Gia Lai: Khẳng định uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khởi đầu với quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có bước tăng trưởng mạnh, quy mô và lĩnh vực hoạt động được mở rộng, khẳng định được uy tín trên thương trường.

Trong khối doanh nghiệp tư nhân địa phương có tuổi đời hoạt động trên 35 năm, Công ty TNHH một thành viên Thùy Dung (37 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) được ghi nhận là một trong số doanh nghiệp luôn duy trì độ ổn định về quy mô hoạt động kinh doanh, nắm giữ ưu thế trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng, thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát.

Với kinh nghiệm thương trường và tầm nhìn dài hạn, năm 2016, Công ty mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang chế biến cà phê để phục vụ thị trường nội địa.

Phát huy thế mạnh vùng nguyên liệu cà phê, Công ty Thùy Dung Gia Lai đầu tư nhà máy thiết bị chế biến nhiều dòng sản phẩm cà phê chất lượng cao (ảnh đơn vị cung cấp).

Phát huy thế mạnh vùng nguyên liệu cà phê, Công ty Thùy Dung Gia Lai đầu tư nhà máy thiết bị chế biến nhiều dòng sản phẩm cà phê chất lượng cao (ảnh đơn vị cung cấp).

Cùng với việc đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến cà phê Thùy Dung Gia Lai, Công ty chủ động tạo nguồn nguyên liệu từ trang trại trồng cà phê theo hướng hữu cơ, liên kết với nhiều nông hộ trồng cà phê sạch để quản lý, kiểm soát chất lượng cà phê theo chuỗi từ trang trại đến nhà máy. Đến nay, Công ty đã sản xuất ra 19 dòng sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng.

Bà Phan Thị Thùy Dung-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thùy Dung-chia sẻ: “Ngay khi bắt tay vào xây dựng nhà máy, tôi đã đặt mục tiêu sản xuất và cung cấp cà phê hạt chất lượng để phục vụ cho người tiêu dùng.

Từ dòng sản phẩm chủ lực là cà phê hạt chất lượng cao, Công ty đã phát triển các dòng sản phẩm đặc sản cà phê hòa tan, cà phê chồn thượng hạng, cà phê pha phin, cà phê ép máy. Năm 2020, Công ty đã có 9 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao”.

Thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng nóng về doanh số, Công ty chọn hướng phát triển đường dài mang tính ổn định, bền vững từ giai đoạn nền móng, khẳng định thương hiệu bằng chính uy tín, chất lượng sản phẩm.

“Sau những khó khăn ban đầu, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng, yêu thích sản phẩm cà phê hạt rang thành phẩm của Công ty. Doanh số bán cà phê hạt hiện đang chiếm tỷ lệ 50-50 so với các sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan khác. Điều này cho thấy, định hướng kinh doanh chiến lược của Công ty đang theo sát nhu cầu, xu hướng tiêu dùng”-bà Phan Thị Thùy Dung cho biết thêm.

Hơn 90% doanh nghiệp địa phương là doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Từ xuất phát điểm chung này, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng trên hành trình vượt lên chính mình.

Là một trong số doanh nghiệp giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí, Công ty TNHH Song Nguyên Gia Lai (Khu công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku) đã xây dựng uy tín thương hiệu bằng việc thực hiện các đơn hàng gia công, sản xuất cấu kiện kim loại, cơ khí xây dựng phục vụ các công trình xây dựng đường bộ, công trình xây dựng thủy điện-thủy lợi, công trình kỹ thuật dân dụng trong và ngoài tỉnh.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nhiệp giữ nhịp tăng trưởng tích cực đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh nhà (ảnh đơn vị cung cấp).

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nhiệp giữ nhịp tăng trưởng tích cực đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh nhà (ảnh đơn vị cung cấp).

Thành lập từ năm 2000, Công ty khởi nghiệp từ một xưởng gia công cơ khí quy mô nhỏ ở phường Trà Bá. Đến năm 2020, Công ty Song Nguyên đã vươn lên mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng nhà xưởng diện tích 3.000 m2 tại Khu công nghiệp Diên Phú với đội ngũ công nhân, thợ chính lành nghề 30 người. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, theo kịp yêu cầu nghiêm ngặt các đơn hàng lớn, Công ty đã đầu tư xe cộ, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho ngành gia công cơ khí chính xác.

Bằng năng lực, uy tín của mình, Công ty đã ký kết hợp đồng thi công xây lắp các công trình, tham gia một số hạng mục gia công, chế tạo kết cấu thép, mái che, một số đường ống thuộc dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Ia Ly năm 2022, 2023. Đồng thời, mở rộng thị trường hoạt động ra các tỉnh lân cận như Đak Lak, Phú Yên.

Ông Phạm Tiến Dũng-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Song Nguyên Gia Lai-cho biết: “Ngành gia công cơ khí ngày càng phát triển buộc doanh nghiệp phải theo sát thị trường, đầu tư máy móc thiết bị ứng dụng công nghệ cao để phục vụ hoạt động sản xuất, làm ra các sản phẩm đảm bảo độ chính xác đến từng chi tiết.

Với hệ thống máy cắt CNC, chúng tôi thực hiện cắt vật liệu inox, sắt tấm, thép với các hình dạng, thiết kế phù hợp với từng hạng mục công trình xây dựng. Từ sản phẩm gia công lắp ráp đơn giản đến các sản phẩm gia công đòi hỏi độ chính xác cao phục vụ cho các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện”.

Tương tự, Công ty Cổ phần Du lịch Gia Lai thuộc nhóm doanh nghiệp có bề dày trong ngành nhà hàng-khách sạn. Ông Nguyễn Văn Lâm-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai-cho hay: “Có thể nói, trong 10 năm trở lại đây đã đánh dấu giai đoạn đổi mới toàn diện của Công ty. Chúng tôi vừa tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, vừa ứng dụng công nghệ quản lý mới phù hợp với yêu cầu hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, với đội ngũ nhân sự 120 người, Công ty luôn quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ theo xu hướng chung của thị trường”.

Kiên trì theo đuổi mục tiêu, Công ty đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đưa hoạt động kinh doanh đi vào guồng ổn định sau thời gian dài bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Mới đây nhất, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao của Công ty là Pleiku Hotel, Pleiku và Em được công nhận thương hiệu vàng.

Bằng nội lực của mình, các doanh nghiệp dịch vụ lưu trú địa phương đã phục hồi hoạt động kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Sơn Ca

Bằng nội lực của mình, các doanh nghiệp dịch vụ lưu trú địa phương đã phục hồi hoạt động kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Sơn Ca

Năm 2024 là một năm đan xen giữa thuận lợi và khó khăn thách thức với cộng đồng doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tuấn-Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 9.599 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trên một nửa số doanh nghiệp vẫn đang duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp địa phương từ xuất phát điểm nhỏ, theo thời gian đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ về nội lực, đầu tư phát triển quy mô sản xuất kinh doanh dẫn đầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp tư nhân với kinh nghiệm, bề dày hoạt động đã có sự chuyển hướng, mở rộng thị phần kinh doanh ở các mảng, ngành nghề kinh doanh nhiều triển vọng, bắt nhịp xu thế phát triển kinh tế số, kinh tế xanh”.

Có thể bạn quan tâm

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025. Ảnh: Ngọc Minh

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025

(GLO)- Sáng 27-11, Nhà máy Đường An Khê (tỉnh Gia Lai) triển khai công tác chuẩn bị vào vụ ép mía 2024-2025; phát động ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông đối với Nhà máy Đường An Khê, cá nhân kinh doanh vận tải niên vụ mía 2024-2025.

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.