Vực dậy sau “cú sốc” hồ tiêu-Kỳ 1: Vỡ mộng “vàng đen”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vỡ mộng tỷ phú với cây hồ tiêu-loại cây được mệnh danh là “vàng đen”, hàng ngàn hộ dân huyện Chư Pưh, Chư Sê đã phải bán tháo vườn rẫy, nhà cửa, bỏ xứ đi làm ăn xa để trả nợ.

Từ bài học đắt giá trong “phát triển nóng” cây hồ tiêu, người dân nơi đây đang từng bước thay đổi tư duy canh tác, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, nhiều hộ ly hương đã lựa chọn quay về khôi phục kinh tế, thậm chí làm giàu, tạo nên cuộc đổi thay ngoạn mục trên vùng “đất chết” ngày nào.

Từng là loại cây “hái ra tiền”, hồ tiêu đã giúp người dân ở một số xã của huyện Chư Pưh, Chư Sê bỗng chốc trở nên giàu có. Số gia đình tỷ phú ở các địa phương này có thời điểm không đếm xuể. Nhiều người xây nhà đồ sộ và không ngần ngại vay tiền ngân hàng mở rộng diện tích vì cho rằng sẽ tiếp tục “trúng đậm”. Chỉ đến khi cây hồ tiêu bất ngờ đổ bệnh chết hàng loạt, họ mới vỡ mộng. Nợ nần chồng chất, nhiều trường hợp phải bỏ xứ đi nơi khác tìm kế sinh nhai.

“Vàng đen” một thời

Cách đây khoảng chục năm, vào thời hoàng kim của cây hồ tiêu, số lượng tỷ phú nông dân ở “vương quốc” hồ tiêu Chư Sê và Chư Pưh lên đến con số kỷ lục. Theo ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, khi đó, ở 2 huyện này có không dưới 400 tỷ phú. Đặc biệt, ở các xã Ia Blang (huyện Chư Sê) và Ia Blứ (huyện Chư Pưh), ra ngõ là gặp... tỷ phú. Có người thu nhập 3-4 tỷ đồng/năm, cũng có người thu gấp đôi con số này. Còn số hộ thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm thì đếm không xuể.

Sản xuất hồ tiêu theo hướng VietGAP là giải pháp phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Đ.T

Sản xuất hồ tiêu theo hướng VietGAP là giải pháp phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Đ.T

Còn nhớ thời điểm năm 2014, cây hồ tiêu mang lại thu nhập rất cao cho nông dân. Đặc biệt, bắt đầu từ giữa tháng 7-2014, giá hồ tiêu vọt lên chóng mặt, đạt ngưỡng 190 ngàn đồng/kg, rồi đến năm 2016 có thời điểm còn lên tới 230 ngàn đồng/kg. Nhiều hộ dân nhanh chóng trở thành tỷ phú, trong đó dẫn đầu là các ông Nguyễn Văn Luyến (xã Ia Blang), Đào Tiến Tình, Nguyễn Văn Quéo (thị trấn Chư Sê), Võ Ngọc Hoàng (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) nổi tiếng với danh hiệu “tỷ phú hồ tiêu” khi có mức thu nhập từ 3 tỷ đồng đến gần 10 tỷ đồng/năm.

Nhắc đến tên ông Đào Tiến Tình thì cả huyện Chư Sê có lẽ không mấy ai không biết. Khởi nghiệp cùng số tiền dành dụm ít ỏi cộng với khoản vay ngân hàng 15 triệu đồng, ông mua 3 sào đất trồng 700 gốc hồ tiêu. Sau nhiều năm kiên trì tích góp mở rộng diện tích, ông sở hữu đến 25 ha. Thời điểm giá hồ tiêu dao động ở mức 170-230 ngàn đồng/kg, ông thu nhập mỗi năm trên dưới chục tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Riêng niên vụ 2013-2014, vườn hồ tiêu của gia đình ông đạt sản lượng kỷ lục, lên đến 60 tấn, lại trúng thời điểm giá trên 200 ngàn đồng/kg. Đang như diều gặp gió, ông Tình không thể tin nổi vào kết cục chỉ 2 năm sau đó, nhiều diện tích hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm, giá giảm sâu rồi cả vườn hồ tiêu bị xóa sổ.

Nhiều năm liền được biểu dương là nông dân làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Trọng Dũng (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang) cũng không ngờ “giấc mộng” hồ tiêu quá ngắn ngủi. Nhớ lại thời điểm huy hoàng, ông Dũng cho biết: Trước năm 2007, khi vườn hồ tiêu chưa bị xóa sổ, gia đình ông có đến 15 ngàn trụ, có năm đạt sản lượng trên 42 tấn hạt tiêu khô. Cuộc sống khá giả, thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm, tất cả đều nhờ vào hồ tiêu.

“Cây hồ tiêu đã giúp gia đình tôi có cuộc sống sung túc. Con cái có điều kiện được học hành đàng hoàng”-ông Dũng kể. Rồi rất nhanh, cả vườn tiêu đổ bệnh, chết trắng mà không cách nào cứu chữa.

Từ bỏ loại cây được mệnh danh là vàng đen, ông Nguyễn Trọng Dũng (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) chuyển sang trồng sầu riêng, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng. Ảnh: M.N

Từ bỏ loại cây được mệnh danh là vàng đen, ông Nguyễn Trọng Dũng (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) chuyển sang trồng sầu riêng, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng. Ảnh: M.N

Bắt đầu trồng hồ tiêu từ năm 1997, ông Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cũng chưa bao giờ nghĩ có ngày gặp “đại nạn” với loại cây trồng từng giúp mình có của ăn của để. Có thời điểm, gia đình ông sở hữu trên 5 ngàn trụ hồ tiêu, cho thu nhập vài tỷ đồng mỗi vụ. Đầu năm 2017, vườn hồ tiêu bạt ngàn mà ông dày công chăm sóc lụi dần, những dây tiêu cháy đen dính chặt vào thân trụ mặc mọi nỗ lực cứu chữa. Chỉ trong thời gian ngắn, vườn hồ tiêu xanh mướt của gia đình ông chỉ còn trơ lại những hàng trụ.

Ông Chiến trầm ngâm khi nhắc lại ký ức đáng quên. Một thời, loại cây được xem là “vàng đen” đã giúp người nông dân trở thành tỷ phú thì cũng chính nó đẩy họ xuống vực thẳm. Hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh cơ hàn, phải bỏ xứ để mưu sinh. Người mất nhà, người thì bị xiết nợ, vợ chồng con cái ly tán, dắt díu làm thuê, làm mướn khắp nơi, xóm làng tiêu điều hắt hiu. Hàng trăm tỷ phú trở thành con nợ ngân hàng, kẻ ra Bắc, người vào Nam tìm kế sinh nhai và giải quyết nỗi lo về khoản vay đến hạn.

Thất bại từ hồ tiêu nhưng ông Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) đã có cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục với mô hình trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: M.N

Thất bại từ hồ tiêu nhưng ông Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) đã có cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục với mô hình trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: M.N

Tỷ phú thành con nợ

Số phận của những nông dân trồng hồ tiêu, cả khi lên đỉnh lẫn lúc rớt xuống vực thẳm đều diễn ra chóng vánh. Từ chỗ có trong tay tiền tỷ, bỗng chốc, họ trở thành con nợ của ngân hàng với khoản nợ xấu không còn khả năng chi trả.

Ông Nguyễn Văn Sở (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ) nhớ lại: Vườn hồ tiêu hơn 7 ngàn trụ của ông từng được ngân hàng định giá gần chục tỷ đồng trước khi đồng ý cho vay vốn. Vậy nhưng, ông không ngờ có ngày mình lại lầm lũi ra đi với hai bàn tay trắng và khoản nợ ngân hàng hơn 1,5 tỷ đồng. Thất bại cay đắng, người đàn ông quê Thái Bình bất lực chứng kiến tài sản, đất đai bị ngân hàng phát mãi để thu hồi khoản nợ vay đầu tư trồng hồ tiêu.

Ông Sở cho biết, bị dẫn dụ bởi lợi nhuận hấp dẫn từ cây hồ tiêu, năm 2007, ông rời quê hương vào Ia Blứ khởi nghiệp. Ban đầu, ông bỏ ra gần 3 tỷ đồng đầu tư trồng hơn 5 ngàn trụ hồ tiêu. Đến năm 2010, vườn hồ tiêu cho thu bói gần 4 tấn, giá bán khoảng 100 ngàn đồng/kg. Thấy giá hồ tiêu có chiều hướng tăng, ông tiếp tục vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để mở rộng diện tích lên đến hơn 7 ngàn trụ.

Thời điểm vườn hồ tiêu đang ở giai đoạn kinh doanh thì bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh và chết dần. Không nản lòng, ông tiếp tục “bơm” tiền trồng trở lại, đến lúc thu hoạch thì lại trúng thời điểm hồ tiêu xuống giá. Số tiền thu hoạch trong ngày không đủ trả cho nhân công thuê hái; khoản vay ngân hàng cũng không còn khả năng chi trả.

Ông Sở nhẩm tính: Cả số tiền tích lũy bỏ ra đầu tư vườn hồ tiêu 7 ha, cộng với khoản nợ ngân hàng 1,5 tỷ đồng chưa kể đất đai, ông mất trắng hơn 7 tỷ đồng. Buồn bã, năm 2018, gia đình ông khăn gói về lại quê nhà. “Bao nhiêu tiền của, công sức bỏ vào cây hồ tiêu coi như mất trắng”-ông Sở ngậm ngùi.

Ông Nguyễn Văn Sở (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) từng bị ngân hàng phát mãi tài sản thu hồi khoản nợ đầu tư hồ tiêu thì giờ đã thành công với mô hình trồng hoa hòe. Ảnh: M.N

Ông Nguyễn Văn Sở (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) từng bị ngân hàng phát mãi tài sản thu hồi khoản nợ đầu tư hồ tiêu thì giờ đã thành công với mô hình trồng hoa hòe. Ảnh: M.N

Cũng vì lao theo cây hồ tiêu một cách thiếu căn cơ mà cuộc sống gia đình ông Nguyễn Thành Cơ (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) lâm cảnh khốn cùng, suýt chút nữa là mất hết nhà cửa, vườn rẫy khi phía ngân hàng ra thông báo xiết nợ.

Ông Cơ cho biết: Trước năm 2013, ông trồng hơn 3,4 ha cà phê nhưng thu nhập không đáng kể. Trong khi giá bán cà phê chỉ hơn 30 ngàn đồng/kg thì giá hồ tiêu đã nhích dần lên hơn 90 ngàn đồng/kg, người dân đổ xô phá bỏ diện tích cà phê để chuyển sang trồng hồ tiêu.

Ông Cơ cũng nằm trong số đó khi đầu năm 2013 đốn hết cà phê để trồng 500 trụ hồ tiêu. Sang năm 2014, ông phát triển thêm 1 ngàn trụ nữa. Đến năm 2016, số trụ tiêu trồng ban đầu cho thu bói được khoảng 2,5 tấn, giá bán ở thời điểm này lên đến 220 ngàn đồng/kg. Thấy lợi trước mắt, ông vay ngân hàng 1 tỷ đồng để trồng thêm 2 ngàn trụ hồ tiêu với hy vọng đổi vận.

Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”. Năm 2017, nắng hạn cùng với dịch bệnh hoành hành khiến vườn hồ tiêu của gia đình ông chết không sót cây nào. Lúc này, ông Cơ không còn khả năng trả lãi ngân hàng, khoản nợ kéo dài nhiều năm, cộng dồn cả gốc lẫn lãi lên đến 1,7 tỷ đồng.

“Nhiều lúc tôi cũng muốn bán vườn rẫy để trả nợ ngân hàng, nhưng có bán với giá rất rẻ cũng chẳng có người mua. Thời điểm này, người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện phần lớn đều rơi vào tình cảnh nợ nần giống tôi, không có lối thoát”-ông Cơ kể lại.

Ông Lê Văn Láng (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) từng lao đao vì vườn hồ tiêu sắp đến kỳ thu hoạch đột ngột chết hàng loạt. Ảnh: M.N

Ông Lê Văn Láng (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) từng lao đao vì vườn hồ tiêu sắp đến kỳ thu hoạch đột ngột chết hàng loạt. Ảnh: M.N

Tương tự, cũng vì tìm mọi cách cứu vãn vườn hồ tiêu mà ông Lê Văn Láng (thôn Phú Bình, xã Ia Le) đã phải lao đao. Ông Láng kể: Năm 2013, vườn hồ tiêu 1.300 trụ sắp đến thời kỳ thu hoạch được đánh giá là “đẹp nhất vùng” của ông bỗng đột ngột chết sạch chỉ trong vòng 20 ngày khiến ông chẳng kịp trở tay.

Không cam chịu trước thất bại cay đắng này, năm 2015, ông Láng tiếp tục trồng lại hơn 800 trụ. Thế nhưng, “kiếp nạn” một lần nữa lại bám lấy ông. Đi giữa khu vườn chỉ còn trơ trụ, xung quanh là đám cỏ dại mọc cao quá gối, bước chân người nông dân trót gắn phận mình với cây “vàng đen” bỗng liêu xiêu.

Năm 2016, diện tích hồ tiêu bắt đầu chết trên diện rộng, đến năm 2017 thì chết trắng. Và năm 2018 thì đến lượt người dân “chết đứng” khi giá tiêu rớt thê thảm chỉ còn 47 ngàn đồng/kg. Chẳng ai còn muốn nhắc đến câu chuyện trồng hồ tiêu. Cũng từ đó, khắp nơi nhan nhản các tấm bảng rao bán nhà, nhiều người lao động ở huyện Chư Pưh ồ ạt rời bỏ quê hương.

Ông Lê Quang Vang-Chủ tịch UBND xã Ia Blứ-cho biết: Thời điểm đó, trên địa bàn xã có hơn 1.200 người đã phải bỏ xứ đi làm ăn xa. Nhiều hộ dựa vào hồ tiêu vay vốn xây nhà giờ vỡ nợ, có người bán nhà, bán đất. Thậm chí, nhiều hộ còn phải nhổ bán cả trụ tiêu.

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.