Vững tin đầu tư trên đất hồ tiêu chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện tại, UBND các huyện Chư Pưh, Chư Sê xác định sầu riêng là loại cây chủ lực của địa phương nên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tận dụng đất trồng tiêu đã chết để trồng sầu riêng

Đến thủ phủ hồ tiêu và những cái tên một thời nóng hổi "ra đường gặp tỉ phú" ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng nay đã không còn, bởi như nhiều nông dân nói với chúng tôi - "tiêu chết, tỉ phú hết".

Hiệu quả từ quyết tâm chuyển đổi

Thay vào đó, đến Gia Lai bây giờ, chúng tôi lại gặp những gương mặt sản xuất giỏi - các "ông vua nuôi tằm", "vua sầu riêng", nhờ quyết tâm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mà khá lên.

Đến Chư Pưh những ngày cuối tháng 9-2023, chúng tôi thấy cái nắng như dịu lại với không gian xanh mát bao trùm của nhiều tầng cây lá.

Trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Chư Pưh và cả những tuyến đường liên xã, liên huyện nay đã được bê-tông hóa từ Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới. Từng đoàn xe nối đuôi nhau vận chuyển hàng hóa, giao thương minh chứng cho sự phát triển từng ngày.

Gặp chúng tôi sau chuyến công tác kiểm tra cơ sở vừa trở về, ông Lê Quang Thái - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh - chia sẻ trước thực tế hàng triệu trụ tiêu bị bệnh chết gắn liền với hàng ngàn hộ dân là con nợ lâu dài của các ngân hàng, cùng với đó, hàng trăm hecta cà phê già cỗi khó phát triển, kiên quyết không để người dân - nhất là bà con dân tộc thiểu số bị đói, khổ, Huyện ủy, UBND huyện Chư Pưh đã thành lập và chỉ đạo các đoàn về tận thôn làng khảo sát cụ thể, sau đó lên kế hoạch tìm hướng đi mới cho phù hợp.

Căn nhà và ô tô của gia đình anh Trần Bá Trường mới mua sau khi thành công từ trồng dâu, nuôi tằm

Căn nhà và ô tô của gia đình anh Trần Bá Trường mới mua sau khi thành công từ trồng dâu, nuôi tằm

Trong đó, việc triển khai để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm sớm có thu nhập, ổn định đời sống được huyện ưu tiên triển khai.

Từ đó, nhiều mô hình chuyển đổi từ đất trồng hồ tiêu bị chết, cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, trồng sầu riêng, nuôi dê cỏ… gắn với liên kết sản xuất.

"Đây đang là hướng chuyển đổi hiệu quả, được địa phương khuyến khích người dân phát triển kinh tế, mở ra hướng đi triển vọng giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống, nhiều gia đình giàu lên, gắn bó với làng quê" - ông Lê Quang Thái hồ hởi.

Mạnh dạn bước lên

Từng là người nổi tiếng với diện tích trên 5.000 trụ tiêu, mỗi năm thu về trên tỉ đồng, ông Trần Bá Chiến (ngụ thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) đã mạnh dạn bước lên trên nỗi đau "tiêu chết, hết tỉ phú".

Năm 2017, nhờ định hướng và sự tiếp sức của cán bộ địa phương, lúc đầu ông Chiến cùng gia đình thử trồng 3 sào dâu nuôi tằm. Đến năm 2019, thấy dâu dễ chăm sóc và đầu ra ổn định nên gia đình ông mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm gần 1 ha.

Kết quả ngày một được nâng cao, kinh tế phát triển ổn định, ông Chiến xin phép cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập Nông hội Dâu tằm đầu tiên tại huyện Chư Pưh, với sự tham gia của 17 hộ gia đình, do ông làm chủ tịch.

Năm năm qua, giá kén được thu mua ở mức 120.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/kg nên gia đình ông Chiến và các thành viên có nguồn thu nhập cao. Nhiều gia đình đã giàu lên từ cây dâu.

Theo ông Chiến, trồng dâu, nuôi tằm không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật với phương châm "làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng". Hiện nay, đầu ra của việc nuôi tằm rất ổn định, giá cao nên người dân vững tin đầu tư vào trồng dâu, nuôi tằm.

"Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu để nuôi tằm và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, hỗ trợ vốn ban đầu cho các hộ dân có nhu cầu trên địa bàn" - ông Chiến khẳng định.

Bà Đặng Tây Nguyên chăm sóc lứa tằm mới

Bà Đặng Tây Nguyên chăm sóc lứa tằm mới

Gia đình bà Đặng Tây Nguyên (ngụ thôn Thủy Phú, xã Ia BLứ, huyện Chư Pưh) và gia đình anh Trần Bá Trường (ngụ thôn Phú Bình, xã Ia Le) từ con nợ khi trồng tiêu mất số vốn hơn 800 triệu đồng, nay họ đầu tư trồng dâu, nuôi tằm nên đã trả hết nợ, xây nhà mới. Riêng gia đình anh Trường còn mua ô tô để đi giao dịch sản phẩm.

Theo bà Nguyên, điều kiện thổ nhưỡng ở đây phù hợp nên cây dâu phát triển rất tốt, lá to, dày và xanh. Khí hậu thuận lợi, phù hợp nên tằm nuôi không bị bệnh, cho ra chất lượng kén đạt tiêu chuẩn, được đại lý thu mua đánh giá cao, ổn định. Trung bình một tháng, mỗi hộ có thể nuôi 2 lứa tằm. Với giá kén như bây giờ thì sau khi thu hoạch, trừ chi phí, mỗi hộ có lãi khoảng 20 triệu đồng. Gia đình nào đông người, nuôi 4 - 5 hộp (lứa tằm) thì thu nhập rất cao.

Điều các hộ dân cảm thấy phấn khởi là trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập hằng tháng cao, ổn định, giúp họ có tiền để trang trải cuộc sống, trả nợ cho thời trồng tiêu, sinh hoạt và đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Trọng Dũng giới thiệu vườn sầu riêng đang giúp gia đình ông thu tiền tỉ

Ông Nguyễn Trọng Dũng giới thiệu vườn sầu riêng đang giúp gia đình ông thu tiền tỉ

Nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm

Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước, vùng đất phía Tây Nam các huyện Chư Pưh, Chư Sê từ lâu đã trở thành thủ phủ của nhiều loại cây trái, đặc biệt là cây sầu riêng.

Hiện nay, trái sầu riêng tại vườn đã bán với giá 60.000 đồng/kg, khiến các nhà vườn phấn khởi, "gạt tay lau nước mắt" từ nỗi đau cây tiêu chết để đầu tư trồng cây sầu riêng.

Trước năm 2017, đến thủ phủ hồ tiêu Gia Lai, chắc ai cũng biết đến cái tên "tỉ phú hồ tiêu Nguyễn Trọng Dũng" - người 3 lần được tỉnh Gia Lai tuyên dương Nhà sản xuất giỏi.

Gặp lại chúng tôi, ông Dũng chia sẻ sau sự kiện buồn vì hàng triệu trụ tiêu bị bệnh chết, kèm theo đó là hàng trăm "tỉ phú" nợ ngân hàng - kẻ ra Bắc, người vào Nam tìm kế sinh nhai và để "trốn nợ".

"Nhưng tôi thì vẫn ở đây, không đi đâu cả vì biết vị thế cây trồng tại vùng đất bazan này. Tiêu chết thì mình trồng cây khác - các loại cây ăn quả như mít, xoài, nhãn, mãng cầu, nhất là giống sầu riêng Dona được nhập từ Thái Lan" - ông Dũng kể.

Những lúc nhàn rỗi, ông Nguyễn Trọng Dũng lại cắt cành, tạo dáng mới cho vườn sầu riêng

Những lúc nhàn rỗi, ông Nguyễn Trọng Dũng lại cắt cành, tạo dáng mới cho vườn sầu riêng

Sau một thời gian về Đồng Nai, Đắk Lắk tìm hiểu, học tập cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến năm 2017, ông Dũng quyết định trồng 500 cây sầu riêng Dona trên diện tích gần 3 ha từ đất trồng tiêu trước đây. Thời gian cây sinh trưởng, ra hoa, kết trái, thu hoạch khoảng 5 năm. Trung bình đầu tư cho một cây sầu riêng từ lúc trồng đến khi thu hoạch trái khoảng 350.000 đồng.

"Năm nay, nguồn thu từ vườn sầu riêng, sau khi trừ chi phí, tôi bỏ túi gần 3 tỉ đồng. Sang năm, cứ giá này thì chắc chắn gia đình tôi sẽ thu về trên 7 tỉ đồng - số tiền rất lớn mà trước khi trồng sầu riêng tôi chưa từng mơ tới" - ông Dũng đoan chắc.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ở vùng đất Ia Blang, huyện Chư Sê nay đã có gần 100 hộ trồng sầu riêng với diện tích từ 1 - 2 ha. Đặc biệt, gia đình ông Nguyễn Thiện - ở thôn 6 - trồng và đã thu hoạch hơn 6 ha sầu riêng; còn trồng xen canh thì nhà nào cũng có.

Để bảo đảm an toàn và thu hoạch bền lâu, tránh tình trạng như cây tiêu bị bệnh chết không cứu được, các hộ dân nơi đây nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với nhau, nhất là những người đi trước như ông Dũng, ông Thiện…

"Cũng như trồng cà phê, mùa nào phân bón đó, cách phát hiện rồi phòng chống sâu rệp cho cây, cho trái; sau mùa thu hoạch, nhà vườn phải tỉa cành, bón phân, xử lý mầm bệnh để cây nhanh phục hồi" - ông Dũng nói thêm.

Hiện tại, UBND các huyện Chư Pưh, Chư Sê xác định sầu riêng là loại cây có giá trị, sản lượng cao, dễ trồng, phù hợp với địa hình, thời tiết, là loại cây chủ lực của địa phương, nên đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tận dụng đất trồng tiêu đã chết để trồng sầu riêng.

Để đạt mục tiêu đem lại lợi nhuận cao cho người dân địa phương, lãnh đạo 2 huyện này cho biết cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ lập dự án xây dựng thương hiệu sầu riêng, hỗ trợ về pháp luật, ưu đãi vốn, thuế, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực và ký kết với các đối tác nhằm tìm đầu ra ổn định, lâu dài.

Với sự tiếp sức của địa phương, những ông “vua sầu riêng” đã bước ra từ nỗi đau cây hồ tiêu chết trên đất Gia Lai, bắt đầu thoát nghèo với câu hát “Sầu riêng ai khéo đặt tên/ Ai sầu không biết riêng dân tôi rất giàu”.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.