Hệ thống pháo phòng không Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung với Mỹ. Ảnh: SOPA Images |
Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29/6, “thúc đẩy khả năng tương tác ba bên và bảo vệ tự do vì hòa bình và ổn định”.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho hay cuộc tập trận tập trung vào phòng thủ tên lửa đạn đạo, phòng không, tác chiến chống tàu ngầm, tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn hàng hải và huấn luyện phòng thủ trên mạng. JCS cũng tuyên bố 3 bên sẽ tiếp tục mở rộng Freedom Edge trong tương lai.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc mục tiêu thực sự của Mỹ là “thống trị thế giới" và chính sách này “đã vượt qua lằn ranh đỏ và đang mang tới sự thay đổi rất tiêu cực đối với môi trường an ninh thế giới”. Nhà chức trách Triều Tiên tin cuộc tập trận Freedom Edge là một nỗ lực nhằm củng cố liên minh quân sự giữa Mỹ và các đồng minh, "tạo diện mạo hoàn chỉnh của NATO phiên bản châu Á”.
Mỹ hiện chưa lên tiếng bình luận về các cáo buộc mới của Triều Tiên.
Theo đài RT, Bình Nhưỡng từ lâu đã phản đối các cuộc tập trận của Mỹ gần bán đảo Triều Tiên, coi đây là “hành động diễn tập xâm lược”. Bình Nhưỡng cũng tiến hành nhiều vụ thử pháo và tên lửa trong khu vực với lí do đáp trả những động thái này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg quả quyết liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này không có kế hoạch mở rộng sang châu Á, nhưng họ phải sẵn sàng ứng phó với bối cảnh an ninh luôn thay đổi trong khu vực để đề phòng những hậu quả nghiêm trọng lan xa.
Năm 2021, Mỹ, Anh và Australia đã thiết lập quan hệ đối tác an ninh có tên AUKUS, trong đó Washington và London cam kết hỗ trợ Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.