Đây cũng là năm kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước tới nay, tạo tiền đề để công nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Thương mại là điểm sáng
Năm 2024, ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có bước tăng trưởng nhanh, hoạt động kinh doanh, lưu thông hàng hóa thông suốt. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại gắn với xây dựng nông thôn mới tạo thuận tiện cho việc giao thương, góp phần đảm bảo khả năng liên kết cung cầu hàng hóa.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh. Từ đó góp phần quảng bá hình ảnh, giới thiệu cơ hội đầu tư, tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế của tỉnh đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Việc thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, chính sách kích cầu tiêu dùng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ trong năm qua.
Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 60.771 tỷ đồng, tăng 10,14% so với năm 2023.
Đặc biệt, năm 2024, lần đầu tiên tỉnh có sản phẩm L’amant Café của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp trở thành thương hiệu quốc gia. Đây là phần thưởng dành cho các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực kinh tế, đóng vai trò dẫn dắt cho xu hướng phát triển xanh, góp phần tạo nên một Việt Nam thịnh vượng, bền vững và hạnh phúc trong tương lai.
Cũng trong năm 2024, hoạt động xuất khẩu cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã vươn lên vị trí số 1 trong ngành hàng cà phê của Việt Nam, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu cà phê của Gia Lai và chiếm 63% kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt mốc 820 triệu USD (đạt 109,3% kế hoạch, tăng 20,58% so với năm 2023). Ngành hàng chủ lực có sự bứt phá mạnh do nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó, giá cà phê xuất khẩu tăng cao kỷ lục đã đẩy kim ngạch tăng cao, chỉ riêng ngành hàng cà phê đã đạt 620 triệu USD (tăng 26,53% về giá trị).
Hoạt động xuất khẩu liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng; mặt hàng nông sản như cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, sản phẩm gỗ... đã có mặt tại thị trường gần 60 quốc gia trên thế giới.
Việc canh tác cây trồng chủ lực theo các tiêu chuẩn, gắn với truy xuất nguồn gốc để tạo ra tính minh bạch cho sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu. Hiện nay, thị trường xuất khẩu sang châu Âu chiếm khoảng 60%, châu Á khoảng 30%, còn lại là các thị trường khác.
Công nghiệp duy trì đà tăng trưởng
Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,9% so với năm 2023.
Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 18,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,5%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,1%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,4%.
Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đạt và vượt kế hoạch như chế biến đường tinh chế, chè, đá granite, phân vi sinh, chế biến sữa…
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang chiếm tỷ trọng 65% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, trở thành động lực tăng trưởng, đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, tác động lan tỏa đến chất lượng và sự ổn định tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Gia Lai có diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, hơn 837.643 ha đất màu mỡ để sản xuất nông nghiệp, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, mía, chè… Đây là cơ sở để tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 31 cụm công nghiệp với diện tích hơn 1.942 ha. Tỉnh đã thành lập 14 cụm công nghiệp với diện tích 541,53 ha. Các cụm công nghiệp đã thu hút 73 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư với diện tích 125,49 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.852 tỷ đồng.
Tính đến nay, có 61 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, đang triển khai đầu tư và đi vào hoạt động với diện tích 94,47 ha, vốn đầu tư hơn 2.332 tỷ đồng, các dự án đi vào hoạt động có doanh thu hàng năm đạt hơn 1.295 tỷ đồng, thu hút hơn 1.000 lao động.
Thời gian qua, Sở Công thương đã hoàn thiện hồ sơ quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh và kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh.
Một lĩnh vực có sự đóng góp lớn vào phát triển công nghiệp của tỉnh là năng lượng tái tạo. Tỉnh đang hướng đến mục tiêu phát huy tối đa nguồn lực đầu tư cũng như khai thác tiềm năng nhằm hướng đến việc khai thác nguồn năng lượng sạch, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.
Toàn tỉnh hiện có 86 dự án năng lượng tái tạo còn trong quy hoạch với tổng quy mô công suất 4.684,69 MW; đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 3.250,69 MW, trong đó, thủy điện 2.251,69 MW, điện mặt trời 61 MW, điện gió 808,4 MW, điện sinh khối 129,6 MW.
Theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tỉnh được phân bổ công suất tăng thêm trong giai đoạn 2021-2030 là 1.735 MW.
Tổng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo đạt khoảng 12 tỷ kWh/năm. Điều này cho thấy việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo đã khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển, phát huy nguồn lực đất đai; góp phần tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội và du lịch; đồng thời, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Xác định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), ngành Công thương tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển nhanh, bền vững như: thực hiện có hiệu quả các đề án cơ cấu ngành Công thương theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tập trung triển khai việc xây dựng kế hoạch thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, tập trung xử lý, tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp, nhất là vấn đề thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, tập trung vào chế biến sâu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: cao su, cà phê, hồ tiêu, mì, trái cây…
Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển và nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, gắn với quy hoạch kinh tế-xã hội của địa phương. Tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Đối với lĩnh vực thương mại, tăng cường các biện pháp đảm bảo cung cấp hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá thị trường. Tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án dài hạn lĩnh vực thương mại đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước; các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kết nối tham gia sự kiện, hội nghị do Bộ Công thương và các tỉnh tổ chức.
Thu hút, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại như chợ đầu mối nông sản, chợ nông thôn, phát triển kinh tế đêm, phát triển dịch vụ logistics...
Phát triển thương mại điện tử để trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng các quốc gia tham gia hiệp định thương mại tự do: CPTTP, EVFTA, UKVFTA, RCEP...
Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về các thị trường xuất khẩu trọng điểm, giá cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Cơ quan Xúc tiến thương mại-Đầu tư Hàn Quốc khảo sát Khu Công nghiệp Nam Pleiku
Gia Lai: Khẳng định uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp địa phương
Dự báo năm 2025, các chỉ tiêu của ngành Công thương tiếp tục tăng trưởng dựa trên những yếu tố như một số dự án điện gió, thủy điện mới được đưa vào vận hành và phát huy hiệu quả; thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh; nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao; thị trường xuất khẩu mở rộng.
Theo đó, ngành Công thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2024; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong điều kiện bình thường đạt 66.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 850 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 120 triệu USD.