An cư cho người dân vùng "rốn lũ" Ia Broăi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với việc dựng nhà mới, làm nhà vệ sinh, xây tường rào… sức sống mới đang hiện ra tại khu tái định cư buôn Jứ (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Mối đe dọa ngập lụt, sạt lở từ nay không còn, người dân bắt đầu an cư lạc nghiệp.
Thấp thỏm nơi “rốn lũ”
“Do ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới, thời tiết trong vài ngày tới sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Hiện nước sông Ba đang dâng cao, vượt mức báo động 1. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trong mưa lũ, đề nghị bà con di chuyển tài sản lên cao, chuẩn bị sẵn mọi vật dụng cần thiết để di dời đến nơi an toàn khi có thông báo”. Bản tin vang lên trên hệ thống loa truyền thanh của xã đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân buôn Jứ khi có mưa lũ xảy ra. Nơi đây địa hình trũng thấp, đất chật người đông, từ lâu là vùng “rốn lũ” của huyện Ia Pa. Mỗi năm, người dân phải hứng chịu vài trận lũ lụt, trung bình ngập sâu khoảng 1 m, lũ lớn thì ngập đến mái nhà khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Ông Nay Ham-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Broăi-cho biết: Mỗi khi có thông tin mưa lũ, chính quyền địa phương đều phải huy động 3 chiếc ca nô trực sẵn sàng để di dời khoảng 100 hộ dân buôn Jứ đến nơi tránh lũ an toàn. Lũ lên mức báo động 3 là nội bất xuất, ngoại bất nhập trong vài ngày. Người thì di dời lên điểm trường Tiểu học và THCS Quang Trung; vật nuôi thì lùa lên bãi đất cao, bà con luân phiên nhau canh giữ. Nước rút, gia súc, gia cầm nhà ai nhà ấy tới nhận về. Nhưng lũ lụt khiến bùn đất, rác rưởi tràn ngập khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Tuy vậy, còn người, còn của là mừng rồi, bà con lo dọn vệ sinh mất vài ngày, sau đó sinh hoạt mới ổn định.
Nhà rông được xây dựng khang trang tại khu tái định cư mới để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con. Ảnh: Vũ Chi
Nhà rông được xây dựng khang trang tại khu tái định cư mới để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con. Ảnh: Vũ Chi
Những năm gần đây, do dòng chảy thay đổi, lũ sông Ba chảy xiết khiến nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng, tiến sát vào vườn tược, nhà cửa. Mỗi lần như thế, người dân lại thấp thỏm lo sợ. Trưởng thôn Nay Khúy chia sẻ: Cứ hễ mưa lớn kéo dài là cả buôn lại chìm ngập trong nước. Nhiều lần lực lượng chức năng phải hỗ trợ bà con di dời trong đêm do nước dâng cao đột ngột. Cả nhà ông 4 miệng ăn chỉ dám mang theo mấy bộ đồ, vài lon gạo hoặc gói mì tôm dự trữ. “Đến nơi lánh nạn rồi nhưng cả trăm hộ dân không ai chợp mắt. Mùa mưa lũ năm ngoái, nước dâng cao quá, có hộ bị trôi mất 160 tấm ván chuẩn bị làm nhà. Chủ nhà tiếc của ốm mất mấy ngày, đến giờ vẫn chưa có tiền làm lại ngôi nhà mới”-ông Khúy kể.
Bừng sáng làng tái định cư
Và rồi, niềm vui đã đến với người dân buôn Jứ. Năm 2021, dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai xã Ia Broăi được triển khai nhằm ổn định dân cư cho 90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số là người địa phương vùng thiên tai sạt lở bờ sông. Tổng mức đầu tư dự án là 22,6 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương là 18 tỷ đồng, ngân sách huyện cân đối phân bổ 4,6 tỷ đồng. Dự án triển khai trên diện tích 4,98 ha, đồng bộ về hạ tầng, có 1 nhà rông, 2 phòng học mầm non, đường giao thông, công trình cấp điện, cấp nước sinh hoạt, tiêu thoát nước. Tại khu tái định cư, mỗi hộ dân được cấp 360-390 m2 đất, hỗ trợ 20 triệu đồng di dời nhà ở.
Đến thăm khu tái định cư, chúng tôi được hòa mình vào không khí làm việc khẩn trương, tất bật của bà con, dù mặt trời đã xuống núi. Ai cũng tranh thủ thời gian để ngôi nhà mới sớm hoàn thành, có thể chuyển đến ở trong thời gian sớm nhất. Lũ trẻ hớn hở vui đùa trên con đường bê tông trải dài. Nhà rông mới có rồi, điện, đường, trường lớp cũng đã đầy đủ, chỉ cần bà con dựng nhà cửa xong xuôi, ổn định cuộc sống là lớp học sẽ rộng cửa đón các em.
Gia đình anh Hiao Minh đầu tư làm nhà mới trị giá trên 700 triệu đồng tại khu tái định cư buôn Jứ, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi
Gia đình anh Hiao Minh đầu tư làm nhà mới trị giá trên 700 triệu đồng tại khu tái định cư buôn Jứ, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi
Quệt ngang giọt mồ hôi trên trán, anh Hiao Minh vui mừng chia sẻ: Vợ chồng anh làm công nhân tại Bình Dương 8 năm nay. Nghe tin dân làng chuẩn bị chuyển về nơi ở mới, anh chị xin Công ty cho nghỉ phép hơn 1 tháng để về quê chuyển nhà. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, anh chị dồn số tiền tích góp được để dựng căn nhà mới diện tích chừng 140 m2. Đồng thời, tiến hành làm nhà vệ sinh, xây tường rào xung quanh nhà. Tổng kinh phí ước chừng 700-800 triệu đồng. “Ngày xưa ở làng cũ, mưa lớn cũng ngập, mưa nhỏ cũng ngập. Vợ chồng đi làm xa, mỗi lần nghe mưa lũ là thấp thỏm lo âu, gọi điện về nhà liên tục xem tình hình thế nào. Nay chuyển về làng mới, vợ chồng tôi gắng dựng căn nhà kiên cố luôn, hy vọng hoàn thành vào cuối tháng để quay trở lại miền Nam làm việc. Chúng tôi dự tính ráng đi làm thêm vài năm nữa, khi có chút vốn thì về quê mở cửa hàng kinh doanh buôn bán”-anh Minh tâm sự.
Tập trung hỗ trợ bà con di dời nhà cửa, tài sản nên gia đình Trưởng thôn Nay Khúy là một trong những hộ chuyển nhà sau cùng. Không giấu được niềm vui, ông Khúy phấn khởi kể: Khu tái định cư cách làng cũ hơn 1 km nên phải tháo rời các bộ phận căn nhà để di chuyển. “Trước đây, nhà cũ chật hẹp, nay về khu tái định cư mỗi hộ được Nhà nước cấp gần 400 m2, rộng rãi, thoải mái. Nước sạch dẫn về từng hộ gia đình phục vụ sinh hoạt. Các cháu đi học gần nhà, thuận tiện không phải đưa đón. Từ nay, bà con không còn lo lắng cảnh ngập lụt nữa, yên tâm làm ăn phát triển kinh tế gia đình, xây dựng buôn làng giàu đẹp”-ông Khúy tin tưởng.
Theo ông Bùi Văn Ngọc-Chủ tịch UBND xã Ia Broăi: Đến thời điểm hiện tại đã có 84 hộ di dời đến nơi ở mới. 6 hộ còn lại sẽ tiếp tục di dời khi huy động đủ nhân lực. Đây đều là những hộ nằm trong khu vực trũng thấp, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao khi mưa lũ về. “Sức sống mới tại khu tái định cư đang dần hiện hữu. Sắp tới, các ban, ngành, đoàn thể xã sẽ phát động hỗ trợ các hộ dân làm hàng rào xanh, con đường hoa cũng như trồng cây bóng mát tạo cảnh quan buôn làng xanh-sạch-đẹp. Diện tích đất ở cũ của người dân sẽ được thu hồi phục vụ cho mục đích bố trí, sắp xếp lại dân cư trong buôn, tạo điều kiện để bà con mở rộng quỹ đất, phát triển sản xuất”-Chủ tịch UBND xã thông tin thêm.
“Nụ cười hạnh phúc đã xuất hiện trên khuôn mặt những người dân khu tái định cư buôn Jứ như một lời khẳng định: an cư, lạc nghiệp. Mối đe dọa sạt lở, ngập lụt không còn nữa mà thay vào đó là cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên từng nếp nhà.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.