Đa dạng hóa nguồn lực để nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 21-12, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh và Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh.

Huy động gần 8.114 tỷ đồng xây dựng NTM

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.

Qua 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh ta đã có một bước tiến dài, từ quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức đến chuyển biến thành hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đ.T

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đ.T

Theo báo cáo, để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2021-2025, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã triển khai điều chỉnh quy hoạch xã NTM.

Đến nay, 152/182 xã đã hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch; phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn-đô thị và kết nối các vùng miền. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống và sự phát triển kinh tế của địa phương.

Trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã huy động gần 2.786 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình gần 577 tỷ đồng.

Công tác huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực được tỉnh chú trọng đúng mức. Đến tháng 9-2023, tổng nguồn vốn huy động triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh là gần 8.114 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương gần 760 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 11.000 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 3.425 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 2.644 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 55,24 tỷ đồng, vốn người dân đóng góp hơn 217 tỷ đồng.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, nhiều tiêu chí đã được các địa phương hoàn thành và ngày càng tiến gần tới mục tiêu đạt chuẩn NTM. Đến tháng 11-2023, nhiều tiêu chí đạt tỷ lệ cao như: tiêu chí số 1 về quy hoạch có 152/182 xã đạt chuẩn (đạt 83,5%); tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng-chống thiên tai có 178 xã đạt chuẩn (đạt 98%); tiêu chí số 4 về điện có 181 xã đạt chuẩn (đạt 99%); tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn có 182 xã đạt chuẩn (đạt 100%); tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo có 155 xã đạt chuẩn (đạt 85%); tiêu chí số 16 về văn hóa có 169 xã đạt chuẩn (đạt 92,9%)…

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T

Các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM như: mỗi xã một sản phẩm (OCOP); khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM; phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; xây dựng thí điểm trung tâm thu mua-cung ứng nông sản an toàn cấp huyện cũng đạt những kết quả đáng mừng.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 311 sản phẩm OCOP, trong đó có 49 sản phẩm đạt 4 sao và 262 sản phẩm đạt 3 sao; 92/220 xã, phường, thị trấn có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Trong 92 xã này có 38 xã đã đạt chuẩn NTM. Năm 2023, toàn tỉnh có 121 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

Ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm: TP. Pleiku (được công nhận năm 2018), thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa (được công nhận năm 2020).

Có 91/182 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 131 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó có 110 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn tính đến hết năm 2022 còn 25,59%.

Khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng NTM

Tuy đã có nhiều nỗ lực song công cuộc xây dựng NTM tại Gia Lai vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tại hội nghị, đại diện một số sở, ngành, địa phương đã thảo luận và đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả trong triển khai thực hiện chương trình từ nay đến năm 2025.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vũ Ngọc An cho hay: Nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ còn hạn hẹp, sự đóng góp của người dân ít dẫn đến việc hoàn thành xây dựng NTM còn chậm; tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước của các địa phương cũng còn chậm; các tiêu chí trong Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đi vào chiều sâu nên các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện; khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề còn chậm, đến nay vẫn chưa phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2023 cho các đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện các nội dung như: chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM; chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; xây dựng thí điểm trung tâm thu mua-cung ứng nông sản an toàn cấp huyện...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2023. Ảnh: Đ.T

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2023. Ảnh: Đ.T

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 14 tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2023.

Trong khi đó, ông Phạm Trần Anh-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao, nhất là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 89,2% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 21,26% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

“Để đạt tiêu chí giảm nghèo trong Bộ tiêu chí NTM, tôi cho rằng nên thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình. Khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất”-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất.

Theo ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: “Mục tiêu của huyện đến cuối năm 2025 là đạt chuẩn NTM. Huyện đã xác định tầm quan trọng của các tiêu chí số 9 (nhà ở dân cư), tiêu chí số 10 (thu nhập) và tiêu chí số 17 (môi trường), bởi đây là những tiêu chí thể hiện rõ nét vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Thời gian tới, huyện sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu theo yêu cầu của từng tiêu chí, đặc biệt là đường giao thông, điện, trường học, nhà ở dân cư...

Tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP; kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu”.

Được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2013, xã Biển Hồ (TP. Pleiku) đang tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Ông Nguyễn Quốc Vinh-Chủ tịch UBND xã-thông tin: “Xã đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng đến xây dựng NTM thông minh.

Xã sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng mạng, công nghệ thông tin; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM, áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông đồng bộ tại bộ phận một cửa; đảm bảo tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ internet đạt 95%; 50% người dân có sổ sức khỏe điện tử; 100% thiết bị giảng dạy kết nối công nghệ thông tin tại tất cả các phòng học; giới thiệu, quảng bá hình ảnh các sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương trên nền tảng số và mạng xã hội, website của địa phương”.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục rà soát, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh để phát huy tối đa nội lực trong xây dựng NTM; sử dụng hiệu quả kinh phí được hỗ trợ; phát huy tốt hơn nữa vai trò của các thành viên ban chỉ đạo; thực hiện tốt công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn của các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố; chủ động, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chương trình ở các địa phương.

“Đặc biệt, cần đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình; làm tốt công tác huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho chương trình, khuyến khích Nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Phát huy vai trò của người dân và cộng đồng dân cư, bảo đảm cơ chế rõ ràng để người dân chủ động bàn bạc, quyết định, tổ chức thực hiện chương trình theo quy hoạch. Giao cho thôn, làng và cộng đồng dân cư làm các công trình đơn giản”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Tổng thống Hàn Quốc lâm vào đường cùng

Tổng thống Hàn Quốc lâm vào đường cùng

(GLO)- Trong bối cảnh sức ép gia tăng sau nỗ lực ban bố thiết quân luật bất thành trong tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 6/12 cam kết lắng nghe và xem xét kỹ lưỡng những lo ngại của lãnh đạo đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền.