Tô thắm hình ảnh "Người chiến sĩ Hải quân"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày qua, đoàn công tác của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân) đã có một số hoạt động ý nghĩa, tri ân sâu sắc các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7).
Tri ân và cộng đồng trách nhiệm
Chầm chậm bước vào bên trong Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) dưới sự dìu đỡ của người vợ, ông Phạm Văn Điền-thương binh 85% (tổ 10, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) không giấu được xúc động. Ông kể: Năm 1968, ông rời quê Thái Bình đi làm công nhân cầu đường ở tỉnh Sơn La. Đến năm 1971, ông viết đơn xin nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 13 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 335 Tây Bắc, Quân đoàn 2). Tháng 3-1972, đơn vị pháo cối của ông tham gia trận đánh ở Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào) và bị thương nặng khiến 2 mắt bị mù, khắp người nhiều vết sẹo. Tháng 10-1975, ông trở về quê sinh sống và đến năm 1984 thì cùng gia đình vào Gia Lai theo diện kinh tế mới.
Ngồi bên cạnh chồng, bà Phạm Thị Tuynh (SN 1949) trải lòng: “Ông ấy không nhìn thấy đường, các vết thương thường xuyên gây đau nhức nên luôn phải có người kề cận chăm sóc. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, vợ chồng tôi có tiền hỗ trợ hàng tháng, cuộc sống cũng bớt khó khăn. Nay được Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn quan tâm, nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời, vợ chồng tôi rất xúc động. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng sống vui, sống khỏe, động viên con cháu phát huy truyền thống gia đình cách mạng, tích cực xây dựng quê hương, đất nước”.
Vợ chồng ông Điền ở lễ trao quyết định nhận phụng dưỡng suốt đời các thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng chiều 23-7. Ảnh: Anh Huy
Vợ chồng ông Phạm Văn Điền tại lễ trao quyết định nhận phụng dưỡng suốt đời các thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ảnh: Anh Huy
Ngoài ông Điền, còn có 9 thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng ở các huyện: Ia Grai, Đức Cơ, Kbang, Kông Chro, Chư Prông, Đak Đoa, Ia Pa, Mang Yang được Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nhận phụng dưỡng trong dịp này. Thượng tá Đoàn Văn Uẩn-Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng Công ty-cho biết: “Số tiền phụng dưỡng khoảng 22 triệu đồng/người/năm (1 triệu đồng/người/tháng). Bên cạnh đó, Tổng Công ty còn thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp Tết Nguyên đán, ngày thành lập Tổng Công ty, ngày Thương binh-Liệt sĩ...”.
Trong buổi lễ trao quyết định nhận phụng dưỡng 10 thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng diễn ra tại Hội trường 2-9 vào chiều 23-7, Tổng Công ty còn trao tặng 10 suất học bổng “Thắp sáng ước mơ” cho học sinh nghèo học giỏi trên địa bàn tỉnh (5 triệu đồng/suất). Nhìn con gái nhận học bổng, mắt chị Mlang (làng Ar Bờ Tók, xã Đê Ar, huyện Mang Yang) ngấn lệ. 8 tháng trước, chồng chị qua đời vì tai nạn giao thông để lại 2 con nhỏ. Gia tài của 3 mẹ con chỉ có 3 sào đất trồng mì nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. “5 triệu đồng là số tiền rất lớn với 3 mẹ con. Trước mắt, mình sẽ dùng tiền này mua quần áo, sách vở cho các con chuẩn bị vào năm học mới. Số còn lại tiết kiệm khi nào cần mới chi tiêu”-chị Mlang bộc bạch.
Tô thắm hình ảnh “Người chiến sĩ Hải quân”
Cùng với nhiệm vụ quân sự-quốc phòng và sản xuất kinh doanh, những năm qua, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn luôn quan tâm, làm tốt công tác dân vận, quân vận, chăm lo gia đình chính sách, người có công ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của đơn vị. 
Đại tá Nguyễn Năng Toàn-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tổng Công ty-thông tin: Từ tháng 10-2014, đơn vị đã thành lập “Quỹ phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH, thân nhân liệt sĩ”. Đến nay, nguồn quỹ đã vận động được hơn 42 tỷ đồng để phụng dưỡng 400 Mẹ VNAH và thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước và hiện 193 người còn sống. Đối với tỉnh Gia Lai, Tổng Công ty đã ký kết với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kế hoạch phối hợp tuyên truyền biển đảo hàng năm. Với phương châm gắn bó, nghĩa tình, từ năm 2016, Tổng Công ty đã nhận phụng dưỡng đến cuối đời 11 Mẹ VNAH trên địa bàn tỉnh và hiện còn sống 5 mẹ. “Việc nhận phụng dưỡng các Mẹ VNAH, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng đã kịp thời động viên về tinh thần, giúp cải thiện phần nào đời sống vật chất. Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng cho người lao động trong Tổng Công ty và tô thắm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân” trong lòng Nhân dân”-Đại tá Toàn chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thăm, tặng quà Mẹ VNAH Lê Thị Hàng (thị xã An Khê). Ảnh: Anh Huy
Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thăm, tặng quà Mẹ VNAH Lê Thị Hàng (thị xã An Khê). Ảnh: Anh Huy
Trước đó, Tổng Công ty cũng phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã khởi công xây dựng 2 nhà tình nghĩa cho gia đình ông Bế Ninh Thuận (làng Mông, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) và bà Đinh Thị Pyơi (làng Bờ Ngăl, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Anh Triệu Văn Lộc-Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ya Hội (huyện Đak Pơ) cho hay: “Để gia đình ông Thuận sớm vào ở trong ngôi nhà mới, chúng tôi huy động đoàn viên, thanh niên phối hợp cùng lực lượng dân quân xã tham gia ngày công lao động đào móng, vận chuyển vật liệu”.
Kế hoạch trong năm 2022 của Tổng Công ty là hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà tình nghĩa (80 triệu đồng/nhà). Theo Chủ tịch Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, đây là hoạt động thể hiện tấm lòng, tình cảm, sự tri ân của hơn 800 cán bộ, công nhân viên, người lao động của đơn vị đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đồng thời, đóng góp nguồn lực cùng địa phương chung tay làm tốt công tác quan tâm chăm sóc người có công.
ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm

Giữ vững mạch an sinh, thông suốt chính sách sau hợp nhất

Giữ vững mạch an sinh, thông suốt chính sách sau hợp nhất

(GLO)- Sau khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-6-2025 trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị BHXH Bình Định và BHXH Gia Lai, BHXH khu vực XXIII đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thông suốt vận hành nghiệp vụ, đảm bảo không gián đoạn chính sách, giữ vững lưới an sinh xã hội tại tỉnh Gia Lai (mới).

Thủ lĩnh của làng

Thủ lĩnh của làng

(GLO)- Là người gốc Campuchia nhưng dưới họa diệt chủng của bọn Pol Pot, năm 1978, Rơ Mah Blơi đã cùng gia đình sang Việt Nam lánh nạn. Gần 50 năm qua, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của mảnh đất này, cùng chung tay vun đắp mối quan hệ đoàn kết hai bên biên giới.

Phát huy vai trò quản lý kinh tế của phụ nữ

Phát huy vai trò quản lý kinh tế của phụ nữ

(GLO)- Sau 3 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Gia Lai đã phối hợp hỗ trợ thành lập 14 HTX và 16 tổ hợp tác/tổ liên kết do phụ nữ quản lý.

Gia Lai: Tuyên truyền, giải đáp, tư vấn chính sách hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1-7

Gia Lai: Tuyên truyền, giải đáp, tư vấn chính sách hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1-7

(GLO)- Tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXIII (Gia Lai-Bình Định), hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam 1-7, đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền, giải đáp, tư vấn chính sách BHXH, BHYT tập trung nhấn mạnh chủ đề: “Bảo hiểm y tế-Chia sẻ cộng đồng, bảo vệ sức khỏe toàn dân”.

Chị Nay H’Uôn (thứ 2 từ phải sang, buôn Ji, xã Krông Năng) cùng 4 người bạn vui mừng vì đã sẻ chia giọt máu hồng, trao thêm cơ hội được cứu sống cho các bệnh nhân. Ảnh: Vũ Chi

Hạnh phúc khi được sẻ chia giọt máu hồng

(GLO)- Đông đảo tình nguyện viên huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã tham gia buổi hiến máu tình nguyện vào sáng 28-6. Với họ, hiến máu không chỉ giúp phục vụ tốt hơn công tác cứu chữa bệnh nhân mà còn lan tỏa thông điệp nhân văn vì cộng đồng.

Thắp lửa yêu thương từ căn bếp nhỏ

Thắp lửa yêu thương từ căn bếp nhỏ

(GLO)- Đều đặn 4 giờ 30 phút sáng mỗi ngày, các thành viên của nhóm Bếp Thiện Nguyện Gia Lai (số 56A, đường Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku) lại nhóm lửa nấu nướng và trao từng suất cơm, cháo nóng đến tận tay những mảnh đời kém may mắn.

null