An toàn, vệ sinh lao động: Vấn đề bức thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua điều tra và phân tích cho thấy, tai nạn lao động xảy ra do nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động chiếm 21%, còn lại là do người lao động lơ là, chủ quan, không tuân thủ quy định về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong quá trình làm việc.
Để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với người lao động, hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ. Cụ thể, mới đây, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực Hà Nội tổ chức huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho 75 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Việt Đức-Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực Hà Nội-cho biết: Hệ thống quản lý ATVSLĐ là tập hợp các nội dung liên quan trong công tác quản lý ATVSLĐ tại doanh nghiệp thành một chỉnh thể nhằm thực hiện tốt hơn mục tiêu bảo đảm an toàn và sức khỏe của người lao động. Đây là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện điều kiện lao động, thiết lập môi trường làm việc an toàn hơn, đảm bảo tuân thủ pháp luật và xã hội về ATVSLĐ, làm giảm chi phí liên quan đến tai nạn lao động và sự cố, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 7.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về ATVSLĐ do sản xuất theo mô hình tiểu thủ công nghiệp. Do đó, từ năm 2016 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã mở 12 lớp huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho hơn 800 người sử dụng lao động và cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ của các doanh nghiệp.
Qua các lớp huấn luyện xây dựng hệ thống ATVSLĐ, học viên được cung cấp những kiến thức cơ bản về công tác ATVSLĐ và sức khỏe của người lao động; được giới thiệu tổng quan về hệ thống quản lý ATVSLĐ trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; các chuyên đề về xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nội dung liên quan đến lợi ích của việc áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ, chương trình hỗ trợ của Nhà nước về ATVSLĐ.
Ngoài ra, các đơn vị còn được hướng dẫn về cấu trúc quản lý ATVSLĐ (ILO-OSH-MS)-chu trình chính sách-tổ chức-kế hoạch thực hiện, đánh giá-hành động cải thiện; hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn ISO 45001-2018; những bước xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở còn tổ chức tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ. Với các biện pháp tích cực hiệu quả, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã giúp các doanh nghiệp từng bước xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ.
Các doanh nghiệp luôn chú trọng biện pháp ATVSLĐ cho người lao động. Ảnh: Đinh Yến
Các doanh nghiệp luôn chú trọng biện pháp ATVSLĐ cho người lao động. Ảnh: Đinh Yến
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ cho người lao động. Vì vậy, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Tính riêng năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn lao động, làm 10 người chết, 2 người bị thương.
Ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) nêu nguyên nhân: Qua điều tra và phân tích cho thấy, tai nạn lao động xảy ra do nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động chiếm 21%, còn lại là do người lao động lơ là, chủ quan, không tuân thủ quy định về ATVSLĐ trong quá trình làm việc. Do đó, bên cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp thì chính bản thân người lao động phải luôn nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm quy trình khi lao động sản xuất.
Để giảm thiểu các vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, Phó Trưởng phòng Lao động-Việc làm nhấn mạnh: Trách nhiệm của doanh nghiệp là thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ của người lao động, cập nhật những kiến thức, kỹ năng trong quá trình sản xuất. Còn người lao động thì phải đặc biệt tuân thủ yêu cầu, quy định về ATVSLĐ. Việc làm này của người lao động vừa thể hiện trách nhiệm với doanh nghiệp vừa tôn trọng công việc, sức khỏe và tính mạng của bản thân.
“Thời gian tới, Phòng Lao động-Việc làm sẽ tiếp tục đề xuất và tham mưu lãnh đạo Sở những quy định của pháp luật về ATVSLĐ, chính sách, chế độ bảo hộ lao động, kiến thức ATVSLĐ; xây dựng và thực hiện hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ. Tăng cường huấn luyện cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ, người sử dụng lao động và lao động. Hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp xây dựng, triển khai kế hoạch và tự kiểm tra công tác ATVSLĐ; xây dựng, trang bị đầy đủ nội quy lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, biện pháp làm việc an toàn, trang cấp thiết bị bảo hộ cá nhân cho người lao động. Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp vi phạm ATVSLĐ. Các doanh nghiệp cần tự giác, chủ động thực hiện quy định về huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động. Đặc biệt, người lao động cần tích cực tham gia các lớp huấn luyện, xây dựng ý thức tự giác chấp hành các quy định về ATVSLĐ, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân”-ông Tùng cho biết thêm.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

(GLO)- Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”. Đây là dịp để công nhân, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp ngồi lại với nhau trong bầu không khí chia sẻ, ấm áp tình đoàn kết.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

(GLO)- Tối 16-1, tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng” và trao quà Tết của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.