U70 đạt giải “Vô lăng vàng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với nghề lái xe, ông Đỗ Xuân Lâm (SN 1960, trú tại tổ 4, phường Trà Bá, TP. Pleiku) luôn tâm niệm phía sau tay lái là hạnh phúc của rất nhiều gia đình.

Với nỗ lực bảo đảm an toàn trong mỗi hành trình, ông Lâm vừa trở thành 1 trong 60 tài xế tiêu biểu trên cả nước đạt giải thưởng “Vô lăng vàng” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trao tặng.

Sinh ra ở miền quê nghèo khó huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông Lâm cùng gia đình chuyển vào Gia Lai lập nghiệp. Khi ấy, ông xin vào làm tại một lâm trường ở huyện Chư Prông. Từ công việc sửa chữa xe rồi phụ xe, đến năm 1991, ông trở thành tài xế của lâm trường.

Sau nhiều năm gắn bó với những cánh rừng, ông Lâm trở về làm nghề lái xe thuê. Đến năm 2009, ông nộp hồ sơ vào Công ty TNHH Mai Linh Gia Lai và trở thành tài xế taxi từ đó đến nay.

“Giữa lái xe chở gỗ trong rừng và lái xe taxi khác nhau rất nhiều. Lái xe chở gỗ tuy đường sá gồ ghề song cùng lắm là hư xe, mắc kẹt giữa đường. Còn khi lái taxi, hàng ngày di chuyển trên đường trường phải đối mặt với biết bao rủi ro”-ông Lâm bày tỏ.

ong-lam-luon-dat-su-an-toan-len-hang-dau-trong-moi-chuyen-di-anh-van-ngoc.jpg
Ông Đỗ Xuân Lâm luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu trong mỗi chuyến đi. Ảnh: L.V.N

Ngoài ra, không ít lần ông Lâm gặp phải đối tượng sử dụng ma túy ngay trên xe của mình hoặc bị đối tượng xấu lừa tiền taxi. Nhiều lần, người thân khuyên nhủ ông nghỉ ngơi để tránh những rủi ro trên đường song ông vẫn tiếp tục gắn bó với công việc.

Theo ông Lâm: Trong quá trình lái xe, hầu hết tài xế đều gặp phải những tình huống va quẹt nhẹ do nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, mỗi tài xế đều phải tuân thủ tuyệt đối quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Mỗi khi ngồi trên xe, ông đều tự nhắc nhở bản thân phải điềm tĩnh, không vội vã khi xử lý tình huống.

Đặc biệt, kinh nghiệm của “bác tài già” này chính là khả năng phán đoán tình huống. Ông Lâm chia sẻ: “Khi lái xe ra đường, không ai dám nói trước điều gì. Tôi thừa nhận mình cũng may mắn khi trong chặng đường hành nghề chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nào.

Tôi nghĩ người lái xe cần sự nhạy cảm, phán đoán tình huống có thể xảy ra, lường trước hướng đi của các phương tiện khác để đảm bảo an toàn cho xe của mình. Điều này cũng cần quá trình trải nghiệm trên đường, ở nhiều điều kiện khác nhau để tích lũy dần chứ không thể ngày một ngày hai”.

Bà Trần Thị Ánh-Phó Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Gia Lai: “Trong những năm gần đây, ông Lâm không bị xử phạt vi phạm hành chính dưới bất kỳ hình thức nào khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ông cũng rất tận tụy, có phong cách phục vụ tốt, được hành khách ghi nhận. Công ty đã nhiều lần biểu dương tấm gương của ông Lâm cho những tài xế khác để tất cả cùng phục vụ hành khách tốt hơn, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mỗi chuyến đi”.

Không chỉ giữ được sự an toàn cho mỗi chuyến xe, ông Lâm còn không ít lần giúp đỡ hành khách như trả lại tài sản có giá trị hoặc kịp thời đưa người bị nạn đi cấp cứu.

“Tôi nhớ như in trường hợp người phụ nữ Jrai ở xã Ia Kênh (TP. Pleiku) tự sinh nở ở nhà. Dù chị mang thai đôi nhưng do không biết nên bà mụ chỉ đỡ đẻ 1 cháu, còn 1 cháu bị kẹt. Khi đưa chị lên xe taxi để đến bệnh viện thì cháu thứ 2 cũng chào đời nhưng vẫn dính nhau thai với mẹ. Tôi liền hỗ trợ cùng người nhà đưa mẹ và 2 bé tới bệnh viện. Rất may sau đó mẹ tròn con vuông nên người nhà tìm đến gia đình tôi biếu con gà, mấy cái trứng làm tôi cảm động vô cùng”-ông Lâm chia sẻ.

ong-lam-da-gianh-giai-thuong-22-do-uy-ban-an-toan-giao-thong-quoc-gia-trao-tang-anh-van-ngoc.jpg
Ông Lâm đã giành giải thưởng “Vô lăng vàng” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trao tặng. Ảnh: L.V.N

Nhiều năm qua, bởi sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề, ông Lâm đã nhận được sự khích lệ, khen thưởng của các ngành, các cấp. Như năm 2024, ông được Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải tặng giấy khen lái xe an toàn; được Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TP. Pleiku tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.

Đặc biệt, cuối tháng 12-2024, ông Lâm là 1 trong 60 tài xế trên cả nước được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tặng giải thưởng “Vô lăng vàng”.

“Với tôi, đây là danh hiệu cao quý nhất trong nghề. Tôi thấy mình càng phải trách nhiệm hơn trong việc giữ an toàn tuyệt đối khi lái xe. Nghề này dù thu nhập không cao nhưng đã cho tôi rất nhiều thứ không thể đo đếm được. Mỗi ngày, tôi lại được gặp những vị khách khác nhau, được chia sẻ những câu chuyện muôn hình vạn trạng và học hỏi được rất nhiều từ kiến thức cho tới cách ứng xử, giao tiếp”-ông Lâm bộc bạch.

Có thể bạn quan tâm

Nghề hấp cá giữa phố cảng Quy Nhơn

Nghề hấp cá ở phố cảng Quy Nhơn

(GLO)- Ở phường Quy Nhơn (tỉnh Gia Lai), nơi tàu thuyền ra vào tấp nập mỗi sớm chiều, vẫn tồn tại những căn bếp đỏ lửa, nơi người dân mưu sinh bằng một nghề ít được nhắc tên: Nghề hấp cá.

Nhà trọ “cháy” phòng, hàng quán tăng khách sau sáp nhập

Nhà trọ “cháy” phòng, hàng quán tăng khách sau sáp nhập

(GLO) - Chỉ hơn một tuần sau khi tỉnh Gia Lai và Bình Định sáp nhập thành tỉnh Gia Lai mới, nhiều khu vực trung tâm phường Quy Nhơn đã ghi nhận sự gia tăng rõ rệt về mật độ dân cư. Các dịch vụ như nhà trọ, ăn uống, vận chuyển... cũng trở nên sôi động hơn, tạo nên bức tranh nhộn nhịp chưa từng thấy.

Chung tay chăm lo sức khỏe và tiếp sức học trò vùng biên

Chung tay chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên

(GLO)- Sáng 6-7, tại xã Ia Pnôn (tỉnh Gia Lai), Đồn Biên phòng Ia Pnôn phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai tổ chức chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân và trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vùng biên. 

Bệnh viện Quân y 211 đồng hành cùng bệnh nhân khó khăn

Bệnh viện Quân y 211 đồng hành cùng bệnh nhân khó khăn

(GLO)- Ngày 5-7, sau ca phẫu thuật nối bàn chân phải bị đứt lìa, bệnh nhân Xuăk (làng Trek, xã Kdang) đã tỉnh táo, giao tiếp tốt. Dù còn đau đớn nhưng nhìn bàn chân được nối thành công bước đầu, chị Xuăk vô cùng cảm kích tấm lòng đồng hành vì người bệnh của các y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 211.

null