Từ vụ việc thương tâm đó, không ít người trẻ đang ở trọ trong những nhà nguyên căn, chung cư cao tầng bất an, lo lắng và không may "bà hỏa" tìm đến thì phải thoát thân thế nào?
Lo sợ cháy nổ
Đang ở trọ trong nhà nguyên căn có 5 tầng ở đường Nguyễn Thái Học, P.Tân Thành, Q.Tân Phú (TP.HCM), Võ Thị Tố Trinh (20 tuổi) không tránh khỏi tâm lý lo lắng, hoang mang sau khi đọc tin tức từ vụ cháy sáng nay.
“Vụ cháy thương tâm ở Hà Nội khiến mình vừa xót xa lẫn lo lắng. Vì phòng trọ mình đang ở là tầng cao nhất của nhà nguyên căn 5 tầng. Nhà không có thang máy, lối đi duy nhất dẫn lên trên là cầu thang bộ. Thật sự, nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì mình không biết phải thoát thân như thế nào, chẳng lẽ liều mạng nhảy xuống mái nhà của hàng xóm”, Trinh chia sẻ.
Ở trọ trong chung cư cao tầng, thoát nạn thế nào nếu xảy ra cháy? Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Tương tự, cũng ở trọ tại tầng 6 của một chung cư mini trên đường Trường Chinh, Q.Tân Bình (TP.HCM), Huỳnh Thị Bảo Trân (23 tuổi), chia sẻ: “Phòng mình ở tầng 6, ngay cạnh ban công. Trước kia, nhà chỉ có lối đi duy nhất là thang máy, nhưng từ sau vụ cháy đầu năm nay xảy ra ở Hà Nội, chủ nhà đã bổ sung thêm cầu thang thoát hiểm ngoài ban công. Tuy vậy, mình vẫn rất lo lắng nếu không may vấn đề cháy nổ xảy ra”.
Trân lo lắng sở dĩ là vì ở tầng khá cao, lại không biết sử dụng bình chữa cháy, cũng như chưa kịp trang bị cho mình kỹ năng thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn.
Ở không ít nhà trọ, cầu thang bộ là lối đi duy nhất. Ảnh: Thảo Phương |
Cũng đang ở trọ tại lầu 3 của một nhà nguyên căn trên đường đường Hiệp Bình, TP.Thủ Đức (TP.HCM), Nguyễn Thị Thanh Hằng (23 tuổi), chia sẻ: “Lúc đi tìm trọ mình chỉ lưu tâm đến những vấn đề như: an ninh, gần chỗ làm, sạch sẽ và giá tiền phù hợp. Thú thật, mình quên luôn vấn đề phòng cháy chữa cháy. Mặc dù nhà trọ có trang bị bình chữa cháy nhưng mình vẫn rất lo sợ. Bản thân không có kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn, chẳng biết phải chạy lên trên hay xuống dưới. Lúc đó, không giữ được bình tĩnh nữa thì chẳng biết nên xử lý thế nào”.
Thủ tướng chỉ đạo rà soát điều kiện PCCC cơ sở kinh doanh, nhà trọ |
Ở trọ trong nhà cao tầng, thoát hiểm thế nào khi có cháy?
Chia sẻ về những kỹ năng thoát nạn khi ở trọ trong nhà và chung cư cao tầng nếu không may xảy ra hỏa hoạn, đại uý Thái Ngô Hiếu, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Khi xảy ra cháy, mỗi người cần giữ bình tĩnh. Ở những nhà cao tầng mà xảy ra cháy thường khó tìm được lối thoát nạn. Tuyệt đối không sử dụng thang máy để thoát hiểm mà phải đi cầu thang bộ. Thông thường, nếu đám cháy bắt nguồn từ tầng dưới thì không thể đi xuống được. Cho nên, bắt buộc mình phải chạy lên nơi cao nhất để chờ lực lượng cứu hộ đến cứu. Trong thời gian đó, bạn cần phải sử dụng chăn, màn để ngăn không cho khói vào phòng. Dùng nước tưới xung quanh để lửa không bén vào phòng mình. Gọi ngay đến số 114 để kịp thời thông báo cho đội PCCC tới ứng cứu. Di chuyển ra vị trí cửa sổ, ban công hô to để mọi người biết vị trí mình đang bị nạn".
Đại uý Thái Ngô Hiếu, cho biết thêm: "Nếu phòng có ban công, bạn nên tìm các phương án như: leo qua các lan can của nhà bên cạnh từ tầng thượng, mái tôn để thoát nạn. Trường hợp cấp bách quá, có thể sử dụng rèm cửa hoặc dây chắc chắn để buộc vào lan can bên ngoài và tụt xuống đất. Cách này không đảm bảo lắm nhưng ít nhất có thể giúp mình thoát ra khỏi đám cháy. Tỷ lệ thoát nạn vẫn cao hơn là bị kẹt trong đám cháy. Đặc biệt lưu ý khi có cháy là tuyệt đối không chui vào nhà vệ sinh, vì vô đó không khác gì tìm đến cái chết. Cuối cùng, tốt nhất là trang bị cho mình bộ dây hoặc thang thoát hiểm. Sản phẩm này hiện nay được bán rất nhiều trên thị trường và rất dễ sử dụng. Chỉ cần buộc cố định vào lan can hoặc cửa sổ rồi di chuyển từ từ xuống mặt đất”.
Nên tìm những nhà trọ có trang bị bình chữa cháy và lối thoát hiểm. Ảnh: Phương Thảo |
Đại uý Thái Ngô Hiếu cũng lưu ý rằng khi đi thuê trọ là nhà nguyên căn hay chung cư mini nên tìm những nơi đảm bảo an toàn, có đường thoát hiểm, trang bị đầy đủ hệ thống báo cháy tự động và bình chữa cháy ở tất cả các khu vực...