Ayun Pa chú trọng thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, cấp ủy, chính quyền thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) luôn chú trọng thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực đời sống.

Chị Ksor Huế-Chi hội phó Chi hội Phụ nữ buôn Phu Ama Nher 2 (xã Ia Rtô) là điển hình về vượt khó, vươn lên làm giàu. Năm 2017, chị Huế được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua 5 con heo rừng lai về nuôi. Nhờ được chăm sóc tốt, sau hơn 1 năm, đàn heo đã tăng lên 38 con. Dồn hết số tiền tích góp được, chị vay thêm 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ để đầu tư trồng hơn 1 ha điều, mua 4 con bò, nuôi thêm gà, vịt, ngan, ngỗng và trồng 1 sào chuối. Hiện tại, mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho gia đình chị thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

 Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Ayun Pa tổ chức truyền thông về bình đẳng giới, phòng-chống bạo lực gia đình cho hội viên phụ nữ xã Ia Rtô. Ảnh: Vũ Chi
Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Ayun Pa tổ chức truyền thông về bình đẳng giới, phòng-chống bạo lực gia đình cho hội viên phụ nữ xã Ia Rtô. Ảnh: Vũ Chi


Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Huế còn nhiệt tình tham gia công tác Hội. Năm 2021, chị được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ buôn Phu Ama Nher 2. Với vai trò mới, chị tích cực tuyên truyền, vận động chị em xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, giúp đỡ hội viên khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho chị em học tập. “Trước đây, phụ nữ Jrai rất ít khi tham gia các hoạt động xã hội. Bây giờ thì khác rồi, chị em mạnh dạn tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương. Tôi luôn động viên chị em tham gia các câu lạc bộ do Hội tổ chức để phát huy quyền làm chủ, có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, phát triển kinh tế gia đình”-chị Huế tâm sự.

Trong khi đó, là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp thị xã Ayun Pa, chị Nguyễn Thị Mỹ Hương cùng thành viên Câu lạc bộ nỗ lực tìm kiếm việc làm cho chị em và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo như: nấu cơm hỗ trợ các bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế thị xã 2 lần/tháng, thành lập tủ bánh mì miễn phí, hỗ trợ tiền ăn cho các em học sinh dân tộc thiểu số Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Tul, huyện Ia Pa); tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương” trao quà cho hội viên phụ nữ nghèo tại các xã, phường…

Về kết quả thi hành Luật Bình đẳng giới, ông Võ Văn Tùng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ thị xã-đánh giá: 15 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã luôn quan tâm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực đời sống. Nhờ đó, công tác bình đẳng giới đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Theo đó, nhiều cán bộ nữ được đề bạt vào các chức danh chủ chốt; tỷ lệ nữ được kết nạp vào Đảng hàng năm đều tăng; cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Trong đó, phụ nữ tham gia cấp ủy xã, phường chiếm 35,97%, phụ nữ là bí thư chiếm 50%, phó bí thư chiếm 75%; phụ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã chiếm 31,25%; phụ nữ là đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025 có 1 người, cấp thị xã 11 người, cấp xã 64 người. Các chị đã có những đóng góp tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hoạch định chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.     

Bà Phan Thị Kiều Lương-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã-cho biết: Thông qua các cuộc vận động và phong trào thi đua, chị em phụ nữ đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình. Trong lĩnh vực giáo dục, chị em không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, góp phần thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong 5 năm (2016-2021), toàn thị xã có 228 nữ chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 25 chị đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 167 chị đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thị xã. Công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được quan tâm đầy đủ. Trong gia đình, các chị là những người mẹ, người vợ, người con đảm đang, hiếu thảo, là điểm tựa tinh thần cùng các thành viên xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam.  

“Tuy nhiên, đời sống người dân nói chung, phụ nữ nói riêng còn gặp không ít khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra; đa số phụ nữ nông thôn còn hạn chế về trình độ học vấn cũng như khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật hiện đại. Do đó, vấn đề nâng cao mức sống, nhận thức, tạo điều kiện cho chị em vươn lên thoát nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành nhằm thực hiện bình đẳng giới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã nhấn mạnh.

 

 VŨ CHI

 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).