Sổ hộ khẩu sắp bị "khai tử", người dân cần làm gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nếu sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị, khi cần làm hợp đồng điện, nước, công chứng nhà, đất… phải làm thế nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020, kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành (từ 1-7-2021), sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31-12-2022.

Khi nào hết dùng sổ hộ khẩu giấy?

Như vậy, bắt đầu từ 1-1-2023, SHK, sổ tạm trú bằng giấy sẽ chính thức bị “khai tử”, không còn giá trị sử dụng. Cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử hay còn gọi là SHK điện tử.

Điều này đồng nghĩa mặc dù bỏ SHK giấy nhưng Nhà nước vẫn duy trì quản lý hộ khẩu, chỉ là thay thế hình thức quản lý từ cuốn sổ bằng giấy sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn. Người dân vẫn cần phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây…

Khi đăng ký thường trú/tạm trú, thay vì được cấp một cuốn SHK/sổ tạm trú bằng giấy như lâu nay, công dân sẽ được cập nhật thông tin lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.


 

 Từ 1-1-2023, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn sử dụng. Ảnh: TP
Từ 1-1-2023, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn sử dụng. Ảnh: TP


Cũng theo quy định của Luật Cư trú 2020, kể từ 1-7-2021, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong SHK, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi SHK, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật này và không cấp mới, cấp lại SHK, sổ tạm trú.

Ví dụ, công dân có hộ khẩu thường trú tại quận A đến làm thủ tục để đăng ký chuyển thường trú sang quận B. Lúc này thông tin trong SHK về nơi thường trú của công dân không còn chính xác nữa, quá trình làm thủ tục chuyển thường trú, công an sẽ thu hồi SHK của công dân đó. Thông tin về nơi thường trú mới sẽ được cập nhật lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú.

Bộ Công an cho hay những trường hợp được thu hồi SHK khi đi làm thủ tục hành chính sẽ không bị ảnh hưởng gì, bởi mọi thông tin cá nhân của công dân lúc này đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin từ cơ sở dữ liệu này là cơ sở để công dân thực hiện các giao dịch cần thiết.

Cách chứng minh nơi cư trú khi không còn sổ hộ khẩu giấy

Hiện nay, nhiều người tỏ ra lo lắng, thắc mắc rằng nếu SHK giấy không còn giá trị, khi cần chứng minh thường trú để xin cho con đi học, làm hợp đồng điện, nước, công chứng nhà, đất phải làm thế nào.

Theo Bộ Công an, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động và được kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng chung, công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Khi tham gia các giao dịch, công dân có thể xuất trình CCCD để cơ quan, tổ chức có liên quan kiểm tra, đối chiếu thông tin về nơi cư trú của công dân đã cung cấp với thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không bắt buộc công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú.

Tính đến nay, công an các địa phương đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 102 triệu phiếu dữ liệu dân cư; rà soát, “làm sạch” dữ liệu trên hệ thống phần mềm và củng cố hồ sơ sổ sách, tàng thư hồ sơ hộ khẩu được hơn 98 triệu nhân khẩu.

Đồng thời, trên cơ sở dữ liệu dân cư được làm sạch, lực lượng chức năng tiến hành cấp đồng loạt số định danh cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống. Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Đặc biệt, Bộ Công an đã in và trả về cho công an địa phương gần 60 triệu CCCD gắn chip điện tử của công dân thu nhận trong năm 2021.


Cần làm gì trước khi sổ hộ khẩu bị “khai tử”?

Như đã thông tin, còn khoảng 10 tháng nữa, SHK, sổ tạm trú bằng giấy sẽ chính thức bị bãi bỏ. Các thông tin về cư trú của công dân đều được cập nhật lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với người dân, việc cần làm từ nay cho đến thời điểm SHK hết hiệu lực là cung cấp thông tin cá nhân để cơ quan chức năng thu nhập, cập nhật vào hệ thống dữ liệu. Việc này có thể thực hiện thông qua công tác cấp CCCD.

Theo đó, người dân chưa làm thủ tục cấp CCCD gắn chip, nhất là các trường hợp cấp lần đầu, CMND/CCCD hết hạn hoặc CMND chín số, cần đến cơ quan công an làm thủ tục cấp CCCD mẫu mới càng sớm càng tốt.

Về lý thuyết, khi công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính có thể xuất trình CCCD gắn chip để lấy thông tin về cư trú và những thông tin khác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ quan chức năng sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân (số CCCD) để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Vì thế, nếu người dân đang sử dụng CMND chín số, tức là chưa biết mã định danh cá nhân của mình, sẽ khó khăn trong việc xin thông tin về cư trú, dẫn tới khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính khi SHK giấy chấm dứt “sứ mệnh”.

Ngoài ra, quá trình cấp CCCD, có một số trường hợp chưa được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dẫn tới chưa được cấp CCCD. Nguyên nhân có thể do người dân khai báo chưa chính xác hoặc việc thu thập thông tin từ phía cán bộ công an có thiếu sót…

Các trường hợp này hầu hết đã và đang được công an rà soát, thông báo đến người dân để thực hiện điều chỉnh. Khi nhận được thông báo từ cơ quan công an, người dân nên nhanh chóng đến trụ sở làm việc để cung cấp, cập nhật thông tin của mình khớp với dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

https://plo.vn/ban-doc/so-ho-khau-sap-bi-khai-tu-nguoi-dan-can-lam-gi-1043511.html

Theo PHÚC BÌNH (PLO)

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-10, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Gia Lai, Hội CTĐ huyện Chư Sê phối hợp với Hội CTĐ cụm thi đua số 1 (trực thuộc Hội CTĐ TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình công tác xã hội nhân đạo, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng và tặng quà cho học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Chư Sê.