Vực dậy sau “cú sốc” hồ tiêu-Kỳ 3: Cơ hội ngay trên chính quê mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ra đi hay trụ lại từng là sự đắn đo của không ít nông dân giữa thực tế khắc nghiệt bày ra sau khi tan giấc mộng làm giàu từ cây hồ tiêu. Và những người quyết tâm trụ lại đã cho thấy họ có lý khi dần tìm ra hướng đi mới, mô hình hiệu quả để phát triển sản xuất.

Khởi sự từ những trụ hồ tiêu cháy khô, xác xơ, họ tìm thấy cơ hội ngay trên chính quê mình. Có người giờ đây đạt ngưỡng thu nhập vài tỷ đồng/năm.

Đứng lên từ thất bại

“Khi cây hồ tiêu chết đồng loạt, tôi và nhiều người dân từng tuyệt vọng nghĩ rằng trên đất này sẽ không thể trồng được cây gì khác có thể cho thu nhập cao”-ông Nguyễn Trọng Dũng (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) bắt đầu kể về câu chuyện vượt khó.

Quên đi chuyện từng sở hữu đến 15 ngàn trụ hồ tiêu, sản lượng có năm đạt 42 tấn tiêu khô, người đàn ông 3 lần được tỉnh tuyên dương là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã quyết định từ bỏ loại cây một thời “hái ra tiền”.

Bài học kinh nghiệm mà ông nghiền ngẫm được trong khoảng thời gian nếm trải thất bại chính là sự nóng vội trong mở rộng ồ ạt diện tích canh tác, việc chăm trồng hồ tiêu phụ thuộc vào phân bón, thuốc hóa học, thiếu bền vững nên khó trụ vững khi gặp sự cố. Từ đây, trong khi nhiều hộ dân tha hương tìm kế mưu sinh thì ông chọn cách ở lại, chuyển đổi cây trồng và đổi mới phương thức canh tác.

Mất vài tháng học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng ở tỉnh Đak Lak và Đồng Nai, cuối năm 2017, ông Dũng trồng thử nghiệm 500 cây sầu riêng theo hướng hữu cơ trên diện tích hồ tiêu bị chết.

Nhận thấy có triển vọng, ông đã chuyển đổi cả 7 ha trồng hồ tiêu trước đây sang trồng 1 ngàn cây sầu riêng. Vụ vừa rồi, 500 cây trồng lứa đầu đã cho thu hoạch trên 43 tấn quả. Với giá bán 65 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông bỏ túi 2,5 tỷ đồng. Đây quả là con số trong mơ đối với một người phải làm lại từ đầu như ông.

Từng ngậm ngùi nhổ trụ bán sau khi 3.500 trụ hồ tiêu bị chết, ông Nguyễn Thành Cơ (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) gầy dựng lại từ chính số tiền bán trụ (hơn 300 triệu đồng) với cây sầu riêng. Trên diện tích cũ, năm 2017, ông trồng 500 cây sầu riêng; sau đó tiếp tục xuống giống 1 ngàn cây vào năm sau.

Sầu riêng đang đem đến số lợi nhuận trong mơ đối với những người phải làm lại từ đầu sau thất bại từ hồ tiêu.

Sầu riêng đang đem đến số lợi nhuận trong mơ đối với những người phải làm lại từ đầu sau thất bại từ hồ tiêu.

Năm 2022, ông thu bói được 7 tấn sầu riêng, bán với giá 50 ngàn đồng/kg. Chưa kịp mừng thì ngân hàng ra “tối hậu thư” nếu không trả khoản nợ 1,7 tỷ đồng sẽ kê biên, phát mãi tài sản. Không còn cách nào khác, ông Cơ đành cho thuê vườn sầu riêng với thời hạn 5 năm để lấy 2 tỷ đồng trả nợ.

Giờ đây, ông lại làm thuê trên chính mảnh vườn của mình với tiền công 100 triệu đồng/năm. Dù vậy, người nông dân này vẫn lạc quan nhẩm tính: Hết thời gian trên thì tiền cho thuê vườn sầu riêng sẽ là 1 tỷ đồng/năm. Nếu bán cả đất lẫn vườn cây, ông có thể thu về không dưới 15 tỷ đồng.

Trong khi đó, hướng đi của ông Đào Tiến Tình (thị trấn Chư Sê) cũng rất đáng học hỏi. Từ bỏ giấc mộng hồ tiêu, ông đầu tư trồng 10 ha cây hoa hòe tại xã Kông Htok (huyện Chư Sê), đồng thời liên kết trồng thêm 10 ha cây hoa hòe tại xã Đê Ar (huyện Mang Yang). Với giá thu mua hoa hòe ổn định 90-120 ngàn đồng/kg khô, sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 250 triệu đồng/ha/năm.

“Đây là loại cây dễ trồng, nhanh cho thu nhập, chi phí đầu tư thấp. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng vùng nguyên liệu; đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở chế biến để không bị động về đầu ra cũng như cung cấp thường xuyên cho đối tác với số lượng lớn”-ông Tình nêu dự định.

Từ bỏ giấc mộng hồ tiêu, ông Đào Tiến Tình (thị trấn Chư Sê) thành công với mô hình trồng cây hoa hòe. Ảnh: M.N

Từ bỏ giấc mộng hồ tiêu, ông Đào Tiến Tình (thị trấn Chư Sê) thành công với mô hình trồng cây hoa hòe. Ảnh: M.N

Những mô hình tiên phong

Đáng nói hơn cả, chính từ những thử thách tưởng chừng khó vượt qua sau “cú sốc” hồ tiêu, một số mô hình kinh tế mới đã xuất hiện ở Chư Sê, Chư Pưh và đang được nhân rộng nhanh chóng nhờ hiệu quả mang lại.

Một trong những điển hình là ông Phạm Tiến Dũng (thị trấn Chư Sê), người từng ôm nợ hơn chục tỷ đồng sau khi 17 ngàn trụ hồ tiêu chết rụi. Từ bỏ “vàng đen”, kinh tế gia đình dần phục hồi nhờ hướng đi rất mới mà ông là người tiên phong: nuôi chim yến để thu “vàng trắng”.

Tìm hiểu trên internet, vợ chồng ông Dũng nắm bắt khá nhanh quy trình nuôi chim yến nên đã cải tạo 90 m2 tại tầng lầu ngôi nhà đang ở thành nhà yến và dẫn dụ chim về làm tổ. “Trời thương” là cách ông nói về thành công bước đầu của mô hình.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, ông đã xây thêm 4 căn nhà yến khác, mỗi tháng thu khoảng 30 kg yến thô. Với giá bán 18-22 triệu đồng/kg, ông thu nhập bình quân 500-600 triệu đồng/tháng.

Ông Siu Y Bé-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh: “Huyện đã kết hợp chặt chẽ tái cơ cấu ngành nông nghiệp với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng ngành nông nghiệp bền vững. Đến nay, huyện đã triển khai thực hiện 23 mô hình liên kết sản xuất trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; 7 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; 5 dự án liên kết sản xuất-tiêu thụ dê và dự án liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm sầu riêng với tổng kinh phí hơn 20,6 tỷ đồng”.

Đến nay, toàn huyện Chư Sê có gần 300 nhà nuôi yến của các hộ dân, hơn 70% đã cho thu tổ với sản lượng trung bình 1-3 kg/hộ/tháng. Cá biệt, có hộ thu đến 30-40 kg yến thô/tháng.

Thật ngoạn mục khi từ chỗ điêu đứng vì hồ tiêu thì nay ông Dũng lại được bầu là Chủ tịch Hội Yến sào huyện Chư Sê. Mục tiêu của Hội là hướng các thành viên xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế.

Trong khi đó, ông Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) lại được biết đến từ cuộc “lội ngược dòng” với mô hình trồng dâu nuôi tằm sau khi vườn hồ tiêu hơn 5 ngàn trụ bị xóa sổ.

Sau 2 năm nuôi thử nghiệm, năm 2019, ông Chiến mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm trên diện tích 1 ha. Mỗi năm, ông lãi từ vài trăm triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng từ tiền bán kén. Cùng đó, ông Chiến thành lập Nông hội dâu tằm đầu tiên tại Chư Pưh với sự tham gia của 17 hộ gia đình.

Nhiều người dân tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập cao. Ảnh: M.N

Nhiều người dân tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập cao. Ảnh: M.N

Từ đây, mô hình trồng dâu nuôi tằm với sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ dân đã dần thay thế những diện tích hồ tiêu chết. Từ năm 2019 đến nay, giá kén thu mua dao động ở mức 160-180 ngàn đồng/kg, có lúc trên 200 ngàn đồng/kg, giúp nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định.

“Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ vốn ban đầu cho các hộ dân có nhu cầu hình thành mô hình liên kết giữa người dân trên địa bàn và doanh nghiệp thu mua”-ông Chiến hồ hởi cho hay.

Hồi sinh “đất chết”

Theo thống kê, năm 2019, toàn huyện Chư Pưh có hơn 1.700 ha hồ tiêu bị chết do dịch bệnh khiến kinh tế của địa phương này lao dốc, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Riêng dư nợ vốn vay đầu tư cho cây hồ tiêu của người dân là hơn 1.500 tỷ đồng. Thế nhưng, giờ đây, thật đáng ngạc nhiên khi chứng kiến màu xanh bạt ngàn của cây ăn quả các loại đang dần thay thế những diện tích hồ tiêu chết.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, trên địa bàn huyện hiện có hơn 2.000 ha cây ăn quả. Trong số này có gần 600 ha sầu riêng, chủ yếu tập trung ở xã Ia Blứ, Ia Le và thị trấn Nhơn Hòa.

Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hơn 3 năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của huyện từng bước ổn định, mang lại thu nhập tốt cho người dân, nhất là các mô hình trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi dê, trồng chanh dây, sầu riêng...

Mặt khác, chính sách khuyến nông đã tạo điều kiện cho hộ khó khăn tiếp cận nguồn vốn, ổn định sản xuất nông nghiệp, đời sống tốt dần lên.

Ông Nguyễn Thành Cơ (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) dùng số tiền nhổ bán trụ tiêu để gầy dựng lại vườn sầu riêng, cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: M.N

Ông Nguyễn Thành Cơ (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) dùng số tiền nhổ bán trụ tiêu để gầy dựng lại vườn sầu riêng, cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: M.N

“Huyện cũng đã triển khai 2 đề án về xây dựng vùng chuyên canh và tổ chức chăn nuôi theo hướng bền vững; đồng thời lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia vào việc xây dựng vùng chuyên canh, vật nuôi chủ lực, có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, huyện tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trên diện tích hồ tiêu chết sang trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, gắn với liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”-ông Khánh nêu định hướng.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cũng cho hay: Từ năm 2019 đến nay, huyện đã chuyển đổi gần 1.400 ha hồ tiêu bị chết hoặc bị ảnh hưởng của mưa lũ, dịch bệnh và già cỗi sang trồng cà phê, bơ, sầu riêng, chanh dây, cây dược liệu và các loại cây ngắn ngày.

Hàng năm, huyện huy động, lồng ghép các dự án và bố trí nguồn vốn khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

“Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Nhờ áp dụng các giải pháp về liên kết sản xuất nên đầu vào-đầu ra ổn định, người dân không bị ép giá”-ông Hợp nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.