Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên 'Đối tác Chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới' tại cuộc hội đàm vào ngày 27/11, qua đó khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc gặp gỡ báo chí. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc gặp gỡ báo chí. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân Phan Thị Thanh Tâm đã thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 đến ngày 30/11/2023. Trong chuyến thăm, Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản hội kiến và chiêu đãi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự lễ đón chính thức, duyệt đội danh dự, hội đàm, phát biểu báo chí chungvà cùng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã có phát biểu chính sách tại Quốc hội Nhật Bản và thăm tỉnh Fukuoka.

Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973-21/9/2023) đang được tổ chức giữa Nhật Bản và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên cơ sở những thành tựu nổi bật của quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực trong 50 năm qua, với tiềm năng hợp tác rộng mở và sự tin tưởng vững chắc vào tương lai tốt đẹp của quan hệ hai nước, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida đã nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” tại cuộc hội đàm vào ngày 27/11/2023, qua đó khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.

Hai Nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, bao gồm tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

Đánh giá về sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản

1. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển ấn tượng, mạnh mẽ, và toàn diện của quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, đặc biệt là kể từ khi quan hệ hai nước được nâng cấp thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á vào năm 2014. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước việc hai nước trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau sau 50 năm, trong đó nhấn mạnh Nhật Bản hiện là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác lớn thứ 2 về hợp tác lao động, thứ 3 về đầu tư và du lịch, thứ 4 về thương mại của Việt Nam. Thủ tướng Kishida khẳng định Nhật Bản cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự chủ, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công”.

2. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm các cuộc tiếp xúc, trao đổi thường xuyên và hợptác cấp cao và các cấp giữa hai bên đã được duy trì thường xuyên, và các cơ chế đối thoại giữa các bộ, ngành hai nước đã được mở rộng và triển khai hiệu quả. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí rằng hợp táctrên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển xã hội, quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, môi trường, y tế, lao động, thông tin, truyền thông, giao thông-vận tải, xây dựng, tư pháp, giao lưu nhân dân, và hợp tác giữa các địa phương… đã ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.

3. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao đóng góp tích cực của viện trợ phát triển chính thức Nhật Bản (ODA) và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với công cuộc dựng nước, sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định và toàn diện của Việt Nam trong nhiều năm qua và khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì vị trí là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về hợp tác kinh tế. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời, đầy nghĩa tình của Chính phủ và người dân Nhật Bản giúp Việt Nam vượt qua thời kỳ khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

4. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng khi giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng mật thiết. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản, đạt hơn 520.000 người. Cộng đồng người Nhật Bản tại Việt Nam cũng không ngừng gia tăng, lên tới 22.000 người. Hai nhà lãnh đạo khẳng định cộng đồng người Việt Nam và Nhật Bản tại hai nước đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và là tác nhân quan trọng cho sự phát triển bền vững của quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Đặc biệt, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những đóng góp quan trọng của người lao động Việt Nam - khoảng một phần tư số người lao động nước ngoài tại Nhật Bản, bao gồm thực tập sinh kỹ thuật (185.600 người) và lao động kỹ năng đặc định (97.500 người) và kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, dịch vụ quốc tế (87.900 người) đối với sự phát triển kinh tế của cả hai nước.

5. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển trong lĩnh vực giao lưu văn hóa, hợp tác du lịch giữa hai nước, đặc biệt là sự mở rộng cả về quy mô, chất lượng và sức lan tỏa của các lễ hội Việt Nam, lễ hội Nhật Bản, góp phần tích cực vào việc tăng cường sự hiểu biết, tình cảm hữu nghị và gắn kết xã hội giữa người dân hai nước.

6. Hai nhà lãnh đạo nhất trí chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản tháng 9 vừa qua là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với cả hai nước trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao hơn 500 hoạt động kỷ niệm đang và sẽ được triển khai tại cả hai nước trong tất cả các lĩnh vực, được thực hiện bởi các cơ quan trong lĩnh vực công và tư, nổi bật là các Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, các lễ hội được tổ chức tại cả hai nước như Lễ hội Việt Nam và Lễ hội Nhật Bản, các hội thảo, diễn đàn về kinh tế, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giao lưu văn hóa bao gồm hòa nhạc, trình diễn võ thuật như Vovinam (võ Việt Nam), các chương trình nghệ thuật truyền thống như biểu diễn kịch Kyogen, vở Opera “Công nữ Anio”. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí những dự án này đã kết nối thanh niên năng động của hai nước, qua đó đặt nền móng để quan hệ hai nước phát triển vượt bậc hơn nữa trong thời gian tới và hướng ra thế giới trên cơ sở quan hệ đối tác bình đẳng.

7. Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đánh giá cao những đóng góp tích cực và xây dựng của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, và bày tỏ mong muốn Nhật Bản sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng hàng đầu trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo cho rằng quy mô hợp tác song phương đã được mở rộng, đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng không chỉ cho đất nước và nhân dân hai nước, mà còn của khu vực châu Á và trên thế giới.

Đối thoại và tiếp xúc đa tầng, đa cấp

8. Hai nhà lãnh đạo khẳng định duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao hằng năm, qua đó góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Hai bên khẳng định tăng cường giao lưu trên tất cả các kênh, bao gồm kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương của hai nước, đặc biệt là giao lưu giữa các nghị sĩ, bao gồm giữa hai Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Đoàn Thanh niên, nghị sĩ trẻ, nghị sĩ nữ…, qua đó củng cố nền tảng vững chắc và tin cậy chính trị cho quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.

9. Hai bên thống nhất tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương, bao gồm các cơ chế cấp Bộ trưởng như Ủy ban hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp, Đối thoại Hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, Đối thoại chính sách biển Việt Nam - Nhật Bản và các cơ chế đối thoại định kỳ cấp Thứ trưởng giữa hai nước trong lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, xây dựng, giao thông-vận tải, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hai nhà lãnh đạo đã giao các bộ, ngành hai nước nghiên cứu thiết lập mới các cơ chế hợp tác song phương, bảo đảm thực chất, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của hai bên, ví dụ như trong các lĩnh vực về khoa học-công nghệ, y tế, tư pháp, giáo dục và đào tạo.

10. Hai bên hoan nghênh quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ Ngoại giao và nhất trí tiếp tục ủng hộ và hợp tác để các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của hai nước hoạt động thuận lợi.

Hợp tác an ninh và quốc phòng

11. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản hướng tới thập kỷ tiếp theo ký tháng 4/2018, Biên bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương ký tháng 10/2011, cùng các thỏa thuận khác giữa hai Bộ Quốc phòng.

12. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tăng cường trao đổi đoàn các cấp, duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn quốc phòng hai nước; tăng cường hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, tẩy độc đi-ô-xin, các lĩnh vực quân y, cứu trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Bộ Quốc phòng Việt Nam. Hai bên khẳng định tăng cường tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế, diễn đàn quốc phòng, an ninh khu vực có sự tham gia của hai nước. Trên cơ sở Hiệp định về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng ký tháng 9/2021, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc theo đuổi thực hiện các quy trình cho việc chuyển giao này.

13. Thủ tướng Kishida giải thích Nhật Bản đã thiết lập khuôn khổ hợp tác mới, có tên là “Viện trợ an ninh chính thức” (OSA) nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh, và đóng góp vào việc duy trì và củng cố hòa bình và an ninh quốc tế. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận ý kiến của Thủ tướng Kishida và hai nhà lãnh đạo nhất trí giao các cơ quan liên quan trao đổi về nội dung của khuôn khổ mới này.

14. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác về an toàn và an ninh trên biển thông qua việc tăng cường các hoạt động hợp tác, bao gồm huấn luyện chung, chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát biển hai nước.

15. Hai nhà lãnh đạo khẳng định ý định tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, tình báo và cảnh sát. Đặc biệt, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại, tăng cường trao đổi đoàn, chia sẻ thông tin, phối hợp đánh giá, dự báo về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, phổ biến cho công dân nước này sinh sống tại nước kia về pháp luật và quy định của nước sở tại, và nghiên cứu mở rộng hợp tác nhằm ứng phó, giải quyết các thách thức trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, an ninh kinh tế, khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia bao gồm lừa đảo trực tuyến và qua điện thoại từ nước ngoài, tội phạm mạng và buôn bán người.

Liên kết hai nền kinh tế, bảo đảm an ninh kinh tế

16. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước và khẳng định tầm quan trọng của hợp tác để đảm bảo an ninh kinh tế. Nhật Bản tái khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Để minh chứng cho nỗ lực này, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ERIA (Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á) đã có báo cáo chính sách “Việt Nam 2045” trình hai nhà lãnh đạo để tham khảo trong công tác hoạch định chính sách hướng tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa Việt Nam. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao chính sách kinh tế mới của Thủ tướng Kishida về vòng tuần hoàn tăng trưởng và phân phối công bằng.

17. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhận thức chung rằng vốn viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản (ODA) cho Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm qua và khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác nhằm làm sôi động hóa hợp tác ODA với Nhật Bản, thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn, chất lượng cao ở Việt Nam. Theo đó, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh triển vọng giá trị vốn vay bằng đồng Yen trong tài khóa Nhật Bản 2023 có thể lần đầu vượt 100 tỷ Yen kể từ tài khóa Nhật Bản 2017. Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định cam kết đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong quá trình thực hiện các dự án ODA của Nhật Bản, bao gồm cả các dự án hợp tác kỹ thuật tại Việt Nam, thông qua một cơ chế hợp tác; và chia sẻ ý định thúc đẩy và triển khai các dự án ODA mới của Nhật Bản trong khuôn khổ Hiến chương ODA mới, bao gồm sáng kiến “Đồng sáng tạo vì mục tiêu chung” trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, trong đó ghi nhận tầm quan trọng của các yếu tố như tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản và linh hoạt.

18. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhận thức chung về tính cấp thiết trong việc thúc đẩy các dự án kinh tế lớn, bao gồm các dự án sử dụng nguồn ODA và FDI của Nhật Bản; khẳng định sẽ xác định cụ thể các dự án này sớm nhất có thể, từ đó, nghiên cứu khả năng thiết lập nhóm công tác điều phối giữa hai Chính phủ tại Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn này.

19. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản vào đầu năm sau. Trong quá trình này, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ rà soát lại Sáng kiến chung nhằm giải quyết các thách thức mới mà cả hai quốc gia đang gặp phải dựa trên nguyên tắc quan hệ đối tác bình đẳng. Trong bối cảnh đó, hai nhà lãnh đạo xác định các nội dung nghị sự chung sẽ trao đổi là “Cộng đồng Phát thải bằng 0 châu Á/Tăng trưởng xanh” (AZEC/GX), “Đổi mới sáng tạo/Chuyển đối số” (Innovation/DX), “Củng cố các chuỗi cung ứng, bao gồm việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ” và “Xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao”, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được các kết quả cụ thể, bao gồm tăng cường đầu tư trong từng lĩnh vực nêu trên.

20. Hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tăng cường tính chống chịu của các chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo các hoạt động sản xuất ổn định vì lợi ích của cả hai bên, trong đó có tính đến tầm quan trọng của chuỗi cung ứng minh bạch, đa dạng, an toàn, bền vững và ổn định. Khẳng định rằng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa và nâng cấp mạng lưới chuỗi cung ứng của Nhật Bản thông qua công nghệ số và các lĩnh vực khác, Nhật Bản bày tỏ ý định triển khai các biện pháp góp phần vào tiến trình đa dạng hóa và nâng cấp cuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản, và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Nhật Bản. Việt Nam bày tỏ sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Hai bên bày tỏ sẵn sàng cùng phát triển các dự án đồng sáng tạo hướng tới tương lai.

21. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả “Tầm nhìn Trung và Dài hạn về hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản”, qua đó thúc đẩy hợp tác nông nghiệp chất lượng cao thông qua thu hút đầu tư, công nghệ và chuyển giao tri thức, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên thông qua các dự án ODA. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thông qua “Kế hoạch hợp tác ASEAN – Nhật Bản MIDORI” đã được nhất trí tại Hội nghị Bộ trưởng Nông, Lâm nghiệp ASEAN – Nhật Bản, góp phần đẩy mạnh hợp tác hướng tới tăng cường tính chống chịu và bền vững của hệ thống nông nghiệp và thực phẩm thông qua đổi mới và bảo đảm an ninh lương thực khu vực. Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định hai bên sẽ trước hết đẩy nhanh tham vấn chuyên gia liên chính phủ về kiểm dịch động thực vật để mở cửa thị trường đối với quả bưởi của Việt Nam và quả nho của Nhật Bản trong thời gian sớm, sau đó sẽ tham vấn về mở cửa thị trường đối với quả chanh leo của Việt Nam và quả đào của Nhật Bản.

22. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định nhận thức rằng các biện pháp toàn diện chống lại vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng như các trang mạng sao chép lậu truyện tranh Nhật Bản là cần thiết từ góc độ thúc đẩy phát triển kinh tế lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Hai bên hoan nghênh tiến triển trong các lĩnh vực đến nay, và khẳng định cần tăng cường triển khai các biện pháp đạt tiêu chuẩn bảo hộ quốc tế mạnh, toàn diện, và hiệu quả hơn.

23. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tăng cường hợp tác kinh tế liên quan tới các vấn đề về biển, bao gồm khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, du lịch, giao lưu địa phương và giao lưu nhân dân

24. Hai nhà lãnh đạo khẳng định hai nước sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm trong các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt và công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy hoạt động đào tạo dành cho cán bộ cấp chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, và đào tạo nghề. Hai nhà lãnh đạo khẳng định Đại học Việt – Nhật là dự án hợp tác biểu tượng trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước và sẽ tiếp tục hợp tác liên quan tới việc phát triển trường Đại học. Hai bên khẳng định tăng cường nỗ lực khuyến khích học sinh Việt Nam học tại Nhật Bản, tăng cường trao đổi trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước và thúc đẩy giảng dạy tiếng Nhật thông qua nhiều biện pháp, trong đó bao gồm nâng cao chất lượng ở Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản học và Việt Nam học, bao gồm việc học tiếng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giao lưu văn hóa giữa hai nước.

25. Chính phủ hai nước đã hỗ trợ cải thiện giao lưu nhân dân thông qua các hoạt động như lễ hội du lịch - văn hóa tổ chức ở mỗi quốc gia. Tiếp theo sự hỗ trợ này, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, công nghệ và thể thao, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Hai nhà lãnh đạo khẳng định thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa dựa trên chuyên môn, công nghệ, và kinh nghiệmcủa Nhật Bản.

26. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tạo môi trường thuận lợi cho công dân hai nước đi lại nhằm thúc đẩy du lịch và giao lưu nhân dân. Nhật Bản đánh giá cao việc Việt Nam kéo dài thời hạn lưu trú miễn thị thực cho công dân Nhật Bản lên 45 ngày và tạo điều kiện cấp thị thực điện tử cho công dân Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, mở rộng diện cấp thị thực điện tử, và cấp thị thực ra vào nhiều lần cho công dân Việt Nam qua lại Nhật Bản vì mục đích cá nhân.

27. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những tiến triển mới trong hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời gian qua và tái khẳng định đây là kênh thiết thực và hiệu quả để tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực bao gồm kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch và lao động, đồng thời củng cố nền tảng hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ tầm quan trọng của việc củng cố quan hệ giữa các địa phương bằng nhiều hình thức, khuyến khích đối thoại, bao gồm việc thiết lập diễn đàn giữa các địa phương hai nước.

28. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhận thức chung về việc phái cử thực tập sinh, lao động cũng như du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Hai bên sẽ thúc đẩy phái cử thực tập sinh và lao động Việt Nam trong các lĩnh vực phù hợp nhu cầu của hai nước. Hai bên đồng thời sẽ hợp tác để hỗ trợ các thực tập sinh, lao động Việt Nam tìm việc làm phù hợp sau khi về nước.

29. Nhật Bản khẳng định sẽ quan tâm nhiều hơn đểtạo điều kiện cho người Việt Nam tại Nhật Bản hòa nhập vào xã hội Nhật Bản, đóng vai trò tích cực trong cộng đồng ở sở tại, và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước. Việt Nam bày tỏ mong muốn cải thiện thu nhập và điều kiện sống của người Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản.Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, điều kiện sinh sống và an sinh xã hội cho người Việt Nam tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ xem xét rà soát Chương trình Thực tập sinh Kỹ năng và thiết lập một chương trình mới nhằm thu hút và phát triển nguồn nhân lực. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hai nước sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, nghiên cứu và thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến phái cử và tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng, lao động, và du học sinh Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhất trí giao các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định song phương về an sinh xã hội.

Hợp tác trong một số lĩnh vực mới như năng lượng, môi trường, khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo

30. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.

31. Hai nhà lãnh đạo khẳng định hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực lưới điện thông minh, thành phố thông minh, phát triển thị trường điện, nội địa hóa ngành năng lượng. Việt Nam sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào thị trường khí hóa lỏng tại Việt Nam, trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện khí hóa lỏng tại Việt Nam.

32. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong phát triển và đổi mới sáng tạo lĩnh vực kinh tế số, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Liên quan tới các lĩnh vực như chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và ngành công nghiệp lõi tiềm năng mới như bán dẫn, hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định cam kết hợp tác phát triển các ngành này. Hai nhà lãnh đạo cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc tạo thuận lợi cho dòng chảy dữ liệu tự do xuyên biên giới, phát triển kết nối số, và thúc đẩy lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp vào nền kinh tế số.

Hợp tác trong một số lĩnh vực khác

33. Hai nhà lãnh đạo khẳng định hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác về pháp luật và tư pháp nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; bao gồm hợp tác trên cơ sở Hiệp ước tương trợ tư pháp song phương trong các vấn đề hình sự, Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới mà hai bên là thành viên, Tuyên bố chung Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Tư pháp ASEAN – Nhật Bản và Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp.

34. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật mà Nhật Bản dành cho Việt Nam trong nhiều năm qua và hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác, bao gồm nâng cao năng lựctrong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

35. Hai nhà lãnh đạo xác nhận tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác y tế giữa hai nước trong khuôn khổ AHWIN và Chiến lược Sức khỏe Toàn cầu của Nhật Bản, bao gồm các lĩnh vực phòng chống các bệnh truyền nhiễm, ung thư, các bệnh không lây nhiễm (NCDs), già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, dược phẩm, và trang thiết bị y tế. Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực y tế, hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng chính sách y tế, thúc đẩy và hỗ trợ cho các chương trình hợp tác song phương giữa các cơ sở y tế, các viện nghiên cứu, phát triển nền tảng hợp tác thông qua Trung tâm Y tế tiên tiến Việt Nam (MEV) và các cơ sở đào tạo cán bộ y tế của hai nước.

36. Hai nhà lãnh đạo khẳng định hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về xây dựng, giao thông vận tải, giảm thiểu rủi ro thiên tai và phát triển đô thị trong đó Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy các dự án, bao gồm dự án quản lý không gian ngầm, công trình ngầm đô thị và Giảm Rủi ro thiên tai liên quan tới nước, “Smart JAMP” - chương trình thành phố thông minh dựa trên quan hệ đối tác chung ASEAN - Nhật Bản, tiêu chuẩn quốc gia về cảng biển…

Các vấn đề khu vực và quốc tế

37. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên thượng tôn pháp luật và các nguyên tắc đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác và đạt được hòa bình, ổn định, và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Kishida tái khẳng định rằng Việt Nam và ASEAN là những đối tác quan trọng giúp Nhật Bản hiện thực hóa Tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), và Nhật Bản sẵn sàng ủng hộ Việt Nam và ASEAN, bao gồm trong khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và trong triển khai Tuyên bố chung cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 23 về Hợp tác về AOIP. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao những nỗ lực ủng hộ không ngừng của Nhật Bản cho sáng kiến AOIP – vốn có các nguyên tắc nền tảng về thúc đẩy hòa bình và hợp tác tương đồng với FOIP của Nhật Bản, cũng như các nỗ lực của Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực thông qua các sáng kiến khác nhau nhằm hiện thực hóa FOIP dựa trên các nguyên tắc chung này.

38. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN; hoan nghênh những thành tựu nổi bật của hợp tác ASEAN - Nhật Bản trong 50 năm qua. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về việc Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 26 đã thông qua Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN - Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, đóng góp tích cực vào việc củng cố mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản một cách thực chất, hiệu quả và cùng có lợi và tái khẳng định cam kết tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản tại Tokyo vào tháng 12/2023.

39. Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp cùng nhau nâng cao hiệu quả và vai trò của hợp tác Mekong-Nhật Bản trong thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của phát triển bền vững và quản lý nước và các tài nguyên liên quan ở lưu vực sông Mekong, và chia sẻ ý định thúc đẩy hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa cơ chế hợp tác Mekong- Nhật Bản với các tổ chức ở tiểu vùng Mekong, bao gồm Ủy hội sông Mekong và khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

40. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác toàn diện tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc (UN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) và các diễn đàn khác nhằm đóng góp tích cực và hiệu quả cho việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vữngở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Kishida bày tỏ ủng hộ việc Việt Nam ứng cử đăng cai Năm APEC 2027.

41. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao vai trò của Nhật Bản là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2023-2024. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ ủng hộ cải cách Liên Hợp Quốc, bao gồm cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng phối hợp nhằm đạt được những kết quả cụ thể trong cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bao gồm việc mở rộng nhóm các thành viên thường trực và không thường trực. Thủ tướng Kishida bày tỏ cảm ơn Việt Nam tiếp tục ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi cơ quan này được cải tổ. Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

42. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tránh có các hành động đơn phương nhằm nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép, và làm gia tăng căng thẳng. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động kinh tế hợp pháp không bị cản trở trên Biển Đông, tự kiềm chế, và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đồng thời tái khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện nhất về biển. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ghi nhận tiến triển trong quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và không phương hại tới quyền của bất kỳ bên nào.

43. Thủ tướng Kishida tái khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm đạt đượcgiải pháp khả thi, lâu dài cho cuộc khủng hoảng hiện nay, nhất là việc sớm thực hiện Đồng thuận Năm điểm nhằm cải thiện tình hình ở Myanmar. Hai nhà lãnh đạo nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt bạo lực, đối thoại xây dựng giữa các bên liên quan. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cảm ơn Nhật Bản đã ủng hộ vai trò và các nỗ lực của ASEAN liên quan đến vấn đề Myanmar, bao gồm tham gia vào các hoạt động viện trợ nhân đạo thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai (AHA). Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác về vấn đề Myanmar, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và thực hiện Đồng thuận Năm điểm trong giải quyết tình hình tại Myanmar.

44. Hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm và bày tỏ quan ngại về tình hình gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, bao gồm các vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, và cho rằng các vụ thử này không có lợi cho hòa bình và an ninh tại khu vực. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và việc thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như tính cấp bách của việc tất cả các bên liên quan tiếp tục theo đuổi giải pháp hòa bình và ngoại giao cho các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên, bao gồm giải giáp toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt và các loại tên lửa đạn đạo ở mọi tầm bắn phù hợp với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác nhằm giải quyết ngay vấn đề bắt cóc.

45. Về Ukraine, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cần thiết cần tạo dựng hòa bình công bằng và lâu dài, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc.

46. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Gaza. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng các nguyên tắc và thông lệ trong luật pháp quốc tế liên quan đến việc bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự. Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi thả ngay các con tin, và tăng cường hơn nữa các nỗ lực ngoại giao để làm dịu tình hình trong thời gian sớm nhất. Theo đó, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh thỏa thuận cho phép tạm ngừng bắn vì lí do nhân đạo và thả các con tin.

47. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Để duy trì và củng cố Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) như là hòn đá tảng của cơ chế không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các biện pháp minh bạch. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hoan nghênh nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân theo “Kế hoạch hành động Hiroshima” của Thủ tướng Kishida và nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với nghị quyết “Các bước xây dựng lộ trình chung hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân” của Nhật Bản được thông qua tại Ủy ban Một của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 27 tháng 10 năm 2023. Thủ tướng Kishida đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam.

48. Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ hướng tới thành công của Expo 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình tham gia. Việt Nam cam kết tích cực cân nhắc tham gia Triển lãm Làm vườn Quốc tế tại Yokohama, Nhật Bản năm 2027.

49. Hai nhà lãnh đạo đồng ý thúc đẩy hơn nữa thương mại tự do và khẳng định sự cần thiết phải phối hợp với các bên liên quan để bảo đảm việc thực thi đầy đủ, hiệu quả và minh bạch các hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định CPTPP và RCEP. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng các thành viên khác duy trì tuân thủ các tiêu chuẩn cao của CPTPP, bảo đảm mang lại lợi ích quan trọng không chỉ cho hai nước mà còn đối với ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến triển đến nay của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) nhằm mang lại những lợi ích cụ thể cho người dân, nền kinh tế và doanh nghiệp của hai nước và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

50. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác tích cực giữa hai nước trong các lĩnh vực như các mục tiêu phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng trưởng xanh, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, và kinh tế tuần hoàn, bao gồm thông qua Chương trình Chiến lược vì Khí hậu và Môi trường ASEAN (SPACE) – vốn đã được ASEAN hoan nghênh. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến triển trong quá trình triển khai các thỏa thuận và cam kết toàn cầu giữa hai nước về phát triển bền vững, trong đó có Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển Bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Khung Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai Sendai giai đoạn 2015 - 2030.

51. Thủ tướng Kishida khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc thực hiện hiệu quả hai mục tiêu: phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định để trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Theo đó, Cộng đồng Phát thải bằng 0 châu Á (AZEC) và các sáng kiến liên quan như Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng châu Á (AETI) sẽ đóng góp những cách tiếp cận thực tiễn và phản ảnh đúng điều kiện thực tế ở các quốc gia châu Á, đồng thời cũng phù hợp với quan hệ Đối tác vì Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Thủ tướng Kishida cũng bày tỏ ý định hợp tác xây dựng chính sách và thể chế của Việt Nam thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, và đào tạo nguồn nhân lực từ Nhật Bản thông qua các khuôn khổ nêu trên. Đồng thời, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm rác thải nhựa và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

52. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân chân thành cảm ơn Nhà vua và Hoàng hậu, Thủ tướng Kishida và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Chủ tịch nước, Phu nhân và Đoàn đại biểu Việt Nam sự tiếp đón trọng thị và nồng nhiệt.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Thủ tướng Kishida thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp và Thủ tướng Kishida đã bày tỏ cảm ơn lời mời này.

Có thể bạn quan tâm

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào sáng 13-1. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư. 

Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia

Gia Lai: Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị kết nối đến 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với 978.532 đại biểu tham dự. Tại Gia Lai có gần 12.000 đại biểu tham dự.