Bất lực nhìn ruộng đồng bỏ hoang
Năm 2018, quốc lộ 19 (QL19) mới (đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao QL 1 thuộc địa phận xã Phước Nghĩa) được khởi công xây dựng trong sự mừng vui của người dân huyện Tuy Phước (Bình Định). Quốc lộ 19 mới rút ngắn cự ly từ các xã khu Ðông huyện Tuy Phước về trung tâm TP Quy Nhơn.
Tuy nhiên cùng với sự mừng vui khi đường lớn mở thì 24 hộ dân thôn Thọ Nghĩa (xã Phước Nghĩa, Tuy Phước) lại đối mặt với việc 4 ha ruộng bị bỏ hoang, không thể canh tác trong suốt 5 năm qua.
Nguyên nhân bởi QL19 mới cắt ngang qua con đường dẫn từ thôn Thọ Nghĩa ra đồng và vành đai bảo vệ được xây dựng đã bịt lối đi duy nhất của người dân ra nơi canh tác. Trong khi đó, chủ đầu tư, đơn vị thi công không bố trí đường đấu nối, không xây dựng hầm chui để người dân đi lại.
Muốn vào ruộng buộc người dân phải chui bờ taluy, băng qua đường. Dù có muốn canh tác, cũng không có lối nào để vận chuyển máy móc và vật tư nông nghiệp ra vào.
Cánh đồng 4ha bỏ hoang 5 năm không thể canh tác của người dân thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, Bình Định. |
Ông Nguyễn Công Tạo (65 tuổi) trú thôn Thọ Nghĩa cho hay, gia đình có 3.000 m2 ruộng là phương tiện sản xuất tạo kế sinh nhai, nhưng 5 năm qua ông đành để ruộng không cho cỏ mọc.
“Không có lối ra đồng, 5 năm qua tôi đành để ruộng hoang, cả gia đình phải xoay xở tìm việc làm để có thu nhập, trang trải cuộc sống. Trước đây, bình quân 500 m2 cho thu hoạch khoảng 3 - 4 tạ lúa, giờ mất trắng”- ông Tạo nói.
Buồn bã chia sẻ với phóng viên, bà Mai Thị Mặn (57 tuổi) cũng trú thôn Thọ Nghĩa chia sẻ, nhà bà có 12 nhân khẩu 5 năm qua đều không có ruộng để làm, gia đình lâm cảnh khó khăn.
“Mặc dù đã kiến nghị rất nhiều lần khi tiếp xúc cử tri, nhưng người dân vẫn cứ đợi chờ. Trước đây người dân đã nghe thông báo, 4 ha ruộng bỏ hoang sẽ bị thu hồi vì nằm trong quy hoạch xây dựng kho bãi tập kết hàng hóa. Chúng tôi thấy chính quyền về đo đạc và nói sẽ thu hồi, bồi thường. Nhưng đến nay, dự án xây dựng đâu không thấy, ruộng thì bỏ hoang trong khi người dân thiếu gạo ăn”- bà Mặn chia sẻ.
Bà Mai Thị Mặn, hộ dân có 12 khẩu, suốt 5 năm không có ruộng canh tác. |
Theo đơn kiến nghị của 24 hộ dân thôn Thọ Nghĩa qua những cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND các cấp, một số hộ gia đình gần như có 100% diện tích ruộng không canh tác, bị bỏ hoang từ cuối năm 2019 đến nay do ảnh hưởng tuyến đường 19 mới.
“Qua các văn bản trả lời thì UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi diện tích ruộng này và đã lập phương án bồi thường hỗ trợ cho 24 hộ gia đình và một tổ chức với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng vì không sản xuất nông nghiệp được. Nhưng từ đó đến nay không thấy UBND tỉnh tổ chức chi trả bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân chúng tôi”, 24 hộ dân kiến nghị.
Ông Hồ Văn Hướng (thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, Tuy Phước) bức xúc vì 5 năm nay không có ruộng để canh tác. |
24 hộ dân không có ruộng canh tác mặc dù đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng sự giải quyết của chính quyền vô cùng chậm trễ. |
Loay hoay phương án xử lý
Trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 26/12 vừa qua, người dân ở Thọ Nghĩa tiếp tục phản ánh tình hình này đến đại biểu HĐND tỉnh Bình Định.
“Trước đó, UBND xã Phước Nghĩa nhiều lần chuyển phản ánh, bức xúc của người dân lên cơ quan thẩm quyền, đề nghị sớm giải quyết cho người dân”, ông Lê Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa cho biết.
Theo ông Huỳnh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, tại vị trí này việc đấu nối hạ tầng để phục vụ đi lại cho nhân dân trong vùng sản xuất là không phù hợp, không có điểm đấu nối trực tiếp vào QL19 trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030. Chính vì vậy các ngành chức năng cần có sự hỗ trợ hợp lý để người dân ổn định cuộc sống.
"Đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Định xác định, phần diện tích khoảng 4 ha đất trồng lúa của 24 hộ dân thuộc thôn Thọ Nghĩa theo quy hoạch, không có tuyến đường đấu nối với QL19 mới. Ngoài ra, phía tây giáp xã Phước Lộc và phía nam giáp thị trấn Tuy Phước cũng bị chia cắt bởi kênh mương TX5, không có con đường đi lại nào khác", ông Huỳnh Nam thông tin.
Cũng theo ông Huỳnh Nam, khu đồng ruộng này vừa bị ảnh hưởng bởi QL19 mới vừa nằm trong khu vực dự kiến thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu cảng cạn IDC, trung tâm dịch vụ kho bãi, khu chế biến thủy sản tập trung.
“Do vướng mắc như vậy, UBND huyện Tuy Phước tiếp tục có văn bản đề xuất tỉnh xem xét, có phương án trước mắt đền bù thiệt hại cho người dân. Về lâu dài phải có giải pháp cụ thể để giải quyết bức xúc của người dân lâu nay, phải có kế hoạch tổ chức sản xuất phù hợp”- ông Nam cho hay
Tháng 7/2023, UBND tỉnh Bình Định giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát thủ tục pháp lý đối với Dự án xây dựng Khu cảng cạn IDC. Qua rà soát, cơ quan chức năng phát hiện Chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục cho thuê đất đối với dự án trên. Do đó, Sở KH&ĐT đã đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương chấm dứt hoạt động dự án này.
Trong lúc đó, Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh Bình Định đang lập phương án bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng vùng ruộng trên theo quy định. Từ đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng không thực hiện được và người dân tiếp tục kiến nghị vì chậm trễ giải quyết.
“Ban Giải phóng mặt bằng tinh kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục có ý kiến chỉ đạo tiếp theo để các cơ quan liên quan có cơ sở triển khai thực hiện và tham mưu trả lời kiến nghị của cử tri. Trường hợp cho tiếp tục sử dụng đất theo hiện trạng, đề nghị các cấp đầu tư xây dựng hạ tầng/đường giao thông, hệ thống thủy lợi để kết nối với vùng ruộng này để nhân dân sản xuất và xem xét hỗ trợ lương thực trong 05 năm qua cho nhân dân vùng ruộng này”, Văn bản số 1284/BGPMB-BT ngày 25/9/2023 của Ban GPMB tỉnh Bình Định có nêu.