
Bộ Ngoại giao và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Hungary khẳng định “Chính phủ Hungary là chính phủ đầu tiên ở châu Âu nhận được thông tin về những nội dung được thảo luận" tại cuộc đàm phán Nga-Mỹ ở Saudi Arabia.
Theo Thứ trưởng Levente Magyar, ông Bono đã thông báo rằng tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, cả Mỹ và Nga đều không đưa ra "bất kỳ cam kết cụ thể nào”, nhưng việc hai bên đạt được thỏa thuận về mục tiêu chung là hòa bình ở Ukraine có thể được coi là một bước tiến lớn.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tuyên bố: "Không thể có hòa bình bền vững nếu không có Ukraine và EU", theo AFP.
Ông Costa phát biểu tại cuộc họp ngày 17/2 giữa lãnh đạo các nước EU ở Paris, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì. Cuộc họp được mô tả là "khẩn cấp", sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để bắt đầu đàm phán hòa bình Ukraine mà không cần Liên minh châu Âu (EU) tham gia. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo các nước Đức, Anh, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch, đại diện EU và Tổng thư ký NATO Matt Rutte.
Trước đó, EU nhất trí về gói trừng phạt thứ 16 nhằm vào Nga, bất chấp những nỗ lực gần đây của Washington và Moscow nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine.
Gói trừng phạt vẫn chưa hoàn tất, nhưng dự kiến sẽ được các ngoại trưởng EU chính thức phê chuẩn vào ngày 23/2.
Giới phân tích nhận định, châu Âu lo lắng vì không thể góp phần thiết lập một thỏa thuận tiềm tàng, trong khi khu vực là bên sẽ phải gánh chịu những tác động từ kết quả đàm phán.
Suốt ba năm chiến sự Ukraine, châu Âu và Mỹ chung lập trường đối phó Nga, nhưng mọi thứ đã thay đổi đáng kể từ khi ông Trump nhậm chức. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuần trước nói việc Ukraine gia nhập NATO là "không thực tế" và an ninh châu Âu không còn là ưu tiên đối với Mỹ.
Phát biểu sau cuộc họp ngày 18/2 với phái đoàn Nga, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, các bên cần phải “đồng ý với thỏa thuận” về vấn đề Ukraine, ám chỉ đến vai trò của EU, theo The Guardian.
Ông Rubio cũng đánh giá cuộc họp tại Ả Rập Saudi là “bước đầu tiên trong một hành trình dài và khó khăn”.
“Quan trọng là chúng ta cần hiểu được 2 điều. Thứ nhất, Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo duy nhất thế giới có thể thực hiện điều này (giải quyết xung đột ở Ukraine) và tập hợp các bên lại để thảo luận một cách nghiêm túc.
Thứ hai, để chấm dứt cuộc xung đột, các bên liên quan đều phải đồng ý với một thỏa thuận mà có họ có thể chấp nhận được”, ông Rubio nói.
Ám chỉ vai trò của EU trong việc giải quyết căng thẳng với Nga, ông Rubio nói: “Có những bên đang phải chịu lệnh trừng phạt, và EU cần tham gia bàn đàm phán vào một thời điểm nào đó, vì họ cũng là một bên áp đặt trừng phạt”.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay ông đã hủy chuyến thăm theo lịch trình tới Saudi Arabia ngày 18/2 để tránh những gì ông gọi là "sự trùng hợp ngẫu nhiên" sau cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Nga tại Riyadh.
Phát biểu của Tổng thống Zelensky đưa ra khi ông gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau đó, và cho biết bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào về Nga và Ukraine không nên diễn ra "sau lưng" các bên liên quan.
Ông Zelensky nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine nào đều không thể diễn ra nếu không có một số đảm bảo an ninh nhất định.
"Chúng tôi muốn những đảm bảo an ninh này được đưa ra bởi toàn bộ châu Âu, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Mỹ" - ông giải thích.
Về cục diện xung đột Nga- Ukraine, ngày 19/2, truyền thông dẫn nguồn tin từ giới chức quân sự Nga cho biết, quân đội nước này đã vượt biên giới ở tỉnh Kursk và tiến vào lãnh thổ Ukraine.
Động thái trên diễn ra chỉ vài giờ sau cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai phái đoàn cấp cao Nga và Mỹ ở Saudi Arabia để bàn về việc tìm cách giải quyết xung đột ở Ukraine.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt nhận định cuộc đàm phán Nga-Mỹ tại Riyadh là bước tiến lớn hướng tới chấm dứt xung đột Ukraine.
Bà Leavitt khẳng định Mỹ vẫn duy trì liên lạc với các đồng minh châu Âu và với Kiev, khẳng định: “Chúng tôi đang đảm bảo rằng tất cả các bên đều được lắng nghe”.