn chứa trung gian gây xáo trộn thủy lực nước, hạ áp suất nước khiến khu vực cuối đường ống không có nước sử dụng. Hiện nay, hầu hết các gia đình sử dụng phao tự động nên bồn chứa lâu ngày không được súc xả dẫn đến đóng cặn nhiều. Khi đơn vị cắt nước và mở nước trở lại, lượng cặn bẩn trong bồn khiến nước đổi màu. Chúng tôi khuyến cáo người dân khi lấy nước sử dụng phải thông qua bồn chứa, đồng thời thường xuyên súc xả, vệ sinh để đảm bảo chất lượng nguồn nước. Hàng tuần, phòng quản lý chất lượng nguồn nước của đơn vị đều lấy mẫu nước kiểm tra. Hàng tháng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu kiểm tra nên bà con có thể yên tâm về chất lượng nguồn nước.

Vì đường ống chôn lấp sâu dưới lòng đất từ 2,5-3 m nên công tác phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn. Ảnh đơn vị cung cấp

Vì đường ống chôn lấp sâu dưới lòng đất từ 2,5-3 m nên công tác phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn. Ảnh đơn vị cung cấp

Cũng theo bà Thu, việc cắt nước thường xuyên trong thời gian vừa qua là do yếu tố khách quan. Hệ thống đường ống của đơn vị đã sử dụng 20 năm trong khi nhiều công trình được đầu tư xây dựng khiến nhiều điểm bị rò rỉ. Mới đây, trong tháng 7 đã có 3 điểm ống chính bị bể nhưng vì chôn lấp ở độ sâu 2,5-3 m nên công tác tìm kiếm, phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn. Ngay sau khi phát hiện, đơn vị đã huy động lực lượng sửa chữa xuyên đêm, không kể mưa gió, đảm bảo ngày hôm sau cấp nước lại cho người dân.

“Sự cố bể đường ống nước khiến đơn vị bị thất thoát rất nhiều. Thời gian tới, chúng tôi tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch từng bước thay thế đường ống để hạn chế sự cố tương tự xảy ra. Năm 2024, đơn vị sẽ nâng cấp hệ thống, phấn đấu nâng công suất lên 9.000 m3 nước/ngày đêm; đồng thời, kiểm soát, quản lý áp lực nước, lưu lượng nước phù hợp để đảm bảo hệ thống cấp nước an toàn, thường xuyên, liên tục”-Giám đốc Đơn vị cấp nước Ayun Pa khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này, hàng chục ngàn hộ nghèo trong tỉnh Gia Lai được hỗ trợ để vươn lên ổn định cuộc sống.

Vị quê giữa phố

Vị quê giữa phố

(GLO)- Đó là những thức món rất dân dã, thậm chí trước kia còn được gọi là món “con nhà nghèo”. Vậy mà giờ đây vị quê lại thành “đặc sản” giữa phố.