Từ gậy chứng đến camera

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày xưa, đời sống của người Tây Nguyên còn khép kín, của ai để đâu là để đó, chẳng ai xâm phạm. Từ gà, heo đến bắp, mì, bầu, bí, ai nuôi trồng người ấy thu hái, không mất mát. Nhà cửa không cần cài then khi ngủ khi vắng… Nghĩa là quyền sở hữu luôn được tôn trọng. Thấy cái gì của người, thích lắm thì phải xin, không tự động lấy làm của mình. Thấy của rơi rất ngại nhặt.

Ví như trên đường nhìn thấy cái tẩu hút thuốc đánh rơi, biết đích xác của người nào đó thì lượm về đưa trả cho họ, không biết của ai thì để mặc trời đất. Đi vào rừng phát hiện tổ ong thì xí phần bằng cái gậy chứng, là cái que gỗ có một thanh ngang trên đầu. Người đến sau sẽ biết tổ ong rừng ấy đã có chủ. Đi đơm đó bắt cá hoặc cài bẫy thú, chỉ cần cắm cái gậy chứng bên cạnh, người khác có thấy nhiều cá, thấy chim thú mắc bẫy cũng không được lượm, không được bắt. Họ coi gậy chứng như sự khẳng định quyền sở hữu định đoạt của người chủ nào đó, nó đã được Yàng làm chứng.

Khi có tranh chấp kiện tụng, gậy chứng là cơ sở rất quan trọng để xác định quyền sở hữu, khẳng định sự xâm hại và căn cứ để đưa ra hình phạt nặng nề đối với kẻ gian dối. Cũng chính vì thế mà nền nếp làng xưa trở nên trong lành trung thực, chẳng ai trộm cắp xâm hại của ai.

Camera và gậy chứng có vai trò như nhau, nó làm cho xã hội tốt đẹp thật thà, lòng tham bị kìm nén và tuyệt diệt. Ảnh minh họa

Camera và gậy chứng có vai trò như nhau, nó làm cho xã hội tốt đẹp thật thà, lòng tham bị kìm nén và tuyệt diệt. Ảnh minh họa

Hồi nhỏ, tôi nghe kể rằng: Ở miền Tây Nghệ An, những người dân tộc thiểu số có tục thờ ma xó. Hễ ai vào nhà khi chủ đi vắng, không làm gì thì thôi; hễ nhặt nhạnh trộm cắp vật dụng gì đều bị ma xó nhắc. Lượm 1 cái, nó nhắc “1”; lượm 2 cái nó nhắc “2”, như cách có ai đang đếm! Việc này khiến người ta phát hoảng mà vứt đồ bỏ chạy. Nhờ ma xó canh nhà mà cửa ngõ người Mường, Thổ, Thái vùng mạn ngược chẳng phải khóa chốt gì mà quanh năm chẳng hề mất mát, dù là thứ nhỏ nhặt nhất.

Vùng nông thôn mà người Kinh sinh sống ngày xưa cũng ít khi “cửa đóng then cài”, nếu có khóa thì người ta cũng bảo “khóa người ngay”! Nghĩa là khóa lấy lệ. Dân gian thì cho rằng đã có “ông bình vôi” trông giữ. Thuở ấy, người Việt nhà nào cũng ăn trầu, trong nhà luôn có một ông bình vôi. Đó là một cái bình bằng sành sứ, có quai xách, có một cái miệng để quệt vôi ăn trầu. Miệng bình vôi luôn lem luốc những vệt vôi. Ở đó thường trực 1 chiếc que tre đầu dẹp đầu nhọn gọi là cái chìa vôi, cắm vào để lấy vôi quệt vào lá trầu, rồi dùng đầu nhọn têm thành miếng mà mời nhau, mà ăn… Hồi nhỏ, mỗi lần nhìn thấy cái miệng ông bình vôi tơ hơ như vậy, nghĩ là mất vệ sinh, tôi liền tìm cái nắp sắt tây đậy lại, lập tức được bà nhắc nhở: Đừng bịt miệng ông bình vôi lại, để ông canh nhà! Lời bà làm tôi nhớ mãi!

Gần đây, tôi sang Đài Loan sống cùng con trong 6 tháng. Đi khắp đó đây, thấy trên đường phố, các loại xe máy từ loại thường đến loại tốt dựng khắp vỉa hè, chẳng ai trông giữ, mà cũng không hề xảy ra mất mát. Xe máy để cả đêm lẫn ngày, nhiều ngày tháng như vậy, như là bị lãng quên, như là xe vô chủ. Khi cần thì họ mới cắm chìa khóa vào và chạy. Các cửa hàng tiện lợi, có những cái lồng hình khối chữ nhật, để sát vỉa hè, trên đó dày đặc các loại dù che nắng mưa. Ai vào mua hàng đều cắm cái dù của mình vào đó, mua xong lại tìm đúng dù của mình mà mang đi.

Ở chung cư, đi làm, đi chơi cuối tuần, chẳng nhà ai khóa cửa mà không hề xảy ra sự đột nhập trộm cắp gây mất mát gì. Trên công viên thi thoảng thấy người ta để lại những cái xe đẩy, trên đó có túi xách đựng đồ, có áo khoác vật dụng, để cả ngày, đến chiều muộn mới ra lấy về. Nhiều thứ vô tình bị đánh rơi, cuối buổi cứ theo lộ trình cũ mà lượm lại, chẳng ai lấy hoặc sẽ có người đem để lên chỗ cao ráo sạch sẽ cho.

Có lần, tôi dẫn đứa cháu nội mới tập đi ra khu vui chơi trẻ con ở công viên; cu cháu nhặt được 1 đồng tiền xu 50 quan giơ lên đưa cho ông. Tiền Đài Loan, mệnh giá tiền giấy nhỏ nhất là 100 quan, dưới mức đó là toàn bộ tiền xu. Lúc ấy, có vài người phụ nữ cùng đưa con nhỏ chơi trò ở đó nên tôi cầm lấy đồng xu đưa lên trước mặt mấy người lớn, ý hỏi có phải tiền của họ không thì trả lại; mấy người lặng im lắc đầu. Tình thế đó buộc tôi phải cất đồng tiền xu nhặt được vào túi, lòng cảm thấy bình thường, chẳng chút áy náy gì trước việc làm khá minh bạch.

Về nhà, nói với con rằng thằng cháu nhặt được tiền ở công viên. Các con tôi bảo, từ nay, ra nơi công cộng hễ thấy cái gì rơi ba đừng nhặt. Tôi hỏi vì sao, con đáp, ngộ nhỡ có camera hoặc ai chụp hình gửi cho cảnh sát thì rất rầy rà. Rồi con giải thích, ba phải lên Cảnh sát, phải tường trình sự việc và vất vả hơn nữa là phải tìm cho được người rơi đồ để trả lại.

Nghe con nói, tôi chợt nghĩ, phải chăng điều này khá giống với cuộc sống của người Tây Nguyên thuở nào. Cái camera cũng giống như gậy chứng của người Tây Nguyên, như ma xó của người Mường, người Thổ, như ông bình vôi của người Kinh! Và hóa ra, văn minh nó phát triển theo một vòng tròn. Camera và gậy chứng có vai trò như nhau, nó làm cho xã hội tốt đẹp thật thà, lòng tham bị kìm nén và tuyệt diệt.

Có thể bạn quan tâm

Bà Ksor H’Nhir (bìa phải, buôn Ma H’Rai, xã Ia Hiao) phấn khởi khi nước sạch được dẫn về tận nhà. Ảnh: H.T

Niềm vui nước sạch về làng

(GLO)- Dự án cấp nước sạch trên địa bàn 2 xã Ia Peng và Ia Hiao (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) vừa hoàn thành giai đoạn 1. Theo đó, 484 hộ dân nơi đây được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng như giảm thiểu các bệnh tật liên quan đến nguồn nước.

Động đất tại Myanmar: Số người mắc kẹt trong tòa nhà sập ở Thái Lan lên tới 81 người

Động đất tại Myanmar: Số người mắc kẹt trong tòa nhà sập ở Thái Lan lên tới 81 người

Liên quan đến những thiệt hại tại Thái Lan do ảnh hưởng của trận động đất tại Myanmar, thông báo chiều 28/3, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết đã có ít nhất 3 công nhân thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà cao 30 tầng đang được xây dựng ở Thủ đô Bangkok.

Ông Kpă Blon (bìa phải) trò chuyện với thanh niên trong làng về việc đảm bảo an ninh trật tự.Ảnh: R.H

“Đầu tàu” của làng Đút

(GLO)- Nhắc đến ông Kpă Blon (SN 1984, làng Đút, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), ai cũng dành cho ông sự quý trọng. Không chỉ tận tâm hòa giải mâu thuẫn, giữ gìn sự bình yên cho buôn làng, ông còn tích cực hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Nhân lên niềm tự hào dân tộc

Nhân lên niềm tự hào dân tộc

(GLO)- Nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai duy trì hoạt động chào cờ, sinh hoạt chính trị dưới cờ vào sáng thứ hai tuần đầu tiên của tháng. Hoạt động này nhằm tuyên truyền, giáo dục, bồi đắp tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Gương sáng làng Nang

Ông Rơ Châm Thơnh - Gương sáng làng Nang

(GLO)- Ông Rơ Châm Thơnh (SN 1966, làng Nang, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) rất được dân làng kính trọng, quý mến. Không chỉ có công trong việc xây dựng khối đoàn kết ở khu dân cư, ông Thơnh còn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế tại địa phương.

Trưởng ban công tác mặt trận làng Nú làm kinh tế giỏi

Trưởng ban công tác mặt trận làng Nú làm kinh tế giỏi

(GLO)- “Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Rơ Lan Xíu còn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao và luôn được cộng đồng tin tưởng, tín nhiệm”- Đó là nhận xét của ông Puih Dinh- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Khai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) về Trưởng ban Công tác mặt trận làng Nú.