Tên trộm ma mãnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo cáo trạng, do có hẹn trước với Đồn Biên phòng 717 đứng chân trên địa bàn xã Ia O, huyện Ia Grai nên sáng 7-10-2011, 3 phóng viên thường trú vừa tăng cường lên Gia Lai là Lê Công Hạnh (Báo Công an Đà Nẵng), Nguyễn Nam Cường (Báo Tiền Phong), Nguyễn Công Bắc (Đài Tiếng nói Việt Nam) lên đường công tác.

Trước đó, biết được thông tin này, Lê Huỳnh Nam (29 tuổi, quê quán Tuy Phước, Bình Định-thường trú tại Gia Lai hành nghề tự do, tự xưng là phóng viên Báo Bảo vệ Pháp luật khu vực miền Trung-Tây nguyên (theo tờ giấy giới thiệu còn đầy nghi vấn, đề số 50/10 ngày 19-8-2011 do ông Bùi Quang Thanh-Đại diện Báo Bảo vệ Pháp luật tại miền Trung-Tây nguyên ký-ông Thanh đã chính thức nghỉ hưu và chuyển giao toàn bộ công việc cho người kế nhiệm vào ngày 30-5-2011) đã tự nguyện xin được đi theo dẫn đường.

Ảnh: Ngọc Linh
Ảnh: Ngọc Linh

Khoảng 11 giờ cùng ngày, cả nhóm đến Đồn Biên phòng 717. Ban Chỉ huy đồn đã bố trí cho 4 người nghỉ chung 1 phòng. Sau khi ăn cơm trưa xong, Nam đi vệ sinh tại khu vệ sinh cách phòng ngủ chừng 20 mét. Tại đây, Nam thấy có một cây cổ thụ to, phía dưới có một lỗ hổng.

Khoảng 14 giờ, cả nhóm được cán bộ chiến sĩ Đồn dẫn đi tác nghiệp, đến 17 giờ cùng ngày thì xong việc. Về đến phòng, Hạnh, Cường, Bắc lấy máy móc ra làm việc; Nam không làm gì, chỉ dò hỏi ba người về giá trị của tài sản (máy ảnh, máy tính mới).

Sau khi làm việc xong, Hạnh, Cường, Bắc xếp máy móc vào túi xách và để cuối giường nơi nằm nghỉ. Sau đó, cả 4 người đi xuống nhà ăn theo lời mời của cán bộ chiến sĩ Đồn 717.

Trong lúc ăn cơm, Nam thường xuyên đi nhà vệ sinh. Trong khi ra ngoài, Nam đã nảy sinh ý đồ trộm cắp tài sản của Hạnh, Bắc, Cường. Lúc này, vì đồ đạc quá nhiều và các túi xách đều nhỏ nên Nam đã lấy 2 túi xách của Hạnh và Cường cùng túi của mình rồi men theo lỗ hổng phát hiện lúc trưa ra ngoài.

Đến một mương nước, Nam vứt hết tài sản tại đó rồi lại chui qua lỗ hổng quay lại đồn. Nam đã đến gặp và xin phỏng vấn đồng chí Đồn trưởng để mai về trước, tuy nhiên đồng chí này đã từ chối.

Đến gần 23 giờ, khi cả nhóm về phòng nghỉ, Hạnh và Cường phát hiện tài sản bị mất; Nam cũng nói là mình bị mất đồ. Nhận được tin, dù trong đêm khuya nhưng Đồn trưởng vẫn huy động cán bộ chiến sĩ đi tìm đồng thời ra yêu cầu: “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” khi chưa có lệnh.

Đến lúc này, Nam sợ sẽ bị lộ nên đã đóng vai người tốt bụng, tỏ ra sốt sắng rủ 2 cán bộ chiến sĩ Đồn 717 cùng đi tìm tài sản cho đồng nghiệp. Cụ thể, Nam đã phân chia ra ba khu vực (Nam tìm ở đoạn nhà vệ sinh), sau đó Nam mượn đèn pin chui qua lỗ hổng đến chỗ nơi cất giấu tài sản trước đó.

Sau khi lấy hết các tài sản có giá trị bỏ vào túi xách của Cường rồi cất giấu trong một lùm cây rậm. Còn lại 2 túi xách lớn, Nam đã tráo đổi đồ đạc cá nhân, tài liệu của người này sang túi người khác, những thứ như túi đựng máy ảnh, sổ, bút, lịch… được Nam vứt nhiều nơi để đánh lạc hướng điều tra.   

Xong việc Nam quay lại với 2 chiến sĩ Đồn để tạo chứng cứ rằng mình có tích cực đi tìm kiếm tài sản giúp đồng nghiệp nhưng không thấy rồi về phòng ngủ một giấc ngon lành.

Cơ quan Điều tra đã tổ chức giám định dấu vân tay có trên những thứ thu tại hiện trường. Khi đã xác định đó rõ là dấu vân tay, tổ công tác lúc đó có hỏi nghi can Nam nhiều lần rằng: Có trộm cắp tài sản không? Nam vẫn một mực rằng mình chưa hề đụng vào bất cứ tài sản nào của 2 phóng viên Hạnh, Cường. Song cả dấu bàn tay to tướng của Nam nổi rành rành trên công lệnh đi đường của phóng viên Công Hạnh đã tố cáo tên trộm.

Dựa trên những chứng cứ quá rõ ràng, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Ia Grai đã chuyển hồ sơ sang tòa án cùng cấp đề nghị truy tố bị can Nam với tội danh “trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 138 Bộ luật Hình sự (tổng giá trị tài sản bị mất cắp được cơ quan tài chính định giá là 47.500.000 đồng).

Ngọc Linh
 

Có thể bạn quan tâm