Tập trung triển khai chương trình nông thôn mới năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 23-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Dự tại đầu cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh.

quang-canh-hoi-nghi-phia-dau-cau-tinh-gia-lai-anh-ha-duy-5753-906-7992-8123.jpg
Quang cảnh hội nghị phía đầu cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại hội nghị cho biết: Tính đến ngày 20-10-2024, cả nước có 6.320/8.162 xã đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 77,4%); trong đó, có 156 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới; 2.182 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 480 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện cả nước có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; có 7.846 chủ thể OCOP, trong đó, 32,8% là hợp tác xã, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Tiến độ giải ngân các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn thấp. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách trung ương đến tháng 8-2024 đạt 45% tổng kế hoạch vốn được giao; nguồn vốn sự nghiệp chỉ mới đạt 16,2% tổng dự toán thực hiện trong năm. Có 31 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp dưới 20%.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cho hay, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 3/17 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 96/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 159 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả tỉnh đạt 14,9 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 311 sản phẩm OCOP của 40 hợp tác xã, 30 doanh nghiệp và 91 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh.

Quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã gặp một số khó khăn, như: công tác tổ chức tại một số địa phương chưa quyết liệt, đăng ký kế hoạch nhưng chưa quyết tâm thực hiện dẫn đến chưa đạt mục tiêu đề ra (như các huyện: Kbang, Chư Sê, Chư Păh, Krông Pa, Mang Yang); một số tiêu chí đạt nhưng chưa bền vững, như tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều, tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm…

pho-chu-tich-ubnd-tinh-duong-mah-tiep-phat-bieu-tai-hoi-nghi-anh-ha-duy-1365-8246.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà Duy

Một số đề xuất cũng được Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu ra tại hội nghị, như: Trung ương sớm cho chủ trương triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030, vì mỗi giai đoạn chuyển tiếp phải mất thời gian để chuẩn bị dẫn đến triển khai bị gián đoạn; bộ tiêu chí nông thôn mới vẫn còn cao (như tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đạt trên 35%), khó thực hiện nên đề nghị có quy định phù hợp với đặc thù của địa phương; ban hành cơ chế, chính sách cho các xã khu vực II, III theo Quyết định 861/QĐ-TTg tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách sau khi có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đề nghị: Cơn bão Yagi đã gây ảnh hưởng nhiều đến các tỉnh phía Bắc, trong đó có ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chương trình nông thôn mới. Vì vậy, các tỉnh, thành nỗ lực hơn nữa, làm một cách tốt nhất trong thực hiện các chỉ tiêu trong năm 2024.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt chi tiết dự án, đề án, kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm thuộc các chương trình chuyên đề xong trước ngày 30-11; thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai chương trình.

Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông về nông thôn mới và các chương trình chuyên đề thông qua giới thiệu các cách làm hay, sáng tạo ở các địa phương; có các giải pháp bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, chung sức xây dựng nông thôn mới, tăng cường việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới để có đủ năng lực tham mưu, nhất là về cơ chế, chính sách, các nội dung có tính xuyên suốt.

"Các Trung tâm Khuyến nông, Ban Dân tộc, Ban Điều phối… ở các địa phương cần linh hoạt trong khâu tổ chức thực hiện, có thể điều chỉnh các chỉ tiêu, tiêu chí hợp lý; đồng thời, Ban Điều phối cần nâng cao vai trò tư vấn, hỗ trợ cho các địa phương"-Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Gia Lai có 8 doanh nghiệp tham gia Vietnam Foodexpo 2024

Gia Lai có 8 doanh nghiệp tham gia Vietnam Foodexpo 2024

(GLO)- Nằm trong kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Gia Lai) đã hỗ trợ 8 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2024 (Vietnam Foodexpo 2024).