Vực dậy sau “cú sốc” hồ tiêu-Kỳ 2: Ồ ạt làn sóng ly hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để trang trải cuộc sống, kiếm tiền trả lãi ngân hàng do thua lỗ, khoảng 1.200 lao động đã phải bỏ xứ đi làm ăn xa.

Chưa bao giờ làn sóng ly hương lại ồ ạt đến thế sau cú sốc mang tên hồ tiêu. Chỉ riêng những con số thống kê tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) cũng đã nói lên quá rõ thực trạng: Năm 2019, tổng số hộ dân tại địa phương vay ngân hàng để trồng hồ tiêu là 1.055 hộ với số tiền trên 221 tỷ đồng. Và để trang trải cuộc sống, kiếm tiền trả lãi ngân hàng do thua lỗ, khoảng 1.200 lao động đã phải bỏ xứ đi làm ăn xa.

Tha phương tìm việc

Thời thịnh vượng của hồ tiêu chỉ kéo dài hơn 3 năm rồi “vụt tắt”. Nhiều hộ dân ở huyện Chư Pưh không còn khả năng trả lãi số tiền vay trước đó nên bỏ nhà cửa, ruộng vườn, gửi con cái cho người thân để tha hương vào miền Nam mưu sinh.

Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, chỉ riêng năm 2019, hơn 4.300 người trên địa bàn đã phải tha hương do mất mùa, nợ nần (chiếm tỷ lệ cao nhất toàn tỉnh), phần lớn là những người bị vỡ nợ do hồ tiêu chết.

Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Minh Ánh (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ). Thất bại với giấc mộng làm giàu từ 2.500 trụ hồ tiêu, anh phải đối mặt với khoản nợ ngân hàng 300 triệu đồng, chưa kể toàn bộ số tiền tích góp được cũng đã mất sạch.

Anh Ánh nhớ mãi khoảnh khắc cầm bồ cào ra vườn kéo bỏ những dây tiêu xuống khỏi trụ trong cảm giác bất lực tận cùng. Mất khả năng chi trả, đất không bán được, đầu năm 2018, vợ chồng anh cùng 2 con không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khăn gói vào Bình Dương tìm kế sinh nhai. Đó là một quyết định vô cùng khó khăn, được đưa ra kèm tiếng thở dài tủi phận. “Nhưng lúc đó, nếu bám trụ ở đây thì cũng không có khoản thu nhập gì để trả nợ ngân hàng. Vì ngoài trồng hồ tiêu thì tôi không trồng cây gì khác”-anh Ánh nói.

Hồ tiêu bị nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt. Ảnh: Quang Tấn

Hồ tiêu bị nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt. Ảnh: Quang Tấn

Ban đầu, gia đình anh Ánh đấu thầu bán cơm cho công nhân trong một công ty ở Bình Dương. Làm việc cật lực nhưng sau khi trừ chi phí bỏ ra mua nguyên liệu đầu vào cộng với các khoản sinh hoạt phí và tiền thuê nhà thì chẳng dư được đồng nào. Sau đó, vợ chồng anh bèn chuyển sang làm công nhân. Với đồng lương khiêm tốn, cả gia đình lại tiếp tục “đánh vật” với cơm áo, gạo tiền.

Đến giờ, anh Đoàn Văn Thái (cùng thôn) vẫn chưa quên những ngày rơi vào cảnh khốn cùng. Nét mặt thoáng chút ưu tư, anh kể: Năm 2015, hơn 1.500 trụ hồ tiêu của gia đình bị nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt. Toàn bộ tiền của dành dụm được và khoản vay ngân hàng 250 triệu đồng để đầu tư phút chốc đổ sông, đổ biển. Mất nguồn thu nhập duy nhất từ cây hồ tiêu cùng áp lực trả nợ ngân hàng, cả nhà anh phải bỏ vào Nam làm công nhân. Suốt hơn 1 năm tha hương, nếm trải mọi sự nhọc nhằn nhưng tiền lương kiếm được cũng chỉ đủ để gia đình anh sống qua ngày.

Chứng kiến toàn cảnh từ thời điểm vàng son cho đến lúc người nông dân lụn bại vì cây hồ tiêu, ông Hồ Hữu Ngọc-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Blứ cũng não lòng: Thời điểm đó, ban ngày mà đường sá vắng tanh, quán xá đóng cửa vì không có người mua. Việc chăm sóc, đưa đón trẻ con đi học toàn là người già bởi cha mẹ chúng đều vào Nam làm công nhân. “Lúc đó, thôn như vừa trải qua một trận bão lớn, những vườn hồ tiêu cháy đen, hoang tàn, xơ xác. Nhiều người làm thuê cũng mất thu nhập vì không ai kêu làm công”-ông Ngọc nhớ lại.

“Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra”

Đó là điều chúng tôi nhận ra trong câu chuyện với những người nông dân đã gặp gỡ, trò chuyện. Dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn có một “cánh cửa” mở ra đối với những ai nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.

Trở lại với câu chuyện của anh Ánh. Nhận thấy làm công nhân không có dư, đầu năm 2020, anh để vợ con ở lại Bình Dương tiếp tục làm việc, còn mình quay về quê gầy dựng lại nương rẫy dù biết rằng quyết định rời quê đã khó, nay lựa chọn trở về càng khó khăn gấp bội.

Việc đầu tiên anh Ánh làm sau khi về lại thôn Thủy Phú là bán đi 2 mảnh vườn của gia đình với giá 350 triệu đồng để trả hết nợ ngân hàng. Trong tay chỉ còn ít vốn nhưng anh thấy lòng nhẹ nhõm hẳn.

Đang trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19, chưa biết bắt đầu từ đâu thì anh được xã hỗ trợ giống cà phê theo chương trình tái canh. Dọn lại chòi rẫy để ở tạm, anh bắt đầu dọn lại mảnh vườn lâu nay vắng chủ để trồng 700 cây cà phê. Tiếp đó, học hỏi những mô hình hay, anh trồng cây keo để vừa xuống giống 200 dây hồ tiêu, vừa lấy lá nuôi dê; trồng thêm bắp, khoai môn. Anh còn góp vốn mua máy cày để cày thuê tạo thêm thu nhập rồi thuê 2 ha đất trồng mì…

Nhờ cần mẫn lao động, tích góp và điều chỉnh tư duy canh tác từ độc canh sang đa canh kết hợp chăn nuôi nên thu nhập của anh ngày càng khấm khá. Đến nay, 700 cây cà phê đã cho thu hoạch, 40 cây sầu riêng trồng trước đó đã vào vụ chính, thêm các khoản thu từ bắp, mì, tiền công cày thuê và đàn dê gần 40 con giúp anh Ánh có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Anh Ánh hồ hởi khoe vừa bỏ ra hơn 40 triệu đồng làm lại khoảnh sân trước ngôi nhà khang trang mới xây; tậu riêng chiếc máy cày hơn 400 triệu đồng để tự mình cày thuê. Từ nỗ lực vực dậy đầy ý chí đó, cả gia đình anh lại được sum vầy.

Từ mô hình đa canh, mỗi năm, anh Nguyễn Minh Ánh (bìa phải, thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ) có thu nhập trên 300 triệu đồng. Ảnh: M.N

Từ mô hình đa canh, mỗi năm, anh Nguyễn Minh Ánh (bìa phải, thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ) có thu nhập trên 300 triệu đồng. Ảnh: M.N

“Trước đây, do ham làm quá nên mình chẳng nghĩ đến chuyện canh tác bền vững. Lại trồng mỗi cây hồ tiêu, bao nhiêu vốn liếng đều đổ dồn vào đó hết nên khi xảy ra sự cố thì mất trắng, không có thu nhập gì khác.”-anh Ánh đúc kết kinh nghiệm.

Thấm thía với tháng ngày tha hương cơ cực, vợ chồng anh Thái cũng quyết định về lại địa phương tìm sinh kế mới để khôi phục kinh tế gia đình.

Được hướng dẫn mô hình nuôi dê, anh tìm hiểu và nhận thấy nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương rất dồi dào, vốn đầu tư thấp. Từ đồng vốn ít ỏi dành dụm được, anh Thái quyết “đánh cược” với 12 con dê.

Ban đầu, cứ nghĩ nuôi dê là dễ, nhưng chỉ hơn chục ngày thì 2 con lăn ra chết khiến vợ chồng anh đứng ngồi không yên. Mày mò tìm hiểu, anh tự học cách tiêm phòng cho đàn dê, vệ sinh chuồng trại thoáng mát để tránh bệnh tật. Nhờ chịu khó chăm sóc, đến nay, đàn dê của gia đình anh phát triển lên đến 300 con.

Với giá bán bình quân 100-120 ngàn đồng/kg dê thịt, mỗi năm, gia đình anh thu nhập trên nửa tỷ đồng. Hướng đi mới này đã giúp cuộc sống gia đình anh Thái dần ổn định.

Từng bỏ xứ ra đi vì thất bại bởi cây hồ tiêu, giờ anh Đoàn Văn Thái (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ) đã là triệu phú từ việc nuôi dê. Ảnh: M.N

Từng bỏ xứ ra đi vì thất bại bởi cây hồ tiêu, giờ anh Đoàn Văn Thái (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ) đã là triệu phú từ việc nuôi dê. Ảnh: M.N

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Sở (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ) cũng khá đặc biệt.

Trở về quê hương Thái Bình sau khi gần như trắng tay với cây hồ tiêu, ông Sở không ngờ tiếp tục bị vận đen bám đuổi khi lại thất bại với mô hình nuôi heo, đến nỗi chẳng còn đồng vốn lận lưng. Nhưng vốn là người chăm làm, luôn nhìn về phía trước, ông nhanh nhạy tìm ra hướng đi mới. Vay mượn chút vốn liếng của người thân, ông mang cây hoa hòe từ quê vào thuê lại chính mảnh đất của mình trước đây đã phát mãi cho người khác.

Theo ông Sở, hoa hòe là loại cây rất dễ chăm sóc, nhanh cho thu hoạch, dùng để chế biến trà xuất khẩu. Từ năm 2022 đến nay, ông đã mở rộng trang trại trồng cây hoa hòe lên đến 7 ha. Vụ hoa đầu tiên, ông thu hoạch được hơn 5 tấn khô, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 400 triệu đồng. Bình quân mỗi héc ta hoa hòe cho thu nhập ổn định khoảng 250 triệu đồng/năm.

Trao đổi với P.V, ông Lê Quang Vang-Chủ tịch UBND xã Ia Blứ-thông tin: Vài năm trở lại đây, hơn nửa số người từng bỏ xứ ra đi đã về lại địa phương và xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Có thể kể đến mô hình nuôi dê, trồng sầu riêng, nhãn, đậu, khoai môn, hoa hòe… giúp đảm bảo nguồn thu nhập để người nông dân bám trụ, tái sản xuất trên diện tích hồ tiêu chết.

“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp đã mở ra hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế, phá thế độc canh, giúp người dân có thu nhập ổn định, bền vững. Số hộ khá, hộ giàu đang dần tăng lên”-Chủ tịch UBND xã Ia Blứ hào hứng cho biết.

Ông Hồ Hữu Ngọc cũng phấn chấn đưa ra một dẫn chứng ngày thường hết sức sinh động về sự đổi thay kỳ diệu của vùng “đất chết”: Thời điểm người dân đổ xô ly hương, chợ trung tâm xã mổ 1 con heo nhưng 3 người bán cả ngày không hết thịt. Còn giờ thì ngả 1 con bò, 12 con heo nhưng tiêu thụ hết veo chỉ trong một buổi sáng!

Có thể bạn quan tâm

Một phần hệ thống xử lý nước thải Nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Ảnh: Đ.Y

Gia Lai: Cấp giấy phép môi trường cho nhà máy chế biến cao su tại Chư Prông

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp vừa ký Quyết định số 588/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép môi trường cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở Nhà máy chế biến Cao su Trung tâm (tại xã Ia Boòng, huyện Chư Prông).

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Tối 5-12, Sở Công thương Gia Lai phối hợp với UBND huyện Chư Pưh khai mạc phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Chư Pưh năm 2024. Phiên chợ nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Chư Pưh (10/12/2009-10/12/2024).

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm