Trước thông tin này, Ngoại trưởng Hungary ngày 3/10 viết trên một trang mạng xã hội: “Chúng tôi đã nói với cơ quan đối ngoại của EU tại Brussels (Bỉ) rằng chúng tôi không thể ủng hộ đề xuất này. Chúng tôi coi đây là một bước đi cực kỳ nguy hiểm... Chúng tôi thấy rằng đề xuất này sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mở rộng xung đột”.
Ông Szijjarto nhắc lại quan điểm Budapest không tài trợ cho việc đào tạo binh lính Ukraine và việc huấn luyện cũng không diễn ra trên lãnh thổ Hungary.
Cùng ngày, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, các nước châu Âu sẽ sớm ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Lý do theo Văn phòng Thủ tướng Hungary công bố trên mạng xã hội X. nêu rõ: “Hiện ở châu Âu, chỉ Hungary coi kiến tạo hòa bình là sứ mệnh của mình. Nhưng chẳng bao lâu nữa, như vấn đề người di cư, những nước khác sẽ hiểu ra sai lầm của chiến tranh và đứng về phía hòa bình".
Theo ông Orban, phương Tây liều lĩnh, dựa trên "những tính toán sai lầm và chiến lược sai lầm" lao vào cuộc xung đột leo thang giữa Ukraine và Nga. Tình hình ngày càng phức tạp, giao tranh chưa chấm dứt. Tuy nhiên, giải pháp cho cuộc xung đột "sẽ không có trên chiến trường....Chúng ta cần ngừng bắn để đàm phán và hòa bình”.
Từ ngày 1/7, cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU đã được chuyển giao cho Hungary. Ngày 5/7, ông Orban bắt đầu 5 chuyến công du với “sứ mệnh hòa bình” trong đó có Ukraine, Nga, Trung Quốc, Mỹ.
Tại các cuộc thảo luận tại Nga và Trung Quốc về sáng kiến hòa bình tiềm năng mà không tính đến ý kiến của EU của ông Orban đã gây ra sự bất bình trong giới lãnh đạo khối này.
Hungary là thành viên EU và NATO, song từ chối hỗ trợ vũ khí hoặc thiết bị quân sự cho Ukraine. Hungary cũng nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga, tranh cãi với các thành viên của khối về hỗ trợ Ukraine.
Thủ tướng Orban nhậm chức năm 2010, được đánh giá là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong số 27 quốc gia thành viên EU. Ông Orban tuyên bố Hungary tiếp tục duy trì quan hệ với Nga.