Vụ 3 người tử vong tại Ia Pa: Tột cùng nỗi đau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước mắt chúng tôi là 3 chiếc quan tài nằm song song trong căn nhà giữa buôn Voong Boong, xã Chư Răng, huyện Ia Pa. Những tiếng khóc ai oán xé lòng khiến không ai kìm được nước mắt. 3 cha con trong một gia đình tử vong nghi do điện giật đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc sử dụng điện an toàn.

Nỗi đau khó bù đắp

Buôn Voong Boong vốn yên bình giờ bao trùm tang tóc. Giờ đây, mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, nỗi đau không thể diễn tả thành lời. Bên quan tài của 3 người thân, bà Rmah H’Pơnh vẫn chưa thể tin cả chồng, con trai cả và con rể đã ra đi cùng lúc.

Bà H’Pơnh kể trong nước mắt: Sáng 14-5, cả gia đình bà đều ở nhà đông đủ. Trong lúc bà cùng con gái chuẩn bị cơm thì chồng bà (ông K.A.) cho bò ăn. Sau đó, ông ra giếng rửa tay. Do bơm nước không lên nên ông K.A. tháo máy bơm ra sửa. Đột nhiên, ông co giật rồi ngã xuống giếng. Anh N.G. (SN 1997, con rể ông K.A.) đứng gần đó tưởng cha vợ mình tái phát bệnh động kinh nên đã lao xuống giếng cứu cha nhưng không thành. Con trai ông là R.T. (SN 1995) thấy vậy tiếp tục nhảy xuống giếng cứu rồi cũng gặp nạn. Lúc này nghe tiếng la, chị Rmah H’Bit (vợ anh N.G.) vội vàng ngắt cầu dao điện và hô hoán người dân tới giúp nhưng cả 3 đã tử vong trước khi đưa tới Trung tâm Y tế huyện.

Bà con dân làng đến chia sẻ nỗi đau với gia đình nạn nhân. Ảnh: Vũ Chi

Bà con dân làng đến chia sẻ nỗi đau với gia đình nạn nhân. Ảnh: Vũ Chi

Gia đình bà H’Pơnh có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Anh T. là con cả, vợ chồng anh có 1 con trai gần 5 tuổi nhưng hay đau ốm. Chị H’Bit là con gái duy nhất nên sau khi lập gia đình được ở cùng cha mẹ. Chồng chị vốn là công nhân lò gạch tại xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) lâu lâu mới về. Đợt này do trời bắt đầu mưa nên anh nghỉ công việc ở lò gạch để về nhà trồng mì và cũng tiện chăm sóc vợ chuẩn bị tháng sau sinh bé gái thứ 2. Không ngờ 2 ngày về nhà là 2 ngày cuối cùng anh ở bên vợ con. Với chị, có lẽ khoảnh khắc người làng kéo thi thể cha, chồng và anh trai lên khỏi mặt nước sẽ ám ảnh suốt cả cuộc đời.

“Nhà chỉ có cha và chồng là trụ cột mà giờ cả 2 cùng ra đi thế này, mình và mẹ biết phải sống sao. Tội nghiệp con mình chưa ra đời đã chịu cảnh mồ côi”-chị H’Bit nấc lên không thành tiếng.

Lời cảnh tỉnh sử dụng điện an toàn

Trong cái nắng như đổ lửa, người dân kéo tới căn nhà sàn cuối hẻm hỗ trợ gia đình lo hậu sự. Trưởng thôn Rchăm Toen cho biết: Buôn Voong Boong có 326 hộ, trong đó có 71 hộ nghèo. Gia đình bà H’Pơnh thuộc diện khá giả. Ông bà cùng con cái luôn sống hòa thuận, thường giúp đỡ mọi người nên được bà con yêu mến.

Giếng nước nơi 3 cha con tử nạn. Ảnh: Vũ Chi

Giếng nước nơi 3 cha con tử nạn. Ảnh: Vũ Chi

Ngay sau khi sự việc đau lòng xảy ra, lãnh đạo Điện lực Ayun Pa đã cử nhân viên xuống kiểm tra hiện trường, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Theo ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Điện lực Ayun Pa: Mặc dù nguyên nhân ban đầu được xác định là do điện giật nhưng khi nhân viên điện lực xuống kiểm tra thì không phát hiện rò rỉ nguồn điện dưới nước. Vì vậy, cũng không loại trừ nguyên nhân do miệng giếng đóng kín quá lâu, khi nhiều người cùng nhảy xuống một lúc dễ bị ngạt khí.

Cũng theo ông Dũng, hàng năm, Điện lực Ayun Pa đều phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền người dân sử dụng điện an toàn. Khi có sự cố về điện xảy ra cần ngắt cầu dao và báo ngay với điện lực để có hướng xử lý kịp thời, tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Nhận được tin báo, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Ia Pa, chính quyền xã cùng các ban, ngành, đoàn thể đã đến động viên và chia sẻ với gia đình. Trong đó, UBND xã hỗ trợ 3 triệu đồng. Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Bà Lê Thị Hiền-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Răng-cho hay: Cũng bởi máy bơm nước của gia đình thường xuyên bị hụt nước và trong những lần sửa chữa trước không xảy ra rủi ro nên gia đình có phần chủ quan. Khi thấy ông K. A. ngã xuống giếng, người nhà chỉ nghĩ ông bị tái phát bệnh động kinh nên đã vội nhảy xuống giếng cứu dẫn đến tử vong. Nguyên nhân cuối cùng phải chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh tỉnh cho người dân trong việc sử dụng điện an toàn cũng như kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Ia Grai: Tặng bò giống cho phụ nữ khó khăn

Ia Grai: Tặng bò giống cho phụ nữ khó khăn

(GLO)- Sáng 15-4, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức trao tặng bò giống sinh sản cho 3 gia đình hội viên phụ nữ là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Ia Hrung.

Trao bò giống cho 3 hộ nghèo huyện Đak Pơ

Trao bò giống cho 3 hộ nghèo huyện Đak Pơ

(GLO)- Ngày 14-4, tại Trung tâm Giống vật nuôi huyện Đak Pơ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức bàn giao mô hình sinh kế thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Đức Cơ phối hợp tuần tra, bảo vệ đường biên (ảnh đơn vị cung cấp).

Phụ nữ Đức Cơ góp sức bảo vệ bình yên biên giới

(GLO)- Huyện Đức Cơ có 3 xã biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Chính sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các xã biên giới và đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị và bảo vệ bình yên biên giới.

Bà Rơ Ô H’Hieng-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Tul (xã Ia Broăi) hướng dẫn em Rơ Ô H’Tra học bài. Ảnh: R.H

Điểm tựa cho trẻ mồ côi

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã tích cực triển khai hoạt động hỗ trợ trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đường từ trung tâm xã Đăk Song đến các xã phía Đông huyện Kông Chro đã được bê tông hóa. Ảnh: N.D

Xã vùng sâu chuyển mình

(GLO)- Những ngày tháng tư lịch sử, có dịp thăm lại các xã phía Đông huyện Kông Chro (gồm Sró, Đăk Song, Đăk Pling, Đăk Kơ Ning), chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự khởi sắc của vùng quê một thời đối diện với bao khó khăn, thiếu thốn.

Gia đình anh Rơ Châm Nek có nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm từ trồng trọt. Ảnh: T.D

“Làng Campuchia” trên đất Gia Lai

(GLO)- Gần nửa thế kỷ sau cuộc trốn chạy khỏi nạn diệt chủng Pol Pot để đến định cư ở làng Triêl (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), cuộc sống của những người dân Campuchia đã ổn định và ngày càng sung túc.