Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, quy hoạch xây dựng được xem là tiêu chí đầu tiên và rất quan trọng trong 19 tiêu chí. Đây là nội dung giúp hoạch định phát triển các không gian trên từng địa bàn xã một cách toàn diện, đáp ứng các yêu cầu về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Xác định được tầm quan trọng của công tác quy hoạch xây dựng, giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện đồng loạt các quy hoạch chung trên địa bàn 182 xã (chủ yếu trong giai đoạn 2011-2012), tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện các hoạt động xây dựng nông thôn mới.
Quy hoạch sẽ tạo cơ sở cho việc lập đề án, chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hà Duy |
Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 812/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, một số huyện, thị xã, thành phố đã chủ động rà soát, tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung các xã giai đoạn 2021-2030, bổ sung các chủ trương, định hướng phát triển của giai đoạn mới; chủ động tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, cụ thể hóa quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, qua đó làm cơ sở tạo mối liên kết mở và định hướng phát triển cho không gian cụm xã, không gian xã.
Ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của xã trong giai đoạn 2021-2025, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã triển khai điều chỉnh quy hoạch, đến nay có 152/182 xã đã hoàn thành việc điều chỉnh. Toàn tỉnh có 3 huyện triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng vùng huyện nông thôn mới, gồm: Kbang, Đak Pơ và Phú Thiện. Trong đó huyện Kbang, Đak Pơ đã hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch xây dựng vùng huyện trình các sở ngành tỉnh thẩm định; huyện Phú Thiện đang triển khai lập quy hoạch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là quy hoạch chung các xã trên địa bàn tỉnh được thực hiện rời rạc, riêng lẻ, thiếu định hướng của quy hoạch xây dựng, do vậy thiếu sự kết nối đồng bộ, thiếu định hướng mang tính chiến lược; tính bền vững chưa cao; xây dựng nông thôn mới chưa gắn với phát triển đô thị, đặc biệt là các xã giáp ranh đô thị. Quy hoạch chung xây dựng nông thôn giai đoạn 2011-2020 chủ yếu tập trung định hướng phát triển các điểm dân cư thuộc khu trung tâm, chưa chú trọng đến định hình các khu chức năng khác…
Thi công Dự án đường Phan Bội Châu (thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy |
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2011-2020, trong hệ thống quy hoạch quốc gia, tồn tại nhiều loại quy hoạch chuyên ngành riêng lẻ, như: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch du lịch,… nhưng chưa có quy hoạch nào thật sự mang tính kết nối để tạo sự đồng nhất trong phát triển. Bên cạnh đó, các giá trị đặc trưng về tự nhiên, địa hình, kiến trúc, cảnh quan, môi trường, văn hóa truyền thống chưa được coi trọng nên nhiều xã nông thôn đang dần mất đi các tiềm năng, lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố còn chậm rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực tiễn xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí về quy hoạch.
Để xây dựng nông thôn mới bền vững, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (diễn ra ngày 21-12), ông Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Xây dựng-cho rằng: “Trên cơ sở các chủ trương, định hướng phát triển không gian kinh tế, xã hội của vùng, lãnh thổ (vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện) của Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiến hành ngay việc triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng huyện. Trong quy hoạch xây dựng vùng huyện, cần nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức; xác định chức năng, vai trò của huyện trong từng tiểu vùng; giải quyết vấn đề liên kết phát triển, bao gồm liên kết ngành và liên kết không gian giữa các xã, thị trấn thuộc huyện nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực phục vụ sự phát triển chung của toàn huyện, trong đó có nguồn lực xã hội hóa”.
Cùng với đó, quy hoạch xây dựng vùng huyện cần được cụ thể hóa bởi quy hoạch chung các xã, trong đó xác định rõ vai trò của trung tâm cụm xã như là một cầu nối tương tác giữa đô thị và nông thôn, tạo sự hỗ trợ phát triển, lan tỏa, tạo hiệu ứng cho các xã có điều kiện kém hơn. Định hướng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt cần tiếp tục được cụ thể hóa bằng các các chương trình, kế hoạch của tỉnh và các địa phương, trong đó cần gắn với nguồn lực và thời gian thực hiện, tập trung ưu tiên đầu tư các hạ tầng khung tạo sự liên kết, kết nối không gian phát triển, tạo đà cho thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa. Để hiện thực hóa các nội dung của quy hoạch và các chương trình, kế hoạch, cần chuẩn bị các nguồn lực và điều kiện cần thiết, tập trung chính vào nguồn nhân lực, nguồn vốn, quỹ đất và cơ chế, chính sách thu hút đầu tư.
100% xã, phường, thôn, làng của Gia Lai có điện Quốc gia, hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: H.D |
“Về nguồn vốn cho đầu tư phát triển khu vực nông thôn, cần đẩy mạnh huy động nguồn vốn từ xã hội hóa thông qua các chương trình, dự án thu hút đầu tư, gắn lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cần có kế hoạch xây dựng quỹ đất phát triển, đầu tư hạ tầng, hướng tới nền sản xuất lớn, hiệu quả cao, thúc đẩy liên kết đầu tư, phát triển cùng có lợi. Cơ chế, chính sách trong giai đoạn mới cần mở nút thắt trong thu hút nguồn nhân lực, nguồn lao động chất lượng cao và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hiệu quả, cơ chế chính sách cần gắn liền với phát triển văn hóa, tiện tích xã hội. Đây có thể được xem là con đường ngắn nhất trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực nông thôn và khu vực đô thị”-Giám đốc Sở Xây dựng nêu quan điểm.